Nỗi lòng người chuyển giới: ‘Nhà vệ sinh là nơi không an toàn’
(Sóng trẻ) - “Việc nhà vệ sinh tưởng nhỏ nhưng mà to lớn vô cùng, cảm giác như tất cả mọi thứ trên đời này đều chống lại chúng mình” – Nguyễn Bằng Giang, thành viên Nextgen (Chương trình Lãnh đạo trẻ hoạt động vì quyền LGBT) chia sẻ.
Sinh năm 1997, hiện đang là sinh viên năm nhất, Đại học Hà Nội nhưng Giang đã trở thành một trong những thành viên tích cực của Nextgen (Chương trình thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), Tổ chức Oxfam và Trung tâm ICS, với nguồn tài trợ của Ủy ban Châu Âu (EC)). Đồng thời, Giang cũng tham gia rất nhiều chương trình tại các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội để chia sẻ kiến thức LGBT tới các bạn sinh viên.
Nguyễn Bằng Giang, sinh viên năm 1, Đại học Hà Nội
Dù hiện tại nhận thức xã hội đã thay đổi tốt hơn, những người thuộc cộng đồng đồng tính, song tính, chuyển giới không còn phải sống trong sợ hãi hay hoang mang vì sự kì thị, phân biệt đối xử gay gắt như trước, nhưng Giang cũng thừa nhận từ khi công khai là người chuyển giới, chàng trai này phải chịu không ít những rắc rối.
Sinh ra mang thân hình một người con gái, bạn nhận ra khao khát trở thành một người con trai từ khi nào? Thái độ của mọi người xung quanh lúc đó ra sao?
Mình thích làm con trai từ hồi còn bé. Mình ăn mặc đồ con trai, cắt tóc đầu con trai. Lúc mình học lớp 4,5 do tác động từ những người xung quanh nên bố mẹ bảo mình để tóc dài. Họ sợ mình thích con gái và chỉ muốn làm con trai. Mình may mắn hơn các bạn khác bởi ngay từ khi bắt đầu “bộc lộ bản thân”, bố mẹ đã chấp nhận con người thật của mình mà không đánh đập hay chửi rủa.
Vượt qua những sự kì thị để được là chính mình, trên con đường ấy bạn được và mất những gì?
Như bạn đã nói, cái được là mình được là chính mình. Mình khao khát trở thành một người nam, nhưng bộ tóc dài khiến mình cảm thấy rất ức chế. Mình luôn phải đội mũ lưỡi trai để che mái tóc, đi khom lưng để không lộ ngực. Đến năm lớp 8 mình được cắt tóc trở lại. Mình cảm thấy rất vui, tự tin hơn rất nhiều, không còn khép nép, ức chế với cơ thể. Cái mất thì mình cảm thấy không mất mát gì. (cười)
Bằng Giang hạnh phúc khi được là chính mình
Nhưng tôi có một con số thể hiện cái mất khi những người chuyển giới thể hiện mình, con số này được lấy từ Tổ chức bảo vệ thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam (ICS). Cứ 5 người LGBT thì 1 người mất bạn bè, gần nửa số học sinh, sinh viên trong cộng đồng LGBT từng chịu bắt nạt và bạo lực trong trường học, 31% trong số này từng nghĩ đến việc tự tử? Theo bạn nguồn gốc của những con số tiêu cực trên là do đâu?
Những con số này xuất phát từ thực tế. Trước hết là từ gia đình. Thành viên trong gia đình là những người tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của con em mình, nhưng không phải ông bố bà mẹ nào cũng sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi ấy. Mình biết trong cộng đồng LGBT bọn mình có những bạn ra đường gặp mẹ mà mẹ không dám nhận, thậm chí có bạn còn bị bố mẹ đánh đuổi ra khỏi nhà.
Ngay đến bố mẹ, những người thân yêu gần gũi nhất còn không chấp nhận thì bạn bè và xã hội không công nhận chúng mình là điều không phải khó hiểu. Chính những áp lực vì bị kỳ thị, phân biệt đối xử mà không ít người bị trầm cảm, rạch tay, tự tử, đi tu, lãnh cảm, chai lỳ với sự kỳ thị của xã hội và sống ngày càng khép mình hơn.
Mình nghĩ rằng, cái gì mới thường khó được chấp nhận trong một sớm một chiều. Thêm vào đó việc thiếu kiến thức cũng là nguyên nhân dẫn đến kì thị. Những con số trên cũng hoàn toàn dễ hiểu.
Từ khi công khai mình là người chuyển giới, bạn gặp phải những rắc rối gì?
Rắc rối thì rất nhiều. Nhưng có lẽ việc đi nhà vệ sinh là vấn đề khó khăn nhất. Điều này tưởng nhỏ nhưng mà to lớn vô cùng, cảm giác như tất cả mọi thứ trên đời này đều chống lại chúng mình. Đi vào nhà vệ sinh nữ thì bị hò hét là bệnh hoạn. Mình là nam nên mình phải đi vào nhà vệ sinh nam. Nhưng nhà vệ sinh nam là một nơi không an toàn. Việc còn một vài nét nữ tính khiến người khác rất dễ nhận ra. Ở những môi trường không tốt họ có thể đụng chạm, xô mình vào tường,.. họ có thể làm bất cứ điều gì.
Bên cạnh đó thì còn khó khăn trong việc đi xe bus hay đi làm thêm. Bọn mình chưa được chuyển đổi giới tính nên rất hay bị soi mói vì tên đối lập với hình dáng bên nài.
Vượt lên trên tất cả những khó khăn, kì thị, bạn có hài lòng với cuộc sống của mình hiện tại?
Mình khá hài lòng với cuộc sống hiện tại dù mình biết còn nhiều khó khăn. Khó khăn mình gặp phải là điều tiếng hay những lời nói ác ý mà mình cho đó là một biểu hiện của bạo lực tinh thần. Hiện tại mình có tham gia các hoạt động cộng đồng, đi chia sẻ câu chuyện của mình với những người thuộc cộng đồng LGBT. Việc này khiến mình thấy hài lòng vì giúp đỡ được nhiều người. Xã hội đã cởi mở hơn. Mình mong họ thấy rằng cộng đồng LGBT của bọn mình đang tồn tại và chúng mình là những người hoàn toàn bình thường. Xã hội cần công bằng với chúng mình.
Bạn có lời khuyên gì tới những bạn trẻ không dám vượt qua mặc cảm để được là chính mình?
Thực tế nếu cứ sống khép nép lo sợ chỉ làm bản thân thu vào trong cái vỏ. Đã đến lúc chúng ta phải phá vỡ sự im lặng. Sự im lặng ấy có những người đã kéo dài từ rất lâu bởi họ lo sợ không ai có chung tiếng nói. Nhưng chính tại nơi chúng ta đang sống có những người đã phá vỡ cánh cửa ấy, kết nối với nhau tìm ra tiếng nói chung để bảo vệ cho cộng đồng mình. Những người mặc cảm hãy cứ thể hiện mình, vượt qua nỗi sợ hãi để được là chính mình. Có thể mình là người không giống số đông. Nhưng ai cũng có quyền được là chính mình và có khả năng làm những điều có ích như bao người khác.
Cám ơn bạn về buổi trò chuyện.
Thúy Nga
Cùng chuyên mục
Bình luận