Bích Câu Đạo Quán – Lớp học Ca trù miễn phí giữa lòng Thủ đô
(Sóng trẻ) - Đã từ rất lâu, cứ vào cuối tuần người ta lại nghe thấy những tiếng đàn, tiếng phách ngân nga, những lời ca hồng hồng, tuyết tuyết vang lên tại Bích Câu đạo quán, số 14 Cát Linh, Hà Nội. Âm thanh ấy là từ lớp học ca trù miễn phí của Nghệ sĩ Ưu tú Vân Mai dành cho những ai yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Nặng lòng với Ca trù
Nghệ sĩ Vân Mai sinh ra ở quê lúa Thái Bình, gần làng chèo nổi tiếng nên rất yêu văn nghệ. Ông trời ưu ái cho cô chất giọng vừa trong, vừa khỏe nên có thể hát được nhiều thể loại từ hát chèo, hát quan họ cho tới trầu văn. Nhưng sau này, cô lại bén duyên với ca trù. Không phải con nhà nòi, không được đào tạo bài bản, nhưng bình tình yêu, niềm say mê với ca trù, nghệ sĩ ưu tú Vân Mai đã tự mình tìm hiểu, mày mò để nắm bắt những tinh hoa của bộ môn nghệ thuật này và truyền dạy cho mọi người.
Nghệ sĩ Vân Mai trong một sự kiện biểu diễn
Ca trù đòi hỏi những kỹ thuật đặc biệt.Việc không thể chinh phục được ca trù khiến cô càng mê, càng muốn tìm thầy để học. Vân Mai gặp nhiều nghệ nhân nổi tiếng. Song lúc đấy, ca trù bị bỏ quên. Nhiều nghệ nhân tâm huyết, nhưng không tin rằng có người ham mê ca trù và muốn học hát bằng cả tấm lòng. Một vài nghệ nhân giúp đỡ, nhưng không nhận làm đệ tử chân truyền. Vân Mai về sưu tầm băng đĩa, tài liệu rồi tự học.
Nói về khó khăn khi học hát ca trù, NSƯT Vân Mai chia sẻ: “Khó khăn nhất là kỹ thuật hát. Trong tất cả các loại hình âm nhạc dân tộc, kỹ thuật hát của ca trù là khó nhất, bởi nó đòi hỏi phải ém hơi, nhả chữ. Ém một hơi nhả ra một chữ sẽ tạo thành hột, đây là điểm cốt lõi làm nên hồn cốt của loại hình nghệ thuật này. Ca trù không chỉ đơn thuần là hát, mà còn phải nảy hột. Nảy hột phải có kỹ thuật, chịu khó rèn luyện mới có được hơi chắc. Hột trong ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật khác gọi là luyến. Song, ca trù lại không luyến theo kiểu mượt mà như hát chèo, nó có một nét rất riêng”.
Bộ gõ phách của bộ môn Ca Trù
Cái ngân của ca trù có sức truyền cảm ấy là vì nghệ nhân ngắt nhịp liên tục trong một khúc ngân, mà vẫn phải tròn vành, rõ chữ. Đấy là chưa kể chuyện học gõ phách. Muốn tiếng phách hay, đanh, thể hiện nỗi niềm trong những câu ca thì phải luyện gân tay. Phải luyện làm sao năm khổ phách phải tự nhiên như hơi thở. Muốn hát truyền cảm, thì còn phải hiểu thơ ca trù. Tự mày mò học hỏi thì vất vả, nhưng bù lại, cô trở thành người có kiến thức về ca trù. Vân Mai cũng có bộ sưu tập băng, đĩa ghi âm các nghệ nhân nổi tiếng trình diễn mà ít ai có được.
Đem tình yêu dành cho thế hệ trẻ
Hiện nay, bên cạnh việc không ngừng rèn luyện để tiếp tục nâng cao hơn nữa kỹ thuật hát ca trù, nghệ nhân Vân Mai dành thời gian mở truyền dạy ca trù miễn phí cho lớp trẻ. Nghệ nhân Vân Mai tâm sự: “Mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ là mong sao có thể truyền dạy được nghệ thuật ca trù cho thật nhiều học trò, để các em gìn giữ nghệ thuật ca trù cho các thế hệ mai sau”.
Không gian buổi học Ca Trù
Ban đầu khi được công nhận là nghệ nhân ưu tú, cô Vân Mai quyết định mở một lớp để tìm kiếm những hạt nhân tinh túy cho ca trù tại Bích Câu đạo quán. Ca trù rất kén giọng hát, muốn hát tốt phải có chất giọng, còn nếu không thì rất khó. Hiện nay, nhiều bạn trẻ tìm đến Bích Câu đạo quán để học. Bạn Đỗ Thu Trang – Sinh viên Đại học Sư Phạm Hà Nội chia sẻ: “Mình mới học ca trù được 5, 6 buổi. Mình lựa chọn ca trù vì đây là một bộ môn hay, có tiếng, phách, tiếng trồng tiếng đàn rất đặc sắc. Mình muốn thử sức mình với bộ môn ca trù. Lớp học ca trù diễn ra vào chủ nhật hàng tuần, nên dễ dàng cho nhiều người theo học bộ môn này”.
Tập múa theo làn điệu Ca Trù
Không chỉ những bạn trẻ, mà hiện nay, nhiều phụ huynh cũng mong muốn cho con em mình tiếp cận với các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Chia sẻ về điều này, chị Đỗ Thị Kim Thu (Kim Mã, Hà Nội) cho biết: “Vào những khoảng thời gian rảnh rỗi của bé, chị muốn bé có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm về văn hóa dân gian của dân tộc. Đây có thể là một thử thách đối với bé bởi có thể lúc đầu bé chưa hiểu, nên vẫn còn bẽn lẽn, rụt rẻ, hy vọng bé có thể vượt qua và tiếp cận được những tác phẩm hay của văn hóa dân tộc”.
Hát ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể thế giới từ năm 2009, nhưng đến tận bây giờ, vẫn đang trong tình trạng cần được bảo tồn khẩn cấp. Hiện nay, các câu lạc bộ hát ca trù vẫn chưa có được sự đào tạo bài bản. Ca trù bây giờ được nhiều người biết đến hơn. Nhưng lại ít người đủ kiên trì theo ca trù đến cùng. Nhiều người chưa thạo những kỹ thuật cơ bản của ca trù đã đi hát, rồi truyền dạy, dẫn đến nguy cơ những tinh túy của ca trù bị sai lạc.
Thu Trang - Ngân Phương
Cùng chuyên mục
Bình luận