Giá vé xe buýt Hà Nội: Đã cần tăng hay chưa?

(Sóng Trẻ) - Trong thời kì bão giá như hiện nay, xe buýt  là phương tiện giao thông công cộng phổ biến được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, hơn 3 tháng nay, những người thường xuyên sử dụng xe buýt đang lo lắng trước thông tin giá vé xe buýt có thể tăng. 


Tăng giá vé – điều tất yếu?

Ngày 18/8 vừa qua, tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011 của Sở Giao thông Vận tải, bà Nguyễn Thị Hà Ninh - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội đề xuất, cần phải tiến hành điều chỉnh tăng giá vé xe buýt để giảm trợ giá cho loại hình vận tải này.

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải, trên địa bàn Hà Nội hiện có 82 tuyến xe buýt, tổng số phương tiện xe buýt là 1.254 xe, vận chuyển được 266 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2011. Điều đó cho thấy, nhu cầu sử dụng loại hình phương tiện cộng cộng này của người dân Hà Nội là rất cao.

173075ff3_images.jpg

Xe buýt đang là phương tiện giao thông được nhiều người dân Hà Nội sử dụng

Hiện tại, giá vé đang áp dụng với các tuyến xe buýt của Hà Nội là 3.000 – 5.000 đồng/lượt xe, 80.000 đồng/tháng với đối tượng bình thường, 50.000 đồng/tháng đối với học sinh, sinh viên. Đây là giá vé đã tăng từ năm 2005 (trước đó là 2.500 đồng/vé) cũng cùng  lý do thành phố phải trợ giá cho xe buýt với mức chi phí quá lớn.

Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong – Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho hay, ông cũng đồng ý với đề xuất tăng giá xe buýt. Theo ông, việc tăng giá xe buýt là việc làm cần thiết đồng thời cũng là một nhu cầu bức thiết. “Thử lấy ví dụ đơn giản, giá tiền mà bạn bỏ ra để đi xe ôm hay taxi trên cùng một đoạn đường,  thông thường sẽ đắt hơn nhiều so với xe buýt hàng chục lần. Bởi vậy, dù xe buýt có tăng giá thì người dân vẫn trong giới hạn chịu đựng được”, tiến sĩ Phong nói thêm.

Ông Phong cũng cho hay, TP Hà Nội hiện nay đang phải chi hàng chục tỷ đồng vào việc bảo đảm hệ thống xe buýt lưu thông trong thành phố, khiến cho ngân sách bị thiếu hụt, do đó việc tăng giá vé sẽ góp phần giúp trợ giá cho Nhà nước. Thêm vào đó, tình trạng lạm phát đang tăng cao, nên việc tăng giá vé cũng được xem như là một trong những biện pháp giúp giảm bớt tình trạng lạm phát trong xã hội.

Không chỉ nhà nước, các doanh nghiệp xe buýt cũng đang chịu áp lực rất lớn. Giá xăng dầu đã hơn 2 lần điều chỉnh chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm khiến nhiều doanh nghiệp vận tải phải bù lỗ cho hoạt động của mình. Nài ra, sự leo thang của giá cả đã khiến nhiều nhân viên lái xe và phụ xe nghỉ việc vì không đảm bảo thu nhập.

Anh Chu Trọng Dũng, nhân viên bán vé xe buýt tuyến 49 (Khu đô Thị Mỹ Đình – Trần Khánh Dư) cho biết “Theo tôi, kiến nghị trên của sở GTVT Hà Nội là hợp lý. Bởi vì, đây là mức giá vé áp dụng đã mấy năm rồi, trong khi giá xăng, dầu và nhiều mặt hàng khác đã tăng. Tôi thấy xe buýt vẫn được trợ giá nhiều quá”.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, khung giá vé sẽ tăng lên bao nhiêu vẫn chưa được đề cập tới. Đây là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nên Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần phải có lộ trình và đề xuất các cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Tăng thế nào là hợp lý?

Đối với người không sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại chính, việc xe buýt có tăng giá hay không sẽ không có ảnh hưởng gì. Nhưng, với những hành khách thường xuyên sử dụng xe buýt như học sinh, sinh viên, nhân viên, công chức, người lao động nghèo… thì tăng vé xe buýt là cả một vấn đề.

“Trong lúc cái gì cũng tăng, ngay cả giá vé xe buýt cũng tăng nữa, sinh viên nghèo sao chịu nổi. Giá vé xe buýt tăng thêm 1.000 đồng/vé hay 2.000 đồng/vé, nghĩa là nếu mình đi 2 tuyến, cả đi và về mất khoảng 20.000 đồng, tiền xe buýt còn tốn hơn đi xe máy”, bạn Nguyễn Thiên Lý – Sinh viên ĐH Lao động - Xã hội than thở.

Chị Nguyễn Thị Lâm, quê Ninh Thuận, hiện đang công tác tại Hà Nội cho hay: “Sau mấy lần xăng tăng giá, tôi chuyển sang đi làm bằng xe buýt. Bây giờ giá vé lại tăng, dù là cần thiết, nhưng phải nghiên cứu kỹ lưỡng để không quá ảnh hưởng tới những người thường xuyên đi xe buýt như tôi.”

Mục đích của xe buýt là phương tiện để phục vụ người dân và hạn chế nạn ùn tắc giao thông. Tăng giá vé xe buýt liệu có làm hành khách bỏ xe buýt đi xe máy cho tiện và lợi hơn ?

Bạn Nguyễn Huyền Trang – Sinh viên ĐH Sư Phạm HN chia sẻ: “Thực sự là đi xe buýt an toàn và rẻ hơn rất nhiều so với đi xe máy. Vì vậy nếu giá vé xe buýt tăng ở mức vừa phải, thì mình nghĩ là mình vẫn chọn xe buýt”.

1732e725d_images1.jpg

Phát triển giao thông công cộng nhằm giảm ùn tắc giao thông 

và ô nhiễm môi trường.

Phát triển vận tải hành khách công cộng là cần thiết trong một thành phố ngày càng hiện đại, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông; giảm chi phí; tiết kiệm nhiên liệu; giảm ô nhiễm môi trường; tai nạn giao thông… Việc tăng giá vé xe buýt tại thời điểm này là cần thiết, nhưng các cơ quan có thẩm quyền cần phải nghiên cứu một khung giá hợp lý để không ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Giá vé nên tăng trong giới hạn mà người dân, đặc biệt là sinh viên có thể chịu đựng được, khoảng 20% so với giá vé hiện nay, để người dân vẫn có thể sử dụng xe buýt như một phương tiện lưu thông của mình.”

Thanh Loan, Lan Tâm, Lan Nga, Đỗ Bài, Trà My

Báo mạng điện tử K.28

Học viện Báo chí và Tuyên truyền 



Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN