Hà Nội: Bến xe, nhà ga nhộn nhịp khách ngày đầu nghỉ lễ 2/9

(Sóng trẻ) - Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài nhiều ngày làm nhu cầu về quê hoặc đi du lịch của người dân thủ đô tăng cao, khiến các bến xe, nhà ga rơi vào tình trạng đông nghịt người. 

Theo công văn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay kéo dài 4 ngày (31/8 - 3/9). Thời gian nghỉ lễ dài là lý do khiến người dân đổ xô về quê hay đi du lịch với gia đình. Điều này khiến cho các bến xe, bến tàu và sân bay những ngày cận nghỉ lễ trở nên đông đúc hơn. 

“Biển” người giữa dòng xe

Sáng đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, nhiều người dân đã đổ dồn về các bến xe để về quê, đi du lịch. Tại các sảnh chờ và điểm tập kết xe khách, người dân khệ nệ kéo theo vali hành lý chất đầy, xếp thành hàng dài đông đúc để chờ đến giờ lên xe xuất phát. Điều này gây nên tình trạng ách tắc ở các bến xe, bến tàu và các cung đường lân cận. 

Tại bến xe khách Nước Ngầm (Hoàng Mai, Hà Nội), từ sớm, nhiều người dân nườm nượp đổ ra bến xe. Trên gương mặt của mọi người bộc lộ nhiều cảm xúc: người háo hức, vui mừng; người thể hiện rõ sự mệt mỏi, cực nhọc do phải chen chúc nơi đông người giữa thời tiết nắng nóng;...

Bến xe khách Nước Ngầm với sảnh chờ rộng rãi, mát mẻ cũng không thể làm giảm đi sự mệt nhọc hiện rõ trên gương mặt của bà Trần Thị Mậu (65 tuổi, Nghệ An). Vì tuổi đã cao, bà Mậu hay bị đau mỏi xương khớp nên không thể ngồi lâu trên ghế chờ mà phải ngồi bệt xuống đất, gương mặt tỏ rõ sự mệt nhọc, lo âu: “Tôi dễ bị mệt mỏi và khó thở nếu ở chỗ đông người quá lâu, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng nên tôi phải ngồi đây nghỉ cho đỡ mệt trong lúc đợi ra xe. Ngồi như thế này khiến chân tôi đỡ đau và tôi cũng cảm thấy thoải mái hơn”.

“Con dâu tôi mới sinh em bé được 4 tháng, tôi lên phụ giúp gia đình các con chăm cháu cũng như việc nhà cửa, bếp núc. Nay đến dịp nghỉ lễ dài, con trai tôi được nghỉ và tôi cũng nhớ quê quá nên tranh thủ về. Hết lễ tôi lại lên với các con, dù việc đi lại rất vất vả nhưng vì con nên tôi vẫn cố gắng”, bà Mậu vừa xoa bóp chân vừa nói. 

z5785019442732_e4955061e7a483afe9619c4c34ddc77f.jpg
“Vé xe của tôi được con trai đặt vào tối qua. Lúc đầu, tôi sợ không còn vé để về vì  lúc đó muộn quá rồi, nhưng may sao cuối cùng, con tôi vẫn đặt được”, bà Mậu tâm sự. (Ảnh: Ngọc Diệp)


Tại bến xe mỗi kỳ nghỉ lễ dài ngày, không khó để nhóm phóng viên bắt gặp hình ảnh các bạn sinh viên về quê thăm gia đình sau một thời gian học tập trên thành phố. Theo ghi nhận của phóng viên, các bạn rất e ngại việc phải chen chúc đông người tại bến xe. Nhiều bạn còn lo sợ trở thành nạn nhân của  hiện tượng “nhồi nhét” khách quá tải, khiến không gian trong xe trở nên ngột ngạt, khó chịu. 

Bạn Minh Thúy (20 tuổi, sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội) cho biết bạn đã lựa chọn về quê vào sáng 31/8 thay vì chiều tối ngày 30/8 để tránh tình trạng ùn tắc giao thông cả trong bến xe lẫn ngoài đường: “Mình dự định là như vậy nhưng sáng nay bến xe Nước Ngầm vẫn đông ngoài sức tưởng tượng của mình. Mình thấy may mắn vì đã đặt vé từ trước rồi nên mình không lo lắng về việc phải đứng xếp hàng lâu hay giành giật từng tấm vé để về quê”. Tuy nhiên, đối với Minh Thúy, niềm vui khi được về quê với gia đình đã lấn át đi sự mệt mỏi khi phải chen chúc trong “biển” người tại bến xe.

z5785019916771_b8367ea602a2cec6a1b2ca4735b62dcc.jpg
Bến xe Nước Ngầm đông nghịt người ngồi tại sảnh chờ. (Ảnh: Nguyễn Vy)

 

Không chỉ có bến xe Nước Ngầm mà ở bến xe Giáp Bát cách đó 2km cũng nườm nượp “biển” người giữa dòng xe. Từ ngoài mặt đường Giải Phóng, các phương tiện giao thông gặp nhiều khó khăn trong tình trạng di chuyển do các tuyến xe bus vào bến và những tuyến xe khách xuất bến liên tục. Điều này dẫn tới hiện tượng tắc đường kéo dài các tuyến đường Giải Phóng, Nguyễn Hữu Thọ hay Vành đai 3,...

Cũng giống như bến xe Nước Ngầm, bến xe Giáp Bát cũng chìm trong tiếng náo nhiệt của người và xe. Bên cạnh nhóm người dân về quê, bến xe còn có sự xuất hiện của nhóm người đi chơi, đi du lịch cũng đông đảo không kém. Gia đình chị Thu Huyền (Đống Đa, Hà Nội) tranh thủ kỳ nghỉ 4 ngày để đi Tràng An (Ninh Bình) trước khi các con bước vào năm học mới. “Thời tiết hôm nay khá nắng nóng cùng với việc người người nườm nượp về quê khiến cho việc di chuyển của mọi người trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi còn chưa lên xe nhưng 2 bạn nhỏ đã thấm mệt rồi vì phải đi lại, di chuyển nhiều quá. Tôi hy vọng khi đến Tràng An, 2 con sẽ vui vẻ trở lại”, chị Thu Huyền chia sẻ.

z5785021163377_6a721cbe711a61d7ac4453294c4bd153.jpg
Gia đình chị Thu Huyền (áo chống nắng hồng, bên phải) ngồi chờ tại điểm tập kết để chờ tới giờ lên xe. (Ảnh: Ngọc Diệp)
z5785019680827_7dad0b7418cc254bf3309cb8f3cbc4e9.jpg
Bến xe Giáp Bát cũng rơi vào tình trạng nườm nượp người đổ xô tới để lên xe về quê. (Ảnh: Ngọc Diệp)

 

Ga tàu ách tắc giao thông

Không chỉ các bến xe như Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình,... đông đúc người qua lại mà ga Hà Nội cũng rơi vào tình trạng đó. Theo ghi nhận của phóng viên, trong khoảng thời gian từ 10h - 11h, ga rơi vào tình trạng ùn tắc bởi chuyến tàu Hà Nội - Hải Dương, Hà Nội - Hải Phòng sắp khởi hành. Người dân xếp thành nhiều hàng dài tại điểm soát vé để đi vào bến một cách nhanh chóng để kịp chuyến tàu. Nhân viên phòng vé cho biết các chuyến tàu đi Hà Nội - Hải Phòng đến nay đã kín chỗ dù đã tăng thêm vài chuyến bổ sung. Các nhân viên soát vé lúc này phải huy động mạnh lực lượng để hỗ trợ người dân lên tàu kịp thời và an toàn nhất.

z5785020267867_1201864211d86a212a0c4b783619b1fd.jpg
Người dân xếp thành hàng dài, bước qua cổng soát vé để chuẩn bị lên tàu. (Ảnh: Ngọc Diệp)

 

Đại diện nhân viên ga Hà Nội, chị Kim Thoa cho biết vào những ngày lễ, ngày Tết, số lượng người dân đổ về ga tăng cao hơn rất nhiều so với những ngày thường. Chính vì vậy, ga Hà Nội luôn phải huy động tối đa lực lượng nhân viên trong những ngày này để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân một cách tốt nhất. “Năm nay, số lượng khách đến ga rất đông, đặc biệt là các chuyến vào buổi tối, đêm muộn. Chính vì vậy, nhân viên chúng tôi làm việc liên tục từ chiều tối hôm qua cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên, so với năm ngoái, năm nay số lượng khách đến có vẻ ít hơn một chút”, chị Kim Thoa cho hay.

