Báo động ngôn ngữ giao tiếp trên mạng xã hội
(Sóng trẻ) - Nếu không bỏ được thói dùng ngôn từ xấu xí trong giao tiếp trên mạng xã hội, chúng ta khó có thể tự xây dựng được môi trường tranh luận văn minh.
Ngôn ngữ lệch chuẩn trong giao tiếp trên mạng xã hội được hiểu là những ngôn từ tục tĩu, lăng mạ, phỉ báng thông qua những từ ngữ được sử dụng ngoài xã hội. Các hình thức, dấu hiệu có thể xuất hiện của ngôn ngữ này như tiếng lóng, ẩn ý hoặc biểu hiện một cách trực tiếp, qua cú pháp, phong cách. |
Thiếu văn hóa trong lời nói!
Khi muốn lưu ý vể ứng xử của cá nhân với mọi người xung quanh, người xưa có câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nghĩa là, ngoài việc ăn uống, hành động sao cho tế nhị và có văn hoá thì lời ăn tiếng nói cũng phải thể hiện là người có học. Trong giao tiếp, ngôn ngữ nói được coi là chìa khoá để bày tỏ suy nghĩ, ý định, trạng thái của cá nhân rõ ràng nhất. Thông qua ngôn ngữ, ít nhiều nhân cách của con người được biểu lộ. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn, nhiều người không tiếc tiền đầu tư cho các khoá học về kỹ năng mềm để hoàn thiện bản thân nhưng ít ai để ý đến lời ăn, tiếng nói của mình trên mạng xã hội.
Thời gian gần đây, phát ngôn “bỏ túi từ thiện là bình thường” của PSG.TS Trịnh Hòa Bình đã làm dậy sóng cộng đồng mạng. Rất nhiều tài khoản đăng đàn tranh luận, phản biện về quan điểm của ông. Bên cạnh những bài viết đưa quan điểm cá nhân với lời lẽ phê phán, phản đối kịch liệt nhưng vẫn đảm bảo sự chừng mực, lịch sự trong văn hoá tranh luận thì rất đông người dùng từ ngữ vô cùng nặng nề như “có vấn đề”, “khốn nạn”, “vô học” khi để bày tỏ thái độ phản đối.
Cơn bão phê phán không chỉ dừng lại ở phân tích đúng sai của việc làm từ thiện mà còn chuyển sang công kích, lăng mạ bằng ngôn từ độc ác, đi quá giới hạn đạo đức cho phép. Thậm chí, có người ghép ông vào những hình ảnh phản cảm, những câu nói vô văn hoá chỉ để mua vui, chế nhạo. PGS.TS Trịnh Hoà Bình đã luống tuổi và ông đang phải nghe những lời “chửi rủa” từ của nhiều người ít tuổi hơn mình
Thực tế không chỉ có những phát ngôn gây “sốc” mới khiến cộng động mạng chú ý, sau loạt “scandal” về việc từ thiện của mình nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chính thức phản pháo trong một buổi trò chuyện với YAN NEW: “Người ta trắng trợn dựng chuyện bịa đặt… Và không sợ một nghiệp báo nào cả”.
Trước những phản ứng của nghệ sĩ, những người được coi là “anti fan” đã có những lời lẽ vô cùng tục tĩu và lăng mạ nghệ sĩ dù bên phía nam ca sĩ chưa hề sử dụng bất kì một câu từ nhạy cảm nào. Họ dùng những câu từ xúc phạm đến giọng hát. những lời miệt thị về giới tính và thậm chí là “vơ đũa cả nắm” khi “chửi” cả báo chí và cho rằng nghệ sĩ và báo chí bảo vệ lẫn nhau.
Khen chê là quyền của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, khen chê cũng cần có văn hoá chứ không phải dùng những lời lẽ gây “sát thương” người khác. Bản chất của tranh luận phải hướng tới tính xây dựng, làm rõ vấn đề chứ không đồng nghĩa với việc vui dập người tranh biện với mình. Do đó, việc dùng từ ngữ chuẩn mực là một trong những căn cứ để đảm bảo về một cuộc tranh luận văn minh, có kết quả tốt đẹp.
Bàn về chuẩn ngôn ngữ trong giao tiếp, TS.Trần Thị Vân Anh, giảng viên Khoa Phat thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí Tuyên truyền cho rằng: “Ngôn ngữ chuẩn mực trong giao tiếp là một trong những biểu hiện của sự phát triển văn hóa. Như vậy có thể khẳng định, ngôn ngữ chuẩn được hình thành do yêu cầu của một xã hội có trình độ văn hóa cao. Ngôn ngữ chuẩn trong giao tiếp cần tuân theo những quy tắc xã giao, ứng xử tối thiểu, hoàn toàn không thể là những ngôn từ thô lỗ, mất lịch sự”.
Nói tục để thoả mãn cái tôi bản năng
Mạng là ảo, nhưng nét văn minh giữa con người với con người với nhau là thực. Một câu hỏi đặt ra là những người đăng đàn nhận được gì khi hả hê buông những lời lẽ xấu xí để bủa vây một cá nhân như vậy?
Trao đổi về vấn đề này, TS.Trần Thị Vân Anh nhận định: “Việc xuất hiện những vi phạm trong ngôn ngữ giao tiếp, đặc biệt là trên mạng xã hội là do suy nghĩ của những cá nhân đó chưa nhận thức được việc cần phải làm đẹp cho văn hóa dân tộc nói chung và cho cả bản thân nói riêng qua ngôn từ của mình hoặc đơn giản chỉ là chưa kiềm chế cái mong muốn phóng túng bản năng trong người là nói tục”.
Bản năng của con người là luôn thích thể hiện cái Tôi, thậm chí muốn đặt cái Tôi của mình lên tất thảy mọi người. Khi cái Tôi bản năng được ưu tiên, trong mọi cuộc tranh luận, người ta sẽ tìm mọi cách để giành chiến thắng, bao gồm cả việc dùng những từ ngữ lăng mạ, hạ thấp người đối thoại. Sự chiến thắng khiến người ta hả hê, cái Tôi kiêu mạn được thoả mãn. Nhất là khi cái Tôi đó núp dưới một tài khoản trên mạng xã hội và gần như không phải chịu trách nhiệm gì cho những phát ngôn của mình. Nhưng họ không hiểu rõ rằng, việc giữ những định kiến và cái Tôi chỉ làm tăng cảm xúc tiêu cực và vô hình chung chính họ đã tự hạ thấp chính bản thân mình.
Sẽ có quan điểm cho rằng, con người ta phải “được ăn, được nói” để bộc lộ cảm xúc cũng như ý kiến quan điểm một cách chính xác và rằng những người bị họ công kích là hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, theo TS.Trần Thị Vân Anh, ngôn ngữ lệch chuẩn có thể sẽ gây những cảm xúc tiêu cực cho người nghe.
Có thể thấy, chỉ có những người bất lực về lý lẽ, thiếu đạo đức mong muốn giành phần thắng công kích người đối diện bằng ngôn từ. Nếu không bỏ được thói dùng ngôn từ xấu xí trong giao tiếp trên mạng xã hội, chúng ta khó có thể tự xây dựng được môi trường tranh luận nghiêm túc và văn minh.
Ý thức là ở mỗi cá nhân
Dù rằng việc ngôn ngữ lệch chuẩn về đạo đức trên mạng xã hội đang diễn ra ngày càng nhiều nhưng các chế tài hay việc đưa ra chỉ thị xử phạt những người có phát ngôn đó là chưa rõ ràng. Luật sư Võ Đan Mạch – giám đốc Công ty Luật TNHH TAPHA (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Quy định hiện hành vẫn còn khá bỏ ngỏ và nhiều khoảng trống nên chưa thể xử lý triệt để hành vi nói tục, chửi bậy "văng mạng" trên mạng xã hội”.
Biết được mức độ nguy hiểm của vấn đề, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với 3 chương và 9 điều trong bộ quy tắc. Trong đó, nổi bật trong Bộ quy tắc ứng xử có đề cập “Điều 3, Chương II - Quy tắc ứng xử chung: hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật”.. Có thể thấy trong Bộ quy tắc ứng xử đã có điều hướng nhất định và có quy định rõ ràng đối với những người tham gia mạng xã hội.
Chia sẻ về khả năng và những biện pháp để cải thiện ứng xử trên mạng xã hội, TS. Nguyễn Quang Hòa chia sẻ: “Giải quyết việc ngôn ngữ thiếu văn hóa trên mạng xã hội là bất khả thi bởi thành phần nhóm người sử dụng mạng xã hội rất nhiều. Có thể là những người thiếu giáo dục hoặc không có giáo dục, những dân “giang hồ”,… do đó nếu ta nói về học sinh, sinh viên có thể nhờ đến giáo dục từ nhà trường còn việc để “giáo dục” những đối tượng “bất hảo”, hay những người không được đi học,… gần như là rất khó.”
Như vậy, có thể thấy rằng dù Bộ quy tắc ứng xử đã ra đời nhưng việc thay đổi ngay lập tức các hành vi lệch chuẩn ngôn ngữ giao tiếp trên mạng xã hội là chưa khả thi. Cuối cùng, mọi biện pháp và khắc phục tình trạng này đều phải từ mỗi cá nhân và cộng đồng có ý thức trong việc kìm hãm cái “tôi” và phải biết được khoảng cách giữa tự do ngôn luận và phát ngôn thiếu giáo dục.
Vì vậy, tất cả vẫn phải xuất phát từ bên trong bản thân mỗi người từ sự giáo dục của gia đình, môi trường sinh sống hay sự nhận thức của mỗi cá nhân, hãy nên nhớ rằng: “Mỗi lời nói chúng ta nói ra luôn nhớ rằng mình là ai”.