Deepfake: Nguy cơ rình rập, bẫy sinh viên từ những khuôn mặt “ảo”

(Sóng trẻ) - Deepfake mới ra đời cách đây không lâu, có khả năng tái hiện những hình ảnh sống động với độ chính xác cao. Tuy nhiên, ứng dụng này như một con dao hai lưỡi, cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại, rủi ro. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng tính năng của deepfake để tạo ra những hình ảnh, video đồi trụy nhằm tống tiền các nạn nhân trẻ, đặc biệt là sinh viên. 

Thượng tá Công an Đào Trung Hiếu – Chuyên gia Tội phạm học cho rằng: “Hiện nay, thủ đoạn sử dụng công nghệ, các phần mềm chuyên dụng để ghép mặt của một người nào đó vào các hình ảnh, video nhạy cảm, dung tục, đồi trụy, rồi sử dụng các sản phẩm đó để đe dọa, tống tiền nạn nhân đã xuất hiện, đe dọa gây ra những hậu quả, thiệt hại lớn trong đời sống dân sinh”.

Mất ăn, mất ngủ vì “khuôn mặt giả”

Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo công nghệ cao. Để “tống tiền” nạn nhân, chúng tìm hiểu và theo dõi nạn nhân, sử dụng trí tuệ nhân tạo để sản xuất những video nội dung 18+ với khuôn mặt, tốc độ chuyển động, âm thanh giọng nói giống nạn nhân. Sinh viên, những người ở độ tuổi còn quá trẻ, cảm thấy áp lực, lo lắng khi hình ảnh của bản thân bị bôi nhọ, phát tán tràn lan trên mạng xã hội.

“Khi đối tượng gửi clip cho mình xem, mình thấy rất bất ngờ và đứng hình một lúc vì clip chúng làm như thật, khi đòi tiền thì chúng đã lên sẵn danh sách những tài khoản mạng xã hội của người thân, bạn bè mình, đe doạ sẽ gửi cho họ và phát tán rộng rãi trên mạng”, P.M.T (sinh viên năm 3, Hà Nội) chia sẻ lại cú sốc khi bị tống tiền từ người lạ. 

unnamed-46.png
Tin nhắn tống tiền do nạn nhân cung cấp. 

Đối tượng này tuyên bố đang giữ trong tay những video nhạy cảm của M.T. Người này yêu cầu trao đổi qua telegram, gửi cho nam sinh 2 video khiêu dâm với khuôn mặt của T bị ghép vào y như thật. Nếu không chuyển 20 triệu đồng tiền chuộc, những video này ngay lập tức sẽ bị phát tán. 

Giống P.M.T, nhiều bạn trẻ cũng là nạn nhân của trò lừa đảo chuyên nghiệp này. Thậm chí, một số người không thể tin nổi khi thông tin liên lạc của gia đình, người thân đều nằm trong tay của đối tượng lừa đảo. Rõ ràng, chúng đã tìm hiểu kỹ các thông tin về “con mồi” và chuẩn bị các thủ đoạn để dồn ép các nạn nhân.

unnamed-47.png
Không riêng gì nam giới, nữ giới cũng trở thành mục tiêu của trò lừa đảo tống tiền tinh vi. (Hình ảnh minh họa bởi AI).

Đối tượng chúng nhắm đến không phân biệt giới tính. Đặc biệt, với những nạn nhân nữ, nỗi ám ảnh, lo sợ, hoảng loạn ngày càng có dấu hiệu leo thang. “Dù biết những video đó là dàn dựng, giả mạo nhưng mình thấy sợ và lo lắng vô cùng vì thấy nó rất thật. Hơn nữa, mình là con gái, thật kinh khủng khi những hình ảnh thế này được gửi cho bạn bè, đồng nghiệp. Chúng liên tục bình luận những hình ảnh lên mạng xã của mình để gây sức ép, mình ngồi canh để xóa, vô cùng hoảng loạn”, nữ sinh L.B cho biết. 

Sau khi liên lạc, các đối tượng tống tiền liên tục đe dọa, gây sức ép buộc nạn nhân phải giao tiền. Qua cuộc gọi, có thể nghe thấy tiếng nói của nhiều đối tượng khác, cho thấy đây là một đường dây tống tiền hoạt động có tổ chức. Chúng còn công khai "bảng giá" cho từng đối tượng, cho thấy sự manh động và tính toán: “Sinh viên sẽ lấy 20 triệu, người đi làm 60 triệu, công chức nhà nước như giáo viên, bác sĩ thì 120 triệu”. Nhiều người vì mất bình tĩnh, hoảng sợ đã thỏa hiệp và mất tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Cảnh giác với “người yêu” qua mạng

Trường hợp bị “lừa tình, tống tiền” của M.Đ.Đ (sinh viên năm 2, Hà Nội) là ví dụ điển hình. Dù đã qua 2 tháng nhưng nam thanh niên chưa hết ám ảnh, bàng hoàng bởi những tổn thương về tâm lý mà “người tình qua mạng” gây ra. 

Theo lời nam sinh chia sẻ, một tài khoản Facebook tên G chủ động nhắn tin làm quen với anh. Trên trang cá nhân, cô nàng thường xuyên đăng những bức hình xinh đẹp với dòng trạng thái bày tỏ sự độc thân. Nhanh như chớp, chỉ sau vài ngày tâm sự ngắn ngủi, cô nàng ngỏ ý xác lập mối quan hệ yêu đương với Đ.Đ. 

Cô đơn lâu ngày bỗng có “bạn gái”, nam sinh này đồng ý ngay lập tức mà chẳng mảy may nghi ngờ. Ngay tối hôm đó, cô gái kia “gạ” Đ gọi điện video khoả thân. “Lúc ấy mình thấy bạn ấy chủ động trước, nghĩ mình là con trai, không mất gì nên mình cũng làm, sau đó khoảng 10 phút thì bạn ấy tắt điện thoại và ngay lập tức có một người lạ nhắn tin cho mình. Hắn nói đang giữ video mình và bạn gái kia khoả thân video call. Hắn gửi video và đòi mình tiền chuộc, nếu không sẽ gửi cho gia đình và bạn bè.”

unnamed-17.jpg
Vì xấu hổ, Đ.Đ chấp nhận thỏa hiệp với nhóm đối tượng lừa đảo. (Ảnh: NVCC).

Đ.Đ không phải là nạn nhân đầu tiên của hành vi lừa đảo có tổ chức này. Thủ đoạn này đã được Cơ quan Công an các tỉnh, thành phố cảnh bảo nhiều lần, nạn nhân chủ yếu là nam giới trên độ tuổi vị thành niên. Bởi tâm lý xấu hổ, sợ mất danh dự nên hầu hết các nạn nhân không dám trình báo cơ quan chức năng mà chọn cách thỏa hiệp, giao tiền, che giấu. 

 “Lỗ hổng” chí mạng

Nhìn chung, chiêu trò của nhóm đối tượng tống tiền là sử dụng, đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân để tống tiền. 

Như trường hợp của P.M.T (sinh viên năm 3, Hà Nội), dù không “mắc bẫy gái xinh” thì nam thanh niên vẫn bị dàn dựng clip giả. Thủ đoạn “ăn trộm” thông tin cá nhân của nạn nhân được nhóm đối tượng lừa đảo thực hiện rất tinh vi. Botnet - một mạng lưới máy tính bị điều khiển từ xa, là công cụ mà tội phạm mạng sử dụng để đánh cắp dữ liệu cá nhân của bạn. Bằng cách dụ nạn nhân bấm vào các liên kết độc hại, chúng có thể xâm nhập vào điện thoại của nạn nhân và lấy cắp mọi thứ, từ ảnh, video đến mật khẩu các tài khoản mạng xã hội và ngân hàng,... Những dữ liệu này sau đó sẽ bị chúng lợi dụng để tạo ra các video giả mạo (deepfake) có độ chân thực cao và tống tiền nạn nhân.  

Nhiều đối tượng còn sử dụng chiêu trò tinh vi hơn khi ngụy trang các phần mềm độc hại thành những ứng dụng hấp dẫn như phần mềm chỉnh ảnh, trò chơi cờ bạc để dụ dỗ người dùng tải về. Một khi cài đặt, những phần mềm độc hại này sẽ âm thầm xâm nhập vào thiết bị, tạo ra những "lỗ hổng" cho đối tượng lừa đảo đánh cắp dữ liệu và thực hiện các hành vi tống tiền. 

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuân (Công ty Luật hợp danh Đại An Phát) cho rằng: “Bộ Luật Hình sự đã đưa ra các quy định bảo vệ quyền và lợi ích của mọi người khi bị xâm phạm dựa trên tinh thần của Hiến pháp. Vì vậy, khi nhận được thông báo tống tiền từ các đối tượng, nạn nhân cần tố giác tội phạm để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.”

Cả hai thủ đoạn tống tiền trên đều có điểm chung là lợi dụng sự sơ hở, thiếu cảnh giác, thiếu kỹ năng sử dụng mạng xã hội của người dùng, đặc biệt là việc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ hình ảnh cá nhân. Để phòng tránh việc bị tống tiền bằng các video, hình ảnh nhạy cảm, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu chia sẻ những quy tắc khi dùng mạng xã hội. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN