Đi học sau Tết, sinh viên kẻ bê tha người chăm chỉ
(Sóng Trẻ) – Kết thúc đợt nghỉ Tết khá dài, tất cả sinh viên thuộc khối các trường đại học đã quay lại tiếp tục kì học mới với thái độ và tâm thế rất khác nhau. Có không ít những bạn vẫn còn sống trong dư âm ngày Tết, uể oải và thiếu tích cực nhưng ngược lại cũng có rất nhiều sinh viên tỏ ra hứng khởi, nhanh chóng bắt nhịp trong các giờ lên lớp.
Đi học muộn, ngủ gật và xao lãng trong giờ học
Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, mặc dù đã qua ba ngày đi học bình thường trở lại sau kì nghỉ Tết Nguyên Đán, nhưng phần lớn tại các trường đại học, nhất là vào ca học buổi sáng, hiện tượng sinh viên vào trường, lên lớp muộn tăng lên trông thấy so với trước kì nghỉ. Rõ ràng, phong cách sinh hoạt “không quan trọng giờ giấc” suốt những tuần nghỉ Tết vẫn còn ảnh hưởng rõ rệt lên nhiều người. Bạn Trần Ngọc Nam (sinh viên năm nhất – đại học Giao thông Vận tải) ngại ngùng tâm sự: “Vì thời gian nghỉ Tết ngày nào cũng quen ngủ dậy muộn nên buổi học đầu tiên mình cũng không đi học sớm được”.
Đây chỉ là một trong rất nhiều những trường hợp bắt gặp trong những buổi học đầu tiên của năm mới Quý Tỵ tại các trường đại học. Thực tế này dường như trở thành một căn bệnh khó chữa tồn tại trong nhiều năm trở lại đây, sinh viên lười nhác viện cớ vẫn còn “dư âm Tết vương vấn đâu đây” còn giảng viên thì cũng đành gật đầu cho qua.
Ngày đầu đến trường sau Tết, khá nhiều sinh viên đi học muộn
(ghi nhận tại Đại học Quốc gia Hà Nội)
Không chỉ dừng lại ở câu chuyện “đi học muộn” mà nề nếp tự giác học cũng vẫn chưa thực sự vào guồng đối với nhiều sinh viên. Dạo một vòng quanh thư viện của Học viện Báo chí và đại học sư phạm Hà Nội thấy những địa điểm này rất vắng sinh viên đến đọc sách, mượn báo và học tập, ngược lại ở căng tin trường thường có nhóm năm, nhóm ba nói chuyện rất sôi nổi. Nhiều bạn trong các tiết học, tuy trống đã đánh vào học nhưng vẫn cố nán lại nói chuyện, ăn uống, dường như dư âm sau tết của sinh viên vẫn còn khiến họ chưa thể quay lại nếp sinh hoạt, học tập như thường.
Tại nhiều lớp học, sinh viên nói chuyện không nhiều nhưng xu hướng chung vẫn là ít phát biểu và hứng thú học tập chưa cao, đặc biệt ở một số môn lý luận như: Triết, Chính trị, Tư tưởng… Đây vốn là những môn học khó nhằn đối với sinh viên, nay bổ sung thêm lý do “vừa mới Tết ra” nên tinh thần các bạn càng thêm mệt mỏi. Dễ hiểu tại sao trong những giờ học này, ta có thể thấy 1/3 sinh viên gục mặt xuống bàn học, 1/3 quay sang nói chuyện rì rầm với nhau, 1/3 cuối cùng ngước mắt nhìn thầy cô, chẳng ai biết được trong đó có bao nhiêu phần trăm thực sự chú tâm vào bài học.
Bạn Phạm Thị Thu Huyển - SV năm 2, ĐH thương mại chia sẻ: "Ở các môn chuyên ngành, lớp mình học khá nghiêm túc, sinh viên ít nói chuyện vì giáo viên khá nghiêm, nhưng ở các môn không chuyên như triết thì ngược lại lớp học rất trầm".
Thầy giảng, sinh viên ngủ
(Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Nhận xét về nề nếp học tập đầu năm của sinh viên, cô Phạm Thị Thanh Tịnh, giảng viên khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Nhìn chung, sau thời gian nghỉ tết khá dài sinh viên học các buổi học đầu thường khá trầm, ít phát biểu, tuy nói chuyện và nghỉ học không nhiều nhưng không khí học tập không được hào hứng, sôi nổi. Tất nhiên, sau một kì nghỉ dài như vậy, thì tâm lí như vậy cũng là điều dễ hiểu!".
Cùng quan điểm với cô Tịnh, cô Lưu Thị Hoà, dạy bộ môn Tiếng anh tại Học viện Báo chí cũng đánh giá là tuy sinh viên nói chuyện và vắng học không nhiều trong những ngày đầu năm học nhưng không khí học tập trong lớp lại rất chán!
Vui vẻ đi học, chăm chú nghe giảng, tích cực làm mới mình
Trái ngược với cảnh uể oải chán chường ở một số lớp học, không ít nơi sinh viên lại có thái độ hoàn toàn khác trên giảng đường: họ hào hứng đi học trở lại, nhanh chóng bắt nhịp với bài giảng và tôn trọng giảng viên bằng cách ghi chép và thực hành nghiêm túc.
Thu Hương, sinh viên năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Môn đầu tiên kì này của lớp là Tin học ứng dụng. Lý thuyết ít mà cô chủ yếu cho thực hành nên rất thú vị. Đây cũng là lần đầu được học về tin học chuyên ngành nên lớp rất chăm chú”.
Nhiều sinh viên đã bắt nhịp trở lại với sự học
(ảnh: internet)
Tương tự, nhiều bạn sinh viên khác cũng công nhận rằng lớp mình tích cực hơn nhiều trong những buổi học các môn chuyên ngành, các môn có tính thực hành cao. Một số bạn khác bổ sung thêm, giảng viên nghiêm khắc cũng là lý do khiến các bạn phải tập trung. “Không ai muốn buổi học đầu năm đã bị đuổi ra khỏi lớp vì không làm được bài tập Lý”, một bạn nam đại học Bách Khoa nói, “Thầy cô phải nghiêm thì mới ép sinh viên học được sau Tết”.
Tính chất môn học, cách dạy của giảng viên ảnh hưởng nhiều tới tinh thần, thái độ của sinh viên. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tự bản thân phải có hứng thú học tập. Thật đơn giản để nói “Tháng Giêng còn chưa hết, cứ thong thả đi đã”, trong khi quyết tâm “Năm mới, con người mới phải tích cực, năng động” thì chẳng bao giờ dễ dàng thực hiện. Ai cũng muốn Tết dài, ai cũng muốn lười nhác thêm chút nữa. Nhưng cuộc vui nào cũng phải có kết thúc, mà đâu có phải đi học thì không đi kèm niềm vui? Vậy nên để tốt cho chính mình, sinh viên chúng ta cần phải tự giác xốc người lên mà tiếp tục sự học vẫn còn rất dài.
Nhóm pv học đường
(Lương Chi - Phương Dung - Hạnh Dung - Lương Ánh)
Cùng chuyên mục
Bình luận