Đạo diễn Nguyễn Hoàng Long: “Nếu niềm đam mê của bạn đủ lớn, bạn sẽ vượt qua được”

(Sóng trẻ) - Chiều 16/10, Sóng Trẻ Festival 2021: In The Zone đã tổ chức buổi workshop với tên gọi “Những khung hình biết nói” với sự góp mặt của đạo diễn Nguyễn Hoàng Long. Chương trình được tổ chức trực tuyến, thu hút sự tham gia của gần 100 sinh viên trong và ngoài Học viện.

anh-1.jpg

Workshop quay phim với sự góp mặt đặc biệt của đạo diễn Nguyễn Hoàng Long.

 

Mở đầu cho bốn workshop nằm trong khuôn khổ sự kiện đồng hành “Club's Day 2021 - Choose Your Squad” của chương trình Sóng Trẻ Festival 2021, “Những khung hình biết nói” giúp các bạn sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên K41 hiểu rõ hơn về nghề quay phim cũng như những góc khuất của nghề thông qua những chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Hoàng Long.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại VTV, quyền trưởng phòng Biên kịch - Biên tập, Trung tâm phim tài liệu & phóng sự, Đài truyền hình Việt Nam, đạo diễn Nguyễn Hoàng Long đã biên kịch và đạo diễn trên 30 phim tài liệu, trên 10 series ký sự và gần 200 phóng sự. Trong đó gần đây nhất là chuỗi phim tài liệu “Chuyện ở Thành phố Thức” nói về các góc độ nơi tâm dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Mở đầu cuộc trò chuyện, đạo diễn đã chia sẻ về chuyến công tác tại thành phố mang tên Bác vào thời điểm dịch bệnh tại đây căng thẳng, phức tạp nhất. Lúc này anh đảm nhiệm vị trí Trưởng đoàn. Để sản xuất ra những thước phim giá trị, anh cùng đoàn làm phim luôn phải thức dậy từ sớm, trực tiếp đến bệnh viện dã chiến để quay và làm hậu kỳ tại chỗ. “Chuyện của Thành phố Thức” do đạo diễn Nguyễn Hoàng Long thực hiện đã phản ánh chân thực cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở nơi tuyến đầu, nơi sự sống và cái chết, hy vọng và tuyệt vọng chỉ là ranh giới mong manh.

Chọn bối cảnh là bệnh viện dã chiến, cách thể hiện là bám theo sự kiện, câu chuyện, nhân vật một cách chân thật nhất. Bộ phim đã khiến người ta cảm thấy ngột ngạt, căng thẳng trước bầu không khí “chiến trường”, sự chật chội của không gian bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải đã chạm đến tận cùng của nỗi sợ hãi, nỗi đau, nỗi ám ảnh đối với người xem. Chia sẻ về cảnh quay tâm đắc nhất, anh nói: “Trong một buổi quay đêm, cảnh quay flycam một bác sĩ đẩy bệnh nhân từ xe cấp cứu vào thông thường sẽ ghép từ 3-5 cảnh nhỏ. Tuy nhiên mình muốn có sự liền mạch để mọi người cảm nhận được câu chuyện từ ngoài sân đi vào ra sao nên không tách nhỏ các cảnh. Và đặc biệt khi để ý đến âm thanh của bánh xe, của giường sắt khi đẩy, mọi người sẽ cảm giác được sự ghê sợ như thế nào. Đấy là lý do mình đặt cảnh đấy ở đầu phim”.

Cũng theo đạo diễn, có những cảnh quay mà anh rất thích tuy nhiên vì tính chất nhạy cảm nên anh đã không đưa vào phim. Qua đó đã nhắc nhở các bạn sinh viên về đạo đức khi làm nghề. Đó là một trong những điều rất quan trọng đối với những người làm báo, làm truyền hình. Mặc dù có những thứ mình mong muốn nhưng đạo đức vẫn là thứ đặt lên hàng đầu, từ đó ta phải chọn lọc thông tin kỹ lưỡng trước khi truyền tải đến với công chúng.

anh-2.jpg
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Long (ngoài cùng bên phải) cùng các cộng sự trong chuyến công tác vào Hồ Chí Minh.

 

anh-3.jpg

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Long chia sẻ những trải nghiệm quý giá của mình.

 

Trong suốt buổi chia sẻ, đạo diễn cũng đã trao đổi với các bạn sinh viên nhiều hơn về những kỹ năng trong nghề quay phim. Theo anh, kỹ năng là về mặt chuyên môn, mà chuyên môn thì tất cả mọi người đều được học gần như nhau. Quan trọng là mỗi người áp dụng chúng như thế nào. Bên cạnh đó, tùy vào mỗi phim hay phóng sự mà ta có thể quay ở các góc độ khác nhau. Với “Chuyện của Thành phố Thức”, đó là chuỗi phim mà anh không biết trước được các cảnh quay sẽ diễn ra như thế nào. “Tuy đã có ý đồ từ đầu song cách kể câu chuyện thì phụ thuộc hoàn toàn vào thời điểm thực tế lúc mình bấm máy” - anh bộc bạch thêm..

Diễn giả buổi workshop Nguyễn Hoàng Long đã tâm sự những khó khăn trong suốt những năm “cầm máy” của mình. Với đạo diễn, công đoạn khó khăn nhất có lẽ chính là vấn đề làm sao có được nhiều “nguyên liệu nhất để xây nên tác phẩm của mình”. Đó là công đoạn “tiền kỳ” - quay phim, làm sao để quay được những thước phim chất lượng, có hình ảnh tốt. Từ đó câu chuyện mới được kể một cách chân thật và rõ nét nhất.

Trong không khí cởi mở của buổi workshop, các bạn sinh viên cũng đưa ra những quan điểm cá nhân, đặt câu hỏi dành cho khách mời xoay quanh nghề nghiệp tương lai của mình. Khi được hỏi về những thách thức khi làm nghề, đạo diễn cho hay: “Khi làm bất cứ điều gì thì có một thứ không thể thiếu, đấy là niềm đam mê với nó. Nếu theo đuổi đường dài thì cần rất nhiều đam mê, và càng dài nữa thì càng phải đam mê. Không phải lúc nào mình cũng thành công cũng như đủ sức khỏe và đặc biệt là vấn đề tài chính. Tuy nhiên hơn hết nếu niềm đam mê của bạn đủ lớn thì bạn sẽ vượt qua được”.

Tham gia buổi trò chuyện, bạn Đào Phương Anh (tân sinh viên chuyên ngành Quay phim Truyền hình) đánh giá: “Mặc dù dịch bệnh phức tạp chúng em không có cơ hội được tham gia chương trình trực tiếp song thông qua buổi trò chuyện hôm nay em đã học được rất nhiều điều từ chính ngành mà em đang theo học. Diễn giả đã cho chúng em biết góc khuất của nghề quay phim, những điều mà người trong cuộc mới có thể cảm nhận được”.

anh-4.jpg

Không khí vui tươi của các bạn sinh viên khi tham gia buổi workshop.

 

Chia sẻ về quá trình tổ chức “Những khung hình biết nói”, bạn Huyền Anh - Phó ban Nội Dung Sóng Trẻ Festival 2021 cho biết: “Khi tổ chức workshop hôm nay, khâu chuẩn bị hầu hết không có khó khăn gì vì ban nội dung đều có kinh nghiệm làm việc tốt, các bạn phối hợp với nhau nhịp nhàng, khách mời nhiệt tình, các bạn khán giả cũng rất ủng hộ chương trình. Hi vọng sau workshop này các bạn sẽ hiểu hơn về ngôn ngữ hình ảnh cũng như thông điệp của "những khung hình biết nói".

Tuy phải tổ chức online vì dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp song workshop “Những khung hình biết nói” - mở đầu chuỗi 4 workshop đồng hành đã diễn ra thành công. Diễn giả đã giúp các bạn sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên K41 hiểu rõ hơn về nghề quay phim cũng như ngành mà mình đang theo đuổi. Qua đó sinh viên càng thêm phần quyết tâm, kiên cường hơn với những mục tiêu mà các bạn đã đặt ra khi bước chân vào hành trình 4 năm sắp tới tại Khoa và Học viện.

Sóng Trẻ Festival là chuỗi sự kiện mừng sinh nhật Khoa Phát thanh - Truyền hình, đồng thời chào tân sinh viên thường niên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Năm 2021 là lần thứ 18 sự kiện được tổ chức. Với chủ đề “In The Zone”, mùa sự kiện năm nay sẽ còn mang đến cho các bạn tân sinh viên nhiều hoạt động lý thú trong thời gian tới.

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN