41% người dân có thái độ kỳ thị với người đồng tính
(Sóng trẻ)- Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Thể hiện người đồng tính trên báo chí Việt Nam”, (ngày 17-2-2009) tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội.
Sự kỳ thị này có xu hướng tăng lên bởi đa số người dân vẫn chưa chấp nhận sự hiện diện của người đồng tính trong xã hội. Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra: đồng tính đến nay vẫn được xem như là một vấn đề nhạy cảm và thường bị giấu kín, ít được đề cập. Bên cạnh đó, các nghiên cứu tại Việt Nam về sự kỳ thị xã hội đối với nhóm người đồng tính còn rất hạn chế.
Theo Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và Môi trường (iSEE), nhiều người đồng tính đã phải bỏ nhà ra đi vì gia đình không chấp nhận giới tính thật của họ; phải bỏ học vì bị đồng môn trêu chọc và bắt nạt; bị đuổi việc, thậm chí, có một số nam đồng tính trẻ ở Hà Nội tự vẫn khi xu hướng tình dục của họ bị phát hiện. Để tránh sự kỳ thị, gần 63% trong số họ đã che dấu tình trạng đồng tính của mình bằng cách tránh tiếp xúc với mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, có một thực tế là bản thân những người đồng tính cũng chưa thực sự hiểu về mình. Họ luôn cảm thấy tội lỗi và nghĩ về giới tính của mình như là một loại bệnh.
Từ những kinh nghiệm khi hợp tác với các nhóm người này ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, các chuyên gia iSEE nhận thấy rằng sự phân biệt đối xử và kỳ thị chính là một trong những gánh nặng lớn cho cuộc sống của những người đồng tính.
Cũng theo Hội thảo, đồng tính nam đang có xu hướng tăng nhanh, riêng tại Hà Nội có khoảng 10.000 người, TP. Hồ Chí Minh có 20.000 người. Những người này có độ tuổi trung bình từ 20-30, trình độ học vấn chủ yếu là đại học và trên đại học. Chỉ có 18,66% có ý định lập gia đình nhưng chủ yếu là do áp lực của cha mẹ.
Út Nguyễn
Lớp Báo ảnh K.26
Cùng chuyên mục
Bình luận