Đường tới chức vô địch (2)

(Sóng trẻ)- Trận khai mạc sẽ bắt đầu từ bốn giờ chiều, nhưng từ lúc hơn một giờ, hơn hai nghìn khán giả của xã Cầu Trâu thuộc tất cả các thành phần, từ các cụ già cho đến thanh thiếu nhi, phụ nữ… đều đã có mặt. Đội Phố Huyện cũng có gần trăm cổ động viên đến ngồi co cụm một góc trên khán đài B. với đầy đủ băng rôn, cờ, trống kèn nhưng vẻ mặt thì rất căng thẳng...

Kỳ 2: Trên “chảo lửa” làng Giềng


Trận khai mạc sẽ bắt đầu từ bốn giờ chiều, nhưng từ lúc hơn một giờ, hơn hai nghìn khán giả của xã Cầu Trâu thuộc tất cả các thành phần, từ các cụ già cho đến thanh thiếu nhi, phụ nữ… đều đã có mặt. Đội Phố Huyện cũng có gần trăm cổ động viên đến ngồi co cụm một góc trên khán đài B. với đầy đủ băng rôn, cờ, trống kèn nhưng vẻ mặt thì rất căng thẳng. Theo đúng phương án tác chiến đã được chủ tịch xã duyệt, công an xã cử năm mươi thanh niên to khoẻ, mặc đồng phục, tay lăm lăm gậy nghiệp vụ, dàn thành một vòng tròn quây kín lấy họ. Đó là truyền thống vì từ xưa đến nay, “Chảo lửa làng Giềng” chưa bao giờ tỏ ra thân ái đối với cổ động viên đội bạn.

Có lẽ cũng cần phải nói đôi lời về cái sân vận động này bởi nó chính là niềm tự hào của toàn thể cán bộ, nhân dân xã Cầu Trâu. Là một xã ở miền bán sơn địa, kinh tế tuy nghèo, nhưng bù lại Cầu Trâu có quỹ đất rất phong phú. Sân vận động nằm giữa hai quả đồi ở gần nhau thuộc địa phận làng Giềng, được hình thành bằng cách xẻ đất từ hai sườn đồi để lấp xuống khoảng giữa. Hai sườn đồi trở thành hai khán đài tự nhiên, được xẻ thành hàng trăm bậc lát đá khá bằng phẳng với sức chứa tối đa có thể lên đến dăm, sáu nghìn người. Mặt sân rộng mênh mông, cỏ mọc xanh mướt. Sân bóng đá nằm chính giữa, xung quanh còn có đường chạy. Nài ra còn có cả một khu vực dành cho các môn thể thao khác như bóng chuyền, nhảy cao, nhảy xa, xà đơn, xà kép… Chính nhờ có cái sân vận động hoành tráng này mà nhiều năm qua, Cầu Trâu luôn là xã đứng đầu các phong trào thể thao của huyện. Lại do xã chỉ cách huyện một con sông nên đây cũng là một trong những địa điểm thường xuyên được chọn làm nơi tổ chức những giải thi đấu thể thao của huyện và đôi khi còn là của cấp tỉnh nữa.

Để không khí ngày khai mạc thêm sôi động, Ban văn hoá xã đã xây dựng một chương trình kết hợp giữa văn nghệ với thể thao rất linh hoạt. Trước hết, phần biểu diễn văn nghệ được khai mạc từ lúc hai giờ chiều. Một sân khấu nhỏ đã được dựng tạm từ hôm trước. Dàn loa công suất lớn được đưa từ huyện về. Ban nhạc của Phòng văn hoá huyện gồm bộ trống, ba cây ghi ta điện, phối hợp với dàn nhạc của xã gồm một cây viôlông, một kèn ắcmônica và toàn bộ ban nhạc tang với đầy đủ: nhị, hồ, sáo, bầu, kèn, song loan... Chương trình văn nghệ có cả tân nhạc và hát chèo, trong đó các ca khúc mới được trình bày xen kẽ với các trích đoạn “Xã trưởng - mẹ Đốp”, “Thị Mầu lên chùa”. Bất chấp cái nắng chiều mỗi lúc càng thêm gay gắt, tiết mục nào cũng nhận được những tràng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt của hơn ba nghìn khán giả.

