Tuynel – Hệ thống lò nung giải quyết bài toán phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường
(Sóng trẻ) - Một đất nước luôn có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế đồng nghĩa với việc phải có sự đánh đổi đối với môi trường tự nhiên mà chính con người đang sống. Và bài toán phát triển kinh tế phải song hành với bảo vệ môi trường luôn đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề khác nhau để có thể cân bằng tối đa trong sự thay đổi của đất nước và xã hội.
Việt Nam là một nước đang phát triển. Trong quá trình vận động luôn đặt ra nhiều vấn đề về cơ hội, điều kiện để phát triển kinh tế. Với những chính sách thu hút vốn đầu tư có quy mô hiện đại cùng số vốn lớn, tính thời điểm hiện tại các dự án lớn nhỏ khác nhau luôn tạo nhiều điều kiện cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Không quá khi nói rằng sự phát triển kinh tế đóng vai trò rất quan trọng trong sự chuyển biến tình hình của đất nước. Tuy nhiên vấn đề này cũng đặt ra nhiều bài toán đối với xã hội đặc biệt là những người làm kinh tế phải làm thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường. Hai vấn đề này có mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau. Phát triển kinh tế nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường là một nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài và nhất thiết phải thực hiện.
Hoàn toàn có thể khẳng định rằng nếu như các dự án, mô hình kinh doanh, sản xuất,… có thể đem lại nguồn thu ngân sách lớn nhưng gây ảnh hưởng môi trường để có được điều đó thì không được xem thành công mà đó chính là bài học cần xem xét và nhìn nhận. Các doanh nghiệp hay nhà sản xuất luôn chú ý đến lợi nhuận nhưng phải đánh đổi môi trường để có được điều đó thì hậu quả mà nó gây ra hết sức nghiêm trọng và nặng nề.
Hậu quả đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế (Ảnh Internet)
Khi nhìn nhận thực tế Việt Nam vẫn còn đó nhiều vấn đề bất cập trong tiến trình phát triển. Suy thoái tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, nhiều thiên tai (bão, lũ, hạn hán,..) xảy ra thường xuyên chính là những tác động mà môi trường sống của con người phải gánh chịu. Rất nhiều các tỉnh thành từ Bắc đến Nam thường xuyên phải đối mặt những cơn giận dữ của thiên nhiên và sau đó đẩy cuộc sống của người dân vào những khó khăn đến tột đỉnh. Hình ảnh người dân miền Trung bất lực nhìn dòng lũ nhấn chìm hết tất cả mọi của cải nhà cửa, tình trạng hạn hán sạt lở đất ở xảy ra triền miên hay lũ quét, bão lớn xuất hiện nhiều ở các tình thành phía Bắc là cảnh tỉnh cho tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang diễn ra đối với Việt Nam hiện nay. Môi trường sống của con người luôn có những vấn đề khiến hơn 90 triệu người dân quan tâm và điều này xuất phát từ lợi ích trước mắt của con người, thói quen sinh hoạt trong cuộc sống của chính chúng ta.
Đó chính là những thực trạng mà đất nước, cuộc sống của chúng ta đang phải đối mặt trong nhiều năm qua. Trở lại với vấn đề phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường chúng ta cần phải nhìn nhận nhiều bất cập mà các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải giải quyết. Cách đây 2 năm, một nguồn thải lớn có chứa các hạt keo sắt dưới dạng mixel hấp thụ nhiều độc tố như phenol, xyanua, kim loại nặng,… từ hệ thống xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung đã để lại cho chúng ta nhiều bài học đắt giá từ hậu quả của sự cố gây ra. Sự cố môi trường biển mà Formosa Hà Tĩnh gây ra đã khiến hàng trăm tấn hải sản biển bị chết, hàng chục nghìn con tàu không thể ra khơi, đẩy cuộc sống của người dân vào tình trạng khốn khổ hơn bao giờ hết.
