GLTT NSƯT Trung Anh và diễn viên Phạm Bảo Anh: "Nhiều người nói tôi yêu Phan Quân"

(Sóng trẻ) - Hai nam diễn viên thủ vai Lương Bổng và Bảo Ngậu sẽ bật mí chuyện hậu trường đầy thú vị, hấp dẫn phía sau ống kính "Người phán xử" qua những lời chia sẻ chân thực nhất.


Trailer giao lưu trực tuyến NSƯT Trung Anh và diễn viên Bảo Anh.

"Có thứ nghiện hay, có thứ nghiện dở. Bản thân tôi thì nghiện diễn xuất", lời tâm sự đã nói lên trọn vẹn được đam mê và khát khao diễn xuất của NSƯT Trung Anh. Nam diễn viên theo học khóa đào tạo diễn xuất chính quy từ năm 17 tuổi, từng làm Quản lý của Nhà hát kịch Việt Nam. Nghệ sĩ để lại dấu ấn với vai diễn Thập trong phim Những đứa con của làng và dành được giải thưởng nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.

Vốn đóng đinh với những vai hiền lành, khắc khổ thế nhưng nhân vật Lương Bổng trong phim Người phán xử đánh dấu một bước nặt lớn trong sự nghiệp diễn xuất của NSƯT Trung Anh. Một hình tượng hoàn toàn khác biệt, lạnh lùng, trầm tĩnh và đặc biệt trung thành. Nhân vật này là cánh tay phải đắc lực của ông trùm Phan Quân, nắm giữ vị trí quan trọng, chỉ đứng sau ông trùm tập đoàn Phan Thị.

Cũng giống như lớp đàn anh, Bảo Anh luôn mong chờ một cuộc "lột xác" nạn mục với vai diễn Bảo Ngậu. Trong phim, nam diễn viên vào vai một tay sai tin cậy, đắc lực của ông trùm Phan Quân. Sau mỗi tập phim, Bảo Ngậu đang dần gây được chú ý, hứa hẹn mang đến những bất ngờ cho khán giả. Làm diễn viên nhưng không mong được nổi tiếng, lại càng né tránh những ồn ào, xô bồ của làng giải trí, đó là điểm lạ kỳ thú vị ở Bảo Anh. Vốn học về kinh tế nhưng duyên số lại đưa anh đến với công việc diễn xuất sau khi học một lớp đào tạo diễn viên truyền hình. 

Dù chỉ là tay ngang nhưng khi hóa thân vào các nhân vật, Bảo Anh lại cho thấy khả năng diễn xuất thuyết phục của mình, đặc biệt khi vào cai cảnh sát hình sự. Xung quanh việc sợ trùng lặp hình tượng nhân vật, Bảo Anh cho rằng ở mỗi bộ phim, nhân vật công an lại hiện diện với những tính cách khác nhau. Anh luôn cố gắng để nghiên cứu nhân vật thật kỹ để tìm thấy được những điểm khác biệt đó.

Nhằm kết nối các nghệ sĩ với những khán giả yêu thích điện ảnh, BBT Sóng trẻ đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Lương Bổng- Bảo Ngậu: Phía sau ống kính Người phán xử". Tham dự giao lưu trực tuyến lần này có sự góp mặt của đông đảo các bạn sinh viên lớp Báo chí Đa phương tiện K34A2 và các sinh viên khác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

98a84932f_banner_nguoi_phan_xu.jpg
Giao lưu trực tuyến với chủ đề Lương Bổng - Bảo Ngậu: Phía sau ống kính "Người phán xử".

- Cơ duyên nào đã đưa chú và anh đến với bộ phim "Người phán xử"? Quá trình tham gia casting phim có điều gì đặc biệt không? Phương Mỹ (21 tuổi, Đại học Khoa học Tự nhiên)

NSƯT Trung Anh: 
Trong việc nhận vai Lương Bổng trong phim Người phán xử, tôi không nghĩ đó là một cơ duyên. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là Người phán xử là một bộ phim của hãng VFC. Tôi cũng như Bảo Anh đã tham gia nhiều phim của hãng VFC, từ ban lãnh đạo cho đến các đạo diễn đều đã biết và làm việc nhiều với chúng tôi, và thậm chí là diễn như thế nào, các đạo diễn cũng đã nắm rất rõ, thậm chí lãnh đạo của VFC cũng đã nắm rất rõ. Cho nên những vai diễn viên chính ở trong phim hoặc những vai thứ, nói chung những vai tương đối quan trọng, ban lãnh đạo hãng cùng với đạo diễn đã trực tiếp chọn và gửi lời mời cho chúng tôi.

Ở đây có một điểm làm tôi rất bất ngờ, khi đọc kịch bản và được biết rằng mình được mời vai Lương Bổng. Trên mạng, báo chí cũng đã viết rất nhiều về vấn đề là từ trước đến nay, tôi thường đóng cái vai hiền lành và khắc khổ, sợ vợ…sao bây giờ lại vào cái vai trái ngược với những vai tôi từng đóng. Đấy cũng là một câu hỏi khi tôi đọc kịch bản và tôi cũng thấy đó là một áp lực đối với tôi khi nhận vai này. Khi nhận lời mời của hãng và sau khi đọc kịch bản, tôi đã suy nghĩ rất kỹ. Tôi thấy rằng, đây là một cơ hội.

Đối với tôi đây là một cơ hội để thay đổi các khía cạnh của tôi ở các phim, có thể những phim trước đây, tôi đóng một dạng vai khác. Và Lương Bổng là nhân vật khác hẳn với các vai diễn tôi đã từng đóng. Khi tôi x-ác định đây là một cơ hội, tôi sẽ nắm bắt cơ hội đó bằng mọi cách, bằng mọi giá. Cái chuyện tôi nhận là chuyện đương nhiên và đấy là thử thách đối với tôi. Tôi đã xác định sẽ bỏ tất cả những lời mời, công việc khác để tập trung vào nhân vật này. Chúng tôi được nhận lời mời trực tiếp và chúng tôi sẽ quyết định nhận vai hay không là sau khi đọc kịch bản.

Diễn viên Bảo Anh: Tôi cũng như chú Bổng, tôi đã tham gia VFC đã được 10 năm. Do đó, nhà đài đã quen hết mặt diễn viên rồi, vì thế, tôi được VFC tin tưởng giao cho vai Bảo Ngậu. Tôi thường nói vui là vai diễn này là “osin của Phan Thị”. Vì đây là vai diễn có nhiều bí ẩn, do đó, tôi rất khó để chia sẻ.

- "Người phán xử" thuộc series phim cảnh sát hình sự, đòi hỏi sự nhập vai và tập trung cao độ. Vậy việc xây dựng tâm lý nhân vật đối với một diễn viên dày dặn kinh nghiệm như chú Trung Anh sẽ ra sao? Còn đối với anh Bảo Anh, anh có điều gì muốn chia sẻ thêm về khía cạnh này được không? (Trần Hạnh Lê, 19 tuổi, Hà Nội)
 
NSƯT Trung Anh: Tôi thấy gọi đây là dòng phim cảnh sát hình sự cũng được. Nhưng theo tôi, gọi là dòng phim tâm lý tội phạm thì đúng hơn. Bởi vì nó là phim nặng về tâm lý. Yếu tố hình sự thì không phải là không có, nhưng để so sánh với dòng phim hình sự trước đây thì tôi thấy nó khác hẳn, khác rất nhiều. Trước đây cũng có lời mời tôi vào đóng phim cảnh sát hình sự, nhưng cá nhân tôi không thích phim cảnh sát hình sự và tôi không tham gia. 

Còn phim nào cũng thế. Để xây dựng được mạch tâm lý của diễn viên từ đầu đến cuối một cách nhất quán, đúng với tính cách của nhân vật, đúng với từng hoàn cảnh, bối cảnh, trong từng đoạn gay cấn, cao trào thì đấy là việc khó nhất đối với diễn viên. Anh phải diễn làm sao để bám chặt được với tính cách của nhân vật, bám chặt được với tình huống và nhất là xây dựng cho mình được một lý lịch nhân vật chính xác để biết được trong từng hoàn cảnh nhân vật ấy sẽ ứng xử như thế nào. Đây là việc không hề dễ dàng, nhất là trong dòng phim tâm lý tội phạm và trong một bộ phim dài tập thì điều đó lại càng khó hơn.

Vì vậy, chúng tôi phải làm việc với kịch bản rất chặt chẽ. Cái này không phải làm việc ở trường quay, mà chúng tôi phải làm việc với cá nhân mình ở nhà để từ đó có thể nuôi được tâm lý nhân vật. Với cá nhân tôi, Lương Bổng là nhân vật khác hoàn toàn với những gì trước đây tôi đóng. Tôi đã phải rất cố gắng để có thể giữ được sức diễn trong cả nhiều tập phim như thế.
 
Diễn viên Bảo Anh: Giữ được chất nhân vật xuyên suốt cũng như mạch tình cảm của nhân vật là điều rất khó. Các bạn cũng biết tôi không phải là diễn viên chuyên nghiệp, nên ngay từ những ngay đầu đi đóng phim, tôi đều cố gắng nhập vai bằng bản năng của mình. Đó hầu hết đều là những cảm xúc ở nài đời thật. Những gì tôi đã trải qua trong cuộc đời, tôi thường mang vào vai diễn. Nhân vật và tôi hòa làm một. Thế nên những gì các bạn thấy không phải là nhân vật, mà đấy là tôi. Những nét cảm xúc nào có phần tương tự thì tôi đưa vào nhân vật.

Còn về kỹ thuật diễn xuất thì tôi còn phải học hỏi rất nhiều. Nhưng rất may là ở phim trường, tôi được các đạo diễn, đàn anh đi trước và các bạn đồng nghiệp chỉ bảo rất nhiều. Những lúc ở nhà thì tôi phải đọc kịch bản, nghiên cứu nhiều chiều hướng khác nhau để có thể kết hợp với đoàn làm phim và thể hiện tốt vai diễn của mình.

344d06f42_anh_1.jpg
NSƯT Trung Anh (trái) chia sẻ với độc giả của Sóng trẻ.

- Anh Bảo Anh đã từng chia sẻ trên báo chí rằng  “ngay từ khi mới bắt đầu quá trình quay phim, anh đã bị rạn xương đòn bởi những cảnh quay nguy hiểm, di chuyển rất khó khăn. Vậy anh đã khắc phục những bất tiện đó như thế nào để hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình ? Hồng Hạnh (25 tuổi, Nghệ An)

Chúng tôi bấm máy vào những tháng 12 âm lịch, quay đến tháng 4 thì tôi gặp tai nạn ở phim trường. Cảnh quay đấy vào ban đêm, tôi đuổi bắt một đám giang hồ và tôi bị ngã lộn người. Khi tập mọi thứ đều ổn nhưng khi quay thật thì xảy ra chuyện. Tôi nhớ chỗ đất có có lớp lá khô che phần rễ cây nên không nhìn thấy được, tôi bị ngã nên bị gãy xương, cảm giác buốt đến tận óc. Nhưng bản năng của người diễn viên nên tôi vẫn chạy tiếp đến mức chảy cả nước mắt, quay lại đến 2 lần nữa đến khi về mặt tím tái hết cả.

- Còn Chú Trung Anh, chú có gặp khó khăn gì khi diễn những cảnh quay nguy hiểm không ?

Như tôi chia sẻ, đây là vai diễn ngược với những vai diễn tôi thường đóng nên lúc nào cũng trong tâm trạng căng thẳng, phải tập chung thật cao độ bởi chỉ cần một lơ là một chút thôi là sẽ gây hỏng mọi chuyện. Cảnh quay vất vả nhất là khi đánh nhau buổi đêm, tôi bị quân của thế chột đột nhập vào nhà truy sát, tôi đánh nhau với 11 người, cảnh này phải quay đến 20 tiếng, đến khoảng 5 giờ sáng. Đến khi xong tôi đã phải nằm trên vai bảo ngậu vì quá mệt. Còn nài ra không quá khó khăn gì.

- Trong sự nghiệp diễn xuất của mình, chú và anh đã có rất nhiều vai diễn thành công, ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Vậy thì vai diễn nào là vai diễn thành công nhất và được nhớ nhất? (Lan Phương, 30 tuổi, Quảng Bình)

NSƯT Trung Anh: 
Thật ra bạn ấy hỏi như thế chúng tôi rất khó trả lời. Bởi vì chúng tôi làm nghề không biết đâu là nhân vật thành công nhất cả, cái đấy chỉ có khán giả đánh giá qua từng vai diễn. Có thể là, có năm vai diễn của tôi chẳng hạn nhưng lại có năm khán giả lại thích một vai diễn khác nhau, có người thì bảo là phim Người phán xử chú đóng không thích, thích cái ông nhố nhăng ở trong phim này…Thật sự rất khó để đánh giá đâu là vai diễn thành công nhất.

Chúng tôi luôn có một ý nghĩ ở trong đầu vai thành công nhất là vai mình đang hướng tới, đang mong mỏi nó. Vai thành công của chúng tôi nhất luôn luôn là vai chưa có kịch bản, chưa có ai thể hiện, ở đâu đó xa lắm. Còn những cái mà chúng tôi đã làm rồi, xem lại luôn luôn chúng tôi thấy những hạt sạn của chính mình, luôn luôn thấy những đoạn diễn mà chúng tôi thấy chưa hài lòng. Giá như mình diễn thế này nó sẽ sâu sắc hơn, giá như mình diễn thế này nó sẽ hấp dẫn hơn thì đó là những cái mà chúng tôi dừng lại để tự đánh giá về mình, tìm những hạt sạn của chính mình để khắc phục.

Diễn viên Bảo Anh: Đúng như chú Trung Anh nói, ngay cả bản thân tôi cũng thế thôi, mỗi khi bộ phim của mình được phát sóng, tôi lại rất sợ phải xem. Bởi vì khi đó mình cảm giác là ôi hay thế, chắc là được rồi đấy mà khi xem thì chắc chắn đoạn ấy hỏng, kiểu gì thì kiểu cũng có sai, kiểu gì thì kiểu cũng có cảm giác mình không ưng ý. Vì khi đứng trên tư cách của khán giả, cảm quan khác hoàn toàn, lúc ấy mình mới nhìn rõ, ở khuôn hình ấy mình như thế nào, nó chưa được chỗ nào. Còn đối với những vai diễn tôi nhận thì đúng thật cho đến bây giờ, tôi nghĩ rằng vai diễn thành công nhất chắc là ở tương lai thôi.

-Với những vai diễn thành công ấy, vai diễn nào anh Bảo Anh thể hiện gần giống với con người thật của mình? Lan Phương (30 tuổi, Quảng Bình)

Tôi nghĩ nhân vật Long Lưu Đạn là vai diễn giống với tính cách của tôi nhất. Đây là nhân vật chấn giữ vùng biên ải, sống ở một vùng hoang dã. Tính cách của anh ấy nó hoang dã, nó vui vui, cứ tửng tửng. Khi nhận được vai ấy, tôi cảm thấy rất thích.

Còn vai mà hợp với khuôn mặt tôi nhất là vai Bảo Ngậu trong phim Người phán xử. Vai này giống tôi ở chỗ lúc nào cũng cười tủm tỉm và nhếch mép. Hồi sinh viên giống với các bạn ấy, tôi cũng quần áo sơ mi trắng lúc nào cũng cười tủm tỉm và nhếch mép.


.
Những cảnh quay tiêu biểu của NSƯT Trung Anh và diễn viên Bảo Anh trong phim Người phán xử.

- Gửi chú Trung Anh, trong các bộ phim cháu đã từng xem, cháu rất ấn tượng bởi hình ảnh của chú khắc khổ, vậy nài đời hình ảnh của chú là người như thế nào ạ? Có khắc khổ và già như trong các bộ phim không ạ? (Bạn Hương có địa chỉ email là [email protected])

Mỗi người thích sống thế nào thì sống theo ý mình như thế. Sống được theo ý mình thì đó là một điều tuyệt vời. Tôi sợ nhất là phải làm, phải sống theo cách sống của người khác. Tôi chỉ biết rằng tôi đang đi theo những gì mà tôi mong muốn và tôi được làm những gì tôi thích. Tôi cũng không biết là mình sướng hay khổ. Vì tôi không biết là liệu bạn hỏi về mặt vật chất hay mặt tinh thần. Nhưng như hiện tại thì tôi nghĩ rằng, đối với tôi, điều quan trọng nhất trong cuộc sống là mình được theo đuổi cái mà mình thích thì đấy là một phần hạnh phúc ở trong tôi. Tôi nghĩ rằng như thế đối với tôi là sướng.

Còn những hình ảnh trên phim có lẽ là từ trước đến nay, hình dáng cơ thể tôi rất gầy gò, mặt rất nhiều nếp nhăn và ánh mắt mà không đóng “Người phán xử” thì cũng hiền lành, thế nên các đạo diễn thường chọn tôi vào những vai hiền lành, khắc khổ. Còn ở nài đời thì tôi không nói được là tôi quá sung sướng hay quá hạnh phúc, nhưng tôi thấy hài lòng với cách sống của tôi.

- Anh Bảo Anh từng chia sẻ trên Facebook rằng mình là Bảo Anh chứ không phải Bảo Ngậu. Vậy anh cảm thấy bản thân bị (được) nhầm lẫn với nhân vật liệu có phải là một sự thành công của vai diễn hay không? Điều đó có gây ra phiền toái gì trong cuộc sống riêng của anh không? Đỗ Vũ (email [email protected])

Chia sẻ đó xuất phát từ một lần tham gia giao thông, tôi phải dừng xe và vào làm việc với cảnh sát. Đã có rất nhiều người nhận ra và kêu lên: "Bảo Ngậu! ", "Ngậu kìa! ", "Ngậu kìa!". Lúc đó, tôi cảm thấy khá khó xử. Việc chia sẻ lên Facebook thực ra cũng chỉ để ghi nhớ kỷ niệm, cũng chả có suy nghĩ gì nhiều. Việc tôi là bảo anh hay bảo ngậu đều không quan trọng.

Có lẽ do hình tượng của mình trên phim hơi nghiêm túc, nguy hiểm, lạnh lùng nên mọi người thường nghĩ nó theo chiều hướng tiêu cực (cười). Đó là một niềm vinh hạnh đối với một người diễn viên vì khi được khán giả nhớ tới nhân vật của mình.

- Còn chú Trung Anh chú cảm thấy đóng phim có gì khác với đóng kịch, cả về kĩ năng diễn xuất và cảm nhận?

Đóng phim hay đóng kịch đều là một ghề diễn. Tôi được đào tạo trong môi trường lớn nhất của sân khấu việt nam và được những người thầy là “cây đa, cây nghề” ở thế hệ trước chỉ dạy. Cái quan trọng các thầy dạy cho chúng tôi là sự yêu nghề, việc này hơn cả năng khiếu.

Giữa sân khấu và điện ảnh đều là nghệ thuật nhưng sân khấu thì có sự khoa trương hơn với điện ảnh. Điện ảnh gần gũi hơn với cuôc sống, nhưng tất cả đều là sự chắt lọc của cuộc sống. Chúng tôi luôn phải biết tự tiết chế để thích hợp với mọi môi trường khi ở sân khấu hay ở điện ảnh.
 
 
1271e1eb3_i_9456.jpg
NSƯT Trung Anh (trái) chăm chú lắng nghe những câu hỏi từ phía độc giả.

- Anh đã tốt nghiệp chuyên ngành kinh doanh, vậy điều gì đặc biệt đã đưa anh bén duyên với nghệ thuật, đặc biệt là với các bộ phim truyền hình ạ? Vào vai Bảo Ngậu khó khăn nhất của anh là gì? Và sau vai diễn này anh được gì và mất gì? (Bạn Dung ở địa chỉ email: [email protected])

Diễn viên Bảo Anh: Tôi học quản trị Kinh Doanh tại trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tốt nghiệp thì cũng khá lâu rồi, bằng cử nhân vẫn mới tinh, bằng tiếng anh chuyên ngành kinh tế cũng mới tinh và chưa bao giờ sử dụng cả. Nhưng khi tôi tốt nghiệp tôi cũng đã làm quản lý kinh doanh nhà hàng khá lớn và bây giờ là chuỗi hàng cơm ăn vặt khá nổi tiếng.

Lúc đầu tôi làm kinh doanh cũng tốt đấy. Tôi cũng đã từng buôn bán điện thoại, làm rất nhiều nghề liên quan đến kinh doanh. Tôi nhận ra một điều rằng làm kinh doanh rất tàn nhẫn, cực kỳ tàn nhẫn. Người ta bảo rằng thương trường là chiến trường. Tôi nhớ thời tôi làm quản lý có ngày mà tôi đuổi ba, bốn nhân viên liền. Tôi cũng đã là sinh viên, các bạn cũng là sinh viên. Hai mươi năm về trước tiền bạc rất giá trị, việc đuổi các bạn sinh viên như thế khiến lương tâm tôi không cho phép.

Còn việc tôi đến điện ảnh như thế nào, chỉ một từ thôi là MẸ. Tôi sống xa gia đình từ lúc 17 tuổi, xa bố mẹ, mẹ tôi chỉ có một mình tôi, rất yêu thương tôi, tôi sống ở thành phố một mình, mẹ tôi không có cách nào khác để giúp tôi. Rồi mẹ tôi đã động viên tôi đóng truyền hình và cơ duyên của tôi đã đến với nghề cũng một phần nhờ mẹ tôi.

- Chào Chú Trung Anh, trong phim Người Phán Xử Chú đóng vai Lương Bổng thế Chú có cảm thấy thích vai diễn đó không ạ? Và theo chú, nền tảng cho sự trung thành của Lương Bổng với Phan Quân là gì? Nền tảng đó liệu có vững chắc đến độ khiến cho họ luôn dành cho nhau sự tín nhiệm cao nhất hay không? Chúc Chú luôn thành công! (Nguyễn Minh Thanh có địa chỉ emai [email protected])
 
NSƯT Trung Anh: Tôi rất thích vai diễn này, tôi thích kịch bản này. Thế nên tôi cũng đổ công đổ sức vào vai diễn này rất nhiều, có lẽ là nhiều nhất trong các vai tôi đóng. Còn nền tảng cho sự trung thành của Lương Bổng thì rất khó để có thể giải thích ra bằng lời. Quan hệ giữa Lương Bổng với ông trùm Phan Quân vừa là tình bạn, gắn kết với nhau. Nếu các bạn theo dõi kỹ thì sẽ thấy rằng có những đoạn nói về quá khứ: hai người từ thuở hàn vi đã làm thuê cho Thế Chột. 

Thế thì bên cạnh Phan Quân là Lương Bổng. Họ chơi với nhau từ nhỏ, “con chấy cắn đôi”. Khi trải qua những thăng trầm trong cuộc sống đến thời điểm hiện tại trong phim thì họ đã cùng nhau vượt qua hàng trăm cuộc bắn giết, dùng thủ đoạn để hạ các bang khác, đưa bang của mình lên được vị trí như thế thì không biết hai người này đã phải đổ không biết bao nhiêu máu. Khi Phan Hải hỏi Phan Quân là: “Tại sao bố lại tin Lương Bổng hơn tin con?” thì Phan Quân đã nói rằng: “Ông ấy đã hứng cho tao vài phát đạn, chịu cho tao vài nhát dao.”

Lương Bổng không có họ hàng thân, không có người quen, không có vợ con, sống rất thanh đạm ở trên núi, ăn chay, không uống rượu. Vậy thì cái gì còn lại với Lương Bổng? Đó là Phan Quân và đế chế Phan Thị. Ông ấy coi Phan Thị là nhà, coi Phan Quân là người nhà. Nhiều người thắc mắc tại sao Lương Bổng lại để cho thằng Hải hỗn thế, sao không cho nó một phát vào đầu. Không, với Phan Hải, ông coi nó như con.

Sau phần trả lời các câu hỏi xung quanh bộ phim "Người phán xử", hai khách mời cùng khán giả tham gia trò chơi "Sờ vật- phán hình". NSƯT Trung Anh và diễn viên Bảo Anh sẽ chia làm hai đội, mỗi đội gồm một khách mời và một khán giả tham gia trò chơi tại hội trường. Khán giả sẽ phải diễn tả bằng lời một đồ vật từ trong chiếc hộp bí mật với điều kiện không được sử dụng từ có tên đồ vật đó. Khách mời sẽ có nhiệm vụ đoán xem món đồ đó là gì.
 
faf773ffe_i_9407.jpg
Bảo Anh cổ vũ hết mình cho đội chơi của NSƯT Trung Anh.

Khách mời và khán giả vô cùng hào hứng với phần giao lưu này. Hai đội chơi ngang sức ngang tài và hòa nhau ở lượt chơi đầu tiên và phải phân định thắng thua bằng một phần thi phụ. Cuối cùng, phần thắng đã nghiêng về đội Bảo Ngậu của diễn viên Bảo Anh.


48b8eca12_i_9417.jpg
NSƯT Trung Anh chăm chú theo dõi phần thi của đội bạn.

Trò chơi mang lại giây phút thư giãn, kết nối giữa khán giả hâm mộ cùng khách mời. Sau phần giao lưu "Sờ vật- phán hình", rất nhiều câu hỏi từ phía khán giả trong hội trường đã được đặt ra. NSƯT Trung Anh và diễn viên Bảo Anh tiếp tục trả lời những câu hỏi. 

MC: Một khán giả đang bình luận trên livestream là: “Theo thuyết âm mưu thì có thể là vì Lương Bổng yêu Phan Quân”.

Trên mạng có những chia sẻ rất buồn cười, có người thì bảo rằng tôi là cô Tuyết, yêu Phan Quân rồi đẻ ra Lê Thành. Nhưng vì sợ quá nên đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính để luôn được ở bên Phan Quân. Thế nên mới có chi tiết tôi viết về Lê Thành trong nhật ký tha thiết như thế. Có người thì bảo rằng tôi là anh của cô Tuyết nên mới trung thành hết mực với Phan Quân. Nhiều người lại bảo tôi với Phan Quân yêu nhau.(Cười)

Tôi thật sự cảm thấy thú vị với những ý kiến mà các bạn ấy đưa ra và đặc biệt bất ngờ với suy đoán rằng tôi là cô Tuyết. Tôi không thể hình dung được là làm sao mà các bạn có thể tưởng tượng phong phú được đến như thế.


- Được biết chú có một tuổi thơ dữ dội, lại chuyên đóng những vai khắc khổ. Vậy cuộc sống của chú hiện tại như thế nào? (Khánh Linh, Học viện Báo chí & Tuyên truyền)

NSƯT Trung Anh: Tuổi thơ của tôi đầy tang tóc thì đúng hơn là dữ dội. Năm 1968, khi đó chiến tranh đang rất dữ dội và tôi đang ở Hà Tĩnh. Vào buổi đêm, một quả bom nổ trước sân nhà tôi. Mẹ tôi, chị ruột tôi, dì tôi mất cùng một lúc. Lúc đấy tôi đang ngủ dưới hầm nên không chết. Nhưng bố và các anh trai tôi thì đang ở Hà Nội. Vì chiến tranh rất khốc liệt nên chúng tôi không liên lạc được với nhau. Nếu gửi thư để báo cho bố tôi biết nhà bị trúng bom thì chắc mấy tháng sau bố tôi mới có thể về quê được.

Khi ấy tôi 7 tuổi. Dân làng đã làm đám ma cho mẹ, chị và dì tôi. Còn lúc đấy tôi vẫn còn nhỏ, tôi không biết gì cả. Tôi cũng biết khóc khi người ta chôn mẹ, nhưng thực chất tôi chưa cảm nhận được hết nỗi đau mất mẹ, mất chị. Song càng lớn lên tôi mới càng thấu hiểu nỗi đau đó một cách sâu sắc nhất.

Còn cái dữ dội mà mọi người nói chắc là việc sau khi mẹ mất, tôi đã đi bộ từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, tức là hơn 400km. Muốn đến nơi thì mất khoảng vài tháng.Vì lúc đấy đang là mùa lũ nên vừa ra khỏi làng thì đã bị lật thuyền và tôi suýt chết đuối. Bộ đội đã giăng lưới ở cửa sông cứu được tôi lên. Vài ngày sau tôi lại theo bà con ra Hà Nội. Chắc lúc đó tôi đi “dễ” hơn các bạn bây giờ. Vì tôi không lo mỏi chân, tôi không lo bao giờ mới tới nơi. Tôi chỉ biết cứ đi mải miết. Đêm thì xin nhà dân để ngủ, không thì chui vào đống rơm. Có lần tôi chui vào đống rơm thì bị chó đuổi. Tôi sợ và chạy ra cánh đồng thì bị lạc giữa đêm. 

Trên đường đi cũng có rất nhiều kỷ niệm. Các chú bộ đội gặp tôi dọc đường đi và sau đó họ biết về hoàn cảnh của tôi. Tôi nhớ nhất hình ảnh về các chú bộ đội: chú thứ nhất đưa ba lô cho chú thứ hai cầm, rồi chú đặt tôi lên vai và kiệu đi. Khi chú mỏi thì chú lại cầm ba lô cho chú thứ hai và chú thứ hai lại kiệu tôi lên vai. Cứ như thế cho đến lúc các chú rẽ sang hướng khác. Còn về cuộc sống hiện tại của tôi thì như lúc đầu đã chia sẻ, tôi bằng lòng với gia đình mình, với sự lựa chọn của mình. 

-Trong một bài phỏng vấn trên báo VTV News anh Bảo Anh đã nghỉ làm 1 năm vì vợ mang bầu, anh có bảo là nhớ con đến phát khóc mỗi lần đi diễn. Nếu phải đặt ra sự lựa chọn, anh sẽ chọn sự nghiệp diễn xuất hay gia đình?(Lê Tiến Dũng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Diễn viên Bảo Anh: Không phải một năm mà ba năm tôi đi tìm hạnh phúc của mình, sau đó tôi lấy vợ. Tôi không yên tâm khi để con ở nhà khi con còn nhỏ. Khi tôi đóng phim cứ ra khỏi nhà là nó khóc, khi nào các bạn có con các bạn sẽ có cảm giác như tôi thôi. Tôi lập gia đình muộn, đến lúc có con, đó là điều tuyệt vời của tạo hóa. 

Tôi sống vì con, tôi không bao giờ đánh đổi gia đình vì sự nghiệp. Đối với tôi, gia đình là cái trên hết, cũng giống như nhân vật Phan Quân đã nói. Sự nghiệp không phải không quan trọng nhưng nếu sự nghiệp hỗ trợ cho gia đình, tôi chắc chắc sẽ làm. Với tôi nghề diễn viên là 1 nghề tự do, vào ngày nghỉ lễ, tôi có nhiều thời gian bên gia đình hơn. Do đó, tôi chọn nghề này, nhưng nói đúng hơn là nghề này chọn tôi.

faf773ffe_i_9452.jpg
Khán giả tham gia đặt câu hỏi cho khách mời.

-Cháu thấy Lương Bổng có 1 vết sẹo hung dữ, nhưng mỗi 1 tập phim vết sẹo hóa trang lại khác nhau. Cháu muốn hỏi chú nguyên nhân là vì sao?

