Báo Nhân Dân - “đại thụ” của làng báo Việt Nam
(Sóng Trẻ) – Chúng tôi sững người trước cây đa to lớn bác Ba chỉ tới. Ngước nhìn đại thụ, bác nói: “Cây đa này sống ở đây gần 300 năm rồi. Đây chính là biểu tượng của báo Nhân Dân, sức sống lâu dài của nó cũng như sức sống và sự tồn tại lâu bền của báo vậy!”.
Theo yêu cầu môn học, chúng tôi vừa có chuyến đi thực tế tham quan và tìm hiểu tòa soạn báo. Tòa soạn mà nhóm tôi lựa chọn cho đề tài của mình là tòa soạn báo in Nhân Dân Việt Nam. Vì đây là bài kiểm tra học phần cuối kỳ nên chúng tôi rất lo lắng. Sáng sớm chưa đầy 6 giờ, chúng tôi đã sốt sắng gọi nhau đi đến tòa soạn. Lòng ai cũng háo hức mong đợi một chuyến thăm thuận lợi suôn sẻ, và quan trọng là thu thập được nhiều thông tin về tòa soạn.
Được biết, báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhà nước, là tiếng nói của quần chúng nhân dân; nên được đến đây tham quan thực tế là một điều rất vinh dự đối với nhóm tôi. Các thành viên đều hồi hộp mong chờ giây phút được đặt chân đến tòa soạn và được gặp gỡ những người làm việc ở đây, những người đã có cống hiến lớn lao cho sự thịnh vượng của tờ báo.
Đi một vòng quanh hồ Gươm chúng tôi mới tìm được tòa soạn. Địa chỉ tòa soạn là số 71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Địa thế tòa soạn đẹp và thoáng mát, ngay cạnh bờ hồ Gươm xinh đẹp. Tại đây, chúng tôi được trò chuyện với bác Đinh Xuân Ba, cán bộ phòng Tổ chức hành chính, đã làm việc ở báo được 30 năm.
Ra đời từ ngày 11/3/1951, thời điểm đất nước còn trong bom đạn chiến tranh ác liệt, báo Nhân Dân có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng, nhà nước; định hướng quần chúng nhân dân lao động đi theo lý tưởng chủ nghĩa cách mạng vô sản mà Hồ chủ tịch đã lựa chọn. Báo Nhân Dân có vai trò to lớn trên mặt trận tư tưởng - chính trị. Do hoàn cảnh chiến tranh, báo đã có nhiều lần thay đổi địa điểm. Đầu tiên trụ sở báo ở chiến khu Việt Bắc, căn cứ cách mạng của đảng ta trong những năm kháng chiến chống Pháp. Sau đó do sự tàn phá của bom đạn nên có nhiều lần di chuyển tòa soạn. Nhiều phóng viên, biên tập viên… của báo vừa làm nhà báo vừa tham gia cầm súng đánh giặc và đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.
Tồn tại đến ngày hôm nay, báo Nhân Dân đã gặt hái được nhiều thành tích đáng ghi nhận, báo vinh dự được nhận những huân chương cao quý: Huân chương Sao Vàng, huân chương do chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng, huân chương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới hạng Nhất… Đây là thành quả cho sự cống hiến lớn lao của đội ngũ những người làm báo Nhân Dân.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trước bối cảnh đất nước hiện nay, báo Nhân Dân có vai trò quan trọng trong việc phát huy tiếng nói của Đảng, lên tiếng phê phán, tố cáo những hành vi gây rối trật tự trong nước và các thế lực phản động nước nài. Rất nhiều bài báo đã thẳng thắn phê phán hành động vi phạm pháp luật, mà tiêu biểu gần đây có vụ kích động gây rối ở xã Nghi Phương, tỉnh Nghệ An. Các phóng viên báo Nhân Dân đã kịp thời có mặt phát hiện ra thủ phạm, giúp lực lượng công an xử lý những kẻ gây rối trật tự nơi công cộng. Trước tình hình biển Đông ngày càng phức tạp, báo Nhân Dân đã có vai trò to lớn trong việc cổ vũ tinh thần yêu nước của nhân dân; tìm những tư liệu, bằng chứng để chứng minh chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam… Báo Nhân Dân góp công lao không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc thời kỳ hội nhập. Với vai trò là tiếng nói của Đảng, báo Nhân Dân có vị thế rất quan trọng trong đời sống chính trị đất nước.
