Cẩn thận khi đi xe bus
(Sóng trẻ) Vào những giờ cao điểm, khi mọi người chen chúc nhau lên xe là thời điểm thuận lợi cho các đối tượng móc đồ trên xe buýt “hành nghề”…
Xe đông, khó kiểm soát
Vào giờ cao điểm, khi học sinh, sinh viên và những người làm việc công sở tan ca, lượng người đi xe buýt trở nên đông đúc khiến xe buýt lâm vào tình trạng quá tải.
Lợi dụng lúc hành khách lên xe không để ý, các đối tượng móc đồ bắt đầu “lộng hành”. Phương thức quen thuộc mà các đối tượng này sử dụng là: nhân lúc đông người chen lên xe thì đối tượng cũng chen lên cùng. Lúc này đa số hành khách đều không để ý, các đối tượng xấu tranh thủ móc túi của những hành khách lên cùng. Nếu móc được đồ, đối tượng sẽ xuống xe ngay lúc đó hoặc, nếu không kịp xuống luôn thì sẽ xuống ngay điểm sau.
Đa số những đối tượng móc đồ này đều có đồng bọn đi cùng, khoảng từ 2 người trở lên. Khi 1 đối tượng này móc được đồ thì có thể đưa luôn món đồ đó cho 1 đối tượng khác đi cùng để dễ bề tẩu tán. Xe 27, 32, 26 hay 20 được coi là “huyền thoại” mất đồ(!).
Mọi người chen chúc nhau lên xe buýt là thời cơ thuận lợi cho các đối tượng móc túi hành nghề
Thủ đoạn móc túi của các đối tượng này ngày càng đa dạng và tinh vi. Bọn chúng thường ngụy trang thành một cậu học sinh cấp 3 với cặp mắt kính, mặc áo đồng phục, đeo cặp sách trông rất tri thức hay thậm chí "biến hóa" thành những người "đứng đắn" với vẻ nài "chỉn chu", trang phục chỉnh tề, rất khó để cho hành khách có thể đề phòng.
Sơ hở, mất cảnh giác
Chỉ cần một chút sơ hở và mất cảnh giác, những món đồ yêu quý và có giá trị như điện thoại, ví tiền hay thậm chí cả laptop cũng có thể “không cánh mà bay” trong giây lát.
Điện thoại có dây treo xinh xắn để “hờ hững” trong túi quần, ví tiền để trong cặp sách, laptop đeo trên ba lô đằng sau,… là những “con mồi” hấp dẫn cho các đối tượng móc túi “hành nghề”. Thậm chí, nếu bạn đã để trong cặp sách treo trước người nhưng chỉ cần 1 giây bất cẩn thì món đồ của bạn cũng dễ dàng “ra đi”.
Bạn Nguyễn Hương (sinh viên năm thứ hai, Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ: “Hồi năm nhất đi xe buýt mình đã cẩn thận để điện thoại vào túi đeo đằng trước rồi. Ai ngờ, hôm đó xe đông quá, mình không để ý, xuống xe đã thấy túi bị kéo khóa ra và chiếc điện thoại của mình thì không thấy đâu nữa”.
Điều đáng buồn là thói vô cảm trong xã hội xuất hiện ngày càng nhiều. Có vô số những trường hợp, có người tận mắt chứng kiến người khác bị móc đồ mà không dám lên tiếng. Đơn giản vì họ sợ bị "trả thù" hoặc vì họ cảm thấy nạn nhân không có quan hệ gì mật thiết với mình, sao mình lại phải đi lo chuyện thiên hạ(?).
Bạn Thanh Hoa (sinh viên trường Đại học Sư phạm) kể: “Một lần đi xe buýt mình cũng chứng kiến cảnh một ông móc ví của một bạn đứng ngay cạnh mình, nhưng mình cũng chỉ biết nín thở đứng nhìn và không biết làm gì hơn vì sợ nói ra, lát xuống xe sẽ bị ông ta đánh”.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Trước khi than trách những kẻ móc đồ, sự thờ ơ của người trên cùng một chuyến xe hay chông vào các cơ quan công an thì mỗi hành khách khi đi xe buýt phải tự nâng cao tinh thần cảnh giác và ý thức bảo quản đồ của chính mình. Có như vậy, các đối tượng móc đồ mới không còn cơ hội “hành nghề” nữa.
Hoàng Hương
Truyền hình K31 A1.
Cùng chuyên mục
Bình luận