Cái này tôi có thể chia sẻ được, tôi rất bức xúc về vấn đề này. Quay phim giống như đọc cuốn tiểu thuyết nhưng không đọc từng trang một, mà loạn xì ngầu lên, khi quay trang phục là một, hóa trang là hai rất dễ sai. Nếu trợ lý, phục trang không lưu ý, đó là lỗi của họ nhưng khán giả sẽ chỉ thấy diễn viên làm sai, thực ra diễn viên không có lỗi vì chúng tôi không thể nhớ hàng nghìn cái được.

Vết sẹo của tôi là do đổi hóa trang. Lúc đầu là anh Thái hóa trang, quay được 3-4 tháng anh ấy phải làm hóa trang bên Tuổi thanh xuân. Sau đó VFC đưa người khác về làm thay, việc hóa trang với kỹ thuật cao rất dễ bị lộ, không phải khi phát sóng mới thấy lỗi mà nhìn vào gương đã thấy lỗi rồi, có lúc thì sâu lúc thì nông. Tôi biết không thể đánh lừa khán giả được, trên mạng nhiều người hỏi hỏi tôi rất nhiều về vấn đề này, tôi chỉ biết xin lỗi tất cả mọi người.

-Trong sự nghiệp diễn viên của mình cũng đồng thời là một diễn viên kịch, tôi có thắc mắc là khi đang đóng phim cho một cảnh quay thì Việt Anh chúc mừng sinh nhật anh. Nếu như Việt Anh không nói chúc mừng sinh nhật, thì lúc ấy anh sẽ ứng diễn như thế nào?

NSƯT Trung Anh: 
Bên điện ảnh khi quay sai chúng ta có thể quay lại, nhưng bên sân khấu khi chúng tôi học hay khi truyền lại kinh nghiệm cho diễn viên trẻ, khi xảy ra sự cố trên sân khấu, anh không được phép buông lơi bạn diễn, mà phải làm bệ đỡ cho nhân vật, có người quên 1 đoạn thoại dài, thì phải có những người có kinh nghiệm sẽ ứng diễn để bạn diễn nhớ lại lời. Trong tình huống bất ngờ quay phim Người Phán Xử đó, tôi chỉ nghĩ làm gì để diễn tiếp theo đây, nếu đạo diễn mà không hô chúc mừng sinh nhật, tôi không biết ứng diễn như thế nào.

- Nhiều diễn viên ở thế hệ chú đã chuyển qua làm đạo diễn như đạo diễn Trần Lực, vậy không biết chú có dự định thay đổi theo hướng đó không ạ?
 
NSƯT Trung Anh: Xu hướng là như thế: diễn viên khi có tuổi thường chuyển sang làm đạo diễn khi mình đã tích lũy được một số kinh nghiệm trong diễn xuất. Nhưng không phải tất cả đều như thế. Tôi thì vẫn thích diễn. Đạo diễn và diễn viên khác nhau về tư duy rất nhiều.
 
Tôi cũng đã từng học đạo diễn. Nhưng học xong tôi vẫn làm diễn viên. Nhiều người nghĩ làm đạo diễn mới oai, được chỉ đạo người khác. Nhưng điều đấy phụ thuộc vào suy nghĩ, quan điểm của mỗi người. Còn tôi thì vẫn thích nghề diễn của mình hơn. Cũng như Bảo Anh, bằng đạo diễn tôi lấy về vẫn chưa dùng đến.

-Chuyên trị vai cảnh sát, và đến bộ phim này anh lại vào vai đàn em giang hồ. Sự thay đổi này có phải bước chuyển đầu tiên để anh tạo đà cho những vai diễn mới mẻ hơn sau này? Anh Tuấn (19 tuổi, Học viện Tài Chính)

Diễn viên Bảo Anh: Tôi có rất nhiều vai diễn mới nhưng phát ở các kênh khác nhau chứ không phải chỉ vai công an. Tôi từng làm giám, đốc doanh nhân, bác sỹ,.. Bảo ngậu cũng là một dạng vai mới. Tôi là một người may mắn trong nghề vì được nhận được nhiều dạng vai. Tôi đã chuyển biến rất nhiều rồi nên bây giờ cũng chỉ là sự tiếp tục với lòng yêu nghề

Buổi giao lưu trực tuyến kết thúc lúc 15h45. BTC lên tặng hoa khách mời thay cho một lời cảm ơn cũng như những lời chúc tốt đẹp nhất. Độc giả chụp ảnh lưu niệm cùng NSƯT Trung Anh và diễn viên Bảo Anh.

9612d5ef8_18485634_1498291796909172_138313277265571706_n.jpg
Độc giả chụp hình cùng NSƯT Trung Anh và diễn viên Bảo Anh.

f4a6138fa_anh_team.jpg
Ban tổ chức chụp hình lưu niệm cùng khách mời.
BBT Sóng trẻ



Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN