Diêm Điền khổ vì rác!

(Sóng trẻ) Tháng 6 năm 2008, bãi rác chính của Thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình) không còn chỗ chứa, chính quyền địa phương buộc phải cho người dân tự túc nơi đổ rác. Bờ sông, bờ ao, bờ biển, vệ đường … vô tình đã trở thành những bãi rác tạm.

Sống chung với rác

Nằm giữa cái ao bỏ hoang và con sông Gú, ngôi nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Bồng ở khu 6, Thị trấn Diêm Điền đã trở thành…bãi rác tạm thời cho những hộ dân quanh đó. Rác được tập kết quanh nhà, mùi hôi nồng bốc lên rất khó chịu. Thức ăn thừa, bã chè, giấy vệ sinh…tất cả chất thành những đống lớn và ngày càng tiến sát đến ngôi nhà của chị.

Từ khi có bãi rác này, cuộc sống của gia đình chị Bồng bị xáo trộn hoàn toàn. Sáng cũng như tối, hôm nào cũng vậy, nhà chị lúc nào cũng đóng cửa kín bưng. Chị giải thích: “Trước đây, mùa hè ngày nào nhà tôi cũng mở hết các cửa sổ để đón gió vào cho mát, nhưng bây giờ mở cửa ra chỉ thấy mùi thum thủm của bãi rác bốc lên nồng nặc không thể chịu nổi, nhất là những hôm gió nồm. Vậy là phải đóng cửa suốt ngày.”

Hàng ngày, anh chị phải dậy đi làm từ rất sớm, buổi trưa ăn ngay ở chỗ làm, đến tối muộn mới về nhà để…“chạy trốn” mùi từ bãi rác dội vào. Khổ nhất vẫn là mẹ chồng chị, năm nay cụ đã gần 80 tuổi sống cùng vợ chồng anh chị nhưng ngày ngày lại phải đi tản cư ở nhà các con khác.

Không thể chịu đựng được cảnh rác cứ ùn về phía nhà mình ngày một nhiều, trong lúc chờ chính quyền địa phương có biện pháp xử lý, anh chị đã mua dây thép gai rào ao và quanh bờ sông để mọi người không tự do đổ rác. Nhưng kết quả cũng chẳng mấy khả quan. Đống rác cứ ngày một to dần. Gia đình chị Bồng vẫn tiếp tục chịu cảnh “sống chung với rác”!

Mỗi ngày nhân dân thị trấn thải ra môi trường khoảng 30m3 rác thải sinh hoạt. Không chỉ có gia đình chị Bồng mà nhiều hộ gia đình trong Diêm Điền cũng khổ sở vì mùi hôi thối và bao nhiêu mối lo dịch bệnh từ những bãi rác tự phát. Cũng từ đây đã xuất hiện thêm một nghề mới, nghề đổ rác thuê.

Từ sáu, bảy tháng nay, người dân Thị trấn Diêm Điền tối nào (khoảng 22 giờ) cũng thấy một người đàn bà kéo chiếc xe ba bánh cải tiến đi đến từng nhà thu m rác. Từ khi Diêm Điền không còn đội thu m rác thải nữa, bà Teo đã nhận việc đi đổ rác thuê cho các hộ, mỗi gia đình trả cho bà khoảng 20 nghìn đồng/ tháng. Số tiền đó tuy không nhiều song cũng giúp cho đời sống gia đình bà Teo đỡ khó khăn hơn.

Khi được hỏi, không có bãi đổ rác, nguồn rác này bà đổ đi đâu?, bà Teo hồn nhiên trả lời: “Diêm Điền này làm gì có đất trống mà đổ, phải mang xuống sông Diêm Hộ và sông Gú để đổ. Nó chảy ra biển, muốn trôi thế nào nó trôi. Bây giờ không đổ ở đấy thì đổ ở đâu? ”.  Sự vô tư đến vô tâm của bà Teo cũng là tình trạng chung của người dân địa phương. Dường như, ý niệm “bảo vệ môi trường” vẫn còn ở xa lắm trong cách nghĩ của nhiều người(!).

Trong khi bài toán rác thải sinh hoạt ở Diêm Điền chưa được tháo gỡ thì một vấn đề “rác” cũng…rơi vào bế tắc, đó là rác thải y tế. Trước tháng 6 năm 2008, Bệnh viện huyện Thái Thụy m rác thải ra bãi rác của Thị trấn Diêm Điền (trừ những rác thải quá độc hại và những loại có thể đốt được thì xử lý ngay trong bệnh viện). Tuy nhiên, lò thủ công để phân huỷ bơm, kim tiêm, giấy vệ sinh của bệnh viện huyện lại quá nhỏ, không thể đáp ứng nhu cầu so với thực tế.

Vậy nên, từ khi bãi rác của thị trấn bị quá tải, bệnh viện huyện buộc phải chôn rác ngay trong khuôn viên bệnh viện. Mười tháng đã trôi qua, hơn 30 tấn rác đã được chôn tại bệnh viện. Nhiều người không khỏi lo lắng và đặt câu hỏi rằng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì không biết bệnh viện lấy đất ở đâu để chôn rác? Và điều nguy hại hơn, đống rác thải được chôn kia sẽ như quả bom sắp đến giờ nổ!

Chính quyền địa phương làm gì?


Ông  Nguyễn Văn Thiếu - Chủ nhiệm Hợp tác xã Vệ sinh môi trường của thị trấn Diêm Điền cho biết: “Chúng tôi có vận động nhân dân là những cái gì có thể đốt được thì đốt, những cái không thể đốt được thì chôn lấp ở trong vườn hoặc các nơi khác. Về lâu dài chúng tôi đang bàn bạc tìm nơi xây dựng một bãi rác mới cho Thị trấn Diêm Điền”.

Điều đáng nói, Ủy ban nhân dân Thị trấn Diêm Điền đã nhiều lần họp với phòng Tài nguyên môi trường huyện Thái Thụy để tìm phương án giải quyết, tuy nhiên vấn đề bế tắc, bãi rác mới vẫn chưa có để phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Trong khi chờ các cấp chính quyền có giải pháp, rác sinh hoạt của người dân hằng ngày vẫn thải ra môi trường, tiếng kêu cứu của các hộ dân sống gần các bãi rác tạm vẫn còn tiếp tục. Môi trường và nhân dân Diêm Điền đang sống chung với rác!

Đặng Thanh Tùng

Lớp Phát thanh K.26

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN