Đền thờ Bà Nguyễn Thị Bích Châu tấp nập du khách những ngày đầu năm
(Sóng trẻ) – Đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (đền Bà Hải) luôn được người dân Hà Tĩnh xem là nơi rất linh thiêng. Những ngày đầu năm, mọi người thường đến đây đi lễ, hành hương và cầu cho một năm mới bình an, may mắn.
Đền Bà Hải thuộc xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây vốn nổi tiếng là địa chỉ văn hóa tâm linh rất linh thiêng. Ngôi đền này tồn tại đã tồn tại hơn 6 thế kỉ từ khoảng thế kỷ XV, thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu, cung phi của vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377).
Theo dân gian, bà họ Nguyễn tên là Bích Châu, "tính cách đúng đắn, tu dung tươi đẹp, thông hiểu âm luật", được vua Duệ Tông kén vào hậu cung. Nhân một vế đối của bà có chữ Phù dung, vua đặt tên hiệu cho là Phù Dung và rất yêu quý bà. Thấy triều đình suy kém dần, bà bèn dâng lên vua bài "Kê minh thập sách", nhưng không được vua nghe theo. Khi vua Duệ Tông muốn cất quân đánh Chiêm Thành, bà lại cùng Ngự sử Lê Tích hết sức can ngăn, vua vẫn không nghe. Bà bèn xin theo hầu. Đến cửa bể Kỳ Hoa, sóng gió nổi lên cản trở đoàn chiến thuyền, Bích Châu xin tự hiến mình cho giao thần để cứu ba quân. Bà nhảy xuống biển, tự nhiên gió im, sóng lặng. Nhưng lần ấy, vua Duệ Tông bại trận và chết trong quân. Đó là ngày 23 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1377).
Một thế kỷ sau, năm Canh Dần (1470), vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành qua cửa biển Kỳ Hoa, bà Bích Châu báo mộng xin nhà vua cứu giúp. Vua sai làm tờ điệp trách vua Thủy tề là Quảng Lợi vương, bắn ra biển. Vua Thủy tề liền ra lệnh tróc nã giao thần (thần thuồng luồng). Thi hài bà Bích Châu nổi lên mặt nước, vẫn như người nằm ngủ. Nhà vua sai làm lễ mai táng ở bãi Bạch Tấn, lại sai lập đền (miếu) thờ ở cửa biển và có sắc phong thần cho. Sắc phong có hai chữ "Chế thắng" nên đền này được gọi là "Đền bà Chế thắng" (Chế thắng phu nhân từ).
Đền thờ Bà Nguyễn Thị Bích Châu, hay còn gọi là đền Bà Hải
Những ngày đầu năm, đền Bà Hải luôn tấp nập du khách đến từ thập phương. Họ thường đến hành hương, viết sớ, dâng lễ và khấn cầu tài lộc, bình an, sức khỏe cho năm mới. Đối với nhiều người, quẻ săm rút được tại đền Bà Hải sẽ nói lên tình hình bản thân và gia đình mình trong năm nay. Quẻ “thượng thượng” hay “đại cát” biểu hiện cho một năm thành công, mọi việc được như ý. Còn quẻ “hạ hạ”, “trung bình” lại biểu hiện cho một năm khá vất vả, khó khăn của gia chủ.
Thầy Quý, người viết lễ tại đền Bà Hải, cho biết: “Mọi người thường đến đây đầu xuân năm mới để cầu tài cầu lộc, cầu sức khỏe, công việc. Có nhiều người cũng đến đây để xin lễ giải sao hạn, tránh năm hạn tháng xui. Trong những ngày Tết này, khách đến đông vì họ quan niệm đền này rất thiêng”.
Đền Bà Hải tập nập du khách ngày đầu năm
Những ngày này, đền Bà Hải luôn tập nập người đi cầu lễ. Theo lời người quản lí tại đền, trong vòng một tháng đầu năm kể từ ngày 30 Âm lịch đến hết tháng Giêng, lượng khách đến đây rất đông. Khách đến cầu lễ không chỉ riêng người dân Hà Tĩnh mà còn có khách các tỉnh khác từ xa đến. Trong một ngày, lượng khách đến đây làm lễ có thể lên tới hàng trăm người, thường đông nhất vào các ngày từ mồng 1 đến mồng 10 Âm lịch.
Riêng với người dân Hà Tĩnh, đi đền Bà Hải như đã trở thành tục lệ ngày đầu năm. Họ cho rằng, nếu ngày Tết không đi đền Bà Hải, không xin quẻ săm ở đền thì Tết sẽ không trọn vẹn. Đi đền Bà Hải không chỉ để cầu tài vận cho một năm mới mà đó còn trở thành một phong tục truyền thống đẹp ở Hà Tĩnh.
Anh Đặng Văn Thành (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết: “Nhân dịp đầu xuân năm mới, tôi và gia đình đến đền Bà Hải bắt thăm cầu may. Gia đình tôi nhiều lần đến đây, thấy đền Bà Hải linh thiêng và tin tưởng nên năm nào cũng đi đền để cầu cho năm mới khỏe mạnh, gia đình yên ấm, làm ăn thuận lợi”.
Người dân xin viết sớ cầu lễ
Đền thờ Chế thắng Phu Nhân Nguyễn Thị Bích Châu đã trở thành địa chỉ tâm linh thu hút du khách đến thăm dịp đầu năm mới. Hiện nay, đền Bà Hải đang được tu bổ và hoàn thiện hơn nhằm phục vụ cho việc phát triển hoạt động du lịch tại đây.
Hà Trang
Cùng chuyên mục
Bình luận