Gen Z là nhân tố kế thừa và phát triển thời trang bền vững trong tương lai

(Sóng trẻ) - Sáng 27/11, trang tin điện tử Sóng trẻ tổ chức tọa đàm trực tuyến: “Gen Z với việc đẩy mạnh thời trang bền vững”. Buổi tọa đàm giúp độc giả hiểu hơn về mức độ nguy hiểm của thời trang nhanh và nhận thức tầm quan trọng của thời trang bền vững.

Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thời trang nói chung và thời trang nhanh nói riêng đã tàn phá môi trường theo nhiều cách khác nhau. Công nghiệp thời trang được xem là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau dầu mỏ. Theo ước tính, ngành thời trang tạo ra khoảng 92 triệu tấn rác thải mỗi năm, trong đó khoảng 70% được chôn lấp hoặc đốt bỏ. Rác thải thời trang có thể gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. 

Đứng trước những tác hại to lớn ấy, trong những năm gần đây, gen Z đã dần ý thức và không ngừng đẩy mạnh việc theo đuổi "thời trang bền vững". Để xu hướng thời trang bền vững được lan tỏa mạnh mẽ đến người trẻ hơn, buổi tọa đàm cung cấp thông tin nổi bật và ý nghĩa của thời trang bền vững thông qua chia sẻ của hai khách mời là Th.S Hoàng Thị Oanh và Á hậu Nguyễn Thị Hương Ly. 

z4919041113698_f80c85ad41d2105fb95f7bcf9d9a252d.jpg
Đại diện Ban Biên Tập Sóng Trẻ tặng hoa cho 2 vị khách mời (Ảnh: BBT)

Buổi tọa đàm trực tuyến bắt đầu:

Mặc dù được nhắc đến rất nhiều, thế nhưng vẫn còn nhiều bạn trẻ chưa hiểu chính xác thế nào là thời trang nhanh. Hai vị khách mời có thể giải thích rõ ràng hơn về khái niệm "thời trang nhanh" hay không?

Th.S Hoàng Thị Oanh: Thời trang nhanh hiểu đơn giản là họ liên tục sản xuất nhanh, mặc nhanh và cũng thải nhanh. Sản xuất thời trang nhanh dẫn đến hậu quả ô nhiễm môi trường rất nhiều, khiến môi trường có một số lượng rác thải lớn.

Á hậu Hương Ly: Thời trang nhanh đơn giản là những sản phẩm bắt gặp trên trang thương mại điện tử, có giá thành rẻ, sản xuất liên tục,… có ảnh hưởng lớn tới môi trường.

Hai vị khách mời đánh giá thế nào về sự phát triển của thị trường thời trang bền vững trong những năm gần đây? 

Th.S Hoàng Thị Oanh: Theo góc nhìn của tôi, thời trang bền vững trong thời gian gần đây cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới trẻ, các bạn là những người có xu hướng tìm kiếm xu hướng nhanh nhất. Tuy nhiên việc có thể thực hiện hay không còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề và để trở thành xu thế còn cần thời gian rất dài.

Á hậu Hương Ly: Từ năm 2016 đến nay, xu hướng thời trang bền vững được toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam quan tâm. Trong 3, 4 năm gần đây, thị trường có sự thay đổi tích cực ở việc có rất nhiều thương hiệu thời trang bền vững đã ra đời. Bên cạnh đó, trong những tuần lễ thời trang, các nhà thiết kế thời trang cũng như các thương hiệu đang dần thay đổi hướng sản xuất sản phẩm nhằm mang những thông điệp tích cực đến gần hơn với khán giả.

Các bạn trẻ cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Họ vừa cập nhật thời trang nhanh nhưng cũng có ý thức về thời trang bền vững. Tuy nhiên, rào cản về giá cả và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội làm các bạn vẫn còn phân vân về xu hướng thời trang. 

Lý do gì khiến thời trang nhanh "nhanh mua" và cũng "nhanh" bị vứt bỏ? Và tại sao thời trang nhanh vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ bất chấp những tác động tiêu cực của nó?

Th.S Hoàng Thị Oanh: Trong thời đại 4.0, tất cả các ngành đều phát triển nhanh, thời trang nhanh cũng không ngoại lệ, có cung sẽ có cầu. Đó là nhu cầu tất yếu, là quy luật… nhưng nếu hiểu được tác động của nó thì quan trọng là thái độ của chúng ta như thế nào để giảm thiểu những tác động xấu với môi trường. 

Á hậu Hương Ly: Thời trang nhanh là 1 nhu cầu tất yếu. Loại bỏ hoàn toàn là điều không thể mà chỉ có thể giảm thiểu, trong tiêu chí về thời trang bền vững có reuse (tái sử dụng), reduce (giảm thiểu) và recycle (tái chế). Ly đã từng làm việc với các thương hiệu thời trang bền vững, làm việc trong lĩnh vực tạo ra nguyên liệu. Họ tạo ra sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, không ảnh hưởng đến môi trường nên giá thành rất cao, nó là nhược điểm lớn khiến thời trang nhanh phát triển mạnh mẽ như vậy.

Giới trẻ thường chỉ mặc 1 lần, đăng ảnh rồi không sử dụng nữa. Vì vậy để tư duy mình thay đổi cần rất nhiều thời gian, từ những hành động nhỏ nhất là đã góp phần thay đổi thời trang bền vững. Để làm được điều đó, cần xây dựng tiềm thức cho các bạn ngay từ trên ghế nhà trường về bảo vệ môi trường thông qua lĩnh vực thời trang.

z4919107049229_d5048472bdb2e34a88e764c14e73eac6.jpg
Các vấn đề về phát triển thời trang nhanh dần được giải đáp qua chia sẻ của hai khách mời. (Ảnh: BTC)

Theo tổ chức phi lợi nhuận Remake, 80% sản phẩm may mặc từ ngành công nghiệp thời trang nhanh được sản xuất bởi phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 24. Và cũng theo một báo cáo khác của Bộ Lao động Hoa Kỳ năm 2018 có những bằng chứng về cưỡng bức lao động nữ và trẻ em trong ngành thời trang ở Argentina, Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác trên thế giới.

Trong báo cáo “Danh sách hàng hóa do lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức sản xuất” do Văn phòng Quốc tế vụ (ILAB) của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 28/9 thì riêng ngành dệt may được xem là ngành tồn tại cả hai tình trạng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em tại Việt Nam.

Hai khách mời nghĩ thế nào về những con số đáng báo động này? Tại sao sự phát triển của thời trang nhanh lại kéo theo nhiều hệ lụy về con người như vậy?

Th.S Hoàng Thị Oanh: Theo tôi, đây là mối quan hệ cung cầu. Khi mà nhu cầu con người sử dụng nhanh, nhiều thì các nhà sản xuất bắt buộc phải đẩy nhanh quá trình sản xuất, từ đó mà yêu cầu nguồn nhân lực và giờ làm việc ngày càng tăng. 

Tuy nhiên, việc không đáp ứng được kinh tế thật sự cho lao động sẽ là áp bức. Có những doanh nghiệp bắt ép lao động phải làm thêm giờ, cũng có lao động tự nguyện làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cũng có những doanh nghiệp có thể tuyển nhân sự dưới 18 tuổi để làm những khâu đơn giản như nhặt chỉ, ủi đồ,... để phù hợp với tốc độ sản xuất. Tôi nghĩ đó là quy luật, tuy nhiên cần có luật đưa ra áp chế thì sự áp bức này sẽ được giảm đi.

Á hậu Hương Ly: Theo quan điểm của Hương Ly, đây không phải là câu chuyện mình có thể nói với nhau thường ngày, cần có những bài nghiên cứu, những bài luận án chuyên sâu về vấn đề này. Hiện tại ở đây, Ly chỉ có thể nói quan điểm cá nhân của mình, đó là do cung cầu. Một cá nhân không thể thay đổi chuyện này được.

Chuyện chúng ta có thể làm là nâng cao nhận thức về tác hại của thời trang nhanh, nâng cao hiểu biết về hoàn cảnh của các trẻ em đang lao động trong các xí nghiệp để giảm lượng tiêu thụ sản phẩm thời trang nhanh, từ đó giảm thiểu tình trạng này. Hơi khó để thay đổi được liền, mất rất nhiều thời gian để thay đổi điều đó. Hương Ly nghĩ cần nhiều thời gian và nhiều dự án hơn để bóc tách vấn đề này cũng như nâng cao nhận thức của mọi người với tác hại của thời trang nhanh.

Có nhiều độc giả rất tò mò, không biết cơ duyên nào để chị Hương Ly biết đến thời trang bền vững và đâu là động lực để chị quyết tâm theo đuổi ngách thời trang này? 

Á hậu Hương Ly: Ly là người rất may mắn khi bước vào đời bằng nghề người mẫu, có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều nhà thiết kế, trong đó có nhà thiết kế Trần Hùng. Nhờ sự đồng điệu mà 2 anh em đã kết hợp với nhau để sử dụng những nguồn tài nguyên sẵn có.

Nhà thiết kế Trần Hùng là một nhà thiết kế rất tâm huyết với nghề, anh là người rất yêu làng nghề Việt Nam. Tại những làng nghề đó, họ sử dụng thủ công và ít ảnh hưởng đến môi trường, những sản phẩm tạo ra vừa đạt được chất lượng tốt vừa bảo vệ được môi trường. Mong muốn khi tạo nên thương hiệu thời trang bền vững Trần Hùng là giúp mọi người nhận thức rõ hơn về 4 chữ "thời trang bền vững", chính hiểu biết và ảnh hưởng của mọi người sẽ tác động đến thời trang.

Đó câu câu chuyện đang tồn tại trong cuộc sống chúng ta và nó có ảnh hưởng rõ ràng, cần nhìn nhận chính xác. Chính nhà thiết kế Trần Hùng đã mang đến cơ hội và thay đổi cuộc đời Ly.

z4919288782369_212f5f5eef10bb0e1891bc01ef124dd7.jpg
Đông đảo khán giả đến tham gia buổi tọa đàm "Gen Z với việc đẩy mạnh thời trang bền vững" tại hội trường. (Ảnh: BTC)

Trong dự án mà chị Hương Ly đang làm đại sứ, để sản xuất những bộ trang phục mang ra thị trường cần khoảng bao nhiêu thời gian và có những vất vả, khó khăn gì mà chị chưa từng tiết lộ không?

Á hậu Hương Ly: Ngày xưa khi Ly diện những bộ thổ cẩm Ly chỉ nghĩ đến thẩm mỹ thôi. Nhưng khi đồng hành cùng chương trình phụ nữ làng nghề dệt. Đến Mai Châu, Hòa Bình, Ly đến tận nơi và thấy phụ nữ ở đây gần như không chủ động kinh tế, họ không thể làm những việc có lương cố định như công nhân,... vì còn phải chăm sóc gia đình. Họ sản xuất sản phẩm về dệt khi rảnh, trưa, trước khi ngủ,....

Khi chứng kiến những điều đó, Ly nghĩ việc chính sản phẩm mình sử dụng là một cầu nối giúp nhiều phụ nữ tạo được công ăn việc làm. Đồng thời, dự án Empower Women Asia (EWA) còn tổ chức những workshop cho nhiều người đến trải nghiệm quy trình làm ra những tấm vải hoàn toàn từ tự nhiên này, để họ hiểu thêm về thời trang mình đang theo đuổi.

Denise N. Green, Phó Giáo sư về Khoa học Sợi & Thiết kế Trang phục tại Đại học Cornell từng nhận xét rằng: "Thế hệ Z hầu hết đều đề cao tính bền vững trong ngành thời trang từ nghiên cứu này đến nghiên cứu khác, từ khảo sát này đến khảo sát khác và hơn bất kỳ thế hệ nào khác nhưng chính họ lại là phân khúc khách hàng tiêu thụ sản phẩm thời trang nhanh lớn nhất hành tinh".

Hai vị khách mời có suy nghĩ như thế nào về nhận định này, và hai vị cho rằng đâu là rào cản khiến "thời trang bền vững" mới chỉ được dừng ở mức độ "quan tâm" thay vì "sử dụng"?

Th.S Hoàng Thị Oanh: Bởi vì để làm ra được ra các sản phẩm thủ công bền vững mất rất nhiều thời gian, đi cùng điều đó là giá thành sẽ rất cao. Thế hệ gen Z không được lựa chọn bởi họ không có đủ tài chính, bên cạnh đó thời trang bền vững không đáp ứng được nhu cầu mẫu mã ngày càng cao đối với lứa tuổi gen Z.

Á hậu Hương Ly: Sự khác biệt giữa thời trang bền vững và thời trang nhanh là ở giá thành. Bởi sự khác nhau về quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm. Sản phẩm thời trang bền vững mất nhiều thời gian, công sức và mang tính may đo, dành riêng cho người sử dụng nên giá thành rất cao.

Gen Z bây giờ không phải là những người tự chủ về tài chính để có thể quyết định thứ mình đang theo đuổi nên nó rất khó cho các bạn. Chúng ta nên có những biện pháp để thay đổi nhận thức trước bởi các bạn là mầm xanh của đất nước, là người có ảnh hưởng lớn nhất. Mình cố gắng tưới nước mỗi ngày thì chính các bạn sẽ là người thay đổi thế giới, là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến thời trang khi các bạn trưởng thành.

z4919143753858_daa687ac7cf2d40f2a750b26c483fedf.jpg
Á hậu Hương Ly cho rằng Gen Z có thể sử dụng đan xen giữa thời trang nhanh và thời trang bền vững khi chưa tự chủ về kinh tế. (Ảnh: BTC)

Trong Báo cáo thời trang nhanh Gen Z năm 2022 của ThredUp, 72% sinh viên đại học cho biết họ đã chi tiêu cho những mặt hàng thời trang nhanh trong năm qua. Họ cho biết rằng tính bền vững là quan trọng, nhưng ít ai dám đi theo “con đường” bền vững ấy là vì có hai rào cản chính: khả năng chi trả và ảnh hưởng mạnh mẽ của mạng xã hội.

Về vấn đề giá thành, hai khách mời cho rằng có nên điều chỉnh giá của các sản phẩm thời trang bền vững hay không, hoặc nếu không thì nên làm thế nào để các bạn trẻ có thể ưu tiên chi trả những sản phẩm thời trang bền vững?

Th.S Hoàng Thị Oanh: Nếu để thay đổi hoàn toàn thì rất khó. Nhưng nếu muốn tiếp cận với các bạn trẻ thì trước tiên, những nhà thiết kế, những người làm phụ liệu có thể sáng tạo trong việc sáng tạo ra sản phẩm thời trang bền vững. Họ cũng cần đồng hành với các bạn trẻ từ tư tưởng, sau đó đến hành động như từ việc lựa chọn nguyên vật liệu thời trang bền vững đan xen với thời trang nhanh. Bởi vì giá thành cao, thời trang bền vững chưa thể thay thế hoàn toàn thời trang nhanh.

Á hậu Hương Ly: Nếu chỉ sử dụng toàn toàn thời trang bền vững sẽ gặp nhiều bất cập như giá thành, mẫu mã. Ly nghĩ hãy bắt đầu từ một lối sống lành mạnh, giảm thiểu bám sát vào việc tái chế,... Ví dụ từ những chiếc túi, gang tay mình sẽ tái tái chế để sử dụng thành những vật vật dụng khác trong cuộc cuộc sống, sử dụng lại. Tập thói quen tái chế những thứ tưởng như rác để sử dụng trong đời sống hàng ngày. Muốn thay đổi 100% sang thời trang bền vững rất khó, mình có thể đan xen giữa thời trang nhanh và thời trang bền vững.

Có thể thấy một trong những yếu tố đã thúc đẩy mức tiêu thụ của Gen Z lên cao đối với những mặt hàng thời trang nhanh chính là mạng xã hội. Sự ảnh hưởng bởi các trend thời trang của những người nổi tiếng cùng khả năng mua sắm đơn giản, dễ dàng đang khiến thời trang nhanh chiếm lợi thế lớn. Vậy Á hậu Hương Ly cho rằng thời trang bền vững nên làm gì để có thể cạnh tranh sức ảnh hưởng trên mạng xã hội?

Á hậu Hương Ly: Đây cũng là vấn đề khó. Khi đặt ra bài toán làm sao để đưa thời trang bền vững vào cuộc sống hàng ngày mà không gặp nhiều cản trở thì thực tế rất khó. Vì khi các bạn là người làm ra sản phẩm đó, để cân bằng được phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Hương Ly luôn mong muốn thông qua những chương trình mình tham gia sẽ giúp nâng cao nhận thức của mọi người về thời trang nhanh.

Ly nghĩ khi mình thay đổi nhận thức thì sẽ thay đổi được thói quen. Hãy luôn nghĩ đến việc bảo vệ môi trường, thay đổi nhận thức bằng cách định hình phong cách của chính mình, không bị chạy theo xu hướng, hãy tạo nên phong cách riêng của mình, không mua những thứ không cần thiết mà chỉ tập trung mua những sản phẩm phù hợp với phong cách của mình.

Theo hai vị khách mời, cần có những biện pháp như thế nào để thời trang bền vững có tính ứng dụng cao hơn, có thể trở thành một xu hướng thời trang gần gũi, hằng ngày hay thậm chí là thay đổi hoàn toàn thời trang nhanh trong trang phục thường ngày và thời trang biểu diễn? 

Th.S Hoàng Thị Oanh: Để thay đổi thời trang bền vững thành thời trang hàng ngày là rất khó, việc thay đổi trang phục biểu diễn càng khó hơn. Vì trang phục biểu diễn yêu cầu từ sự đính kết, thiết kế cầu kỳ. Đơn giản như hạt cườm tự nhiên sẽ không có ánh sắc nhiều như đá nhân tạo.

Việc đưa thời trang bền vững trở thành thời trang biểu diễn cần rất nhiều thời gian, công sức và chắc chắn giá thành sẽ rất cao. Nhưng tôi vẫn kỳ vọng thời trang bền vững sẽ sớm được đưa vào trang phục biểu diễn, đó sẽ là một dấu ấn lớn trong ngành thời trang.

Á hậu Hương Ly: Ly được làm việc với nhiều nhà thiết kế thời trang khác nhau, họ biết cân bằng giữa tính ứng dụng và bền vững. Nhà thiết kế sử dụng đan, không thể thay thế hoàn toàn nguyên liệu thời trang bền vững vì giá thành cao…. Tuy nhiên, sự đan xen giữa thời trang bền vững với thời trang nhanh đã góp phần tạo nên những tác động về nhận thức cho mọi người xung quanh. 

Và để chạy theo xu hướng thị trường cũng như giảm sự chỉ trích của xã hội, nhiều nhãn hàng thời trang nhanh đã cho ra các bộ sưu tập tái sử dụng, tuy nhiên chất lượng không đảm bảo dẫn đến việc tái chế chỉ dừng lại ở "hình thức", các vị khách mời nghĩ sao về vấn đề này ạ?

Th.S Hoàng Thị Oanh: Nếu ta góp gió thành bão và khiến nó có vị thế nhất định trong xã hội thì nó mới thay đổi được tư duy, nhận thức của các ban trẻ. Các bạn có thể thấy ở trên Sapa, dọc đường có nhiều người bán vòng hay mũ. Để làm ra được một sản phẩm có giá trị mất nhiều thời gian nên nên người dân tộc họ rất quý.

Những chiếc váy của người dân tộc được làm bằng sợi thủ công, nên độ bền rất thấp, màu tự nhiên sẽ dễ phai, họ sẽ hạn chế giặt. Các bộ trang phục sau khi làm việc họ sẽ phơi lên thôi. Sau khi đã rách họ lại cắt ra để tái chế lại, bản thân họ cũng đã có sự tư duy về tái chế.

Á hậu Hương Ly: Mình nghĩ không nên phụ thuộc quá nhiều vào những thương hiệu thời trang. Vì có một số thương hiệu còn những sai phạm, không đảm bảo tiêu chuẩn về việc bảo vệ môi trường. Bản thân mình cũng dùng đồ second hand (sản phẩm đã qua sử dụng), tính bền vững vẫn phụ thuộc vào tính tái chế và sử dụng lại.

Chính trong những bộ trang phục hàng ngày của mình, mình vẫn tái sử dụng rất nhiều lần, tùy mục đích và nhu cầu công việc, hầu như không thay đổi quá nhiều về màu sắc,... Hay khi mình mong muốn “thay máu” cho tủ đồ, thì mình sẽ mang quần áo cũ đến nơi quyên góp, từ thiện để có thể tái sử dụng nó. Tính bền vững trong thời trang hoàn toàn có thể thay đổi trong nhu cầu sử dụng thời trang bền vững.

Thời trang bền vững là một xu hướng cần thiết, tuy nhiên, theo Th.S việc đẩy mạnh xu hướng này có thể làm thời trang "nhạt" đi hay không? Khi mọi người không còn quan tâm đến xu hướng quần áo, không có những xu hướng xa hoa, mới mẻ, họ không còn chạy theo mốt thì liệu việc này có làm mất đi những đặc điểm của thời trang hay không? 

Th.S Hoàng Thị Oanh: Tôi nghĩ nó sẽ không nhạt. Nhưng liệu có đáp ứng được nhu cầu của thị trường hay không lại là việc khác. Thời trang nhanh đáp ứng được tính thị hiếu, cập nhật với tốc độ rất nhanh, kể cả mẫu mã cũng rất nhanh.

Nếu thời trang bền vững không đạt được những tiêu chí đó thì nó sẽ bị hạn chế, các sản phẩm không đủ sức cạnh tranh, không đáp ứng được thì trong mắt công chúng sẽ bị “nhạt”. Nếu chúng ta cố gắng đẩy thời trang bền vững lên, thay đổi nhận thức và tư duy của người tiêu dùng thì nó sẽ không thể nhạt đi. 

z4919237724402_ac6d3318c3a77062e49039b61a6f95d6.jpg
Theo Th.S Hoàng Oanh, thời trang bền vững sẽ không bị "nhạt" nếu biết thay đổi, thích nghi theo thị hiếu khách hàng. (Ảnh: BTC)

45% sinh viên đại học cho biết “thật khó để cưỡng lại sự cám dỗ mà thời trang nhanh mang lại”. Theo cô và chị, nên thay đổi những yếu tố (như mẫu mã, truyền thông, tính tiện dụng...) nào để thời trang bền vững có sức hút hơn với giới trẻ?

Th.S Hoàng Thị Oanh: Để thời trang bền vững có thể cạnh tranh được với thời trang nhanh thì rất khó. Vì nhu cầu làm đẹp của con người là tất yếu, thời trang là mốt, là sự thay đổi, tìm kiếm cái mới. Khi các khách hàng cần làm đẹp nhanh thì rõ ràng thời trang nhanh đang phù hợp với nhu cầu tất yếu đó. Tuy nhiên, nó luôn có 2 mặt: thời trang nhanh đáp ứng được nhu cầu nhưng tốc độ sản xuất quá nhanh, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Còn thời trang bền vững lại không thể chạy kịp với nhu cầu thị hiếu. Tôi nghĩ nên làm sao để các bạn trẻ có thể nhận thức được việc theo đuổi trend nhưng cũng phải đảm bảo được việc theo đuổi tính bền vững trong thời trang. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng phải đáp ứng được việc phát triển thời trang bền vững song song với việc phù hợp với nhu cầu thị hiếu.

Em rất yêu mến chị Hương Ly và luôn theo dõi hành trình chinh phục giấc mơ hoàn vũ của chị, không biết chị Hương Ly có thể kể về hành trình và ý tưởng đằng sau việc tạo ra bộ váy từ giấm ăn mang đến Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 không? (Độc giả Hoàng Mai Linh - [email protected])

Á hậu Hương Ly: Ly cảm thấy may mắn khi hành trình tham gia Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam của mình không chỉ đơn giản là cuộc thi về nhan sắc, mà còn thông qua đó, Ly có thể kể câu chuyện của mình. Ly cảm thấy tự hào vì mọi người đã biết câu chuyện về bộ đồ giấm ăn, câu chuyện gắn liền với 4 chữ: thời trang bền vững, giúp các bạn biết đến cụm từ mà chưa chắc nhiều người biết.

Cơ duyên để Ly tạo ra bộ váy đầu tiên làm từ giấm ăn đó là vào thời điểm dịch COVID-19, mình không thể ra khỏi thành phố, Ly vô tình lướt TikTok và thấy video làm trang phục bằng Kombucha, Ly đã ấp ủ mang thời trang bền vững này đến với Miss Universe Việt Nam. Ly mất 6 tháng từ khâu lên ý tưởng cho đến khi ra sản phẩm, và sân khấu Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022 là sân khấu lớn, giúp khán giả biết đến trang phục bằng giấm ăn.

Trong đặc thù công việc của thạc sĩ, cô đã làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích tư duy sáng tạo và tư duy thời trang bền vững từ các sinh viên Gen Z? (Độc giả có Facebook Hà Dung)

Th.S Hoàng Thị Oanh: Tôi luôn luôn đưa nhận thức và khuyến khích sự sáng tạo về xu hướng thời trang bền vững vào để đào tạo sinh viên, đặc biệt là hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp. Vì sau này chính các bạn sẽ là những nhà thiết kế, nhà tạo mẫu, nhà sản xuất thời trang. Rõ ràng nó rất thành công trong quá trình đào tạo, hướng dẫn, nhưng để sau này nó được sản xuất hàng loạt thì còn phụ thuộc vào những yếu tố như giá thành, thị hiếu,...

Sau mỗi dự án về thời trang bền vững mà chị Hương Ly đã tham gia, chị cảm thấy mình đã nhận lại được gì, những gì mà chị học hỏi được sau mỗi chiến dịch có tác động đến cuộc sống hàng ngày của chị không? (Câu hỏi trực tiếp của khán giả Thùy Lương)

Á hậu Hương Ly:  Nó không đơn giản là việc mình đọc, cập nhật kiến thức trên mạng xã hội mà nó là sự trải nghiệm thực tế. Khi Ly có cơ hội được làm việc với nhiều nhà thiết kế khác nhau, Ly hiểu rõ hơn về thời trang bền vững, những người đi trước là người định hướng cho Ly để mình hiểu rõ hơn về thời trang bền vững.

z4919289829182_e2b856a6bd8a30c0edc0a849ba7dc6be.jpg
Độc giả Thùy Lương đặt câu trực tiếp cho khách mời Hương Ly.(Ảnh: BTC)

Ly may mắn có cơ hội được đến Mai Châu, có cơ hội làm việc với các bạn trẻ để tạo nên các workshop thay đổi tư duy nhận thức của mình về thời trang bền vững, mình sẽ hiểu và cảm nhận rõ nhất sự ảnh hưởng của thời trang bền vững đến môi trường, tuy mình rất khó nhìn bằng mắt thường nhưng thực ra nó vẫn đang âm thầm tạo nên những tác hại đến môi trường. Hãy thay đổi tư duy nhận thức của mình trước khi muốn thay đổi thế giới.

Thông qua buổi tọa đàm, chúng ta đã phần nào hiểu được về ý nghĩa của việc phát triển thời trang bền vững. Vậy để xu hướng này ngày càng phổ biến trong đời sống, Th.S Hoàng Thị Oanh và Á hậu Hương Ly có thể nhắn gửi đến thế hệ Gen Z nói riêng và khán giả đang theo dõi chương trình nói chung một thông điệp về phát triển thời trang bền vững được không ạ?

Th.S Hoàng Thị Oanh: Với cương vị là 1 nhà thiết kế, 1 người đào tạo, cô mong muốn các bạn trẻ là những người tiếp cận xu hướng với thời trang bền vững. Cô rất muốn hình ảnh, tư duy của các bạn sẽ thay đổi mỗi ngày. Thời trang bền vững rất đẹp, rất cần bàn tay của các bạn để phát triển thời trang bền vững nói riêng và vấn đề môi trường nói chung. Cô tin rằng khi chúng ta cộng hưởng với nhau thì sẽ thành công. 

Á hậu Hương Ly: Ly tin chắc rằng các bạn đã và đang tham gia chương trình tọa đàm hôm nay đều đã tìm hiểu và có nhận thức nhất định thời trang bền vững. Chị tin chắc rằng các bạn sẽ là những người kế tiếp, kế thừa những điều mà những thế hệ trước đang làm về thời trang bền vững. Chị mong các bạn luôn luôn giữ vững được quan điểm để có thể phát triển được nhiều hơn trong tương lai với xu hướng thời trang bền vững.

Vì thời lượng có hạn nên Th.S Hoàng Thị Oanh và Á hậu Hương Ly khó có thể trả lời hết câu hỏi của độc giả trong chương trình. Ban biên tập sẽ tổng hợp câu hỏi của quý độc giả gửi tới hai vị khách mời đê có thể giải đáp cho quý độc giả vào thời gian tới.

Độc giả có thể đặt câu hỏi cho hai khách mời qua email [email protected].

Ban Biên tập rất mong nhận được sự ủng hộ từ Quý độc giả!
Theo Sóng trẻ

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN