Sự gặp gỡ giữa “Tinh hoa văn học thế giới trong sáng tạo tác phẩm báo chí”
(Sóng trẻ) - “Để có một tác phẩm báo chí hấp dẫn và khoa học khi sử dụng chất liệu văn học thế giới thì trước tiên phải hiểu tác phẩm văn học. Và quan trọng hơn cả, người làm báo phải xác định mình là người làm báo trong việc tiếp cận với tác phẩm văn học. Có vậy mới có được sự hợp lý, khoa học trong việc sử dụng chất liệu văn học thế giới”
Báo chí bản thân nó vốn là một sự vận động và sáng tạo không ngừng. Một bài báo hấp dẫn được người đọc, thu hút và nhận được sự quan tâm của công chúng không phải tự dưng mà có. Báo chí là tiếng nói của công chúng, phục vụ công chúng,vì vậy để có được sản phẩm đến tay công chúng không chỉ đòi hỏi người làm báo phải cập nhật thông tin mà còn phải biết cách hành văn, trau chuốt ngôn từ. Trong đó việc vận dụng sáng tạo tinh hoa văn học mà cụ thể văn học thế giới là điều không thể thiếu.
Đáp ứng nhu cầu của cả người làm báo và người tiếp nhận, cuốn “Tinh hoa văn học thế giới trong sáng tạo tác phẩm báo chí” do T.s Nguyễn Thị Tuyết Thu - Phó Chủ nhiệm khoa Kiến thức Giáo dục Đại cương - Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ biên thực sự là cuốn sách mà mỗi người đã, đang và sẽ làm báo cần và nên trang bị cho mình. Cuốn sách được chia làm 2 phần: Trong đó phần 1 là những bài nghiên cứu hết sức tâm huyết của các tác giả về việc vận dụng tinh hoa văn học thế giới trong sáng tạo tác phẩm báo chí. Phần 2 là tập hợp những bài báo có sử dụng chất liệu văn học thế giới trong sáng tạo tác phẩm báo chí.
Văn học thế giới “sống lại” trong tác phẩm báo chí
Trong một bài báo thì tít và Sapo (Chapeau: trong tiếng Pháp nghĩa là cái mũ) là những phần không thể thiếu . Thậm chí nó còn là phần quyết định đến số phận của bài báo đó, là chủ đề, là linh hồn của tác phẩm báo chí. Sử dụng văn học thế giới như thế nào để rút tít, viết sapo hay cắt dán vào tác phẩm?Những câu hỏi đó sẽ được giải đáp một cách cặn kẽ trong cuốn sách. Việc sử dụng đắc địa chất liệu văn học thế giới đối với báo chí được thể hiện trên cả 3 bình diện: Với nghề báo, với người làm báo và với công chúng tiếp nhận. Nài ra việc sử dụng chất liệu văn học thế giới còn góp phần làm văn hóa hóa báo chí.
Bằng nhiều cách khác nhau, mỗi người làm báo lại lựa chọn cho mình những cách viết riêng mặc dù đều sử dụng chất liệu văn học như một phương tiện hữu ích và hiệu quả. Việc vận dụng văn học vào báo chí đã “đánh thức những tri thức về văn học nhân loại nằm sâu trong vốn hiểu biết cá nhân, giúp họ nhận ra sắc diện mới của chúng trong bài báo Việt”. Đó có thể là hình ảnh của Cô bé Lọ Lem của người Đức trong tít “Cô bé “Lọ Lem” trở thành giảng viên đại học (Vietnamnet.vn) hay là hình ảnh của “Trái tim Đancô” trong truyền thuyết của người Nga xuất hiện trong tít “ ”Trái tim Đancô” của rừng già Giangmopho!” (An ninh thế giới). Việc vận dụng văn học thế giới vào đặt tít hay sapo giúp nhà báo kiệm lời tới mức tối đa mà vẫn khắc họa chân xác và sống động đối tượng cần đề cập.
Văn học thế giới trong việc hình thành phong cách nhà báo
Văn học thế giới khi được đem vận dụng trong báo chí còn có tác dụng hình thành nên những phong cách riêng cho từng nhà báo. Những nhà báo tiêu biểu như nhà báo Bùi Hàn Sĩ, nhà báo L.Trung hay nhà báo Đông Tà…là những điển hình cho phong cách báo chí chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học thế giới. Văn học thế giới mang trong mình một vai trò rất quan trọng vì nó có tác động không hề nhỏ đối với báo chí, đặc biệt là trong việc hình thành những phong cách riêng của không ít nhà báo. “Điều để lại sâu sắc nhất trong ký ức bạn đọc không phải là thông tin họ thu nhận được, bởi thông tin luôn cần đổi mới, thông tin sẽ mất ý nghĩa khi không còn cập nhật thời điểm đưa tịn. Sau mỗi trang báo, cái còn lại chính là phong cách người làm báo, cái chân dung tâm lý của nhà báo. Đó mới thực sự là thành công của người làm báo trong loại hình sáng tạo nghệ thuật gian khó và vinh quang này”.
Tắc phẩm “Tinh hoa văn học thế giới trong sáng tạo tác phẩm báo chí” là một cuốn sách bổ ích cho những người đã đang và sẽ làm báo. Cuốn sách đã hướng bạn đọc đến với những góc cạnh, những hướng đi mới trong cách viết và làm báo. Đó cũng là tinh hoa được chắt lọc để báo chí Việt vừa hòa nhập trong tinh hoa văn học thế giới nhưng lại cũng không hề bị hòa tan trong biển kiến thức mênh mông ấy.
Nguyễn Mơ
Báo mạng điện tử k34
Cùng chuyên mục
Bình luận