Gameshow mọc như nấm: Hướng đi chất lượng hay ngày càng lệch lạc
(Sóng trẻ) - Không thể phủ nhận độ “hot” ngày càng lớn của gameshow Việt. Nhiều chương trình phát sóng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ vì giải trí, vui vẻ nhưng cũng không ít gameshow bị phản đối do hướng đi lệch lạc gây phản cảm.
Tiêu chí vui là chính
Running Man Việt Nam mùa 2 (Chơi là chạy) đã đi gần hết chặng đường, dù không tạo hiệu ứng lớn như mùa 1 nhưng vẫn là một trong những chương trình truyền hình thu hút người xem hiện nay nhờ tính giải trí và tạo cảm hứng cho người xem.
Với 8 thành viên tham gia “Running Man” mùa 2 gồm: Trường Giang, Lan Ngọc, Ngô Kiến Huy, Liên Bỉnh Phát, Thúy Ngân, Trương Thế Vinh, Jun Phạm và Karik. Mỗi người một cá tính riêng biệt tạo nên một tập thể hài hước, thú vị cùng nhau thực hiện những nhiệm vụ trò chơi từ chương trình để dành chiến thắng. Dù là một trong những chương trình truyền hình “hot” nhất hiện nay nhưng chỉ dừng lại ở việc “vui là chính”.
Hiện nay, những gameshow chơi cho vui này đang xuất hiện áp đảo trên sóng truyền hình với lượng khán giả theo dõi nhất định. Mục đích để khán giả tìm được những khoảnh khắc thư giãn, giải trí.
Kiến thức đan xen tính giải trí
Bên cạnh những gameshow “vui là chính” thì có rất nhiều chương trình vừa mang tính giải trí cao vừa phổ cập được kiến thức đời sống hữu ích như “Nhanh như chớp”,”7 nụ cười xuân”,”Chọn ai đây”...
Mỗi chương trình có một định dạng khác nhau thu hút khán giả của riêng mình. Như chương trình “Nhanh như chớp” với sự tham gia của 2 đội khách mời, người chơi vận dụng kiến thức, sự hiểu biết, sự nhanh nhạy để trả lời những câu hỏi trong thời gian nhất định; “7 nụ cười xuân” gây thú vị bởi kết hợp những trò chơi vận động giải trí cùng các hình phạt đa dạng mang lại tiếng cười cho khán giả.
Trong các gameshow, những màn giao lưu, tương tác của người chơi là nghệ sĩ chiếm thời lượng nhiều hơn cả phần nội dung các câu hỏi - đáp. Các màn pha trò, "chặt chém" nhau của nghệ sĩ không chỉ được dùng để giữ chân khán giả mà còn trở thành nội dung quảng bá trước mỗi số phát sóng.
Những câu hỏi trong chương trình phần lớn cũng nhẹ nhàng, chỉ là những kiến thức cơ bản, phổ biến về mọi mặt trong đời sống. Để trả lời được, người chơi chỉ cần có kinh nghiệm sống, biết nắm bắt xu hướng, thông tin thời sự. Chẳng hạn có những câu đố vui, vô thưởng vô phạt kiểu "Ốc gì biết bay, bài hát chủ đề của Lê Dương Bảo Lâm là gì...".
Hướng đi lệch lạc gây phản cảm
Với tiêu chí “hai trong một” vừa mang đến tính giải trí cao vừa cung cấp một lượng thông tin, kiến thức nhất định chính là điều mà khán giả mong đợi ở những gameshow hiện nay. Nắm bắt được nhu cầu của người xem, các đơn vị sản xuất cố gắng mang đến nhiều chương trình với những diện mạo khác nhau.
Bên cạnh những thành công thì có những chương trình gây phản cảm vì tính “giải trí thái quá”. Điển hình như chương trình “Hành lý tình yêu” là sân chơi tạo cho các bạn trẻ có cơ hội được nói ra những bí mật, những điểm yếu của mình, những quan điểm của mình nhằm mục đích để tìm hạnh phúc, đặc biệt là ở giai đoạn trước khi bước vào hôn nhân và cuộc sống gia đình. Nhưng những ngày gần đây, người tham gia chương trình đã có những phát ngôn gây sốc như “ly hôn nếu vợ không sinh được con trai” hay con gái phải ngồi mâm dưới khiến cộng động mạng vô cùng phẫn nộ và liên tục “ném đá” trong nhiều ngày qua. Không biết đây là kịch bản chương trình hay là chủ đích của người chơi nhưng nó đã mang lại ít nhiều tai tiếng không mấy thiện cảm cho chương trình và nhân vật tham gia.
Bị phản đối nhiều nhất là những gameshow lựa chọn khách mời thuộc cộng đồng LGBT nhưng có góc khai thác lệch lạc với mục đích tạo hiệu ứng câu view…
Bên cạnh những mục đích cụ thể nhằm giúp người đồng tính, song tính, chuyển giới…chia sẻ về những khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống như chương trình “Người ấy là ai”...Không ít chương trình phát sóng bị nhận xét “lợi dụng cộng đồng LGBT” khi khai thác góc tiêu cực, phản cảm tạo những hiểu lầm và suy nghĩ lệch lạc của mọi người dành cho cộng đồng LGBT. Thậm chí nhiều chương trình còn tập trung vào chuyện nhảy cảm, giường chiếu của người chơi khiến nhiều bộ phận khán giả phẫn nộ phải thốt lên rằng “thiếu văn minh”
Như chương trình "Come Out - Bước ra ánh sáng" là một chương trình thực tế Talkshow giữa MC và nhân vật có câu chuyện đặc biệt. Mong muốn của chương trình sẽ là nơi cộng đồng LGBT có thể tâm sự những nỗi niềm của bản thân, chia sẻ câu chuyện của chính mình về quá trình trải qua những nỗi đau và đấu tranh nội tâm để nhận được sự cảm thông từ gia đình và xã hội.
Với thông điệp nhân văn đã từng được rất nhiều người ủng hộ nhưng với kịch bản phản cảm, câu kéo khán giả bằng cách tập trung vào chuyện giường chiếu, riêng tư khiến chương trình nhận về “gạch đá”.
Trên hành trình chuyên nghiệp hóa, chương trình truyền hình Việt Nam đang dần bắt kịp với xu hướng phát triển với những ưu thế vượt trội. Hy vọng sau những vết xe đổ do hướng đi lệch lạc, các chương trình của nước ta sẽ có những sáng tạo mới, thu hút khán giả bằng tính giải trí lành mạnh, tính nhân văn và các giá trí kiến thức hữu ích.