Hiểu rõ về cơ hội việc làm của sinh viên tại hội thảo "Cơ hội việc làm của sinh viên các trường đại học trong thời đại số”
(Sóng trẻ) - Chiều 26/2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo khoa học: “Cơ hội việc làm của sinh viên các trường đại học trong thời đại số”. Hội thảo đã thu nhận được nhiều bài tham luận, ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, giảng viên, sinh viên.
Hội thảo “Cơ hội việc làm của sinh viên các trường đại học trong thời đại số” có sự góp mặt của TS. Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng; PGS, TS. Trần Thanh Giang - Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công; PGS, TS. Lưu Văn Quảng - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS. Nguyễn Thuý Hà - Trưởng ban Quản lý Khoa học; PGS, TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa - Trưởng khoa Chính trị học; PGS, TS. Trần Thị Hương - Trưởng khoa Xây dựng Đảng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS. Lưu Văn Quảng - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: “Hội thảo khoa học ‘Cơ hội việc làm của sinh viên các trường đại học trong thời đại số’ là một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường trong năm 2025”.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS, TS. Trần Thanh Giang - Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công nhận định rằng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp và chuyển đổi số, thị trường lao động đã có những thay đổi sâu sắc. “Công nghệ số không chỉ mở ra cơ hội mới mà còn đặt ra không ít thách thức cho sinh viên, đòi hỏi sinh viên phải có những kỹ năng liên quan đến công nghệ, khả năng sáng tạo, khả năng thích ứng cao”, PGS, TS Trần Thanh Giang cho hay.

Hội thảo đã nhận được gần 90 bài tham luận phản ánh sâu sắc tác động của chuyển đổi số đối với thị trường lao động. Các bài tham luận đặt ra những thách thức về cơ hội việc làm của sinh viên hiện nay cũng như các kỹ năng sinh viên cần có để thích ứng với thời đại số.
Bạn Nguyễn Thị Thu Trang (lớp Báo in K43) đại diện cho Viện Báo chí - Truyền thông đã trình bày bài tham luận “Những thách thức mà sinh viên gặp phải trong việc tìm kiếm việc làm trong thời đại số”. Tham luận nêu rõ những thách thức mà sinh viên gặp phải trong việc tìm kiếm việc làm như: yêu cầu đặt ra của nhà tuyển dụng, ảnh hưởng của mạng xã hội, xây dựng thương hiệu cá nhân đến cơ hội việc làm của sinh viên,…

Hội thảo tiếp tục lắng nghe tham luận của sinh viên Phạm Thanh Hằng (lớp Kinh tế chính trị K42) với chủ đề “Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ số đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện nay”. Thanh Hằng đã luận giải tầm quan trọng của việc cập nhật kiến thức, kỹ năng ứng dụng trong chuyển đổi số.
Tham luận đưa ra và phân tích thực trạng việc cập nhật kiến thức chuyển đổi số của sinh viên. Từ đó, Thanh Hằng đề xuất giải pháp để sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng và sinh viên toàn thành phố nói chung có thể cập nhật thêm những kiến thức mới về chuyển đổi số.

Tại hội thảo, sinh viên còn có cơ hội được trao đổi, lắng nghe các giải pháp, khuyến nghị từ các chuyên gia nghiên cứu, giảng viên về việc tiếp cận các cơ hội việc làm sau khi ra trường như: cải cách chương trình đào tạo; tăng cường liên kết giữa nhà trường với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo; đẩy mạnh các chương trình tư vấn nghề nghiệp; phát triển kỹ năng tự học;…
Tổng kết hội thảo, PGS, TS. Lưu Văn Quảng ghi nhận những đóng góp tích cực từ các chuyên gia, giảng viên, sinh viên. Những kết quả tại hội thảo sẽ cung cấp luận cứ khoa học quan trọng, hữu ích. Đây sẽ là căn cứ để lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Hành chính và Quản trị công có những định hướng, giải pháp đối với hoạt động đào tạo sinh viên đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại số.