Tuấn Nam (19 tuổi, Hải Dương) do ùn tắc giao thông trên đường tới ga cùng với việc người dân đổ về ga quá đông người dẫn tới việc bạn suýt lỡ chuyến tàu về quê: “May mắn là cuối cùng mình vẫn đến ga kịp thời. Mình nghĩ rằng chỉ cần đến muộn thêm 1 chút nữa thôi là mình sẽ phải tốn thêm 1 khoản tiền hoặc là không được về quê dịp này nữa luôn”, Tuấn Nam chia sẻ.

z5785020689872_bf2f089b33d482917c794683a423624e.jpg
Tuấn Nam (áo sơ mi xanh, trái) được nhân viên tại ga giải đáp thắc mắc và hướng dẫn lên tàu. (Ảnh: Ngọc Diệp)

 

Công tác an toàn, an ninh cần được bảo đảm

Sự đông đúc tại các bến xe, nhà ga vào mỗi dịp lễ cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa. Với lượng người tăng cao, việc kiểm soát an ninh trở nên khó khăn hơn, tạo điều kiện cho những hành vi xấu như móc túi, cướp giật. Vì vậy, các bến xe, nhà ga cần phải có công tác đảm bảo an ninh hiệu quả cho người dân.

Chị Thúy Hồng, nhân viên của bến xe Nước Ngầm cho biết: “Vào những dịp lễ, số lượng nhân viên an ninh sẽ được tăng lên và bố trí khắp bến xe để đảm bảo có thể nắm bắt tình hình và ứng phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, các nhân viên còn có trách nhiệm giải đáp mọi thắc mắc của khách tại bến”.

thiet-ke-chua-co-ten-12.png
Nhân viên chăm chú quan sát và điều phối các phương tiện ra vào bến xe để tránh tình trạng ùn tắc trong bến. (Ảnh: Nguyễn Vy)


Bên cạnh đó, bến xe Nước Ngầm có quy định mọi khách hàng phải mua vé xe từ các quầy bán vé trước khi bước vào bãi đỗ xe. Vì vậy, hiện tượng “chèo kéo” khách ít khi xảy ra tại bến xe Nước Ngầm. “Vào những dịp lễ, tuy bến xe trở nên đông đúc, tấp nập hơn nhưng sẽ không bị rơi vào tình trạng mất trật tự”, chị Hồng cho biết thêm. 

Trái ngược với bến xe Nước Ngầm, các bến xe khác thường rơi vào tình trạng hỗn loạn khi các dịp lễ đến. Tình trạng “chèo kéo”, thậm chí là đe dọa, ép buộc người dân phải sử dụng dịch vụ của các nhà xe khiến nhiều người e ngại. Vì vậy, vào mỗi dịp đông người, lực lượng chức năng thường được bố trí tại các bến xe để đảm bảo an ninh trật tự và điều phối các hoạt động tại bến xe được diễn ra trơn tru, thuận lợi hơn. 

thiet-ke-chua-co-ten-11.png
Lực lượng chức năng xuất hiện tại bến xe Giáp Bát để đảm bảo trật tự công cộng. (Ảnh: Nguyễn Vy)

 

Chị Kim Thoa, với chiếc loa trên tay, không ngừng quan sát xung quanh và thông báo những thông tin quan trọng đến với người dân tại sân ga Hà Nội. Mỗi dịp lễ nghỉ dài ngày, những nhân viên như chị thường phải làm việc vất vả gấp đôi. 

Thay vì chỉ giải đáp thắc mắc của khách khi cần, chị phải nhắc nhở thêm khách chú ý cẩn thận bị mất cắp, không chen lấn, xô đẩy mọi người xung quanh. Đây là một trong những điều quan trọng để tránh những điều đáng tiếc, dẫn đến mất vui trước chuyến đi chơi. Chị khẳng định: “Nếu mỗi người đều có ý thức một chút thì chắc chắn sẽ không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra”.

thiet-ke-chua-co-ten-3.png
Chị Thoa giải đáp thắc mắc và hướng dẫn hành khách đi tàu tại nhà ga Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Diệp) 

 

Mặc dù sự đông đúc, ách tắc tại các bến xe gây ra mệt mỏi cho các hành khách nhưng họ đều mang chung tâm lý vui vẻ, hạnh phúc khi sắp được về quê, đi du lịch cùng gia đình. Bên cạnh đó, để không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra, lực lượng chức năng cần phải có biện pháp bảo đảm an ninh và người dân cũng cần chấp hành theo những nội quy, quy định. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN