Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng: “Chạm” vào lịch sử
(Sóng trẻ) - Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2025), ngày 9/4, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức chương trình “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng” tại Bảo tàng Hà Nội.
Chương trình tọa đàm - gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng” nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện tháng 4 của Bảo tàng Hà Nội. Tham dự sự kiện có đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cùng Ban Giám đốc, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hà Nội, các nhân chứng lịch sử và nhiều học sinh, sinh viên.

Nội dung chương trình là buổi tọa đàm, giao lưu cùng những chứng nhân lịch sử, qua đó tái hiện lại ngày tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta. Chương trình gồm 3 chủ đề: Miền Bắc - hậu phương vững chắc; Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - thống nhất đất nước.
Phát biểu diễn văn, bà Bạch Liên Hương - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết đây không chỉ là dịp để ôn lại ký ức hào hùng của dân tộc mà còn là lời tri ân đến các thế hệ đi trước đã hy sinh giành lại độc lập, tự do cho Tổ Quốc, qua đó, lan tỏa truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất các các chiến sĩ cách mạng đến với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ôn lại ký ức hào hùng của phong trào “Ba sẵn sàng”, khán giả không khỏi xúc động trước câu chuyện quả cảm của ông Nguyễn Tài Triệu (87 tuổi, quận Ba Đình) - Cựu chiến binh nhà tù Phú Quốc. Ở tuổi 16, ông từng lấy máu viết đơn tình nguyện nhập ngũ, sau đó 2 năm, ông mất đi đôi chân trong một trận chiến ác liệt. Những ký ức ấy không chỉ khắc sâu tinh thần “Ba sẵn sàng” mà còn là biểu tượng sống động của lòng yêu nước và sự hy sinh của một thế hệ.

Theo lời kể của ông Triệu, những năm tháng cả nước kháng chiến chống Mỹ, mỗi đêm, các nhóm thanh niên Hà Nội đổ ra đường, hô vang khẩu hiệu chống Mỹ và hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”. “Ngày ấy, thanh niên chúng tôi không coi “Ba sẵn sàng” là phong trào thanh niên mà đó là lẽ sống của thanh niên, đã là sinh viên, thì phải ra chiến trường”, ông Triệu nhớ lại.
Cũng trong buổi giao lưu, những câu chuyện đầy tự hào về năm tháng hào hùng được kể lại thông qua các sự kiện như chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, thời khắc lịch sử khi xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc lập vào trưa ngày 30/4/1975, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước.

Ông Đinh Thế Văn - Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, chia sẻ về chiến dịch lịch sử 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không: “Đó là trận chiến vô cùng khắc nghiệt, cả quân và dân quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Nhờ có sự đoàn kết của quân và nhân dân, đặc biệt nhân dân Thủ đô mà ta đã làm nên chiến thắng oanh liệt”.

Bên cạnh những chia sẻ từ các chiến sĩ cách mạng, khán giả được lắng nghe lời tâm sự từ đạo diễn Phạm Việt Hùng (một trong những phóng viên chiến trường) đồng hành cùng đoàn quân Nam tiến. Ông đã ghi lại được khoảnh khắc máy bay rơi xuống tại hồ Hữu Tiệp với cột truyền hình 58 Quán sứ làm tiền cảnh.

Chương trình tọa đàm “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng” tái hiện lại không gian trong quá khứ để nhìn lại những câu chuyện chân thật thời kháng chiến. Chương trình mong muốn có thể khơi dậy thế hệ trẻ nuôi dưỡng tình yêu nước sâu sắc, mang lại cảm xúc khó quên để thắp lên niềm tự hào dân tộc và nhằm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2025).
Ngoài ra, cùng nằm trong chuỗi sự kiện của Bảo tàng Hà Nội nhằm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2025) bao gồm có: Ngày 12/04/2025, triển lãm “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh |