Báo chí không phải công cụ quyền lực để "làm tiền"

(Sóng trẻ) - Cái tên Nguyễn Trường Sơn chắc hẳn không còn xa lạ với khán giả yêu thích loạt phóng sự truyền hình “nổi đình nổi đám” của Trung tâm tin tức VTV24, đặc biệt là chuỗi phóng sự vạch trần thực phẩm bẩn. Mời độc giả lắng nghe anh Trường Sơn chia sẻ kinh nghiệm của mình trong thực hiện các tác phẩm phóng sự nói chung và phóng sự truyền hình nói riêng.

Xin chào anh!

Thưa anh, phóng viên có thể tìm đề tài phóng sự ở đâu?

Có nhiều cách để phát hiện đề tài, 1 là sử dụng thông tin khán giả cung cấp qua đường dây nóng, 2 là đề tài từ đồng nghiệp và các mối quan hệ của phóng viên, 3 là thông tin trên mạng xã hội, 4 là đề tài do phóng viên tự phát hiện qua các lần thâm nhập thực tế.

Đề tài thường rất nhiều nhưng phần lớn đều đã được báo chí khai thác, muốn có đề tài hay, góc độ mới cần phải thường xuyên đi thực tế hiện trường, tiếp xúc với nhiều góc cạnh của đời sống xã hội. Chịu khó quan sát và có tư duy logic, phản biện, phát hiện những yếu tố mới, có tính chất mâu thuẫn bên nài lớp vỏ tưởng như bình thường.

Đối với phóng sự viết, làm sao để kết hợp các yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm phóng sự mà không bị quá thiên về tính chất văn học? 

Tính chất của báo chí là cung cấp thông tin cho độc giả, cho nên dù có viết thể loại gì thì cũng nên đưa vào đó những thông tin hay bên cạnh các yếu tố nghệ thuật. Văn phong, cách sắp xếp cấu trúc, gợi mở vấn đề cũng có thể tạo nên những yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm.

16e015217_nguyen_truong_son.jpg
Phóng viên Nguyễn Trường Sơn - "cây" phóng sự điều tra truyền hình của Trung tâm tin tức VTV24

Làm sao để phát hiện và sử dụng chi tiết đắt hiệu quả?

Chi tiết đắt có thể nhìn thấy ngay khi đến hiện trường hoặc phải tìm tòi nó bên dưới nhiều lớp vỏ bọc. Để phát hiện ra phóng viên phải có kinh nghiệm cũng như vốn kiến thức rộng về nhiều vấn đề. Thường xuyên quan sát tất cả các chi tiết tại hiện trường, đặt câu hỏi trước bất cứ vấn đề gì chưa rõ cũng là một cách để có thể phát hiện ra các chi tiết đắt.

Đôi khi chi tiết đắt không chỉ là hình ảnh hay sự việc, mà từ lời nói của nhân vật cũng có thể hình thành các chi tiết đắt, phóng viên cần có cách phỏng vấn gợi mở để nhân vật thoải mái bộc lộ. Trong 1 phóng sự truyền hình dài khoảng 2 phút thì cần có ít nhất 3 chi tiết đắt, đặt vào phần mở đầu, phần giữa và phần kết để buộc khán giả không rời mắt khỏi màn hình.

Nếu bất ngờ phát hiện ra một sự việc có thể chứa vấn đề làm thành phóng sự, anh sẽ làm gì?

Việc phát hiện ra những vấn đề mới, những nội dung mới trong quá trình tác nghiệp là chuyện thường gặp. Lúc đó phóng viên cần nhanh chóng hình dung ra 1 mạch kịch bản mới để không bỏ lỡ những chi tiết đó. Nếu vấn đề lớn, có nhiều chi tiết thì thậm chí có thể xây dựng thành một phóng sự dài kỳ, vẫn triển khai những nội dung đã định nhưng phần cuối gợi mở những chi tiết mới để nối tiếp vào những phóng sự sau. Ghi hình lại tất cả những nội dung mới phát hiện và cố gắng đào sâu các chi tiết liên quan để tránh bỏ lỡ, vì có thể những chi tiết đó chỉ xuất hiện ở một thời  điểm nhất định, nếu bỏ qua về sau muốn làm lại chưa chắc đã thuận lợi.

Trong phóng sự điều tra, nhà báo phải thâm nhập, đóng vai. Có biện pháp nào để đảm bảo an toàn trước những vấn đề nhạy cảm?

Việc nhập vai thâm nhập vốn đã tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, phóng viên trước hết cần có bản lĩnh, kỹ năng nhập vai, quay lén. Đồng thời được trang bị đầy đủ các thiết bị ghi hình bí mật. Biện pháp đảm bảo an toàn tốt nhất là phóng viên phải tìm hiểu kỹ, có đầy đủ thông tin về đối tượng mình theo dõi.

Khi nhập vai cần diễn đúng vai đang nhập, đồng thời ghi hình hết sức bí mật, tránh không để đối tượng phát hiện. Cần có sẵn các số điện thoại của cơ quan chức năng tại địa phương để hỗ trợ khi cần. Không nên thâm nhập cơ sở một mình mà cần có từ 2 người trở lên.Thậm chí có cả những ekip khác ở vòng nài để hỗ trợ. Nên mang theo thẻ nhà báo, giấy giới thiệu để chứng minh thân phận khi cần, nhưng cất giấu ở những vị trí kín đáo.

Phóng sự xuất hiện cái tôi tác giả để miêu tả, bình bàn, vậy làm sao để những ý kiến đó không bị phiến diện? 

Cái tôi tác giả thể hiện ở cách thức thực hiện phóng sự, đề tài và góc độ khai thác phóng sự chứ không chỉ ở câu từ bình luận. Để khách quan tốt nhất chỉ viết lời bình dựa trên hình ảnh hoặc nội dung thực tế, không đưa vào phóng sự những lời bình có tính cảm thán hoặc suy luận không có căn cứ.

Các lập luận trong phóng sự cần dựa vào nhân chứng, nhân vật hoặc ý kiến của các chuyên gia, hoặc văn bản pháp luật. Tốt nhất những vấn đề mấu chốt nên được thể hiện bằng nội dung phỏng vấn các nhân vật có liên quan, sau đó lập luận nối tiếp với nội dung trả lời phỏng vấn. Các nội dung đó cũng cần được nhìn nhận dưới góc nhìn đa chiều, không phản ánh phóng sự một chiều thì sẽ tránh được sự phiến diện.

Đối với phóng sự nhân vật, phải làm gì để nhân vật bộc lộ được những điểm đặc biệt mà không bị gượng ép, dàn dựng?

Để nhân vật thể hiện tốt mà không bị gượng ép thì nên tìm hiểu, trò chuyện với nhân vật trước khi ghi hình để hiểu người ta muốn nói về vấn đề gì, từ đó sắp xếp cấu trúc câu hỏi 1 cách gợi mở, tránh đề cập ngay đến nội dung chính để người trả lời phỏng vấn quen với cách làm việc của phóng viên, từ đó sẽ thoải mái hơn.

Không nên lên sẵn danh sách câu hỏi và gò cứng theo những câu hỏi đó, cần chủ động phát triển câu hỏi dựa trên câu trả lời của nhân vật, từ đó nội dung phỏng vấn sẽ sinh động và tự nhiên hơn. Khi phỏng vấn cần chú ý lắng nghe và tỏ ra quan tâm, thấu hiểu, đồng cảm với nhân vật được phỏng vấn.

Đối với phóng sự sự kiện, làm sao để phóng sự không giống như tường thuật sự kiện? Phải chú ý vấn đề gì?

Với sự kiện cần phát hiện ra đặc điểm quan trọng nhất của sự kiện đó là gì, khán giả sẽ có được gì khi theo dõi thông tin từ sự kiện đó, từ đó tìm ra cách thức tiếp cận, triển khai đề tài 1 cách mới lạ. Khi theo dõi  sự kiện cần chú ý các chi tiết đắt, các nhân vật quan trọng để khai thác thông tin. Mỗi sự kiện cần tìm 1 câu chuyện hay một nội dung nào đó gần gũi, đời thường để thể hiện.

Cái khó nhất khi làm phóng sự là gì? 

Phóng sự phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có cả những vấn đề tiêu cực. Việc thâm nhập hiện trường của các phóng viên điều tra đòi hỏi phải có kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh nhất định. Các phương tiện kỹ thuật cũng phải hiện đại để có thể ghi lại hình ảnh trong điều kiện tác nghiệp khó khăn. 

Những đối tượng bị điều tra thường rất tinh vi, manh động để che dấu hành vi phạm tội của mình, gây ra nhiều khó khăn, nguy hiểm cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Việc thực hiện các phóng sự tiêu cực đôi khi còn chịu nhiều sức ép từ phía người thân, các cơ quan chức năng.

Theo anh thì những phẩm chất cần phải có của một người làm phóng sự là gì?

Nhanh nhẹn, sáng tạo, có góc nhìn riêng và phản ánh mọi vấn đề một cách khách quan, trung thực, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, không sử dụng báo chí như một công cụ quyền lực để "làm tiền". Hiểu rõ sức tác động của báo chí để có góc nhìn nhân văn khi quyết định làm một phóng sự.

Cám ơn anh về những chia sẻ hết sức hữu ích!

Hoài Thu
ĐPT K34 A2

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN