Đạo đức nghề báo: “Nhà báo phải hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”

(Sóng trẻ) - Báo chí là một loại hình truyền thông đại chúng hiện đại, có vị trí và tầm quan trọng trong đời sống nhằm kết nối và biểu đạt các giá trị xã hội. Báo chí là “cầu nối” thông tin giữa chủ thể lãnh đạo, quản lý và công chúng. Hoạt động báo chí phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản như: tính khuynh hướng; tính khách quan, chân thật; tính nhân dân và dân chủ; tính dân tộc và quốc tế; tính nhân văn. Trong các nguyên tắc hoạt động của báo chí thì khách quan, chân thật được coi là những nguyên tắc quan trọng hàng đầu.

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về báo chí, Người coi trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp. Đồng thời, Người cũng đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Người cho rằng, “một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”. 

Có thể thấy, trung thực trong báo chí là điều cần thiết và bắt buộc đối với mỗi người làm báo. Vì vậy, trong Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam có ghi: “Nhà báo phải hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”. Điều đó có nghĩa, nhà báo chân chính phải chuyên nghiệp trong cách hành nghề, luôn tôn trọng sự thật. “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết” (Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, bên cạnh những biểu hiện tích cực, nhiều mặt trái trong ngành báo chí vẫn diễn ra trong suốt những năm qua. Nhiều thông tin sai sự thật, nhiều cá nhân nhà báo vi phạm tôn chỉ, mục đích và đạo đức nghề nghiệp. Nhiều thông tin thiếu định hướng, nặng về mặt trái, xâm phạm đời tư, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín cá nhân, tổ chức vẫn được báo chí đăng tải. Nguy hiểm hơn là việc hiện tượng lây lan thông tin sai từ các báo, trang thông tin điện tử tổng hợp đăng lại gây hậu quả xấu cho xã hội.

41906c19c_12801438_469377989935358_8373209605594402691_n.jpg
Sự trung thực, khách quan và tôn trọng sự thật lại là cái cốt lõi làm nên một nhà báo chân chính

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm Báo chủ yếu là vi phạm thông tin sai sự thật. Những vi phạm này thường được xử lý bằng biện pháp: phạt cảnh cáo, thu hồi thẻ nhà báo, đình bản, thu hồi báo.

Một ví dụ gần đây cho việc thông tin thiếu trung thực, khách quan và tôn trọng sự thật là việc xảy ra hiện tượng thông tin về chất lượng nước mắm. Những thông tin này được đăng tải một cách thiếu kiểm chứng khách quan gây hậu quả vô cùng nặng nề đến người tiêu dùng và các nhà sản xuất. Đặc biệt, những thông tin này lại được đăng ở nhiều báo lớn nên độ lan tỏa thông tin rất nhanh gây thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần cho xã hội.

50 cơ quan báo chí trong thời gian ngắn đã cho đăng gần 560 tin, bài. Hậu quả của việc thông tin đã làm dư luận xã hội hết sức hoang mang, các sản phẩm nước mắm truyền thống bị người dùng tẩy chay,; các vùng, miền sản xuất nước mắm truyền thống càng khó khăn hơn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến người tiêu dùng và việc sản xuất nước mắm truyền thống cũng như thương hiệu hàng hóa của Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.  

Bên cạnh đó, một số nhà báo còn lợi dụng “quyền lực thông tin”, bẻ cong ngòi bút vì mưu lợi riêng mà vi phạm tính khách quan, chân thật của báo chí. Biếu hiện dễ nhận thấy là một số nhà báo dùng danh nghĩa “chống tiêu cực” để thực hiện hành vi tiêu cực: dựa trên những bằng chứng thu thập được qua điều tra để hù dọa, tống tiền doanh nghiệp, cá nhân.

Nhiều trường hợp nhà báo không chịu đi thực tế mà dựa vào những thông tin trên internet hay được đồng nghiệp chia sẻ để viết bài, đưa tin, tùy tiện bịa đặt hư cấu chi tiết trong tác phẩm. Ví dụ, vào ngày 13-7-2016, nhiều tờ báo uy tín đã đăng bài viết: “Câu chuyện cô gái đòi mẹ mua xe máy đắt tiền gây bất bình”. Nội dung bài viết khai thác từ bức ảnh và bình luận của một facebooker sau khi thấy một nữ sinh đòi mẹ mua xe máy đắt tiền. Trong khi sự thật thì cô gái này có công việc, thu nhập ổn định, cô muốn người mẹ đi cùng để chọn lựa một chiếc xe phù hợp. Tuy nhiên, nhà báo lại không kiểm chứng lại thông tin. Sau phản hồi bức xúc của cô gái, nhà báo đã đính chính sự việc trên nhưng không gỡ bài viết cũ hoặc có lời xin lỗi nạn nhân và độc giả.

Về công tác xử lý vi phạm, trong 5 năm qua, có 242 lượt cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm, phạt tiền 231 lượt cơ quan báo chí hơn 4,6 tỷ đồng. Đáng lưu ý, giai đoạn này cơ quan quản lý đã thu hồi 121 thẻ nhà báo, trong đó có 95 thẻ thu hồi do cơ quan báo chí dừng hoạt động và 26 trường hợp bị thu thẻ do có vi phạm.

Riêng năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý hành vi hành chính 37 trường hợp cơ quan báo chí vi phạm, phạt tiền 33 lượt cơ quan báo chí với số tiền phạt hơn 1,5 tỷ đồng, phạt cảnh cáo đối với 4 trường hợp, phạt tiền gần 800 triệu đồng đối với 18 tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng Internet. Những con số trên là lời cảnh tỉnh về vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam hiện nay.

Việc nắm bắt được thông tin nhanh, nóng hổi luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự sống còn của mỗi cơ quan báo chí truyền thông. Tuy nhiên, trong cuộc tranh đua quyết liệt đó, một số nhà báo đã bỏ qua vấn đề “trách nhiệm và lương tâm” nghề nghiệp, khiến vấn đề đạo đức báo chí trở thành tâm điểm bức xúc của dư luận xã hội. Chúng ta đang chứng kiến sự lớn mạnh của lực lượng báo chí truyền thông, nhưng cũng nhìn thấy sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa các xu hướng làm báo và các nhóm lợi ích khác nhau trong báo chí.

Người làm báo nói riêng và báo chí nói chung cần thấy rõ trách nhiệm không chỉ với bản thân mình mà còn là trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm với toàn xã hội. Đạo đức nghề nghiệp là một bộ phận của đạo đức xã hội. Đạo đức của người làm báo lại chính là nền tảng của hoạt động báo chí. Sự trung thực, khách quan và tôn trọng sự thật lại là cái cốt lõi, cái cơ bản để làm nên một nhà báo chân chính.

Thúy Nga
Báo mạng điện tử K34

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN