Cảnh báo tử thần từ hàng loạt vụ việc đột quỵ
(Sóng trẻ) - Gần đây, hàng loạt vụ việc đột quỵ gây tử vong thương tâm liên tiếp xảy ra đã tạo nên hồi chuông cảnh báo cho mọi người để từ đó có thể nâng cao hiểu biết, cần phải có những tuân thủ bắt buộc về sinh hoạt để hạn chế những điều đáng tiếc đột ngột xảy ra.
Cuộc gặp gỡ với tử thần không hẹn trước
Ngày 9/12 vừa qua, khán giả trên khắp đất nước bàng hoàng khi nhận tin nghệ sĩ Chí Tài đã qua đời do đột quỵ tại chung cư nơi cố nghệ sĩ sinh sống. Ngay sau đó, xe cứu thương được điều đến chở nghệ sĩ Chí Tài đi bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Theo thông tin công an cho biết, qua đánh giá ban đầu, nghệ sĩ Chí Tài tử vong do nguyên nhân bệnh lý, không có yếu tố tác động của ngoại lực. Cũng theo chia sẻ từ những người dân sống trong cùng chung cư của cố nghệ sĩ, trước khi qua đời, nam nghệ sĩ vừa thực hiện bài tập thể dục như mọi người, tuy nhiên do sự cố thang máy cho nên ông đã lựa chọn việc đi thang bộ và đột quỵ tại đây.
Mới đây, giới nghệ sĩ showbiz Việt vẫn chưa hết đau xót thì một tin buồn nữa lại ập tới, nam ca sĩ Vân Quang Long – cựu thành viên nhóm nhạc 1088 cũng vừa qua đời vì đột quỵ tại nhà riêng ở Mỹ.
Gia đình Vân Quang Long cho biết, anh đột quỵ trong lúc đang ăn cơm trưa, vào khoảng 12h trưa (giờ Mỹ) ngày 28-12 (tức khoảng 1h ngày 29-12 tại Việt Nam).
Cùng với trường hợp của cố nghệ sĩ Chí Tài và nam ca sĩ Vân Quang Long, báo chí Việt Nam cũng đã từng tràn ngập những tin tức cảnh báo về những vụ việc tử vong vì đột quỵ, thậm chí nhiều người đã mất khi còn ở độ tuổi còn rất trẻ. Chính từ những vụ việc thương tâm như vậy đã đặt ra một thực trạng nghiêm trọng về vấn đề sức khỏe nói chung, đột quỵ - một căn bệnh tưởng chừng như rất khó gặp nhưng lại hoàn toàn có thể dễ dàng xảy ra bắt nguồn từ chính lối sống của chúng ta.
Đột quỵ nguy hiểm như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ, 5 triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu người tử vong.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 230.000 người bị đột quỵ, 50% trong số đó tử vong, 90% để lại di chứng, nhiều người mất khả năng lao động.
Những con số biết nói này đã đủ nói lên sự nguy hiểm rình rập mà căn bệnh “khó đoán” này có thể gây ra cho chúng ta.
Đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não. Bệnh xảy ra do tắc mạch máu dẫn tới việc lưu thông máu đến não bị ảnh hưởng. Khi máu không đến được não, bộ phần này sẽ bị thiếu oxy và ngưng trệ hoạt động. Tình trạng này diễn ra chỉ trong vài phút đã có thể khiến các tế bào não bắt đầu chất dần và gây tử vong.
Theo số liệu thống kê, đột quỵ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong cao nhất, trung bình cứ 3 phút thì lại có 1 ca tử vong do đột quỵ.
Theo các chuyên gia về tai biến mạch máu não thì có một khoảng thời gian được coi là khung giờ vàng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, đó là khoảng 3-5 giờ đầu từ khi khởi phát đột quỵ. Trong khoảng thời gian này, người bệnh kịp thời được di chuyển đến bệnh viện và được điều trị với phác đồ tiên tiến thì khả năng phục hồi sẽ rất cao.
Ngược lại, nếu không được cấp cứu trong "giờ vàng", người bệnh có thể sẽ phải chịu nhiều di chứng nặng nề như liệt nửa người, mất khả năng ngôn ngữ, rối loạn tâm thần…
Hãy là người tuân thủ khoa học
Tại sao hiện nay “đột quỵ” lại không chỉ tập trung nhiều ở những người lớn tuổi mà còn xuất hiện ở cả những người trẻ tuổi, đây là một vấn đề nan giải mà nhiều bác sĩ đã cảnh báo, tất cả đều nằm ở lối sống của chúng ta đã đảm bảo khoa học và phòng tránh được các tác nhân gây đột quỵ triệt để hay chưa.
Đột quỵ rất dễ có thể xuất hiện do nguyên nhân thiếu máu não cục bộ. Trường hợp này chiếm 80-85% số ca đột quỵ, thường xảy ra do động mạch não bị hẹp và tắc. Ngoài ra, đột quỵ cũng có thể xuất phát từ việc xuất huyết não hay có các bệnh lý về huyết áp, tuổi tác và đặc biệt là lối sống không lành mạnh.
Ngày nay, trước những bận rộn và bộn bề của cuộc sống, giới trẻ dường như đã dần quên đi việc cần phải làm gì để giữ cho cơ thể mình khỏe mạnh và an toàn. Dưới áp lực của công việc đã khiến cho lối sinh hoạt của giới trẻ bị xáo trộn không ít, nhiều bạn trẻ đã dành thời gian làm việc vượt quá cả mức cho phép (trên 12 tiếng), cũng từ đó mà các sinh hoạt cơ bản như ăn, ngủ, nghỉ ngơi, vệ sinh,… bị xáo trộn và được thực hiện trong các khung thời gian không khoa học và thiếu hợp lý.
Vào mùa lạnh, nhiều bạn trẻ vẫn giữ xu hướng vệ sinh cá nhân vào ban đêm khi thời tiết giảm nhiệt độ sâu, cơ thể lúc này đang dần bài tiết chất độc tố sau ngày dài căng thẳng, đây cũng là nguy cơ khiến cho đột quỵ càng có cơ hội xuất hiện cao.
Cũng theo số liệu thống kê, trong đó khoảng 50% bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có hút thuốc lá, những nghiên cứu mới nhất cho thấy có sự tương quan giữa số lượng thuốc hút mỗi ngày và nguy cơ đột quỵ não.
Cuộc sống luôn luôn vận hành theo cơ chế khoa học và sinh học, con người là những cá thể minh chứng rõ ràng nhất cho cơ chế ấy. Bằng tất cả những bằng chứng được đưa ra theo thời gian, chúng ta cần phải xây dựng lối sống khoa học lành mạnh, đảm bảo sức khỏe an toàn, bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải quan tâm tới cơ thể mình, chăm chỉ tập luyện thể thao để giảm bớt mỡ thừa, đào thải độc tố. Hãy luôn luôn yêu bản thân chúng ta bằng mọi cách.