Đến bốn giờ chiều, chương trình văn nghệ tạm dừng. Lễ khai mạc được tổ chức ngắn gọn trong khoảng mười phút. Ngay sau đó, cầu thủ hai đội ra sân khởi động, chuẩn bị cho trận khai mạc. Cả hai đội đều mặc quần áo thi đấu theo màu truyền thống: đội Phố Huyện màu trắng, còn đội Cầu Trâu màu vàng. Không khí văn nghệ bây giờ đã được thay bằng một không khí bóng đá cuồng nhiệt. Dàn trống gồm năm mươi chiếc do lực lượng thiếu niên đảm trách từ cả hai khán đài bắt đầu lên giọng sôi sục. Loa phóng thanh công suất lớn chuyển sang nhiệm vụ bình luận trận đấu. Tổ trọng tài được mời từ trên Sở về để đảm bảo công bằng. Hai mươi hai cầu thủ dàn trận trên sân với những ánh mắt nhìn nhau như họng súng.

Theo đúng phương án đã được xã duyệt, ngày từ khi bắt đầu lễ khai mạc ban nhạc tang triển khai đến vị trí mới ở ngay bên cạnh chỗ các cổ động viên của đội Phố Huyện đang bị giam lỏng trên khán đài B. Trong khi đó, bốn mươi nữ diễn viên vừa tham gia phần biểu diễn văn nghệ lúc nãy, bây giờ chia thành ba tốp. Tốp thứ nhất gồm sáu người mặc áo dài ôm hoa đi đến vị trí của Ban tổ chức để ra sân tặng hoa cho các cầu thủ. Hoa được tặng theo màu áo, nghĩa là đội Cầu Trâu được tặng hoa màu vàng, còn đội Phố Huyện được tặng hoa trắng. Hai mươi bốn cô gái trẻ trung trong bộ đồ thể thao gồm mũ lưỡi trai, áo may ô, quần soóc dàn thành một hàng dọc theo đường biên ở phía trước khán đài A. Trên mũ và quần áo của họ đều có in hình những viên gạch men lát nền. Trên tay mỗi cô đều cầm một viên gạch men với những mẫu mã khác nhau, nhưng đều do Công ty gạch men Hy vọng sản xuất. Công ty này có chi nhánh đóng trên địa bàn huyện nhà, là đơn vị tài trợ chính của giải đấu này. Trong khi đó, mười cô còn lại áp sát khung thành đối phương. Đây là mười cô nổi tiếng chanh chua nhất xã. Mười khuôn mặt son phấn xanh đỏ xúm lại nhìn chằm chằm vào thủ thành của đội Phố Huyện - một thanh niên khoảng 20, 22 tuổi, rất to khoẻ nhưng lại có khuôn mặt bầu bĩnh ngây thơ. Khuôn mặt ấy ngơ ngác rồi lúc đỏ bừng, lúc lại xanh tái vì những lời châm chọc táo tợn. Một cô dữ dằn nhất - chính là người vừa thủ vai Thị Mầu ban nãy, sán lại phía sau lưng thủ thành Phố Huyện, cười ngặt nghẽo: “Anh gì ơi!… Bắt thế nào thì bắt, nhưng để nó sút trúng vào… chỗ “đó”, không dùng được nữa là em bắt đến đấy”…

Bình luận viên của trận đấu có biệt danh là Trung “Bà”. Anh ta vốn là người phụ trách đài truyền thanh xã, kiêm chân làm “em-xi” cho các đám cưới. Đó là một tay nổi tiếng hát hay, nói nhiều với cái giọng the thé như giọng phụ nữ. Vì đã được nhận chứng chỉ của một lớp bồi dưỡng hai tuần về nghiệp vụ đọc và nói trên sóng phát thanh do Đài phát thanh truyền hình tỉnh tổ chức nên anh tỏ ra hành nghề rất tự tin. Trong khi các cầu thủ của hai đội đang khởi động, bình luận viên tranh thủ bộc lộ tài năng bằng một “chiêu” quen thuộc:

-Thưa bà con. Có hai con dê cùng đi qua một chiếc cầu. Hai con dê chẳng chịu nhường nhau. Cuối cùng, cả hai con dê đều lăn tòm xuống suối. Nhưng may quá, chẳng có con dê nào chết đuối, bởi vì: “Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua”. Đó chính là nội dung của bài hát Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua. Mời bà con lắng nghe ca khúc này qua giọng hát Ngọc Trung, còn có nghệ danh là “Trung Bà”... Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua – Chỉ có nắng mùa Hè nóng bỏng...

Đang nói, anh chuyển luôn sang hát rất tự nhiên. Khán giả được dịp cười như nắc nẻ. Tuy nhiên, bài hát đã phải dừng lại vì phần khai mạc bắt đầu. Sau các thủ tục bắt tay, tặng hoa, tiếng còi của trọng tài chính đã vang lên. Ngay sau đó, trận đấu bùng lên quyết liệt trong tiếng gầm thét của hơn ba nghìn cổ động viên cuồng nhiệt.

Tiếng còi khai mạc trận đấu cũng là hiệu lệnh cho màn múa của hai mươi bốn thôn nữ cùng với những viên gạch men của Công ty Hy vọng. Động tác múa khá đơn giản, chủ yếu chỉ là tiến lên, lùi lại, bước qua phải hai bước và ngược lại, bước qua bên trái. Mỗi một động tác như vậy là một lần vung viên gạch men lên, xoay đi xoay lại trước mặt như vặn vô lăng xe công nông. Cứ sau tám lần thực hiện các động tác đó, họ lại thay bằng một mẫu gạch mới do lực lượng nam thanh niên chuyển tới. Theo yêu cầu của nhà tài trợ, màn múa hát này sẽ diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ, chia đều cho hai hiệp, mỗi hiệp múa 30 phút. Nếu toàn bộ các trận đấu trên sân làng Giềng đều có màn múa hát này, nài số tiền tài trợ cho giải theo hợp đồng, Công ty Hy vọng còn tài trợ riêng cho làng Giềng một khoản kinh phí đủ để xây dựng một cái đình làng thật hoành tráng.

Nhưng chưa hết, ngay sau khi màn múa gạch men vừa bắt đầu, màn quảng cáo của nhà tài trợ thứ hai cũng được triển khai rất ấn tượng. Hai mươi trai làng đỡ một băng vải dài bốn mươi thước, rộng năm thước bắt đầu chạy vòng quanh sân vận động. Trên băng vải có dòng chữ khổng lồ in tên nhà đồng tài trợ là “Xí nghiệp may mặc Hoa Hoè”. Cứ chạy tiến lên một trăm bước, họ lại chạy lùi mười bước. Hoa Hoè chính là nhà tài trợ toàn bộ trang phục cho các đội tham dự giải. Để trả công cho màn quảng cáo này, xí nghiệp sẽ tài trợ riêng cho xã Cầu Trâu số lượng vải đủ để may áo cho năm trăm cổ động viên.

Không chỉ có xí nghiệp may Hoa Hoè. Công ty nước khoáng của huyện cũng tranh thủ tiếp thị, đồng thời cũng là để giải quyết số hàng tồn kho đã mấy tháng nay. Hai xe tải chở đầy nước khoáng được triển khai ở hai đầu sân, bên thành xe đều đính các băng-rôn lớn với dòng chữ lớn: “Không phải nói nhiều. Uống vào biết ngay!”. Nước khoáng được phát miễn phí. Các nhân viên của công ty mặc áo dài màu xanh, luôn tay mở nắp chai để thoả mãn cơn khát của đám đông khán giả đang quây kín xung quanh…

Đúng bốn giờ mười phút, trận huyết chiến trên chảo lửa làng Giềng đã được khai mạc với những màu sắc và âm thanh sôi sục…

(Còn nữa)

Lam Thanh Kỳ Tử
 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN