Câu chuyện về “nick ảo” (Kỳ 1): Tìm kiếm sự riêng tư trên mạng xã hội
(Sóng trẻ) - Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển chóng mặt, những “nick ảo” xuất hiện ngày càng nhiều, tạo ra không ít thay đổi trong trải nghiệm mạng xã hội của mỗi người.
Đầu tháng 4 năm nay, sự việc tỷ phú Elon Musk được phát hiện sử dụng tài khoản phụ trên mạng xã hội X, ngoài tài khoản chính có gần 180 triệu người theo dõi, đã gây ra không ít xôn xao cho cộng đồng mạng. Ông chủ của nền tảng X chia sẻ: “Chỉ có hai tài khoản mà tôi thường xuyên sử dụng. Một là tài khoản chính của tôi và còn lại là baby smoke 9000”.
Điều đáng nói, bên cạnh những nghi vấn về lý do Elon Musk sử dụng tài khoản phụ, một bộ phận người dùng mạng xã hội lại cho rằng điều này là hoàn toàn bình thường. Một số bình luận dễ thấy là: “Bình thường thôi mà”, “Ai cũng phải có nick clone (nick ảo)”...
Khi sự riêng tư được đề cao
Theo nền tảng Medium, “nick ảo” (trong tiếng Anh là “alt account”) là các tài khoản do cá nhân hoặc doanh nghiệp duy trì hoạt động trên các mạng xã hội song song với tài khoản chính của họ, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.
Xu hướng sử dụng tài khoản phụ chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội. Định nghĩa về “alt account” bắt đầu xuất hiện vào khoảng cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000 trong những trò chơi trực tuyến, nơi người dùng tạo nhiều tài khoản với các lý do riêng tư khác nhau.
Theo số liệu được cung cấp bởi Cyabra (công ty của Israel chuyên phân tích truyền thông xã hội), ước tính có 4 - 6% các tài khoản trên mạng xã hội hiện nay là không chính thức với hàng tỷ người dùng hoạt động hằng tháng. Trang web Appypie cho biết hơn 50% học sinh trung học có Finsta (tài khoản phụ trên nền tảng Instagram) và hơn 70% tin rằng Finsta là một cách tích cực để những người trẻ thể hiện bản thân.
Có thể nói, tài khoản phụ là cơ hội để sống thật và giúp cho việc kết nối bạn bè trở nên thuận tiện hơn. Sở hữu một tài khoản phụ trên nền tảng Instagram, Thu Vân (21 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể: “Mình thường dùng tài khoản này để đăng Story, ghi lại khoảnh khắc đời thường hoặc chia sẻ những câu chuyện cá nhân. Những người bạn thân thiết có thể nhanh chóng cập nhật tình hình cuộc sống cũng như tư vấn, đưa ra lời khuyên khi mình gặp phải khó khăn, vướng mắc trong học tập, công việc và cuộc sống”.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến nhiều người sử dụng tài khoản phụ là nỗi sợ bị phán xét khi hoạt động trên không gian số. Đặc biệt, với những người nổi tiếng, “nick ảo” là phương án khả thi để bảo vệ sự riêng tư cá nhân, khi nhất cử nhất động của họ trên môi trường trực tuyến đều dễ dàng bị cộng đồng mạng theo dõi.
Trong một chương trình talkshow, khi được một người hâm mộ đặt câu hỏi rằng có “acc clone” hay không, nữ ca sĩ Bích Phương hài hước trả lời: “Chị có chứ, ai chả có em? Chị nghĩ trong xã hội này ai cũng nên có một cái… Hồi xưa, chị dùng nick chính lướt đến một livestream kem trộn, thế là người ta chụp màn hình lại, bảo rằng Bích Phương đang xem livestream kem trộn. Sau này, chị không dùng nick đó để xem livestream nữa, chị dùng nick khác để đỡ lộ. Thật ra mình cũng không khẩu nghiệp đâu, nhưng mình muốn xem cái gì thì cũng được tự nhiên hơn”.
Bích Phương thừa nhận cũng dùng “nick ảo” trên mạng xã hội (Nguồn: Thitkho Entertainment)
Trải nghiệm với mạng xã hội theo cách mới
Những “nick ảo” ra đời kéo theo không ít những thay đổi so với trước đây trong cách người dùng trải nghiệm mạng xã hội, một trong số đó là tạo cơ hội cho nhiều người sống đúng với sở thích, đam mê của mình mà không phải lo bị đánh giá.
Quan tâm và hứng thú với văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là anime (một loại phong cách hoạt hình Nhật Bản), N.A.D (20 tuổi, Hà Nội) cho biết bản thân sở hữu riêng một tài khoản phụ phục vụ cho sở thích này: “Với nhiều người, anime vẫn bị gắn mác là ‘trẻ con’ hoặc ‘không thực tế’, mình luôn cảm thấy e ngại khi nói với bạn bè về niềm yêu thích với thể loại này. Do đó, mình đã lập ra tài khoản phụ là để vừa sống thật với đam mê, vừa hạn chế việc bị phán xét từ người khác”.
Cụ thể, D. kể rằng thường dùng tài khoản phụ này để tham gia các hội nhóm về anime và thảo luận công khai về những nội dung đó, đồng thời làm quen thêm được với nhiều người bạn có cùng sở thích. “Những tương tác này đã giúp mình cảm thấy thoải mái hơn bởi vì họ chỉ nhìn thấy mình từ khía cạnh là một người yêu thích anime mà không biết rõ các thông tin cá nhân và danh tính thực sự của mình”, D. bộc bạch.
Kristie Tse, một nhà trị liệu tâm lý tại New York, khẳng định Finsta cho phép người dùng thể hiện bản thân thực sự của mình mà không sợ bị nhiều người phán xét. Cô nói: “Việc có một không gian nơi người dùng có thể thoải mái nói ra cảm xúc thật với những người thân thiết của mình mang lại cảm giác vô cùng tự do. Nó cho phép chúng ta chấp nhận con người thật của mình mà không phải chịu áp lực từ sự đánh giá của những người xung quanh”.
Không chỉ dừng lại ở việc tự tin thể hiện bản thân trên mạng xã hội, nhiều tài khoản phụ được lập ra còn nhằm mục đích bảo vệ bản thân trước sức mạnh khổng lồ của truyền thông. Với sự lan truyền nhanh chóng của thông tin trên các nền tảng số, chỉ một dòng trạng thái nhỏ đã có thể tạo ra “cơn bão” truyền thông nhắm vào người dùng mà chính họ cũng không thể lường trước.
Chẳng hạn, khi livestream trên trang cá nhân để lên tiếng xoay quanh lùm xùm phát ngôn “nghỉ học đại học” của rapper Negav, mẹ của nam rapper HURRYKNG - người cùng hoạt động với Negav trong “tổ đội” GERDNANG (một nhóm rap/hip hop khá nổi tiếng với 5 thành viên) tâm sự: “Mọi người chỉ trích Negav nhiều quá, tội nghiệp… Negav cũng còn trẻ, còn nhỏ, dễ thương mà, chỉ nói vậy thôi chứ không nghĩ gì đâu”.
Dù chỉ nêu suy nghĩ cá nhân, bà đã bị cộng đồng mạng quá khích tràn vào kênh TikTok và để lại những lời lẽ vô cùng nặng nề và phản cảm. Thậm chí, có người còn bình luận như “chắc gì ở nhà đã dạy dỗ được con trai”. Trước làn sóng “tấn công” này, mẹ của HURRYKNG đã phải chuyển trang của mình sang chế độ riêng tư.
Những phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội, dù là tích cực hay tiêu cực, đều gây ra những xáo trộn trong hoạt động mạng xã hội của người đăng tải, thậm chí làm thay đổi đời sống thực tế của họ. Trước tình trạng này, tài khoản phụ mang lại cho người dùng một "lớp áo giáp" để đối phó với sự phức tạp của mạng xã hội.
Kỳ tới: Câu chuyện về “nick ảo” (Kỳ 2): Định vị danh tính trên mạng xã hội