Bất chấp trời mưa, dòng người vẫn nườm nượp đổ về hội Đăm
(Sóng trẻ) - Hội Đăm làng Tây Tựu, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội được tổ chức 5 năm một lần trong 3 ngày từ 9 – 11/3 âm lịch. Mặc trời mưa to kéo dài, người dân, cổ động viên, du khách vẫn nườm nượp kéo về 2 bên bờ sông Pheo cổ vũ cuộc đua thuyền của 3 miền (thôn) làng Tây Tựu.
Bên cạnh nhưng hoạt động tín ngưỡng: rước Thánh, múa lân, hội Đăm cón có nhiều hoạt động dân gian: đấu vật, đánh cờ người và điểm nhấn thu hút đông đảo người xem nhất là Hội Bơi Đăm.
Bơi Đăm diễn ra vào ngày chính hội 10/3 và 11/3, buổi sáng thi bơi 2 vòng, buổi chiều thi một vòng.
Trước khi thi chính thức các đội được bơi thử 1 vòng để khởi động. Có tất cả 6 thuyền của 3 đội đại diện cho 3 miền: Miền Thượng, Trung, Hạ. 6 thuyền được đánh số từ 1 đến 6. Miền Thượng trang phục màu đỏ, miền Trung màu vàng, miền Hạ màu xanh.
Trời mưa kéo dài nhưng người dân, du khách và cổ động viên vẫn xếp hàng đứng dọc 2 bên bờ sông để cổ vũ cho đội miền mình. Thuyền chiến thắng sẽ được giải thưởng 7 triệu đồng, đồng thời là thuyền vinh dự được chở ngai Thánh từ Thủy tọa về miếu Thượng.
Mỗi thuyền tham gia thi đấu có 25 người đều là con trai trong làng, khỏe mạnh, thuộc già đình nền nếp. Bơi thuyền đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của các thành viên từ những người chèo thuyền, đến ông dô (người bắt nhịp), ông phất cờ, ông cầm lạng (người cầm sào, để chống và đẩy thuyền khi thuyền sát vào thuyền khác), một người tát nước và một trọng tài.
Cổ động viên trang bị loa, kèn, áo, cờ, băng rôn cổ vũ tinh thần cho đội nhà. Đội cổ động còn có nhiệm vụ hỗ trợ thuyền thi đấu trong quá trình diễn ra cuộc thi nếu không may xảy ra sự cố chìm thuyền.
Dọc trục đường Tây Tựu, các ngõ phố đều được người dân trang trí đèn lồng, cờ…rực rỡ như không khí của những ngày Tết Nguyên đán.
Lễ hội bơi Đăm, Tây Tựu, Hà Nội.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, hội bơi Đăm được tái hiện nhằm diễn tả lại chiến thuật tiến công bằng thuỷ quân của tướng quân Đào Trường. Hội Đăm được khơi dựng lại từ năm 1994, năm nay, nài hoạt động lễ hội như thường lệ, làng Tây Tựu còn đón bằng công nhận lễ hội Đăm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây cũng là dịp để làng hoa Tây Tựu giới thiệu đến du khách những nét đẹp, sản vật đặt trưng của làng mình.
Đến với hội Đăm, du khách không chỉ được hòa mình vào không khí cuồng nhiệt, hồi hộp của lễ hội đua thuyền mà còn gợi nhắc chúng ta về một thời lịch sự hào hùng của dân tộc, được trở về tuổi thơ với các trò chơi dân gian đang dần bị mai một: đấu vật, đánh cờ người, chọi gà…
Hà Hiền
Cùng chuyên mục
Bình luận