Chụp ảnh kỷ niệm bên cây đa biểu tượng của báo Nhân Dân
Đến tòa soạn, tôi đã tận mắt chứng kiến các anh chị, các cô các bác phóng viên, biên tập viên làm việc. Họ làm việc rất nghiêm túc và có kỷ luật cao. Quy định tòa soạn chặt chẽ gây áp lực cho họ nhưng mặt khác lại tạo sự linh hoạt, nhanh nhẹn, chủ động xử lý cho phóng viên, biên tập viên trong mọi trường hợp. Các khâu viết bài, biên tập tin tức, in ấn… đều nằm trong một khuôn khổ nhất định, tạo nên môi trường làm báo khá khắc nghiệt. Tôi nghĩ rằng, đây là môi trường tốt để rèn luyện khả năng nghiệp vụ cho những người làm báo. Báo Nhân Dân đã đào tạo ra nhiều thế hệ nhà báo nổi tiếng như nhà báo Hữu Thọ, Thuận Hữu…
Báo Nhân Dân hằng ngày phát hành hơn 220.000 tờ/ngày. Chưa tính đến các ấn phẩm cuối tuần, hằng tháng. Đây là con số không nhỏ đối với một tờ báo in. Nó đã chứng minh cho thành công của báo, là niềm hy vọng phát triển đối với những cơ quan báo in khác. Đây là thành quả, mồ hôi công sức, thậm chí là thể xác của những người làm báo Nhân Dân, họ đã xông pha trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội… để tạo nên những tác phẩm báo chí mang tầm cỡ thời sự quốc tế.
Báo Nhân Dân xuất hiện thay thế vị trí của báo Sự Thật. Khi được hỏi về ý nghĩa của tên báo, bác Ba cho biết: “Nhân Dân có nghĩa là hoạt động vì nhân dân, lấy dân làm gốc, là nền tảng cho sự phồn vinh của đất nước. Một đất nước nếu không có nhân dân thì không còn là đất nước nữa. Phục vụ nhân dân là tiêu chí của báo, đây là nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả của báo Nhân Dân. Nhân Dân thay mặt cho Đảng Cộng Sản Việt Nam là diễn đàn của quần chúng nhân dân cả nước. Tiếng nói của báo chính là tiếng nói của Đảng Cộng Sản Việt Nam”.
Trong xu hướng báo chí - truyền thông phát triển rầm rộ, với những tính năng nổi trội hơn của báo phát thanh, truyền hình, báo mạng; báo in ngày càng ít nhận được sự quan tâm của độc giả. Tuy nhiên, báo Nhân Dân vẫn nhận được sự quan tâm và ủng hộ nhiệt thành của độc giả trong và nài nước bởi những ưu điểm của một tờ báo Đảng: thông tin chân thật, trung thực; nội dung tin quan trọng, hữu ích đối với quần chúng lao động. Độc giả có thể ít đọc báo Nhân Dân hơn trước, nhưng lòng tin đối với những thông tin trên báo thì rất bền bỉ.
Những người làm trong báo Nhân Dân hầu hết là những người dày dạn kinh nghiệm trong công việc cũng như cuộc sống. Đến đây, tôi được gặp gỡ với rất nhiều người, họ chia sẻ cho chúng tôi biết về nghề báo, truyền cho chúng tôi nhiệt huyết và đam mê. Tôi thấy tự hào biết bao về nghề mình đã lựa chọn. Số lượng phóng viên trẻ, năng động khá lớn: 475 người, trong đó có 6 phóng viên thường trú tại nước nài, thường xuyên cung cấp thông tin trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, số lượng phóng viên thường trú ở nước nài vẫn còn ít, đây là một trong những hạn chế của báo Nhân Dân. Nhưng theo giải thích của bác Ba - một người đã có thâm niên với báo, thì kinh phí dành cho phóng viên nước nài rất tốn kém, nên việc huy động nhiều phóng viên thường trú qua nước nài còn hạn chế. Phóng viên mới có mặt tại một số nước quan trọng trong chiến lược phát triển trong nước và thế giới như: Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Lào.
Tôi sững người trước cây đa cao lớn, rễ sum sê, đâm ra tua tủa, lao xuống mặt đất, cụm này nối với cụm kia tạo thành đại thụ. Nghe kể cây đa đã sống ở đây 300 năm rồi. Cây đa đứng đó, như một nhân chứng chứng kiến sự phát triển, thay đổi của tòa soạn. Qua bao năm tháng, cây đa vẫn sống, càng ngày càng xanh tốt. Cây đa này là biểu tượng của báo Nhân Dân, biểu tượng cho sự tồn tại bền vững, sự trường tồn mãi mãi của báo. Và thực tế chúng ta đã thấy, sức sống mãnh liệt của báo Nhân Dân trong lòng quần chúng.
Cao Thị Sơn
Phát thanh K31
Cùng chuyên mục
Bình luận