“Chợ tạm”… tạm đến bao giờ?
(Sóng Trẻ) - Đến giờ các cơ quan chức năng và nhà đầu tư vẫn chưa có biện pháp giải quyết tình trạng khu “chợ tạm Ngã Tư Sở” với việc để cỏ mọc hoang, chuột ở, mặc dù khu vực này được Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng và xây dựng xong vào đầu năm 2010.
Ảnh: Chợ tạm đã trở thành bãi gửi xe.
Đầu năm 2010, khu vực chợ tạm đã được xây dựng đoạn từ đầu đường Nguyễn Trãi đến ngã ba cây xăng đường Láng Mới và đoạn từ cầu Mọc đến cầu Hòa Mục ven bờ sông Tô Lịch, quận Đống Đa với gần 800 ki ốt. Ước tính vốn đầu tư là khoảng 10 tỷ đồng nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng chợ Ngã Tư Sở, triển khai dự án Trung tâm thương mại - chợ Ngã Tư Sở 25 tầng.
Tháng 1/2010, UBND quận Đống Đa đã có thông báo về chính sách hỗ trợ di chuyển tới các hộ dân.Thời gian dự kiến di chuyển ra chợ tạm từ ngày 15 đến 31/3/2010 thế nhưng, từ đó đến nay các tiểu thương không chuyển đến chợ tạm, mà tập trung buôn bán bên lề đường. Chợ vỉa hè lại hoạt động tấp nập thay vì sự im ắng của các ki ốt chợ tạm. Tình trạng này đã làm mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông của cung đường trên. Cảnh ách tắc thường thấy ở đây vào khoảng 5 đến 6 giờ chiều, khi chợ tự phát này bắt đầu hoạt động.
Dư luận và người dân sống gần khu vực trên rất bức xúc.
Bác Thanh (đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) rất khó chịu khi chứng kiến cảnh họp chợ tràn lan ở khu vực này: “Chợ tạm sử dụng bao nhiêu tiền của Nhà nước để đầu tư, bây giờ lại làm bãi gửi xe, chợ cóc thì họp lung tung khắp tuyến đường, làm cho khu vực này rất lộn xộn, ùn tắc giao thông liên tục vào giờ cao điểm, chúng tôi sống ở đây khó chịu lắm!”.
Chị Thắm (một tiểu thương ở chợ Ngã Tư Sở) cho biết: “Chợ tạm xây lâu rồi, nhưng chúng tôi không muốn vào đó bán bởi vì các ki ốt xây quá hẹp, mùa hè lại nóng bức, đến người bán hàng còn không chịu được thì thử hỏi khách ai dám vào đó mua hàng nữa, lại còn bị mất tiền vé chợ”.
Ảnh : Ban đêm trên đường Láng, đối diện với trường đảng Lê Hồng Phong một cái chợ vỉa hè
khác lại hoạt động tấp nập.
Vấn đề này đã được người dân sống quanh khu vực này nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng vẫn không có động tĩnh gì. Có người ngán ngẩm chép miệng: “Nói mãi mà vẫn vậy!”.
Trần Quang
Lớp báo ảnh K.29
Học viện Báo chí và Tuyên truyền