Tình yêu tuổi học trò - nỗi trăn trở của giáo dục học đường
(Sóng trẻ)- “Chỉ cần các thầy cô ra khỏi lớp học là các bạn yêu nhau tự do thể hiện tình cảm bằng nhiều hành động thậm chí là hôn nhau trước mặt những bạn khác". Đó là chia sẻ của em Bùi Thu T - học sinh một trường THPT tại thành phố Hải Phòng.
Ở độ tuổi học trò, việc “cảm nắng” một người là lẽ thường tình, thậm chí tình yêu trong những năm tháng cắp sách đến trường còn là chất xúc tác giúp các bạn trẻ có thêm động lực học tập, mục tiêu để cố gắng hơn nữa trong cuộc sống. Tuy nhiên, cách thức thể hiện tình cảm này làm sao cho đúng hoàn cảnh, đúng lứa tuổi và không để lại những hệ luỵ đáng tiếc lại là một “bài toán” nan giải đối với ngành giáo dục nói riêng và toàn thể xã hội nói chung.
Tình cảm tuổi teen chính là “con dao hai lưỡi”
Xét về mặt tích cực, tình yêu ở tuổi học trò sẽ giúp hoàn thiện về mặt tâm lý, đây là một trong những lộ trình phát triển tính cách. Tình yêu giúp cho con người trở nên vị tha, biết thấu hiểu và đồng cảm. Có thể chia sẻ bài tập, cùng giúp đỡ nhau trong học hành và cuộc sống. Nếu có người cho rằng những rung động đầu đời sẽ chẳng có kết quả trong tương lai thì cặp đôi Tùng Sơn và Trang Lou đã vẽ nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường bằng tình yêu kéo dài suốt gần thập kỷ mà điểm khởi đầu chính là những ngày tháng cấp 3 đầy hồn nhiên, trong sáng.
“Lúc ấy hai người không đặt ra bất cứ mục tiêu gì cả, chỉ đơn giản là cùng nhau tâm sự, kể chuyện, và cứ thế lớn lên cùng nhau. Cứ thế rồi nắm tay nhau trưởng thành, lần lượt đồng hành qua những cột mốc quan trọng của đời người như cấp 3, đại học, lập gia đình, tốt nghiệp đại học sau đó là cùng nhau gây dựng sự nghiệp hiện tại”, cặp đôi chia sẻ với Kênh14.
Tuổi học trò vừa là quãng thời gian nhiều mộng mơ nhưng cũng là lứa tuổi bồng bột và dễ gặp phải nhiều cám dỗ nhất. Nếu không có suy nghĩ chín chắn mà vội vàng yêu sớm cũng có thể đánh mất, bỏ lỡ rất nhiều điều.
Chị K.A 27 tuổi đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Cũng ở tuổi 17 chị đã có thai ngoài ý muốn với một anh khoá trên cùng trường nên đã phải dừng lại việc học, đánh mất cả giấc mơ du học mà đến bây giờ vẫn thấy hối tiếc vì sự bồng bột, nông nổi của bản thân”.
Không riêng gì chị A mà có rất nhiều trường hợp khác đã trở thành những người mẹ “non nớt" ở độ tuổi cắp sách đến trường. Đau lòng hơn cả là có những em đã uống thuốc tự tử, thuốc trừ sâu… để phá thai vì quá hoảng sợ và lo lắng.
TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý học trẻ em và vị thành niên, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố với báo VnExpress: “Số liệu khảo sát vào năm năm 2018, đến hết lớp 9, khoảng 10% học sinh được khảo sát đã từng quan hệ tình dục, hết lớp 12 thì con số này là 39%, 10% học sinh THPT báo cáo đã từng quan hệ với từ 3 người trở lên. Những số liệu nghiên cứu trên được chọn mẫu tại một số trường ở nội và ngoại thành Hà Nội”.
Theo thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 đến 400 ngàn ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.
Không chỉ dừng lại ở đó, nói rõ hơn về hệ quả của việc yêu sớm cô Vũ Minh Lý - Giáo viên trường THPT Hải An, Hải Phòng cho biết: “Việc yêu sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến học tập, các em sẽ lãng phí thời gian, sức khoẻ cho việc nhắn tin, đi chơi với người yêu thay vì học hành, rèn luyện. Hơn nữa khi yêu mà chưa đủ chín chắn các em còn đánh mất đi sự tự do cá nhân, nếu chia tay còn dẫn đến việc stress, căng thẳng, nguy hiểm hơn là bị trầm cảm”.
Giáo dục giới tính cần sự chung tay của cả xã hội
Nguyên nhân của việc yêu sớm được một số chuyên gia chỉ ra rằng do các em chịu sự ảnh hưởng từ sách, truyện đồi truỵ, thường xuyên tiếp xúc với những trang mạng không lành mạnh về vấn đề giới tính. Còn theo tiến sĩ, chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng: “Việc trẻ em hiện nay dậy thì sớm, yêu sớm đa phần là yêu theo cảm tính. Gia đình thiếu quan tâm nên các em không được trang bị những kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết để bắt đầu bước vào mối quan hệ yêu đương”.
Chia sẻ với báo Thanh Niên, theo thạc sĩ Trần Minh Hải- Giám đốc Trung tâm Tương lai, cha mẹ phải học cách đối thoại cùng con, thay vì áp đặt quan điểm cá nhân, phải thay đổi suy nghĩ, học, hiểu vấn đề giới tính, tình dục và coi đó là chuyện bình thường mới có thể trao đổi với trẻ một cách bình thường.
Từ đó, cha mẹ, nhà trường cần phải trang bị cho các con mình những kiến thức về giới tính, tình dục (sex education) và cả pháp luật qua các hoạt động giáo dục phong phú đa dạng phù hợp với lứa tuổi. Hơn nữa để ngăn chặn tình trạng yêu sớm ở học sinh và giúp các em có thể trưởng thành khoẻ mạnh không chỉ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường mà là của cả xã hội.