Bình đẳng giới trong giáo dục: Đã nhìn thấy điểm sáng trong các “bước chuyển mình” của giáo dục Việt Nam

(Sóng trẻ) - Các vấn đề về giới, giới tính trong những năm gần đây luôn là chủ đề nóng của xã hội. Người ta tranh cãi nhau xem như thế nào là bình đẳng giới, như thế nào là nữ quyền, hay chuyện giáo dục giới tính ở trường học nhạy cảm ra sao. Trong “cương vị” của một người quan tâm và đang đấu tranh cho bình đẳng giới ở Việt Nam, tôi thấy rằng, vấn đề lồng ghép các yếu tố về giới vào trong chương trình học cũng như trong quản lý, giáo dục học sinh trong các cấp học đang là điểm sáng nhất trong “bước chuyển mình” của giáo dục Việt Nam.


Đã có những thay đổi rõ rệt từ những người làm giáo dục


Câu chuyện trẻ em được giáo dục trong “khuôn khổ” của các khuôn mẫu giới vốn không phải câu chuyện mới. Bởi lẽ, các khuôn mẫu về giới trong bộ sách giáo khoa cũ đã được nhiều chuyên gia về giới ở Việt Nam đem ra bàn luận. Thậm chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới vào chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ năm 2016. Các chương trình tập huấn về bình đẳng giới ghép giới trong quản lý giáo dục và giáo dục học sinh cho các thầy cô giáo hay các cán bộ quản lý giáo dục cũng đã được tổ chức từ lâu. Có thể thấy, các nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tạo nên một môi trường giáo dục bình đẳng, an toàn và thân thiện, không có định kiến giới, phân biệt đối xử về giới và bạo lực trên cơ sở giới là có và rất xứng đáng được ghi nhận. 


Khi thực hiện bài viết về vấn đề này, tôi có cơ duyên được trò chuyện cùng Tiến sỹ Tâm lý học Nguyễn Đỗ Hồng Nhung, hiện tại đang công tác tại khoa Tâm lý giáo dục của trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên. Có thể nói, chị đang là hình ảnh tiêu biểu cho nhà giáo thời đại mới, luôn sẵn sàng học hỏi, “đa nhiệm” và luôn sẵn sàng cống hiến cho xã hội. Ngoài vai trò là một giảng viên, chị còn là một nhà Tâm lý học độc lập và chị đặc biệt quan tâm đến các vấn đề của cộng đồng yếu thế, trong đó có cộng đồng LGBT, các bệnh nhân nhiễm HIV và sinh viên nữ dân tộc thiểu số. Tôi được biết đến chị thông qua một phiên báo cáo về Hành trình tập huấn giáo dục Tình dục toàn diện cho sinh viên Đại học Thái Nguyên trong hội nghị quốc gia liên quan đến quyền của người LGBT. Từ trước đến nay, tôi ít gặp được những “nhà giáo cầu vồng” giống như chị. Không chỉ dừng ở sự “ủng hộ” hay “không kỳ thị”, chị là một trong số ít những nhà giáo đứng lên và thực hiện các dự án xã hội liên quan đến người LGBT tại Việt Nam. 

tra-3.png

Nội dung khoá tập huấn được chị Nhung chia sẻ trong Hội nghị LGBTIQ Quốc gia Stronger Together Summit

“Dự án gần đây nhất mà chị tham gia có liên quan đến nâng cao năng lực của giáo viên các cấp, từ tiểu học cho đến trung học phổ thông trên cả nước. Trong đó có một nội dung là Tư vấn hỗ trợ học sinh, các thầy cô sẽ phải xây dựng chuyên đề, và một phần trong nội dung lớn này là Phát triển bản thân. Trong phần này các thầy cô cũng đã cho vào các nội dung liên quan đến giới, giới tính, sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục và thậm chí là cả định kiến, khuôn mẫu về giới. Nhưng mà các thầy cô cũng chia sẻ thật rằng, các thầy cô chưa có được hướng dẫn xem làm thế nào để xây dựng chương trình học thật hấp dẫn mà phù hợp với học sinh của mình.” 


Các kiến thức về giới, giới tính đã ngày một xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Trong các chiến lược về Bình đẳng giới từng giai đoạn, đã có nhiều dự án để phổ cập các kiến thức này đến các nhà quản lý giáo dục. Chỉ cần tham gia một vài khoá học, các thầy cô có thể nắm bắt được rõ các vấn đề về giới hay các dấu hiệu của bất bình đẳng giới trong nhà trường. Đến lúc này thì ta lại nhìn thấy một vấn đề được đặt ra, nội dung chương trình dạy học thì có rồi, nhưng giáo án hay cách triển khai dạy và học những nội dung này trên trường học như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất thì vẫn còn là một câu hỏi. 


Vẫn cần nhiều hơn sự giúp đỡ của các bên liên quan


“Chị đã có nhiều hoạt động với cộng đồng LGBT rồi, chính vì thế mà chị dễ dàng hơn trong việc lồng ghép về giới hay đa dạng tính dục vào ngay chính trong các môn học của chị. Đối với những người đồng nghiệp trẻ của chị, ban đầu họ tỏ ra là họ hiểu biết rất nhiều về những vấn đề này. Nhưng thực ra họ không biết gì cả và giống như những con gà công nghiệp thì đúng hơn. Sau dự án này thì họ cũng thay đổi nhiều, biết nhiều hơn và có thể lồng ghép các kiến thức này vào chính môn học họ đang giảng dạy. Còn đối với những thầy cô được tập huấn về giới và đa dạng tính dục, không phải ai họ cũng có thể tiếp thu được, hoặc là họ cũng bị hạn chế trong cách truyền đạt lại cho sinh viên trong khuôn khổ các môn học mà họ đứng lớp. Đây thực ra là dự án đầu tiên ở Thái Nguyên được một tổ chức phi chính phủ tài trợ, cách thực hiện và giảng dạy của dự án rất hay. Tất cả các sinh viên đều thích những buổi tập huấn này, học rồi lại muốn học nữa chứ không có chuyện đi để điểm danh lấy điểm thưởng.” 

tra-5.png
tra-4.png

Chị Nhung trong các buổi tập huấn của mình, thời kỳ trước và sau khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các vấn đề về giới hay giới tính không phải là vấn đề mới mẻ đối với các nhà quản lý giáo dục, nhưng lại rất mới đối với các bạn học sinh, sinh viên – nhóm đối tượng trẻ, đang tò mò về thế giới và muốn tìm hiểu về chính bản thân mình. Thế nhưng từ trước đến nay, giáo dục tại Việt Nam, đặc biệt thấy được vấn đề này rõ nhất ở các trường công lập, giáo viên thường trốn tránh việc dạy các bài học về giáo dục giới tính, hoặc không dạy hết chương trình trong sách giáo khoa hay có các chia sẻ thực tế ngoài đời sống. Ngày nay, khi đại đa số trẻ em và thanh thiếu niên đang được tiếp cận với Internet mỗi ngày, vấn đề về việc “vẽ” đường sao cho hươu “chạy” đúng sẽ là một thử thách với các nhà làm giáo dục. Nếu dạy sai hay không chịu dạy về các vấn đề giới, các bạn học sinh, sinh viên sẽ càng tò mò hơn, có thể tìm kiếm các nguồn thông tin trên mạng. Nếu may mắn, sẽ có những bạn được tiếp cận với nguồn thông tin chính xác. Nhưng trong trường hợp xấu hơn, các nguồn thông tin trôi nổi, không được kiểm chứng sẽ trở thành “đường sai” mà các bạn lỡ lạc bước. 


Giáo dục về giới, giới tính hay về đa dạng tính dục trong nhà trường sẽ làm giảm thiểu các nguy cơ về kỳ thị, phân biệt đối xử, bạo lực học đường hay các vấn đề về xâm hại tình dục. Và khi các kiến thức ấy được các thầy cô, các cán bộ quản lý giáo dục và cả học sinh, phụ huynh học sinh hiểu rõ, một môi trường học tập an toàn và bình đẳng sẽ hình thành. Bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ là một tiến trình dài của sự học hỏi, suy ngẫm, xúc tiến và cả chờ đợi. Kết quả từ các chiến dịch xoá bỏ bất bình đẳng giới trong giáo dục ở Việt Nam có lẽ sẽ vẫn còn phải chờ đợi thêm để có thể thấy rõ các thay đổi trong xã hội. Dẫu biết quá trình “chuyển mình” này sẽ còn nhiều lắm những khó khăn, nhưng như chị Nhung có chia sẻ với tôi, như một lời gửi gắm đến các thầy cô giáo, quan trọng nhất vẫn là ở sự tự chủ động học tập của mọi người. Thầy cô giáo cởi mở, thầy cô giáo sẵn sàng học hỏi sẽ làm cho trường học hạnh phúc!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN