Bảo tàng Lịch Sử Quân sự Việt Nam: Nơi tìm lại ký ức thời chiến
(Sóng trẻ ) - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thu hút hàng trăm lượt khách tham quan mỗi ngày, đặc biệt là các cựu chiến binh – những người viết nên trang sử hào hùng dân tộc.
Không gian chứa đựng “hồi ức”
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới từ năm 2019, trên diện tích 386.600m2 ,với thiết kế hiện đại, nhiều công năng.
Kiến trúc bảo tàng không đơn thuần chỉ là công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh, mà còn tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thu hút hàng vạn lượng du khách tới tham quan bảo tàng. Đặc biệt là lượng lớn các cựu chiến binh, người cao tuổi từng sống trong thời chiến. Với thiết kế hiện đại, nhiều công năng tạo ra các không gian tương tác và trải nghiệm về lịch sử quân sự Việt Nam, về cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc.
Mỗi bước vào các không gian trưng bày, khám phá những hiện vật và câu chuyện lịch sử tại bảo tàng, mỗi người lại một lần nữa nhớ về sự hy sinh của bao thế hệ cha anh vì hòa bình cho đất nước, từ đó thêm yêu mến Tổ quốc, trân trọng giá trị hòa bình và sống xứng đáng với những sự hy sinh xương máu ấy.
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là một trong sáu bảo tàng quốc gia và đứng đầu hệ thống các bảo tàng quân đội. Diện mạo mới của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là một bước chuyển mình mạnh mẽ, với mục tiêu trở thành điểm đến văn hóa thu hút không chỉ du khách trong nước mà còn cả bạn bè quốc tế, những người muốn tìm hiểu về văn hóa và lịch sử, đặc biệt là lịch sử quân sự Việt Nam.
Hành trình trở về quá khứ
Mỗi ngày, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đón tiếp hàng trăm cựu chiến binh, trong đó có nhiều người từng tham gia những chiến dịch quan trọng như Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh và chiến tranh bảo vệ biên giới. Đối với họ, các hiện vật tại đây không chỉ tái hiện lịch sử, những giai đoạn khốc liệt của chiến tranh mà còn là dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời, gợi lại những ký ức khó quên thời chiến.
Ông Phạm Văn Tô, 70 tuổi, một cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, bồi hồi chia sẻ: “Nhìn thấy những tấm ảnh, hiện vật này, ký ức về năm tháng chiến đấu lại ùa về. Tôi không thể nào được quên hình ảnh những người đồng đội thân thương, những người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường khốc liệt. Họ đã hy sinh để chúng ta có được cuộc sống hòa bình hôm nay.”
Bảo tàng cũng là nơi gặp gỡ của các cựu chiến binh từ nhiều vùng miền khác nhau. Tại đây, họ có dịp hội ngộ, cùng nhau ôn lại ký ức một thời và tưởng nhớ đến những người đồng đội hy sinh trong các cuộc chiến.
Đối với nhiều cựu chiến binh, chuyến tham quan không chỉ là hành trình tìm về quá khứ mà còn là dịp để kể lại câu chuyện đời mình. Nhiều người bày tỏ mong muốn rằng, qua những câu chuyện ấy, thế hệ sau sẽ hiểu và trân trọng những giá trị lịch sử.
Ngoài thế hệ cựu chiến binh, bảo tàng còn thu hút đông đảo du khách quốc tế và giới trẻ trong nước. Với họ, đây là cơ hội để hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, nhận thức sâu sắc hơn về những hy sinh của thế hệ đi trước trong hành trình giành lại độc lập, tự do.