Cuộc đời cay đắng của cụ bà sống lâu năm nhất trại phong

(Sóng trẻ) - Tìm đến trại phong Sóc Sơn (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vào một ngày hè oi ả, con đường dường như kéo dài vô tận khi xung quanh là sự heo hút vắng bóng người qua lại. Nơi đây là chỗ ở của 6 bệnh nhân phong còn ở lại sau khi trại phong bị di dời sang địa điểm mới tại Hà Tây. 

Khuất sau những đám cây dại là nơi ở của cụ Nguyễn Thị Sợi – người sống lâu nhất tại trại phong này.

Tuổi thơ khổ đau

Trong căn nhà nhỏ hoang vắng, chẳng có gì nhiều nài chiếc giường, cái ghế ọp ẹp, cụ Nguyễn Thị Sợi đang ngồi nói chuyện với hai chú chó con. Thấy có người vào, cả chủ cả vật chủ đều mừng rối rít.

48bf1adbb_a1.jpg
Cụ Sợi bên chú chó mà cụ coi như con

Cụ Sợi sinh năm 1945, vốn là trẻ mồ côi. Năm 10 tuổi, cụ được một gia đình nhận nuôi. Nhà bố mẹ nuôi cũng nghèo nên cô bé Sợi lúc đó phải đi làm kiếm tiền cho gia đình, không được đi học. Bế con cho những gia đình mới sinh, mò cua mò tép đem ra chợ bán, cuốc đất,… việc nặng nhẹ gì cụ đều làm hết. 

“Ngày ấy nghèo lắm, được nhận nuôi, được cho ăn là hạnh phúc lắm rồi chứ đâu có nghĩ đến chuyện được đi học. Bố nuôi cũng thương nhưng nhà chẳng có nổi gạo mà ăn thì lấy đâu ra tiền mà đi học”. 

18 tuổi, cụ Sợi bắt đầu phát hiện ra những vết bỏng, vết lở loét không rõ nguyên nhân xuất hiên ngày một nhiều trên chân, tay. Đoán được phần nào bệnh tình, cụ Sợi tự mình thử sờ tay vào nước nóng nhưng không có cảm giác: “Ngày ấy ai mà bị bệnh hủi là cả làng đều tránh, không ai muốn tiếp xúc đâu nên đành phải giấu. Nhiều lúc tê cứng chân tay không cử động được cũng không dám kêu. Cũng nghĩ đến cả chuyện bỏ làng đi biệt xứ rồi. Nhưng biết đi đâu bây giờ” – cụ Sợi rưng rưng nhớ lại.

48bf1adbb_a2.jpg
Đôi tay co quắp do di chứng của bệnh phong

Chuyện gì đến cũng phải đến, ban lãnh đạo hợp tác xã cho cụ đi kiểm tra và phát hiện cụ mang trong người căn bệnh phong quái ác. 19 tuổi, cụ Sợi vào bệnh viện da liễu Hà Nội khoa điều trị phong và bắt đầu những tháng ngày cô độc nơi đây.

Cả đời gửi gắm tại trại phong

Cụ Nguyễn Thị Sợi là một trong những bệnh nhân đầu tiên nhập trại phong lúc bấy giờ. Tính đến nay cũng đã 52 năm cụ gắn bó với nơi đây. Điều trị trong vòng 18 tháng thì cụ khỏi bệnh nhưng các chị nuôi đã đi lấy chồng cả lại ngại mang bệnh tật nên không muốn về nhà cha mẹ nuôi, cụ Sợi đã ở lại luôn nơi đây: “Tuy là khỏi bệnh rồi nhưng về làng ai cũng né tránh nên thôi. Ở lại đây còn có bạn cho đỡ tủi. Thỉnh thoảng hai chị cũng vào thăm không thì lúc nào khỏe người bà lại đi ra nài đấy chơi. Thăm nom chốc lát rồi lại về”.

Vài năm sau, cụ Sợi bén duyên với một người cũng là bệnh nhân điều trị tại trai phong. Cuộc sống dần bớt đi sự cô đơn khi hai người có với nhau được một cô con gái. Vì mang nhiều bệnh tật nên cụ ông đã qua đời 16 năm trước, niềm vui duy nhất của cụ chỉ còn lại cô con gái nan nãn, hiện đang làm hộ lý cho trạm xá huyện, đã kết hôn với người con trai của đôi vợ chồng sống cùng trại phong.

48bf1adbb_a3.jpg
Dù sức khỏe không tốt nhưng ngày nào cụ cũng ra vườn

Khi hỏi về đứa con gái duy nhất, cụ Sợi nghĩ ngợi hồi lâu, đôi tay co quắp bị ăn mòn mất một phần run lên, cụ kể: “Nó có công ăn việc làm tử tế nhưng từ ngày lấy chồng nó khổ lắm. Chồng mượn rượu đánh đập suốt ngày, năm kia thì gãy tay, gãy chân, năm vừa rồi thì động cả vào dây thần kinh. Điều trị mãi mới khỏi. Mà vì thương đứa con nên nó không dám bỏ chồng”. Đôi mắt cụ Sợi dần nhòe đi, nhưng cụ không khóc được nữa, cứ mếu máo mãi: “Đứa con nó cũng khổ theo. Chịu đòn roi của bố nó suốt nên toàn vào đây ở với bà. Cứ đi học là lại về đây ăn cơm. Nhiều hôm cả mẹ cả con về đây ở cả mấy ngày liền”.

Khi có quyết định chuyển trại phong về Hà Tây, cũng như những người ở lại, đều vì muốn được gần con gần cháu nên cụ không đi: “Vì mình không đi nên giờ không được nhà nước nuôi nữa. Không có thuốc men, trợ cấp gì cả. Cũng tự mình cả thôi. Ngay cả điện nước cũng phải mua của tư nhân bên nài. May nhờ thỉnh thoảng có vài đoàn từ thiện, rồi bà con làng xóm cũng thương, thỉnh thoảng lại cho cân gạo, chai mắm. Mừng nhất là dãy nhà cấp 4 này nhà nước vẫn chưa phá đi mình còn được ở tiếp. Chứ không biết ở đâu bây giờ. Ra ở với con thì con rể đánh đuổi. Khổ lắm”.

48bf1adbb_a4.jpg
Đàn gà sau vườn của cụ Sợi

Mảnh vườn nhỏ sau nhà, cụ Sợi trồng đủ loại rau. Cả đàn gà cụ nuôi con nào cũng béo mầm. Dáng người gầy gò, cụ ném nắm ngô cho đàn gà nói trêu: “Các con ăn đi còn đẻ trứng cho bà bán. Khi nào mấy đứa béo bà cũng bán nốt”. Rồi cụ quay sang bảo: “Phải bán mới có tiền mua gạo, mua điện chứ không tiền đâu ra. Tiền con H còn phải để nuôi con nó và lo cho gia đình nó nữa chứ”.

Ôm hai con chó con vào lòng, cụ nói chuyện với nó như nói chuyện với hai đứa cháu bé bỏng. Những vết tường bong tróc, cũ kĩ ẩm mốc không biết có thể trụ đến bao giờ nữa nhưng cụ Sợi thì lúc nào cũng lạc quan, cười sang sảng. Lúc nào cụ cũng thích có người đến chơi, có người nói chuyện: “Ôi dào, ông trời cho mình sống được đến bao giờ thì cứ sống thôi. Giờ chỉ mong cứ khỏe như này là mừng lắm rồi”.

Xế chiều, cụ Sợi tiễn chúng tôi ra con đường mòn đất đỏ mà dường như cụ không muốn quay lại. Có lẽ vì cụ biết, khi chúng tôi khuất sau đám cây kia, cụ sẽ chỉ còn lại một mình giữa ngọn đồi hẻo lánh này.
Khánh Ly

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN