Chuyện lạ có thật ở Đường Lâm: “Cổ làm gì? Khổ lắm rồi!”


(Sóng Trẻ) - Chuyện gần 80 người dân làng cổ Đường Lâm ký vào tờ đơn xin trả lại danh hiệu Di tích lịch sử Quốc gia tưởng như là câu chuyện khó tin. Ấy vậy mà đó là nỗi đắng cay có thật của người dân nơi đây.

Phá vỡ không gian bình yên nơi thôn quê


Được công nhận là di tích lịch sử từ năm 2005, đến nay nhiều người dân tại làng cổ Đường Lâm lên tiếng kêu cứu vì nỗi khổ đang chồng chất trong cuộc sống của họ. Cả xã với khoảng 400 hộ dân nhưng trong đó chỉ có 8 gia đình có nhà cổ. 8 gia đình này cũng được hưởng số tiền hỗ trợ rất ít ỏi. Gia đình được hỗ trợ nhiều nhất là nhà ông Nguyễn Văn Hùng, mỗi tháng được 400 000 đồng; gia đình Hà Nguyên Huyến:  300 000 đồng/ tháng còn 6 gia đình còn lại mỗi tháng được hỗ trợ với số tiền 200 000 đồng.

Cực chẳng đã, với số tiền ít ỏi như vậy, mỗi gia đình có nhà cổ thường xuyên phải có người ở nhà tiếp đón những vị khách du lịch. Khách du lịch đến đây vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Họ đến ngó nghiêng, xem xét, chụp ảnh, cười nói… mà không cần hỏi ý kiến bất cứ ai. Cuộc sống riêng tư, sinh hoạt hàng ngày của người dân bị phá vỡ. Điều này gây khó chịu và bức xúc trong nhiều người dân nơi đây.

Những tưởng được công nhận là di sản văn hóa sẽ giúp người dân Đường Lâm đỡ khổ nhờ vào phát triển du lịch. Ấy vậy mà giàu có không thấy đâu, họ chỉ thấy mình phải chịu thiệt đơn thiệt kép, rơi vào hoàn cảnh cơ cực mà không biết kêu ai.

Cuộc sống chật chội, thiếu thốn không gian phá vỡ cuộc sống bình yên nơi thôn quê. Khi bị lâm vào cảnh bế tắc, người ta cũng sống chẳng còn tình nghĩa với nhau nữa. Một số gia đình lấn đất, chiếm đất của nhà hàng xóm để cơi nới cho đỡ chật, đỡ khổ. Bà Nguyễn Thị Dần – 80 tuổi, người dân Đường Lâm bức xúc phản ánh: “Nhà tôi xây cách đây lâu lắm rồi, nhà có 5 người sống  với diện tích 128 m2. Ấy vậy mà trong khi tôi đi vắng một thời gian, nhà hàng xóm đã lấn đất, cơi nới thêm. Để nhà tôi giờ đây chỉ vỏn vẹn còn 120m2. Nhà nghèo và chật đến mức chúng tôi không làm được một cái nhà vệ sinh cho đàng hoàng, nhà tắm cũng tạm bợ. Khổ nhất là khi có khách đến chơi, không có chỗ mà chỉ cho họ đi vệ sinh”.

e335ac71a_1.jpg
Bà Nguyễn Thị Dần kể về câu chuyện nhà mình bị lấn chiếm


Liên tục bị cưỡng chế, phá rỡ


Câu chuyện nhà bà Hà Thị Khanh bị cưỡng chế phá bỏ tầng hai cách đây hơn 2 năm vẫn được nhiều người dân nơi đây kể lại. Khi hỏi thăm đến nhà bà Khanh, người dân nơi đây đều hỏi lại chúng tôi rằng: “Đến phỏng vấn hả? Phỏng vấn cho hay, viết cho hay vào để mà bỏ cái “mác” làng cổ đi. Cổ làm gì? Khổ lắm rồi”.

Khi được hỏi chuyện, bà Khanh ngậm ngùi kể: những ngày làm nhà, gia đình bà bị cắt điện nước, cố gắng lắm mới xây xong nhà. Trong khi niềm vui chưa trọn vẹn, chỉ sau 2 tháng khánh thành nhà, gia đình bà đau đớn nhận quyết định cưỡng chế. Cả một đời chắt chiu dành dụm xây nhà, chưa được nhận niềm vui có nhà mới bao lâu thì cả tầng hai nhà bà bị phá hủy trong một vài ngày.

e335ac71a_2.jpg
Tầng hai nhà bà Khanh bị cưỡng chế phá hoàn toàn

Với sự kiện 80 hộ dân ký vào đơn xin trả lại di tích làng cổ Đường Lâm, câu chuyện về gia đình bà Khanh lại thu hút nhiều sự quan tâm của các cơ quan báo chí. Từ ngày 30/4, hầu như ngày nào bà cũng tiếp các đoàn báo chí đến thăm hỏi và tìm hiểu về câu chuyện gia đình bà. Bà Khanh tỏ ra mệt mỏi khi tiếp chuyện chúng tôi nhưng bà vẫn tiếp đón rất nhiệt tình, không từ chối tiếp chuyện bất cứ ai vì bà đang nhen nhóm hi vọng: nhờ cơ quan báo chí vào cuộc, gia đình bà sẽ được tự do trên mảnh đất của chính mình.

Hiện tại, gia đình bà Khanh cả thảy 8 người sống chung trong một không gian chật hẹp (gần 100 m2).  Bà Khanh đau đớn chỉ nơi cầu thang mà rằng: “Đây là góc học tập của thằng cu cháu lớn nhà tôi. Không có phòng riêng, cháu phải học ở góc cầu thang này. Lực học của cháu không tốt, cô giáo phản ánh, gia đình chỉ biết ngậm ngùi mong cô giáo giúp đỡ vì ở nhà cháu không thể học được, không có không gian riêng cho cháu tập trung học. Nhà mẫu giáo, cấp 1 ở đây cũng chật chội. 80-90 cháu học chung 1 phòng. Cô giáo cũng không thể quan tâm hết đến các cháu được”.

e335ac71a_3.jpg
Ít ai tưởng tượng được cầu thang này lại trở thành góc học tập của một cậu bé

Nhìn lên trần nhà, bà xót xa: Từ khi phá tầng 2, nhà tôi bị ngấm nước, nước vôi chảy lênh láng trong nhà những ngày mưa. Ở nhà những ngày mưa gió mà cứ như ở nài hiên, nài đường. Còn nỗi khổ nào hơn?

Tất cả những nhu cầu xây dựng, nâng cấp nhà đều bị UBND xã soi xét. Bà Khanh kể: gia đình ông Phan Văn Triệu có lần muốn xây nhà vệ sinh, Ủy ban xã thấy gia đình ông mua xi, gạch về; tức tốc điều 6 vị cán bộ thanh tra đến điều tra.

Chị Oanh, cách nhà bà Khanh không xa cũng bức xúc kể về câu chuyện gia đình chị chỉ muốn lợp thêm tấm phibroximang để chống nắng, ngay lập tức bị cắt điện nước. Gần 2 tháng rưỡi sống trong cảnh khổ cực, không có nước sinh hoạt, không có điện; gia đình chị đến UBND xã xin cấp lại điện nước mà đến nay vẫn chưa được. Gia đình vẫn sống trong cảnh thiếu nước, thiếu điện.

Bao giờ Đường Lâm mới hết khổ?

Việc được công nhận là di sản văn hóa nhẽ ra mang lại niềm vui, niềm tự hào cho những người dân Đường Lâm. Ấy vậy sự thật là người dân không những không được hưởng lợi nhuận gì từ du lịch; mà việc được công nhận là di tích lịch sử còn mang nhiều phiền toái, khó khăn, bức xúc cho những người dân nơi đây.

Vẫn biết việc bảo tồn, gìn giữ nét cổ kính, truyền thống cho các căn nhà ở làng cổ Đường Lâm là việc nên làm, nhưng đảm bảo đời sống cho người dân vẫn phải là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Thiết nghĩ việc bảo tồn nhà cổ ở Đường Lâm không nên thực hiện một cách cứng nhắc, máy móc; mà chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp quy hoạch, nới lỏng quy định xây dựng nhà để bà con cải thiện nhà ở, đảm bảo đời sống gia đình nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống.

Khi chưa có những giải pháp hợp lý, không biết người dân nơi làng cổ sẽ còn phải khổ đến bao giờ.



Luyến Kiều
Lớp Báo mạng điện tử K30


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN