Bài học khởi nghiệp từ thất bại của CEO Phan Bá Mạnh
(Sóng trẻ) - Từng hai lần khởi nghiệp với dự án GreenTech - dịch vụ giặt là công nghiệp và Dobody - ứng dụng khớp lệnh trao đổi hàng hóa trên internet nhưng đều thất bại. Ông Phan Bá Mạnh, người sáng lập Công ty Công nghệ Vận tải An Vui đã rút ra những bài học đắt giá cho mình và những startup đang trong quá trình khởi nghiệp.
Đam mê là chưa đủ
Đam mê là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ đối với khởi nghiệp. “Hầu hết các bạn trẻ nhìn thấy khó khăn trong lĩnh vực nào đó cộng với niềm đam mê, muốn tìm giải pháp cho nó và thế là bắt đầu khởi nghiệp. Đây chính là một sai lầm rất cơ bản mà các startup thường mắc phải, họ chưa có những nhận định đúng đắn về thị trường, không dành thời gian xem xét, nghiên cứu xem thị trường đó có đủ lớn để làm hay không”, Ông Mạnh chia sẻ.
Thị trường chính là một yếu tố quan trọng mà các startup cần phải quan tâm hàng đầu khi muốn khởi nghiệp. Theo quy luật của thị trường thì có cầu ắt sẽ có cung, tuy nhiên, giả sử nếu 1 triệu người có nhu cầu thì ta sẽ có 1 triệu khách hàng và ta chỉ cung cấp dịch vụ được cho 1 triệu người đó, nhưng nếu không thể chiếm hết 100% thị phần thì số lượng khách hàng sẽ còn có thể ít hơn. Như vậy lượng cung đưa ra quá lớn mà lượng cầu lại không đủ nhiều để tiêu thụ hết.
Câu trả lời cho bài toán này là gì? Đó là sự nghiên cứu. Các startup trước khi khởi nghiệp phải dành thời gian nghiên cứu tìm hiểu về lĩnh vực mình quan tâm bằng cách khảo sát, tra cứu thông tin trên các website liên quan, các thông báo, các con số được đưa ra của Chính phủ rồi so sánh, đối chiếu, phân tích để xem thị trường có đủ lớn hay không. Nếu không thì đam mê mấy cũng không làm. Trong cuộc chơi khởi nghiệp đam mê thôi là chưa đủ mà cần phải có nhiều yếu tố khác như kinh nghiệm về thị trường, tài chính, quản trị nhân sự.
Ông Phan Bá Mạnh – người tạo nên cuộc cách mạng cho ngành vận tải hành khách liên tỉnh với Công ty Công nghệ vận tải An Vui
Trải nghiệm nhưng không “đốt tiền”
Trải nghiệm để rút ra bài học là một điều quan trọng đối với các startup, tuy nhiên những người trẻ thường không có nhiều vốn vì vậy trải nghiệm sao cho hiệu quả cũng là một điều quan trọng.
“Sự trải nghiệm trước khi làm là một điều được khuyến khích nhưng tuổi trẻ thì có 1, 2 năm để thử còn tiền bạc thì không cho phép” - Ông Mạnh nói. Nhiều người giai đoạn đầu rơi vào nợ nần vì chưa có kinh nghiệm mà đã dấn thân, hậu quả là họ không còn tự tin vào bản thân, không quan tâm đến khởi nghiệp, hoặc đâm lao theo lao nhưng vì đi sai đường nên càng chạy càng xa đích.
Để có được sự trải nghiệm mà không “đốt tiền”, các startup có thể vào các công ty khởi nghiệp để học hỏi, trải nghiệm miễn phí và để nhận ra mình còn thiếu những gì. Hoặc một cách khác là khởi nghiệp nhỏ trên cơ sở là một sự trải nghiệm của bản thân, chủ động làm bằng đôi tay khối óc của mình nhưng không sử dụng quá nhiều tài chính.
Theo ông Phan Bá Mạnh, có 3 hình thức khởi nghiệp đó là: Làm một cách làm mới cho thị trường mới, làm cách làm mới cho thị trường cũ và làm cách làm cũ cho thị trường mới. Mỗi cách đều có những ưu, nhược riêng nhưng lưu ý với thị trường mà các tập đoàn lớn đã làm thì mình phải làm theo cách khác họ, nếu làm theo thì khả năng thất bại rất cao.
Ông Mạnh (nài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp tại An Vui
Gọi vốn thành công không phải là thành công
Nhiều người cho rằng kêu gọi được vốn đầu tư là thành công, nhưng với ông Phan Bá Mạnh đó lại là “chuyển từ thất bại nhỏ sang thất bại lớn”. Với ông điều quan trọng nhất là các công ty khởi nghiệp phải tự chủ được về tài chính. Nếu có 100 triệu mà thất bại thì mất 100 triệu nhưng nếu huy động vốn được 1 tỉ mà thất bại thì mất 1 tỉ. Như vậy việc tự chủ, tự đứng trên đôi chân của mình là rất quan trọng. Nhiều người khi có được vốn đầu tư thì đẩy mạnh nhân sự, quy mô nhưng khi bị rút vốn thì như bị rút ruột, xáo rỗng và không thể trụ được. Nên khởi nghiệp phải coi trọng sự tự chủ, thu bù được chi để có thể tự sống sót được.
Tận dụng những nguồn vốn không phải là tiền
Một trong những yếu tố quan trọng khác là cách đối nhân xử thế, kỹ năng mà bất kỳ một founder cũng cần phải có. Cần phải biết cách dung hòa với mọi người, tập hợp được sức mạnh của tập thể. Hay việc không ngần ngại chia sẻ ý tưởng của mình. Nếu mình thật sự quyết tâm thì khi chia sẻ mọi người sẽ góp ý, hỗ trợ cho ý tưởng của mình tốt hơn. Cũng nên nhờ các chuyên gia, cố vấn cho mình về thị trường và các thông tin liên quan khác. Chính cách ứng xử, tập hợp bàn tay khối óc của tập thể hay tận dụng kiến thức, kinh nghiệm của mọi người là nguồn vốn đáng quý chứ tiền không phải là nguồn vốn duy nhất.
Nguyễn Thị Kỳ Anh
Cùng chuyên mục
Bình luận