Biến đổi khí hậu, môi trường sống bị ảnh hưởng là những hệ quả vô cùng nghiêm trọng trong việc đẩy mạnh tìm kiếm lợi nhuận nhưng không chú trọng đến môi trường xung quanh. Nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, hộ sản xuất kinh doanh phải nhận thức được vai trò quan trọng của vấn đề để có được những biện pháp, quy định cụ thể. Và cũng phải nói rằng, hiện nay nhiều nhà máy, doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đang đẩy mạnh áp dụng các công nghệ hiện đại để có thể giảm thiểu tối đa ô nhiễm, ảnh hưởng tác động đến môi trường.
Chuyến khảo sát thực tế của các phóng viên, giảng viên và sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền trên địa bàn Quảng Ninh đã có cái nhìn cụ thể, khách quan đối với tình hình các doanh nghiệp nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường trong kinh doanh, sản xuất.
Nhà máy sản xuất gạch ngói Tiêu Giao của Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long đã và đang áp dụng nhiều cải tiến về kĩ thuật đốt là để tiết kiệm một cách tối đa nhiên liệu, kiểm soát nhiệt lượng trong lò đốt. Trước đây nền sản xuất gạch truyền thống luôn tồn tại nhiều bất cập về vấn đề gây ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng nhiên liệu đến hệ thống xả thải. Việc sử dụng lò đốt bằng than, nhiệt lượng, khói tỏa ra môi trường rất nhiều và gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người với các chất khí độc hại như: CO2, Nox, SO2,… Nhận thức được tác động xấu đến môi trường và con người Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long đã sử dụng hệ thống lò Tuynel với chế độ làm việc liên tục có thể kiểm soát lượng nhiệt lượng trong lò và tiết kiệm nhiên liệu một cách hiệu quả.
Hệ thống lò tuynel của nhà máy Tiêu Giao
Đại diện Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long, ông Trần Duy Hưng cho biết: “Quy trình sản xuất gạch, ngói tại nhà máy phải chọn thông số công nghệ khắt khe, yêu cầu cao hơn để có thể đưa ra sản phẩm chất lượng. Việc sử dụng lò nung tuynel sẽ tiết kiệm nhiên liệu và không gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù vẫn có một chút khói đen ra môi trường thì công ty sẽ tiếp tục chuyển sang đốt khí gas để môi trường được cải thiện một cách triệt để nhất. Nhiệt độ từ lò nung nhà máy sẽ chuyển sang để sấy gạch. Tận dụng nhiệt như vậy, ống khói chỉ còn hơi nước và không còn khí độc hại”.
Hơi nước được phun trong nhà máy
Chuyên gia môi trường và chất thải Đào Nhật Đình khi tham quan về quy trình sản xuất của nhà máy, chia sẻ: “Về mặt vệ sinh môi trường của nhà máy đảm bảo tốt và cũng đang trong quá trình làm cho tốt hơn. Lò FO chuyển sang là khí hóa lỏng sẽ làm cho chất lượng không khí được cải thiện hơn rất nhiều. Quy trình xử lí nước thải sinh hoạt của nhà máy đều nằm trong thông số đạt chuẩn và an toàn.”
Nhà máy Tiêu Giao mỗi năm có doanh thu hơn 2000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 2000 công nhân trên địa bàn và là đơn vị dẫn đầu việc ứng dụng công nghệ trong ngành sản xuất gạch ngói tại Việt Nam. Mặc dù không thể giảm tác động đến môi trường bằng 0 nhưng mô hình sản xuất này cũng đã và đang góp phần vào việc giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường trong kinh doanh hiện nay.
Công nhân làm việc trong môi trường thân thiện với môi trường
Không có ngành sản xuất nào đặc biệt đối với các ngành xây dựng và sản xuất gạch ngói giảm được ô nhiễm môi trường một cách tối đa và triệt để cả. Tuy nhiên mô hình của nhà máy gạch Tiêu Giao tại Quảng Ninh chính là mô hình hạn chế gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất và kinh doanh cần được mở rộng sử dụng trên nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam. Việc thực hiện những quy định về bảo vệ môi trường không những là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh mà đây chính là sự phản ánh ý thức của mỗi chúng ta về chính môi trường sống xung quanh.
Dương Lan
Cùng chuyên mục
Bình luận