Hoàng phi Nguyễn Thị Kim và Am Trinh Nghĩa
(Sóng trẻ) - Từ chỗ không theo chồng sang đất Bắc đến ẩn mình chờ đợi nơi cửa Phật rồi tự vẫn bằng thuốc độc sau khi đón lĩnh cữu của chồng, hoàng phi Nguyễn Thị Kim được lịch sử ghi nhận là bậc tiết hạnh, thủy chung và ở một khía cạnh nào đó còn là bất khuất.
Hoàng phi Nguyễn Thị Kim (1765 - 1804) quê ở tổng Tỳ Bà, nay là thôn Tỳ Điện, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.Từ nhỏ hoàng phi đã nổi tiếng là xinh đẹp, nết na; 17 tuổi bà được kén vào cung khuyết, làm vợ Lê Chiêu Thống; đến năm 1786 có thai và sinh thái tử. Năm 1789, sau khi Nguyễn Huệ đánh bại 29 vạn quân Thanh, Chiêu Thống cùng quân Thanh chạy sang Trung Quốc. Hoàng phi Nguyễn Thị Kim không chạy theo, bèn sống ẩn tích ở chùa Linh Quang thôn An Đà, tổng Đông Khê, huyện Hải An, tỉnh Kiến An, nay là phường Đằng Giang, Hải Phòng Tháng 8 năm 1804, di hài của vua Lê được đưa về cửa ải, hoàng phi sau khi lên đón di hài của vua Lê, khi hộ tống về đến Thăng Long thì đã uống thuốc độc tự tử. Ai nghe đều thương xót cho một hoàng phi tiết hạnh. Bà là nguồn cảm hứng của nhiều nhà văn, nhà thơ.
|
Lịch sử và tiểu thuyết có “gặp nhau”?
Hoàng phi Nguyễn Thị Kim được biểu dương với tấm lòng trong như ngọc, giữ trọng tiết tháo đã là điều không còn phải bàn cãi. Dẫu chồng là vua Lê Chiếu Thống “cõng rắn cắn gà nhà” thì bà vẫn là người vợ hiền, bậc nữ trung anh kiệt lưu danh muôn thuở, cũng có ý kiến cho rằng bà không chỉ là bậc hoàng phi tiết hạnh mà còn có công trong việc can ngăn vua Lê Chiêu Thống khi vị vua này có ý định cầu viện nhà Thanh.
Tác giả Nguyễn Duy Hợp – Phạm Thuận Thành trong Tiểu thuyết dã sử Hoàng phi Nguyễn Thị Kim có viết: “Hoàng phi Nguyễn Thị Kim biết việc liền đứng ra can gián. Mượn quân nại bang khác nào dâng nước cho người, nếu không cũng mang nợ truyền kiếp. Chi bằng chờ Bắc Bình Vương ra cứu giúp chả hơn ư. Nhà vua bèn dùng quy định nội cung không được can dự vào chính sự để lấn lướt khiến hoàng phi đành chịu làm thinh.”
Dẫu những lời khuyên đó bị Lê Chiêu Thống bỏ nài tai nhưng rõ ràng công lao và cách nhìn nhận của bà về thời cuộc là không thể phủ nhận. Thế nhưng, do tài liệu còn ít ỏi nên công lao này của bà vẫn chưa được lịch sử hay người dân ghi nhận một cách cụ thể. Ông Nguyễn Văn Khai (trưởng họ Nguyễn Văn, hậu duệ của hoàng phi) cũng cho rằng: “Cụ không chỉ tiết hạnh mà còn có công trong việc khuyên can vua Lê Chiêu Thống, tuy nhiên điều này ít người biết đến”.
Am Trinh Nghĩa: Nơi thờ hoàng phi tiết hạnh
Am Trinh Nghĩa tại thôn Tì Điện, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh là nơi thờ hoàng phi Nguyễn Thị Kim từ thời Gia Long đến nay. Hiện nay Am còn giữ được hai tấm bia, một tấm bia ở hậu cung có trang trí hoa văn rồng mây chạm trổ tinh xảo. Phần trán bia có khắc chữ “chỉ tử”. Phần giữa trán và thân bia có dòng chữ “Gia Long tam niên thập nguyệt”. Phần thân bia có hàng chữ chạy dọc chính giữa “An trinh tuẫn nghĩa môn” và hàng chữ lạc khoản bên cạnh “Thuận An phủ Lương Tài tri huyện Nguyễn Đăng Sĩ phụng kiến”. Một tấm vốn đặt ở gốc duối cổ thụ, nhưng đầu năm nay cây duối này đã chết ghi những người đứng ra làm lại am và dựng bia và một số thông tin khác.


Tấm bia ghi tên những người đứng ra dựng am năm 1851
Am Trinh Nghĩa hiện nay được hậu duệ của hoàng phi xây dựng vào năm 2000, tuy nhiên do điều kiện kinh phí và vật tư thời đó nên hiện nay Am đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt khác do chưa có sự hợp tác giữa chính quyền và dòng họ Nguyễn Văn (hậu duệ hoàng phi) nên công tác giới thiệu còn kém, thân thế hoàng phi và Am Trinh Nghĩa còn ít người biết đến mặc dù vẫn được ghi chép đầy đủ ở các cuốn sách giới thiệu về huyện Lương Tài và tỉnh Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Am Trinh Nghĩa xuống cấp
Ông Nguyễn Văn Khai tâm sự, hiện nay đã có dự án với kinh phí 10 tỷ đồng để xây dựng nơi thờ hoàng phi Nguyễn Thị Kim tại thôn Tỳ Điện, nhưng có lẽ phải một thời gian nữa dự án mới được triển khai.
Bài và ảnh: Quang Đức
Cùng chuyên mục
Bình luận