COP 21: Hy vọng và thách thức nào cho Việt Nam?
(Sóng trẻ) - Hội nghị biến đổi khí hậu Liên hợp quốc (COP 21) đang diễn ra tại Pháp từ ngày 30/11 đến 11/12 với sự tham gia của 150 nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Việt Nam tham dự hội nghị với nhiều hy vọng cho tương lai chống lại biến đổi khí hậu, song những thách thức cho chúng ta là rất lớn.
Hy vọng thành công cho COP 21
Hội nghị biến đổi khí hậu Liên hợp quốc đã được tổ chức nhiều lần trước đây với mong muốn tìm ra tiếng nói chung của tất cả các quốc gia trực thuộc Liên hợp quốc chống lại biến đổi khí hậu. Song trở ngại lớn nhất vẫn ở sự thiếu trách nhiệm của các quốc gia phát triển, vốn có lượng khí thải CO2 (gây hiệu ứng nhà kính) rất lớn.
Các nhà lãnh đạo thế giới tại Cop 21 (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, thái độ gần đây của Mỹ và Trung Quốc (2 quốc gia chiếm 40% lượng khí thải toàn cầu) đã nhóm lên hy vọng thành công cho COP 21.
Với Mỹ, ngày 3/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố một kế hoạch lớn mang tên "Clean Power"- “Năng lượng sạch”. Theo đó, từ nay đến năm 2030 xứ sở cờ hoa sẽ giảm 32% khí thải CO2, cao hơn cam kết đưa ra trước đó là từ 26-28%. Trung Quốc mới đây cũng đã đưa ra cam kết giảm 20%-25% năng lượng hóa thạch, giảm bớt 60%-65% nồng độ khí thải CO2.
Các nhà khoa học trên thế giới đã thúc đẩy và kỳ vọng rất lớn vào COP 21 lần này, bởi theo họ, đây là cơ hội cuối cùng để tất cả các quốc gia trên thế giới cùng chung tay cứu lấy trái đất. Mục tiêu được đặt ra là một thỏa ước quốc tế về khí hậu nhằm giới hạn nhiệt độ trái đất nóng lên không quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Hy vọng chống lại biến đổi khí hậu cho Việt Nam
Việt Nam được xếp vào 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Theo tính toán, nếu nước biển dâng lên 1m do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập hoàn toàn, ảnh hưởng đến cuộc sống của 20 triệu dân Việt Nam.
Nước biển dâng có thể “xóa sổ” Đồng bằng sông Cửu Long khỏi bản đồ Việt Nam
(Ảnh: Nguyễn Hoàng Anh)
Do đó, khi đến với COP 21, Việt Nam đã đặt ra cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế từ các hợp tác song phương và đa phương. Để làm được điều này, Việt Nam cần khoản tiền lên đến 21 tỷ USD, trong số này, Việt Nam chỉ có thể tự bố trí được 3,2 tỷ USD, còn lại 17,8 tỷ USD cần sự hỗ trợ của quốc tế.
Khoản tiền này là hoàn toàn có thể hiện thực hóa, khi COP 21 đặt ra mục tiêu lập quỹ chung mỗi năm 100 tỷ USD từ tất cả các quốc gia Liên hợp quốc để hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Cam kết giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam là con số ấn tượng nếu so sánh với quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế đang phát triển của chúng ta.
Thách thức cho chúng ta
Việt Nam rất cần khoản tiền 17,8 tỷ USD hỗ trợ từ quốc tế để chống lại biến đổi khí hậu bởi bản thân nền kinh tế chúng ta không thể đủ kinh phí để tự lực bố trí được khoản tiền khổng lồ tương đương gần 1/6 tổng GDP cả nước này.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, cơ sở vật chất và khoa học kỹ thuật đều đi sau các quốc gia phát triển. Nếu Việt Nam sử dụng các loại năng lượng và khoa học kỹ thuật cần ít vốn phát triển thì sẽ gây ra nhiều lượng phát thải khí nhà kính, điều tương tự với các quốc gia phương Tây như Anh, Mỹ, Pháp, Đức,… đã thực hiện ở đầu thế kỷ XX.
Chính vì điều này mà bản thân Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever đã thừa nhận các nước phát triển thuộc EU có vai trò đi đầu trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Ông Lever mong muốn Việt Nam có thể tránh được những sai lầm mà Anh đã mắc phải trong quá khứ để phát triển kinh tế, nên sử dụng công nghệ cao để có nền kinh tế carbon thấp.
Việc chuyển đổi từ công nghệ thấp lên công nghệ cao trong nền kinh tế cần một số vốn cực lớn và rất nhiều khó khăn khác đi kèm. Song chúng ta lại không thể có được tất cả những gì mình cần từ sự hỗ trợ quốc tế. Do đó, việc cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam đặt ra rất nhiều thách thức cho nền kinh tế của chúng ta.
Lấy ví dụ từ quốc gia láng giềng Trung Quốc, trong cuộc “Đại cách mạng công nghiệp” của mình, họ đã đưa đất nước vươn lên trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới song hậu quả về ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính lại cực kỳ lớn và nghiêm trọng ở quốc gia này. Đây chắc chắn là điều mà Việt Nam không muốn lặp lại.
Bạn hãy cho chúng tôi biết mong muốn và giải pháp của mình cho Việt Nam trong tương lai để chống lại biến đổi khí hậu là như thế nào qua phần bình luận bên dưới.
Thanh Hằng - Kim Hoa - Cao Huyền - Ngô Huyền - Hoài Nam
Báo Mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận