Câu mở đầu của tin phát thanh hiện nay


(Sóng Trẻ) - Nếu mở đầu thành công, tin có thể được tiếp nhận hoàn toàn, trong khi ngược lại thì những cố gắng của phóng viên trong việc khai thác những chi tiết quý cũng trở nên mờ nhạt hoặc uổng phí.

1. Vai trò của câu mở đầu trong tin phát thanh

Đóng góp một vai trò quan trọng trong việc tạo nên vị thế của thể loại tin trên sóng phát thanh – vị thế xương sống, chủ chốt, vị thế tạo sức cạnh tranh cho loại hình báo chí này chính là câu mở đầu tin. Nếu như với tin trên báo in, người đọc bị lôi cuốn đầu tiên bởi dòng tít, ảnh thì trong tin phát thanh, do không có hình ảnh, tít có thể không được đọc trên sóng, và cơ hội xuất hiện của lời dẫn cho tin cũng hạn chế nên câu mở đầu lại càng trở nên quan trọng.

Như vậy, câu mở đầu thường chính là những âm thanh đầu tiên trên sóng của tin phát thanh. Câu mở đầu tin phát thanh là yếu tố giúp thính giả xác định tin đó có quan trọng với mình hay không và đưa ra quyết định chú ý nghe hay không, chú ý ở mức độ nào. Câu mở đầu có thể khiến họ tập trung hoàn toàn vào tin hoặc nghe loáng thoáng. Câu mở đầu có thể khiến người nghe hứng thú hoặc thờ ơ, sao nhãng. Đó chính là vì thông tin trong câu mở đầu mở ra một cách tiếp cận, theo đó nó khiến người nghe liên hệ với nhu cầu, mong muốn, thị hiếu của họ và nhanh chóng định hình việc nghe như thế nào. Nếu đó là thông tin liên quan đến những nhu cầu thiết thân hoặc động chạm vào mối quan tâm của họ thì lập tức tin đó được đặc biệt chú ý và ngược lại.

Theo đó, câu mở đầu có thể khiến cho những phần còn lại của tin được chú ý hoặc không. Nếu mở đầu thành công, tin có thể được tiếp nhận hoàn toàn, trong khi ngược lại thì những cố gắng của phóng viên trong việc khai thác những chi tiết quý cũng trở nên mờ nhạt hoặc uổng phí. Đó chính là lý do tại sao khi lý thuyết và thực tiễn làm tin càng phát triển, câu mở đầu lại càng được chú ý. Câu mở đầu tin phát thanh thậm chí được coi là “mồi câu” (tiếng Anh là hook) đối với thính giả.

Đối với nhà báo, câu mở đầu là yếu tố thể hiện mô hình cấu trúc của tin phát thanh. Với chi tiết quan trọng nhất được thể hiện trong câu mở đầu thì tin được thể hiện theo mô hình hình tháp ngược. Nếu các chi tiết quan trọng nhau ngang được trải đều trong các câu của tin thì tin đó được thể hiện theo mô hình hình chữ nhật. Nếu đến cuối tin, chi tiết quan trọng nhất mới được thể hiện thì đó là tin được viết theo mô hình hình tháp xuôi. Những mô hình này có những đặc điểm khác nhau trong việc thu hút sự tiếp nhận của thính giả và trong xây dựng bản tin. Các nghiên cứu về thính giả cho thấy, mô hình hình tháp ngược tạo ra được những điều kiện dễ dàng để người nghe chú ý tin, nắm bắt được nội dung chính của tin và cũng tạo điều kiện thuận lợi để nhà báo giới thiệu những tin chính ở phần đầu chương trình và tóm lược tin chính ở cuối chương trình. Như vậy, câu mở đầu là yếu tố thể hiện rõ năng lực của nhà báo trong việc tiếp cận sự kiện và nhặt lấy trong muôn vàn thông tin để có chi tiết quan trọng nhất, gần với nhu cầu, mong muốn của thính giả nhất.

2. Sử dụng các yếu tố 5W + 1H linh hoạt trong mở đầu tin

Nếu làm một phép so sánh, chúng ta nhận thấy, cách viết câu mở đầu tin phát thanh hiện nay so với khoảng 15 năm trước có những thay đổi, cải tiến rõ rệt. Sự thay đổi, cải tiến này thể hiện những bước tiến trong cách viết tin, đưa tin trên sóng phát thanh, đồng thời phản ánh sự phát triển trong cách thức làm báo phát thanh – một loại hình báo chí quan trọng ở nước ta.

Tại thời điểm năm 1993, việc quan tâm đến câu mở đầu sao cho thể hiện được cái mới, cái hấp dẫn, thu hút người nghe chưa được coi là một vấn đề quan trọng. Nhà báo Tạ Toàn xác nhận, cách mở đầu phổ biến của thời kỳ này là nêu thời gian, địa điểm, con người (thường là nhà lãnh đạo) cùng với sự kiện theo tính chất tổng thể, ở quy mô lớn nhất của nó. Mô-típ trên cũng được nhiều nhà báo kinh qua thời kỳ làm tin này xác định là phổ biến và hiếm khi có cách thể hiện khác. Sở dĩ câu mở đầu chưa được quan tâm và chưa phát huy được sức mạnh của mình là vì những hạn chế trong lý luận và thực tiễn làm tin ở nước ta thời kỳ này. Đến năm 1993, những công trình đáng kể về tin và tin phát thanh ở nước ta mới chỉ một số sách tham khảo về tin phát thanh được dịch từ tiếng Trung, tiếng Nga, giáo trình dạy tin ở trường Tuyên giáo trung ương và cuốn Nghề báo nói của nhà báo Nguyễn Đình Lương. Những cuốn sách này cũng mới đi vào những vấn đề chung nhất về tin và tin phát thanh mà chưa nghiên cứu sâu về các khía cạnh, yếu tố của thể loại báo chí nòng cốt này trong đó có câu mở đầu tin.

Còn trong tin phát thanh hiện nay, câu mở đầu là yếu tố luôn được các phóng viên, biên tập viên quan tâm ở các mức độ khác nhau. Đặc biệt, nổi lên xu hướng đưa thông tin quan trọng nhất, nổi bật nhất lên đầu nhằm thu hút thính giả. Và kết quả khảo sát tin phát thanh cho thấy mở đầu tin phong phú với nhiều cách diễn đạt khác nhau. Yếu tố thời gian, địa điểm không nhất thiết phải luôn xuất hiện đầu tiên trong câu mở đầu. Trong một bản tin, biên tập viên đã chú ý đến các cách mở đầu tin khác nhau sao cho tạo ra sự phong phú, linh hoạt của cả bản tin.

Các yếu tố 5W+1H trong tin được vận dụng linh hoạt để bắt đầu câu mở đầu tin phát thanh:

+ When - thời gian, ví dụ:

Sáng nay, 29/6, tỉnh Đoàn Bình Dương tổ chức ra quân chiến dịch “Hè tình nguyện” với gần một nghìn đoàn viên, thanh niên tham gia.

(Trích chương trình thời sự 21h30 ngày 29/6/2008, Đài TNVN)

+ Where - địa điểm, ví dụ:

Bệnh viện Mắt Sài Gòn triển khai chương trình Tuần lễ vàng dành cho tất cả bệnh nhân có tật khúc xạ và lão thị.

(Trích chương trình thời sự 12 giờ ngày 8/7/2008, Đài TNVN)

+ What - cái gì, ví dụ:

“Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng” là chủ đề của cuộc thi “Ngày sáng tạo Việt Nam 2009” do thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố trong cuộc họp báo sáng nay.

(Trích chương trình thời sự 12 giờ trưa ngày 9/12/2008, Đài TNVN)

+ Who – Ai, ví dụ:

Thủ tướng Nga Pu-tin và Thủ tướng U-crai-na Ti-mô-xen-cô vừa tổ chức hội đàm trong bối cảnh có một cuộc tranh cãi nại giao liên quan đến Hạm đội Biển Đen của Nga ở U-crai-na.

(Trích chương trình thời sự 12 giờ trưa ngày 5/9/2008, Đài TNVN)

+ Why – Tại sao, ví dụ:

Để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc có điều kiện ăn tết độc lập 2/9, huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hóa cấp gần 70 tấn gạo đến nhiều bản, làng, hộ nghèo.

                   (Trích bản tin 10 giờ ngày 1/9/2009, Đài TNVN)

+ How – Như thế nào, ví dụ:

Tình trạng khan hiếm nước tác động đến 300 triệu người dân Châu Phi sẽ còn trầm trọng hơn nữa do sự biến đổi khí hậu và tác động tiêu cực của các cuộc xung đột quân sự. Đây là kết quả nghiên cứu vừa được công bố tại Liên hợp quốc.

(Trích bản tin 14 giờ, ngày 2/9/2009, Đài TNVN)

3. Các cách mở đầu tin phát thanh hiện nay

Dựa trên việc sử dụng một cách linh hoạt các yếu tố 5W+1H, các phóng viên, biên tập viên đã tạo ra các cách mở đầu khác nhau, tạo ra sự phong phú, sinh động cho bản tin. Chúng tôi tổng kết những cách chính mở đầu tin phát thanh hiện nay:

          + Cách nêu hoạt động chính:

Ví dụ: Hôm nay, Đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên – Môi trường kiểm tra thực địa tại Tổ hợp bô xít – nhôm Bảo Lâm thuộc tỉnh Lâm Đồng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 (Trích Chương trình thời sự 21h30, ngày 8/5/2009, Đài TNVN)

          + Cách nêu kết quả:

Ví dụ: Các nhà khoa học Mỹ vừa xác định được 3 loại gien có liên quan đến quá trình tế bào ung thư vú di căn lên não…

(Trích chương trình thời sự 21h30, ngày 15/9/2008, Đài TNVN)

+ Cách nêu nguyên nhân:

Ví dụ: Hoặc: Do giá đường thế giới biến động mạnh, giá đường trong nước đang tăng cao.

(Trích bản tin 10 giờ ngày 24/8/2009, Đài TNVN)

          + Cách nêu mâu thuẫn:

Ví dụ: Phóng viên Đài TNVN tại Mỹ đưa tin: Mặc dù những cuộc tấn công của quân đội Mỹ vào các làng mạc gây chết chóc, khiến người dân phẫn nộ nhưng hôm qua quân đội Mỹ vẫn tiếp tục mở các cuộc không kích vào tàn quân Taliban ở Ap-ga-nit-xtan.

          (Trích chương trình thời sự 12 giờ trưa ngày 11/5/2009, Đài TNVN)

          + Cách bổ sung một diễn biến mới

Ví dụ: Đến trưa nay, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên biển Quảng Ninh tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ lật tàu đêm 24/9.

          (Trích chương trình thời sự 18 giờ ngày 27/9/2009, Đài TNVN)

          + Cách nêu một nhận định, một thông báo mới

Ví dụ: Phó thủ tướng Thái Lan Sụ-thếp Thước-sụ-băn cho biết, Chính phủ nước này sẵn sàng nói chuyện với cựu thủ tướng đang sống lưu vong Thạc-xỉn nếu điều đó giúp đoàn kết dân tộc.

(Trích bản tin 17 giờ ngày 26/9/2009, Đài TNVN)

          + Cách nêu một chi tiết hấp dẫn:

          Ví dụ: I-ran vừa đạt kỷ lục sản lượng khai thác dầu với 4 triệu 230 ngàn thùng dầu một ngày.

                   (Trích chương trình thời sự 12 giờ ngày 30/6/2008, Đài TNVN)

Ths.Đinh Thu Hằng
Khoa Phát thanh – Truyền hình
 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN