Hiến tóc tình nguyện: Một mái tóc cho đi – Nhiều nụ cười ở lại
(Sóng trẻ) – Với sự hỗ trợ và sức lan tỏa của truyền thông, hiến tóc tình nguyện ngày càng nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ cộng đồng
Thời gian gần đây, nhiều video hiến tóc tại salon được đăng tải và lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng. Trên nền tảng mạng xã hội Tiktok, từ khóa “hiến tóc” đã đánh dấu con số 141,3 triệu lượt xem. Cùng với đó, từ khóa “hiến tóc dành tặng bệnh nhân ung thư” ghi nhận 143,9 nghìn lượt theo dõi.
Dưới mỗi video hiến tóc được đăng tải, chủ tài khoản nhận về không ít lời khen ngợi và ngưỡng mộ. Bên cạnh đó, nhiều người còn được truyền cảm hứng và nuôi hy vọng hiến tóc sau khi xem xong những video này.
Theo đó, hoạt động này được bắt rễ từ dự án Thư viện tóc của Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam - BCNV. Thư viện tóc là một trong các chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư mất tóc trong quá trình tiếp nhận điều trị hóa chất, được khởi xướng từ năm 2015. Hiện cả nước có 10 thư viện được thành lập, hơn 14.000 người hiến tóc và hơn 1.200 bộ tóc được trao đến các bệnh nhân tại các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa ung bướu. Trong thời gian tới, BCNV đặt mục tiêu thành lập 40 thư viện trên toàn quốc.
Trao đổi với Sóng Trẻ, Nhật Linh - thành viên phụ trách truyền thông của BCNV cho biết: “Hiện tại, BCNV vẫn đang cố gắng để xây dựng hoàn chỉnh nhất có thể mạng lưới Thư viện tóc. Thư viện tóc là nơi tiếp nhận tóc. Sau đó, tóc được chuyển đến văn phòng để lọc. Tiếp theo, tóc được đưa tới xưởng gia công. Sau khi đã có bộ tóc hoàn chỉnh, BCNV sẽ chuyển tới các Thư viện tóc tại các bệnh viện có khoa U bướu trên cả nước. Các Thư viện tóc tại bệnh viện là nơi các bệnh nhân sẽ đến nhận tóc trực tiếp”.
Cũng theo Nhật Linh, để làm nên một bộ tóc giả không chỉ cần đến tóc mà còn cần thêm chi phí gia công. Chính vì vậy, BCNV đã đẩy mạnh công tác truyền thông, triển khai dự án “Dệt tóc cho chiến binh K” và phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức hoạt động kêu gọi cộng đồng tham gia đóng góp.
Được biết, đến nay đã có 28 salon đăng ký với BCNV trở thành Pink Hair Salon. Pink Hair Salon là tập hợp những salon hỗ trợ cắt tóc cho người hiến tóc. Đây là một dự án phi lợi nhuận giúp người hiến tóc có thêm lựa chọn về nơi cắt đúng chuẩn hiến và đảm bảo tóc về đúng nơi. Từ đó, quy trình làm thành các bộ tóc giả cho bệnh nhân ung thư cũng dần bền chặt hơn.
“Pink Hair Salon với mong muốn xây dựng được mạng lưới kết nối và hỗ trợ lẫn nhau. Khi trở thành Pink Hair Salon, các salon sẽ trao đổi với BCNV để nắm được tiêu chuẩn hiến tóc. Ngoài ra, BCNV sẽ hỗ trợ gửi giấy chứng nhận tham gia hiến tóc. Tình nguyện viên hiến tóc đến salon sẽ được nhận giấy chứng nhận trực tiếp tại salon. Bên cạnh đó, mỗi salon sẽ có cách hỗ trợ khác nhau về giá và các dịch vụ đối với người tham gia hiến tóc”, Nhật Linh cho hay.
Chia sẻ sau khi trao đi mái tóc của mình, chị Nguyễn Thanh Trúc tâm sự: “Mình biết đến chương trình hiến tóc này lâu rồi nhưng thực sự đến nay mình mới làm được. Sẽ thật dễ dàng khi bạn cắt ngắn hay dưỡng dài mái tóc nhưng đối với những bệnh nhân không may bị K thì đó quả thật là một điều khó khăn”.
“Tiếc rằng mình không có đủ can đảm để có thể dành tặng điều này sớm hơn. Với 30cm tóc này, mình hy vọng có thể tiếp thêm niềm tin, sức mạnh và sự tự tin cho mọi người chiến đấu. Tạm biệt mái tóc dài này theo một cách ý nghĩa nhất”, chị Trúc nói thêm.
Suốt 23 năm gắn bó với hình ảnh mái tóc dài, chị Đào Thảo (24 tuổi) không hề hối hận trước quyết định hiến tóc của mình. “Mình cảm thấy bản thân nhận được nhiều hơn từ hành động ý nghĩa này. Nó không chỉ mang niềm vui tới mình mà còn mang niềm hạnh phúc đến với người khác”, chị Thảo bày tỏ.
Cũng theo chị Thảo, tình nguyện viên hiến tóc cần đáp ứng một số điều kiện cơ bản. Chiều dài tối thiểu để hiến tóc là 25cm đối với tóc tự nhiên và 30cm đối với tóc đã qua xử lý hóa chất. Những lọn tóc đạt chuẩn sẽ được sử dụng làm thành các bộ tóc giả cho bệnh nhân ung thư của Thư viện tóc.
Diệu Ý (19 tuổi) chia sẻ: “Mình nghĩ, màu tóc và kiểu tóc sẽ thể hiện được cá tính của mỗi người. Thú thật, nhiều lúc mình cũng thích thay đổi, tạo kiểu cho tóc. Nhưng nghĩ đến việc hiến tóc nên thôi. Mình tình cờ biết đến Thư viện tóc – nơi mình có thể hiến tóc cho bệnh nhân ung thư vú. Khi thấy hình ảnh các cô gái rạng rỡ với mái tóc mới, mình đã tự nhủ bản thân phải nuôi tóc và hiến tóc. Mình luôn hi vọng các cô sẽ có thêm niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống”.
Biết ơn sau một thời gian sử dụng tóc tại Thư viện tóc, chị Thu Phương (31 tuổi, Đà Nẵng) đã trao gửi lá thư của trái tim đến BCNV. Trong thư, chị viết: “Như một cơ duyên, trong lúc điều trị mình được kết nối với mọi người, được hỗ trợ một bộ tóc giả để lấy lại sự tự tin bước tiếp trong quá trình chống chọi bệnh tật. Hơn thế nữa, theo dõi mọi người khiến mình cảm thấy không còn cô đơn, tự xốc lại tinh thần cho mình và muốn chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng - điều mà trước nay một cô bé bước vào đời mười năm chỉ đón nhận cuộc sống toàn màu hồng”.