Du học sinh Việt và những cái Tết ở xứ người



(Sóng Trẻ) - Nếu như Tết là dịp sum vầy gia đình, yêu thương đủ đầy thì với những du học sinh Việt phải đón Tết trên đất khách sự đủ đầy, vẹn tròn ấy như vơi đi quá nửa. Ở một nơi xa xôi nào đó, những trái tim trẻ càng nhớ khắc khoải phong vị Tết Nguyên đán khi xuân đang thực sự đến gần.

Xuân này bên kia niềm nhớ…

“Cứ mỗi dịp xuân về, ngồi nghe những bài hát Tết khóe mắt mình lại cay cay. Nhớ lắm gia đình, mùi hương trầm, nhành mai vàng và những phong bao lì xì, nhớ vị bánh Tét An Giang, nhớ cả những món đơn sơ mà giờ là ao ước như món bún mắm” - Gia Nghĩa, du học sinh chuyên ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Harvard chia sẻ. Đã 7 năm rồi, Nghĩa chưa về quê đón Tết cùng gia đình. Vì vậy, ngần ấy năm chàng trai đau đáu nỗi niềm: Mẹ ơi, Xuân này con không về…”

Cũng như Nghĩa, rất nhiều du học sinh không có cơ hội được hưởng hương vị ấm áp của Tết quê nhà. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng có lẽ lịch học tập và tiền về là hai lí do cơ bản nhất khiến mong mỏi về quê đón Tết của du học sinh chỉ có trong ước mơ. Nghĩa cho biết: “Lịch học của trường mình khá dày, dù thi xong cách 2 tháng rồi nhưng khoảng thời gian này bọn mình vẫn học tập bình thường kín cả tuần”.

12170964a_1.jpg
 
Hữu Tình, chàng trai Trà Vinh

Hữu Tình, quê Trà Vinh (hiện học tại ĐH Tổng hợp Tula, Nga) cùng chung nỗi niềm: “Rất đơn giản tớ không đủ tiền về. Ai cũng muốn về cả nhưng vấn đề đầu tiên là điều kiện. Giá vé khứ hồi dịp này khoảng 1.300$ tương đương khoảng 26 triệu VNĐ nên tớ không muốn bố mẹ vất vả xoay sở tiền. Thêm nữa, đây là thời điểm bước vào mùa thi ở Nga để kết thúc học kì I, vì thế mong lắm một cái Tết quây quần nhưng đành chịu”.

Cũng học tập tại xứ sở Bạch Dương, Phạm Ngọc (du học sinh chuyên ngành Luật, ĐH Hữu Nghị các dân tộc RUDN, Nga) cũng không có thời gian về quê đón tết vì bận thi cử: “Chưa đến Tết nhưng mình biết Tết này sẽ là một cảm giác trước giờ chưa từng có với mình vì chưa bao giờ mình đón Tết xa bố mẹ, em trai cả. Dù nhớ mong vô cùng nhưng mình vẫn phải đón cái Tết đầu tiên ở xứ sở Bạch Dương đầy tuyết lạnh này”.

Và những cái Tết đong đầy nỗi nhớ, niềm thương

Nỗi nhớ ùa về da diết trong lòng những du học sinh Việt Nam khi Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Đó là những khoảnh khắc mà tình yêu gia đình và quê hương hiện hữu rõ nhất trong chính khát khao được chạm vào những kỉ niệm Tết Nguyên đán đầy ấm cúng.

“Những lúc này thèm lắm được nghe tiếng mẹ bảo dọn dẹp nhà cửa, cùng đi chợ Tết để chọn đồ và tự tay sắp mâm ngũ quả. Nhất là cùng ông ngồi bên bếp lửa trông chờ bánh chưng nghi ngút đến khi trời sáng. Tết dương và Tết âm năm nay mình đều không về nhà được” – Phạm Ngọc chia sẻ.

Nhớ gia đình, bạn bè, nhớ phong vị Tết ở quê nhà là tâm trạng chung của rất nhiều du học sinh đón Tết ở đất khách.

12184f641_2.jpg

Áo dài được Ngọc chọn trong dịp Tết dương với người Việt ở Nga

“Xa nhà 3 năm rồi không biết Tết này tóc mẹ đã bạc nhiều chưa, làm sao quên những ngày cận Tết cùng chị trang hoàng cây đào, cây quất, giây phút cả nhà đón giao thừa. Mỗi năm đến lúc ấy chát skype với bố mẹ mình đều nghẹn ngào, bâng khuâng khó tả. Cái không khí se lạnh, mưa phùn, pháo hoa Hồ Gươm… với tất cả những nét đặc trưng của Tết Hà thành làm mình lặng đi. Nhớ lắm” - Lan Dung (du học sinh ĐH New South Wales) Bỉ tâm sự.

Tết xa quê khiến Đào Lê Nguyễn không giấu nổi cảm xúc: “Tôi đã ngửi thấy mùi nhang ngày Tết, ngửi thấy mùi bánh, mùi dưa,... mà mẹ bày lên bàn thờ; ngửi thấy cả mùi mực tàu cha tôi in quyện vào mùi kẹo gừng, mứt dừa em tôi khoái chí nhai tóp tép. Tôi nhớ Tết, nhớ cả nhà đến day dứt mấy năm ròng, đôi khi chỉ chực khóc thét nhìn qua webcam thấy mẹ lì xì cho em gái xinh xinh trong bộ váy mới. Tôi đã vờ đi ra nài bếp lấy nước, nhưng thật ra chỉ bước ra khỏi khung hình mà lau vội nước mắt. Tôi đã từng một mình đi chùa của người Tàu vào ngày mồng một, chỉ để được ngửi mùi nhang, nghe mùi Tết. Và tôi đã học được ý nghĩa của Tết - cái mà ngày xưa tôi chỉ suốt ngày mở mồm than: “Tết gì mà chán òm...”. Nhớ cái tết đầu tiên xa xứ, tôi nhìn người ta lên mạng chúc nhau, đăng ảnh nài phố và trong nhà đỏ rực màu xanh và đỏ của Tết. Thấy mình tủi thân xách cặp đi học trong tuyết lạnh âm 20 độ. Tết xứ người lạnh da, lạnh cả tâm hồn…”

121829241_3.jpg
 
“Tết xứ người lạnh da, lạnh cả tâm hồn…”- Đào Lê Nguyễn

“Không thể nói hết được nhưng thật sự là một nỗi nhớ da diết, luôn ở trong trái tim của mình. Dù có đi đâu, có làm gì, cũng không thể làm mình quên đi được không khí đón xuân bên gia đình, bên bạn bè mình!” - Trần Hiền (quê Thái Nguyên đang du học chuyên ngành kinh tế đối nại, An Language School, Higashi-Ikebukuro, Tokyo, Nhật)  tâm sự.

Cuộc sống mới mẻ ở đất lạ với những điều thú vị chẳng thể nào khiến họ quên đi Tết truyền thống – một phần máu thịt của người Việt. Nỗi khát khao sum vầy vì thế càng lớn hơn bao giờ hết trong những ngày này.

Chút nắng ấm cho những cái Tết “lạnh”

Không cứ phải đón Tết ở xứ lạnh mới là lạnh lẽo, Tết không được đoàn viên là những cái Tết thật lạnh đối với những du học sinh. Không quên được Tết quê, nhiều bạn trẻ học tập cách Việt Nam nửa vòng trái đất vẫn tìm cách sưởi ấm nhau trong cái lạnh của nỗi nhớ quê nhà khi trời đất chuyển mình sang Xuân bằng những buổi party giản dị, vui vẻ mang phong vị truyền thống.

Tập gói bánh chưng, chuẩn bị món ăn quê nhà để liên hoan, hát hò là cách mà Lê Nhung (quê Ninh Bình, SV năm 3, ngành kế toán, phân tích, kiểm toán – trường ĐH tổng hợp Liên Bang Miền Nam) đã cùng những người bạn của mình chuẩn bị đón Giao thừa tại thành phố Taganrog (Liên Bang Nga).

 1218cef07_4_2.jpg

Sản phẩm bánh chưng đầu tay của cô bạn Lê Nhung

Ở khắp các quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt nhất là các du học sinh tổ chức gặp gỡ cùng đón Tết. Đó là nhịp cầu gắn kết những người con đất Việt trong một nỗi khát khao tìm chút hương vị đầm ấm, thiêng liêng vào thời khắc Giao thừa. Nhờ đó, họ vơi đi niềm nhớ và nguyện cầu những điều tốt đẹp nhất đến người thân ở chốn quê nhà. Những phút giây ấy hẳn cũng thiêng liêng, đặc biệt dù nỗi nhớ quê hương luôn đau đáu khôn tả.

“Bên Hoa Kì có little Sài Gòn, còn chỗ mình là bang NewYork nên làm sao có khu người Việt. Mình lại là con trai nên không biết gói bánh chưng. Nhưng may mắn trường mình có 20 người Việt nên chúng mình tụ tập lại đốt lửa, ăn uống và chúc nhau năm mới. Dù không trọn vẹn nhưng Tết xa cùng bạn bè đã giúp mình vơi đi nỗi trống trải, nhớ nhà đến quay quắt” – Gia Nghĩa tâm sự.

“Không phân biệt quốc gia, vùng miền, Tết ở đây có cả bánh chưng, bánh tét, nem, chả giò, măng. Sáng mọi người cũng dậy sớm đi chùa, cầu chúc những điều tốt lành cho năm mới, nhất là ở một thành phố vẫn còn gánh chịu hậu quả khủng khiếp của cơn bão Katrina” – Đó là cảm nhận như còn vẹn nguyên về Tết năm 2010 của Lâm An (Du học sinh tại New Orleans, Louisiana, Hoa Kỳ).

Đào Lê Nguyễn đã chuẩn bị sẵn cho Tết Nguyên đán Quý Tỵ ngay từ bây giờ: “Mình là admin group sinh viên ở thành phố mình đang sống (Vancouver, BC, Canada). Cộng thêm Tết nay lại là vào cuối tuần, cho nên mình có tổ chức event "Tết xa xứ cũng có bánh, mứt và cành mai" cho tất cả sinh viên ở đây. Bánh sẽ tự nấu, trò chơi sẽ tự làm, hoa mai cũng hand-made, mứt, chả lụa, nem cũng tự làm. Mỗi người góp chút công cho tất cả cùng vui. Giao thừa và Mùng 1 sẽ cùng nhau đi chùa xin lộc và ngửi chút khói nhang. Đó là điều mình đang tâm huyết thực hiện, và cũng là điều làm lòng mình ấm lại, mặc dù bên nài đang là độ âm”.

Và niềm mong mỏi một ngày đón Tết cùng gia đình vẫn luôn cháy bỏng: “Cảm giác đươc cùng cô chú, anh chị chuẩn bị bữa cơm Tất niên và đón Giao thừa thật ấm áp làm sao. Duờng như cùng với hương vị của ngày Tết, nhứng món ăn truyền thống, những lời chúc tốt đẹp làm cho mọi người gần nhau và xua tan cái lạnh nài trời đang dưới âm độ C. Nụ cười trên môi khi ăn món ăn nổi tiếng của Viêt Nam và đón Tết ở xứ người. Nhưng trong tôi nụ cười đó sẽ nguyên vẹn hơn khi đươc đón Tết với Bố Mẹ sau 5 năm xa nhà.Và sẽ giúp Bố Mẹ chuẩn bị Tết như những gì mà tôi đã làm cùng cô chú tôi ở đất nước Canada xinh đẹp này.Tôi luôn tự nhủ mình rằng: Ngày đó sẽ không xa đâu tôi ơi” – Hương Chi, cô gái Hải Phòng chia sẻ.
 
12184de1f_5.jpg

Nụ cười ấm lòng của Hương Chi khi đón Tết cùng bạn bè, cô chú ở Canada

Tết trên đất khách, mong cho những trái tim trẻ luôn tự tin, vững bước và gặt hái những thành công mới. Gia đình và quê hương vẫn luôn dõi theo các bạn, đợi mong ngày các bạn trở về. Ngày đó sẽ không xa…


Lệ Thu
PV Sóng Trẻ






Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật3 giờ trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN