Cô giáo câm điếc và lớp học của những đôi bàn tay
(Sóng trẻ) - Không nghe và cũng chẳng nói được, những thiếu thốn bẩm sinh không làm nguôi đi ý chí và quyết tâm của cô giáo Ngô Thị Kim Oanh - người giáo viên đã miệt mài dạy học miễn phí cho trẻ em câm điếc suốt 15 năm qua
Nghị lực phi thường
Ngay từ khi chào đời, Ngô Thị Kim Oanh đã không may mắn như những anh chị mình, do ảnh hưởng của thuốc kháng sinh từ mẹ khi mang thai khiến chị mất hoàn toàn khả năng nghe nói.
Tuổi thơ trôi qua trong câm lặng, không thể giao tiếp với mọi người, cũng không nghe được những âm thanh của cuộc sống nhưng cô bé Oanh lại có một niềm khao khát được đến trường mãnh liệt. Thấu hiểu được ước mơ của con, bố mẹ chị đã rời quê hương Kiến An - Hải Phòng lên Hà Nội để cho chị theo học tại trường câm điếc Xã Đàn.
Hoàn thành toàn bộ chương trình phổ thông, chị Oanh lại tự mày mò học máy tính, học tiếng Anh. Sau gần 2 năm, sự cố gắng đã giúp chị Oanh có được một công việc tại Công ty Điện Lực Hà Nội.
“Có công việc, được gia đình yêu thương nhưng thực sự giữa người câm điếc và xã hội vẫn còn quá nhiều rào cản. Ví dụ nhiều lúc tôi muốn tâm sự với bố mẹ hay kể những câu chuyện hàng ngày cho gia đình nhưng không thể làm được vì bố mẹ tôi không biết ngôn ngữ kí hiệu” - chị Oanh tâm sự
Động lực đó đã thúc đẩy chị tham gia các lớp học dạy ngôn ngữ kí hiệu của trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội và trở thành một giáo viên dạy ngôn ngữ kí hiệu không chỉ cho người điếc mà cả cho những người có nhu cầu giao tiếp với người điếc.
Dù không may mắn nhưng Oanh đã nỗ lực hết sức để có thể đứng trên giảng đường
Ngay sau khi chị Oanh kết thúc ca làm việc tại cơ quan, tôi được theo bước chân chị tới lớp học vào một buổi tối thứ tư tại trường tiểu học Cát Linh (Đống Đa – Hà Nội). Lớp học thật đặc biệt khi cả cô và trò đều chỉ giao tiếp với nhau bằng cử chỉ tay. Học sinh của lớp bao gồm nhiều thành phần, có những bạn trẻ bị điếc bẩm sinh hoặc khiếm thính, có những phụ huynh có con bị điếc và cả những bạn trẻ học để tham gia các hoạt động tình nguyện.
Lớp học tại trường tiểu học Cát Linh được diễn ra vào thứ 4 và thứ 6 hàng tuần
Bài dạy hôm nay của chị Oanh về chủ đề nghề nghiệp. Chị bắt đầu bằng việc viết các danh từ nghề nghiệp lên bảng như: cô giáo, bác sĩ, công an …. Từng từ được chị Oanh thể hiện bằng những cử chỉ tay rất nhẹ nhàng, mỗi từ chị làm lại nhiều lần, và làm theo thứ tự các ngón tay để học sinh nắm được và làm theo. Cùng với đó, mỗi học sinh tự nguyện kể một câu chuyện bằng ngôn ngữ kí hiệu, những khó khăn sẽ được chị Oanh trợ giúp thông qua một người phiên dịch, nhờ đó các học sinh tiếp thu nhanh và rất hăng hái học tập.
Cô Lê Lan Anh (53 tuổi) – một học sinh trong lớp của Oanh chia sẻ: “Tôi học ngôn ngữ kí hiệu vì cháu tôi bị điếc, tôi muốn nói chuyện với nó lắm. Cô Oanh là giáo viên đặc biệt nhất đối với tôi, cách giảng dạy của cô vô cùng hiệu quả. Lớp học của cô lúc nào cũng vui vẻ, hấp dẫn và không hề căng thẳng.”
Các học sinh chăm chú làm theo từng kí hiệu
Ước mơ giản dị
Kết thúc giờ học tại trường tiểu học Cát Linh, chị Oanh lại tiếp tục đứng lớp một lớp học tự nguyện do chị Hoài (30 tuổi) – phụ huynh một trẻ điếc bẩm sinh mở để cho các bé được gặp gỡ, giao tiếp với nhau vào thứ tư và chủ nhật hàng tuần.
Oanh cùng các em và phụ huynh diễn kịch “Nhổ củ cải”
Nhìn các con vui đùa, “học mà chơi” thông qua các trò chơi vận động, chị Hoài không giấu được nụ cười hạnh phúc: “Không gì vui hơn khi thấy con mình được vui chơi với các bạn như những trẻ bình thường. Không chỉ có tôi mà rất nhiều phụ huynh nài kia mang ơn cô Oanh vì những gì cô đã làm cho các con thật không kể hết được.”
Trở về nhà khi đồng hồ đã điểm 9 giờ tối, tổ ấm trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ của chị tràn ngập tiếng cười. Khi hỏi chị Oanh có cảm thấy mệt không chị chỉ cười và kí hiệu: “Tôi thích dạy học lắm nên có dạy tới 12h đêm cũng không mệt, càng nhiều người biết tới ngôn ngữ kí hiệu thì càng nhiều người có thể hiểu và nói chuyện được với người điếc. Đó là điều mà tôi thích nhất.”
Sắp tới, với sự trợ giúp của Chi hội người điếc, chị Oanh dự định tham gia giảng dạy lớp biên dịch ngôn ngữ kí hiệu dành cho các bạn trẻ tại các trường đại học. Đây sẽ là cơ hội để ước mơ xoá bỏ rào cản giữa người điếc và xã hội của chị dần trở thành hiện thực.
Doãn BáchBM33
Cùng chuyên mục
Bình luận