Ai đó trong cuộc đời

(Sóng trẻ) - Tình yêu và những kỉ niệm về gia đình, về những người cha, người mẹ luôn nồng nàn, ấm áp, sưởi ấm trên bước đường đời của con người... Sóng trẻ xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết có chủ đề lấy cảm hứng từ tình yêu thương dành cho những người thân trong gia đình qua những kỉ niệm từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành đã trở thành nguồn động lực cho những thành công trong cuộc sống...


Nó hồng hộc chạy thật nhanh về nhà khoe bài văn tả mẹ được điểm 10. Mẹ cầm tờ giấy kẻ ô li nhỏ xinh đọc lướt. Đôi mày hơi nhíu lại rồi mẹ mỉm cười xoa đầu nó: “Con tả mẹ bạn nào chứ có phải mẹ đâu”. Nó ngơ ngác nhìn mẹ. Chả là nó đã viết: “Mẹ là người em yêu nhất trên đời. Mẹ có làn da trắng bóc, đôi mắt bồ câu nằm dưới đôi lông mày lá liễu, mái tóc dài đen óng như mun…”

“Rengggg… Rengggg” Tiếng chuông báo thức vô duyên làm nó choàng tỉnh giấc. Thì ra, chỉ là một giấc mơ thật đẹp về ngày học lớp ba. Mọi thứ hiện về vẹn nguyên cho một thời ngây ngô và hồn nhiên. Ngày ấy, lớp có 36 bạn thì là 36 bài văn tả mẹ giống nhau y đúc. Mẹ của nó đã được tạo nên bởi bài văn mẫu mà cô giáo đọc. Nó mỉm cười, bất giác nhận ra thời gian trôi nhanh như chớp mắt. Kí ức một thời dĩ vãng như những thước phim ùa về trong nó rõ mồn một. Và có một người lúc nào cũng hiển hiện trong tất cả những khoảnh khắc ấy.

Camera quay chầm chậm… Khung cảnh nhà cũ của ông bà nội hiện ra. Trong ánh sáng vàng lập lòe, nó nhìn thấy một người phụ nữ đứng tuổi trông lạ mặt bồng một đứa bé đỏ hỏn nhỏ xíu chuyền tay cho bố nó. Xung quanh có cả ông bà nội. Mọi người nom đầy lo lắng. Người phụ nữ ấy khẽ nói: “Con bé nặng 1 cân 9 cả tã. Trộm vía đầu rất cứng và mắt sáng”. Phía xa, trên chiếc giường cuối nhà, mẹ nó mỉm cười thở phào nhẹ nhõm. Mãi đến khi học cấp một, nó mới đủ nhận thức để qua lời kể của mẹ, biết rằng, đứa bé sinh non ấy chính là nó. Hẳn là mẹ đã lo lắng biết mấy trong giây phút nó chào đời và biết bao nhọc nhằn để nó lớn lên mạnh khỏe như bạn bè đồng trang lứa. 

Thước phim bất giác cuộn nhanh… Nó lẫm chẫm đi bên mẹ trong sảnh một ngôi trường cấp ba gần nhà nội. Chẳng có ai nài hai mẹ con. Trời chiều bảng lảng những đám mây màu mỡ gà. Mặt trời đang dần lặn xuống sau chân núi Ba phía xa. Nó cứ thế chạy loăng quăng với miếng cơm đã bã ra trong miệng. Mẹ cầm tờ báo phẩy phẩy để muỗi bay đi, thi thoảng lại giục nó nuốt nhanh. Những chiều ấy của năm 1996, khi nó lên hai, là một bản nhạc đều đều không đổi tiết tấu. Bố đi làm xa, cách những 50 cây số. Thời đó giao thông và liên lạc khó khăn, một tháng đôi lần bố mới có dịp tranh thủ về thăm nhà. Là nhớ nhung, là chờ đợi, là mong ngóng… Nó nhìn thấy một dáng người phụ nữ tất tả chăm con, tất tả cơm nước, rồi lại kết thúc một ngày dài trong nỗi nhớ.

Cuộn băng rì rì chuyển cảnh… “Nhanh lên con! Mẹ muộn giờ làm rồi!” Mẹ nói to để nó tập trung ăn nốt miếng xôi thay vì nghếch mắt lên xem quảng cáo. Ngày mới của hai mẹ con luôn bắt đầu bằng những tiếng mẹ thúc giục vì tác phong chậm chạp của nó chỉ với mục đích kéo dài thời gian để không phải đi học. Hai năm sau ngày mẹ và nó chuyển ra thành phố sống cùng bố, mẹ vẫn lóc cóc ngược xuôi với chiếc xe đạp mini Nhật màu trắng. Nó ngồi sau yên xe nghêu ngao hát bài Quốc ca sai nhạc. Và hễ chỉ cần nhìn thấy thấp thoáng chiếc cổng hình chữ A gạch đỏ của mẫu giáo Thực Hành là bài ca khóc lóc lại bắt đầu. Nó cứ nhớ mãi khoảnh khắc đứng trên lan can lớp học mẫu giáo nhìn mẹ hớt hải đạp xe mãi đến khi khuất sau hàng cây phượng. Trong hoài ức bộn bề ấy, hình ảnh mẹ và chiếc xe đạp hiển hiện thật giản dị mà đậm sâu. 

0e6936218_11101862_855499834495832_1226491321_n.jpg

Camera tua nhanh một đoạn và… Ồ kia là nó với cái dáng vẹo vẹo bế đứa em gái ba tuổi bụ bẫm bước vào quán chụp ảnh. Ngày ấy “mốt” chụp ảnh Hàn Quốc lấy ngay đang rất “hot”. Hai chị em chụp hẳn bốn kiểu với các loại tạo hình. Chả là nó dành dụm được mười ngàn đồng và ấp ủ từ lâu sẽ chụp ảnh gửi cho mẹ đang đi học tận Hà Nội. Nó háo hức cầm trên tay bốn tấm hình khổ 3x4 và lại lếch thếch bế em về. Ngày ấy nó học lớp 7. Những chiều chiều, nó dắt em ra ngõ bón cơm. Đứa em gái đến là buồn cười, cứ suốt ngày cầm cái áo của mẹ không rời. Lâu lâu nó hiểu ra, có lẽ đó là cách để một đứa ba tuổi đỡ nhớ mẹ. Thi thoảng, ba bố con nằm trên giường lặng im, chẳng ai nói với ai nhưng có lẽ tất cả đều nghĩ đến mẹ và mong mẹ về thật nhanh.

Nó mỉm cười… Cầm cuộn phim tua ngược. Nó thấy một cô bé 8 tuổi da ngăm ngăm, tóc loăn xoăn đang khóc hu hu và bắt mẹ nhắm mắt lại tìm quyển vở bài tập. Nó cười phá lên khi xem thước phim ấy. Từ ngày học mẫu giáo, mẹ luôn nói với nó rằng mẹ có phép màu, chỉ cần nhắm mắt lại là nhìn thấy nó đang làm gì, đang chơi với bạn nào. Và thế là cô bé ngây thơ tin tuyệt đối. Những trò nghịch ngợm mà nó đầu tiên cho các bạn hay không chịu ăn hết cơm đều giảm dần vì sợ mẹ nhắm mắt nhìn thấy. Và có lẽ mẹ không thể tưởng tượng nổi một ngày con gái bắt mẹ nhắm mắt tìm vở. Mãi về sau này, mẹ mới hài hước kể lại: Trong lúc mẹ giả vờ nhắm mắt, bố đã phải chạy toán loạn tìm quyển vở của nó khắp nhà… 

Nó bỗng rơm rớm. Nó lớn thật nhanh. Có biết bao khoảnh khắc đã rớt rơi giữa cuộc sống mưu sinh bộn bề này. Mẹ của nó không phải là người phụ nữ đẹp từng xentimet với “làn da trắng bóc, đôi mắt bồ câu nằm dưới đôi mày lá liễu” như trong bài văn hồi lớp ba. Nhưng là người đã vẽ nên một tuổi thơ đầy màu sắc trong nó, là những món quà của Ông già Noel bí ẩn, là những tối mẹ cùng nó ôn bài đến muộn, là những khi hai mẹ con í ới tập hát cho nó đi thi và kể cả những lần mẹ đánh đòn lằn đỏ, những lần góp ý nhắc nhở đứa con gái cứng đầu, biết bao lần trong số đó nó đã từng cảm thấy ghét mẹ…

Rồi nó bất giác nhớ về mùa hè năm lớp 10 ấy, ngày mà nó là một trong 5 bạn đại diện lớp đi thi học sinh Giỏi giữa các trường miền núi phía Bắc tại Thái Nguyên. Nó mỉm cười, những giọt nước mắt lăn dài hơn. Cuộn phim đen trắng nó cầm trên tay đang hiện lại khung cảnh của lễ trao giải năm ấy. Như mới là hôm qua…

“Huy chương Vàng…!” – Thầy Trưởng ban tổ chức đọc dõng dạc. Tim nó đập thình thịch. Nó nắm chặt tay đứa bạn ngồi bên cạnh. Mấy đứa bạn ngồi hàng ghế trên nhao xuống gọi nó: “Chuẩn bị lên nhận giải đi thôi. Chúc mừng cậu! Giỏi quá!” Cô giáo chủ nhiệm nhìn nó với ánh mắt trìu mến tràn đầy hi vọng. Trong lớp, nó khá chăm chỉ nên luôn dẫn đầu lớp. Ai cũng nghĩ nó là sẽ chủ nhân của tấm huy chương Vàng.

Giọng thầy trưởng ban vang lên: Tấm huy chương Vàng cuối cùng thuộc về… Võ Mai Anh!” 

Tim nó như ngừng đập và đôi bàn tay ướt sũng mồ hôi. Cô giáo với ánh mắt sửng sốt nhìn nó. Đứa bạn ngồi cạnh quay sang ôm chặt lấy nó. 

Nó không được giải! Đó không phải là tên nó! 

Mọi thứ như vỡ òa! Những ánh đèn pha trên sân khấu nhòe đi. Tiếng vỗ tay của cả hội trường vang lên rầm rập mà nó ngỡ mình đang bay trên một không gian chỉ có riêng nó và sự tủi hổ. Loáng thoáng bên tai những lời xì xào. Những cái vỗ vai động viên đầy ngậm ngùi.

Giữa sự ngột ngạt của hết thảy, nó chỉ muốn có ngay một chiếc máy bay để phi về với mẹ. Dọc đường về, nó không dám nghe điện thoại của mẹ, càng không giám đọc những tin nhắn an ủi mẹ gửi… Nó đã chuẩn bị bao lâu cho kì thi này. Nó nhớ đến ánh mắt tràn trề hi vọng của mẹ trước khi nó lên đường… Ai đó từng nói: Học cho lương lai này kia. Nhưng với nó, học giỏi đơn giản chỉ để nhìn thấy mẹ vui. 

Giữa không gian yên lặng, thước phim rì rì quay. Nó mỉm cười lấy tay lau những giọt nước mắt nhòe trên má. Cho dù nó không đạt được thành tích như mong muốn hay đạt được thành tích thật cao trong các kỳ thi thì mẹ, vẫn cứ luôn là người dõi theo và điều chỉnh mọi cảm xúc trong nó.

Nó đã từng nghĩ: Giá có chiếc mũi không to to như mẹ, giá có đôi chân dài hơn chân mẹ, giá có khuôn mặt trái xoan cằm nhọn chứ không phải bầu bĩnh như mẹ… thì nó sẽ xinh biết mấy. Sự bồng bột và ngây ngô của tuổi trẻ đã khiến nó không nhận ra: Giống mẹ là điều tuyệt nhất trên đời!

Mẹ với dáng người thấp thấp, khuôn miệng cười duyên lạ và đôi mắt đã điểm những vết “chân chim” nhưng sự thấu hiểu thì lúc nào cũng hiển hiện. Cô giáo, chị gái, bạn thân nhất, chuyên gia tâm lý, bác sĩ gia đình... là tất cả những gì nó có thể gọi mẹ. 

Một làn gió thu lùa qua khe cửa làm tóc nó bay bay. Thước phim bỗng hiện ra dòng chữ: “Hạnh phúc là gì ?”. Lòng nở hoa, nó mỉm cười nhìn xa xăm... Câu hỏi tưởng chừng dễ như trở bàn tay ấy mà có người loay hoay cả cuộc đời không tìm được câu trả lời. Còn nó, hạnh phúc đã luôn âm ỉ cháy tự bao lâu nay bởi: Nó có mẹ.

Hà Thanh Thư
Truyền hình K32A1
Ảnh: Internet

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Trung thu trong đôi mắt ngàn sao

Trung thu trong đôi mắt ngàn sao

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - Tết Trung thu trong tín ngưỡng người Việt được xem là Tết của trẻ em. Nhưng, tại nhà X1, ngõ 17 Hoàng Ngọc Phách, phóng viên được chứng kiến một cái Tết Trung thu đặc biệt. Tết Trung thu của những đứa trẻ mang hình hài “trưởng thành”.

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN