Cơn sóng "Thời trang nhanh" và bài toán tiêu dùng của giới trẻ
(Sóng trẻ) - Đối với Gen Z hiện nay, thời trang là một bài toán khó có lời giải giữa theo đuổi phong cách cá nhân và làm tròn trách nhiệm với môi trường. Trong hành trình theo đuổi cái đẹp, nhiều bạn trẻ dường như đang lãng quên một sự thật rằng thời trang cũng đang âm thầm tàn phá thế giới theo cách riêng của nó.
Thực trạng đáng báo động
Theo Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA), trong năm 2018, các bãi chôn lấp đã tiếp nhận 11,3 triệu tấn hàng dệt may, trong khi 3,2 triệu tấn khác bị đốt, thải ra lượng lớn khí nhà kính gây hại cho môi trường. Một báo cáo từ thương hiệu Labfresh cho biết 57,1% rác thải thời trang tại 15 quốc gia EU cũng bị đổ vào các bãi chôn lấp. Tại Anh, theo tổ chức WRAP, mỗi năm có khoảng 350.000 tấn quần áo đã qua sử dụng, trị giá ước tính 140 triệu bảng Anh, bị bỏ đi dưới dạng rác thải.
Theo báo cáo “Xu hướng tiêu dùng ngành thời trang Việt Nam” vào tháng 7/2024 từ Cốc Cốc, gần 50% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm thời trang hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Điều này cho thấy thời trang không chỉ là một nhu cầu mà đã trở thành thói quen trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, sự thay đổi chóng mặt của xu hướng khiến những món đồ cũ nhanh chóng bị lãng quên chỉ sau vài lần sử dụng.
Nguyễn Thảo Phương (20 tuổi, Hà Nội) là “tín đồ săn hàng” tại một số thương hiệu chuyên ra mắt thời trang nhanh chia sẻ: “Mình liên tục phải cập nhật tủ đồ theo xu hướng, theo mùa vì không muốn dùng lại đồ cũ. Cảm giác khi mặc 1-2 lần quần áo của thương hiệu đó đã cảm thấy cũ khi thương hiệu ra mắt sản phẩm mới”.
Không chỉ gây áp lực tài chính, thời trang nhanh còn là một trong những tác nhân chính làm tổn hại môi trường. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), “Thời trang nhanh” là ngành tiêu thụ nước lớn thứ hai và chịu trách nhiệm về khoảng 10% lượng khí thải carbon trên toàn cầu. Điều này cho thấy, thời trang nhanh không chỉ đang gây áp lực lớn lên túi tiền người trẻ, mà còn đặt gánh nặng khổng lồ lên hành tinh vốn đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu.
Chuyển đổi nhanh - chuyển đổi lành mạnh
Bảo vệ môi trường là điều cần thiết, nhưng sự chuyển đổi từ tiêu dùng thời trang nhanh sang thời trang bền vững lại là một chặng đường đầy thách thức.
Giá cả phải chăng và tính tiện lợi của thời trang nhanh giúp dễ dàng tiếp cận với học sinh, sinh viên hay người mới đi làm. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của mạng xã hội cũng liên tục khuyến khích việc chạy theo xu hướng, tạo áp lực vô hình buộc giới trẻ phải thường xuyên làm mới bản thân. Tuy nhiên, cái giá rẻ đi kèm vòng đời ngắn ngủi của các sản phẩm này đã khiến chúng nhanh chóng trở thành rác thải.
Nguyễn Viết Minh Quyền (22 tuổi, Hà Nội), có thói quen tiêu dùng tiết kiệm, chuyên sử dụng các sản phẩm thời trang hướng tới giá trị lâu bền, dùng được nhiều lần và mang tính cá nhân hoá cao. Quyền chia sẻ: “Mình thường mua quần áo 5,6 lần 1 năm, mỗi lần mua mình sẽ thường cân nhắc tới chất liệu của sản phẩm cũng như sự tối giản, dùng được lâu dài mà không quá lỗi thời - thay vì là ưu tiên chọn hàng hiệu”.
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của thời trang lên môi trường, mỗi người trẻ cũng cần có sự thay đổi nhanh chóng nhưng phải đảm bảo tính bền vững và lành mạnh. Ngày càng nhiều bạn trẻ đang khám phá và ủng hộ thời trang xanh, từ việc tái sử dụng quần áo cũ đến lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường. Lối sống tối giản (minimalism) với thông điệp “ít hơn nhưng tốt hơn” cũng đang được đón nhận rộng rãi, giúp tiết kiệm chi phí đồng thời giảm thiểu rác thải. Tất cả những thay đổi này đều hướng đến một lối sống cân bằng, hài hòa giữa nhu cầu cá nhân và trách nhiệm với xã hội, mở ra giải pháp tiêu dùng bền vững trong thời đại hiện nay.
Trong dòng chảy không ngừng của xu hướng, người trẻ đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng: tiếp tục chạy theo thời trang nhanh hay chọn cho mình lối sống bền vững hơn. Đây không chỉ là câu chuyện của phong cách cá nhân mà còn là lời khẳng định trách nhiệm của thế hệ trẻ với môi trường và xã hội. Người trẻ, với sức sáng tạo và tư duy cởi mở, chính là lực lượng tiên phong trong hành trình thay đổi này.