Bảo tồn động vật hoang dã - Kỳ cuối: Nhân rộng từ nền tảng đào tạo sinh viên

(Sóng trẻ) Việc lồng ghép nội dung bảo tồn động vật hoang dã vào trong giảng dạy không chỉ được xem là trách nhiệm xã hội, mà còn là cơ hội để giảng viên và sinh viên được tìm hiểu sâu về một chủ đề nóng, mang tính cấp thiết.

Nhận thức được tầm quan trọng của bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD), với quan điểm báo chí và truyền thông cũng không nằm ngoài “cuộc chiến”, Khoa Phát thanh – Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), Viện Đào tạo Báo chí Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) và Tổ chức WCS đã cùng phối hợp để tiến hành lồng ghép các nội dung về bảo tồn và phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD vào nhiều học phần giảng dạy cho sinh viên báo chí tại hai trường trong các năm qua.

s1.jpg
Hành trình phối hợp giữa tổ chức WCS và các đơn vị đào tạo báo chí, truyền thông trong thời gian qua. Ảnh: WCS)

 

Công tác lồng ghép tạo nhiều “hiệu ứng” tích cực

Chương trình phối hợp giữa WCS với hai đơn vị đào tạo báo chí, truyền thông hàng đầu trên cả nước đã được tiến hành với nhiều hoạt động nổi bật, đem lại sự lan tỏa lớn đối với cộng đồng, đặc biệt là các sinh viên báo chí. 

Từ năm 2018, 10 giảng viên và hơn 700 sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tham gia và thực hiện thành công hoạt động hợp tác này. 

Khoa Phát thanh – Truyền hình và WCS đã cùng xây dựng đề cương giảng dạy, thử nghiệm lồng ghép, tập huấn cho nhóm giảng viên nguồn, và tiến hành lồng ghép giảng dạy cho sinh viên trong năm học 2019-2020 và 2020-2021. Nội dung lồng ghép bám sát theo từng môn học, phù hợp với nhận thức và trình độ của sinh viên từng chuyên ngành và đảm bảo tính hệ thống.

Cùng với đó, Khoa đã tổ chức nhiều buổi họp trao đổi chuyên môn, kỹ thuật để xác định các môn học có thể lồng ghép. Ngoài ra, tại mỗi giai đoạn của quá trình lồng ghép, Khoa còn phối hợp với WCS tổ chức những buổi tọa đàm, họp góp ý và hoàn thiện đề cương giảng dạy cho các giảng viên.

Đặc biệt, hai đơn vị đã phối hợp để xây dựng và xuất bản cuốn sách “Báo chí điều tra về buôn bán trái pháp luật ĐVHD” giúp các giảng viên có cơ sở và nền tảng vững chắc, sinh viên có tư liệu tham khảo cho nhiều kiến thức chuyên ngành. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình lồng ghép, giảng viên và sinh viên luôn nhận được sự hỗ trợ từ phía WCS về tài liệu và thông tin chuyên môn.

Đại diện khoa Phát thanh - Truyền hình, Th.S Nguyễn Nga Huyền cho biết việc chọn học phần có nội dung không phù hợp sẽ khiến cho việc lồng ghép giảng dạy trở nên khiên cưỡng. Trong học phần được lồng ghép, giảng viên cần chuyển tải kiến thức lồng ghép một cách thú vị mà không làm cho người học thấy “khó vào” hoặc lệch so với mục đích của học phần.

Thông qua quá trình giảng dạy của mình, giảng viên cũng chia sẻ thêm một số kinh nghiệm lồng ghép, như đưa ra ví dụ thực tế liên quan trực tiếp đến pháp luật bằng các video, ảnh, giúp sinh viên tiếp cận một cách đầy đủ và ghi nhớ lâu hơn.

s2.png
s3.png
Các tiết học lồng ghép về buôn bán trái pháp luật ĐVHD được giảng viên đưa vào chương trình giảng dạy trực tuyến và tại trường.. (Ảnh: Th.S Nguyễn Nga Huyền)

 

Các lớp học lồng ghép được tiến hành giảng dạy trực tiếp trên lớp và trực tuyến (online) để thích ứng với tình hình phòng, chống COVID-19. Đặc biệt, các giảng viên đều thực hiện việc thu nhận phản hồi của sinh viên về buổi giảng của mình thông qua nhiều nền tảng như Teams (ứng dụng dạy học trực tuyến), email, điện thoại, Facebook… để điều chỉnh và tiếp tục hỗ trợ sinh viên.

Các bài học nhận được sự tham gia nhiệt tình và phản hồi tích cực của sinh viên. Áp dụng kiến thức được học, sinh viên đã triển khai được hàng chục bài thu hoạch, sản phẩm infographic kèm theo hàng trăm đề cương bài báo (như trong môn Kỹ năng điều tra), nhiều tác phẩm báo chí đã được đăng tải trên các kênh truyền thông lớn. Bản thân các giảng viên cũng thu nhận được nhiều kinh nghiệm qua quá trình giảng dạy và tương tác với sinh viên.

Bên cạnh đó, thông qua sự kết nối của các giảng viên và WCS, sinh viên cũng bắt đầu xây dựng được các mối quan hệ với nhà báo có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD và các tổ chức bảo tồn, chủ động liên hệ, tìm kiếm các nguồn tư liệu về luật pháp, nhận dạng loài... 

Thu hút sự quan tâm của sinh viên về vấn đề này là điều thành công nhất mà việc lồng ghép giảng dạy báo chí điều tra về buôn bán trái pháp luật ĐVHD đem lại. Nhiều sinh viên đã tự chủ động lựa chọn đề tài cho bài tập thực hành, có sự đầu tư tìm hiểu, đưa ra nhiều kế hoạch nhập vai cho tình huống điều tra cụ thể. Tuy là  bước đầu tiếp cận, nhưng một số bài báo, tác phẩm điều tra về tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD của sinh viên đã được đánh giá cao.

Từ đầu năm 2019, để nhân rộng hoạt động xây dựng năng lực và tăng cường sự tham gia của thế hệ nhà báo tương lai trong các hoạt động phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD, WCS tiếp tục phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông. Nội dung về phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD đã được 5 giảng viên tiến hành tích hợp các chủ đề liên quan đến phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD vào chương trình đào tạo báo chí tại trường và gần 650 sinh viên của trường được tiếp cận với nội dung này.

Không chỉ tiếp cận nội dung từ trên lớp và bài giảng, Viện Đào tạo Báo chí Truyền thông còn tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu về các tổ chức bảo tồn, bảo vệ thiên nhiên và ĐVHD như: WCS, ENV, WWF, WildAct, Animals Asia, Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo,… Thông qua sự phối hợp với các tổ chức, sinh viên được trực tiếp tìm hiểu quan sát, chụp ảnh, ghi clip về đời sống của một số loài ĐVHD như: cò, vạc, gấu với sự hỗ trợ từ những người chăm sóc tại đây.

Xây dựng mô hình “thực tế” cho sinh viên trải nghiệm

Với mong muốn tạo điều kiện cho những người trẻ có đam mê với nghề báo và bảo tồn ĐVHD trải nghiệm thực tế ngoài khuôn viên giảng đường đại học, WCS đã tổ chức chương trình thực nghiệm “Đi và Kể” năm 2020. Đây là khóa hướng dẫn kết hợp giữa trải nghiệm, kể chuyện và thực hành kỹ năng báo chí.

Chương trình hướng dẫn được thiết kế giúp cho các nhà báo trẻ và sinh viên báo chí có được những kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể tiến hành điều tra, khám phá ra nhiều câu chuyện đằng sau đề tài về buôn bán ĐVHD và lan tỏa câu chuyện ấy theo cách riêng của mình.

Chuỗi hành trình chính thức được khởi động từ ngày 27/9/2020 với khóa huấn luyện chuyên sâu về báo chí điều tra 3 ngày tại đảo Cát Bà. Chuyến đi có sự tham gia của 4 nhà báo hướng dẫn cùng 12 học viên được tuyển chọn từ 5 cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông khu vực phía Bắc.

s4.jpg
Chuyến đi tập huấn tại đảo Cát Bà không chỉ xoay quanh các kiến thức về báo chí và ĐVHD mà còn kết hợp cùng nhiều hoạt động thực tế như leo núi, tham quan Đảo Khỉ. (Ảnh: WCS)

 

Sau hơn 3 tháng tham gia chương trình, 12 học viên và 4 nhà báo hướng dẫn đã cùng nhau trải qua các buổi trò chuyện, chia sẻ để cập nhật thông tin về tầm quan trọng của bảo tồn ĐVHD đối với hệ sinh thái, khung pháp luật liên quan đến bảo tồn ĐVHD, nhận dạng loài; 5 chuyến thực địa với 18 bài báo, phóng sự, sản phẩm truyền thông về bảo vệ ĐVHD đã ra đời. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Buôn bán và hành hạ khỉ rừng”, “Chim trời Cát Bà”, “Tê Tê loài sinh vật kỳ diệu đang trên bờ tuyệt chủng  ”,... được đăng tải trên một số kênh báo chí, truyền thông như VTV24, báo Vietnamplus, VOV, báo Giáo dục và Thời đại.

s5.jpg
Thành viên của chuyến hành trình “Đi và Kể” tại Đỉnh Ngự Lâm, Cát Bà (Hải Phòng). (Ảnh: WCS)

 

Không lấy số lượng để đánh giá mà lấy chất lượng nhằm khẳng định sự thành công. Quy mô chương trình không lớn nhưng WCS tập trung đào tạo chuyên sâu cho các nhà báo trẻ, loạt phóng sự phản ánh về tình trạng buôn bán và bảo tồn ĐVHD thu hút hàng nghìn độc giả trên VTV24, hay các hành động của các cơ quan thực thi pháp luật chính là minh chứng cho kết quả của chuyến hành trình ý nghĩa này. 

Thông qua mô hình trải nghiệm do WCS tổ chức, sinh viên trực tiếp đi tác nghiệp tạo ra sản phẩm với sự hướng dẫn của các nhà báo nhiều kinh nghiệm. Dù chỉ là bước khởi đầu từ nền tảng đào tạo cho sinh viên báo chí học nghề. Nhưng chính kiến thức, kỹ năng và những bài học từ chuyên gia sẽ là hành trang quý báu cho các nhà báo trẻ, để trong tương lai họ sẽ luôn nắm vững cây bút, không ngừng theo đuổi các hoạt động bảo vệ các loài ĐVHD trước nguy cơ bị xâm hại, tuyệt chủng. 

Hoạt động lồng ghép các nội dung về bảo tồn và phòng, chống buôn bán trái phép ĐVHD và chương trình hướng dẫn được thực hiện dưới sự hỗ trợ từ Chương trình Hợp tác phòng chống săn bắt và buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã ở châu Á và châu Phi do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện.

Tổ chức WCS được thành lập từ năm 1895 tại New York, Mỹ, có sứ mệnh bảo vệ các loài động vật và vùng hoang dã trên toàn thế giới qua nghiên cứu khoa học, bảo tồn, giáo dục và khơi dậy giá trị của thiên nhiên đối với con người.

Tổ chức WCS hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006, tập trung tăng cường năng lực thực thi pháp luật cho các cơ quan chức năng tại Việt Nam và hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý để đấu tranh với tội phạm về ĐVHD, ưu tiên một số lĩnh vực hoạt động chủ chốt nhằm tác động đến các mạng lưới buôn bán trái pháp luật ĐVHD tại Việt Nam ở mọi cấp độ.

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN