Học sinh cuối cấp 3 “chạy nước rút” ôn thi xuyên lễ
(Sóng trẻ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày (từ ngày 30/4 đến hết ngày 4/5). Đứng trước áp lực thi cử, nhiều học sinh cuối cấp vẫn lựa chọn ôn luyện xuyên lễ.
"Cày đề” xuyên kỳ nghỉ lễ
Lịch thi khảo sát và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được tổ chức “sát nút”, ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Do đó, nhiều sĩ tử 12 lựa chọn tận dụng quãng thời gian này để củng cố kiến thức, chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi quan trọng diễn ra vào tháng 6.
Với Nguyễn Ngọc Anh (lớp 12A6, trường THPT Hoàng Cầu, Hà Nội), kỳ nghỉ lễ năm nay không phải chỉ là thời gian nghỉ ngơi, mà là cơ hội “vàng” để tăng tốc cho kỳ thi mang tính bước ngoặt. Tranh thủ 5 ngày nghỉ lễ, Ngọc Anh đã xây dựng kế hoạch ôn tập chi tiết, bao gồm việc hệ thống lại kiến thức ở các môn học trọng tâm và rèn luyện các dạng bài thường gặp.
Theo nữ sinh này, đây là giai đoạn then chốt để tạo ra bước bứt phá đối với các sĩ tử đang nỗ lực cải thiện điểm số, bởi việc luyện tập thường xuyên với các dạng bài sẽ giúp củng cố kiến thức và nâng cao kỹ năng làm bài. Chia sẻ về phương pháp học tập của mình, Ngọc Anh cho biết: “Em và bạn thường xuyên học nhóm cùng các bạn qua Google Meet. Qua đó, chúng em sẽ cùng nhau ôn lại những kiến thức ‘lõi’ để tối đa hóa điểm cũng như luyện tập thêm một số dạng bài nâng cao”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được tổ chức theo định hướng mới của Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018. Sự thay đổi này khiến không ít học sinh cảm thấy lo lắng, đặc biệt khi đây là năm đầu tiên áp dụng cấu trúc đề thi mới.
Chia sẻ về tâm lý trước kỳ thi, Ngọc Anh bày tỏ: “Dù không tránh khỏi lo lắng vì học sinh sinh năm 2007 là ‘lứa’ đầu tiên tiếp cận với cấu trúc đề mới. Tuy nhiên, vì đã được các thầy cô đã ôn luyện theo chương trình mới cũng như chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi này trong khoảng thời gian dài nên em cảm thấy không quá áp lực”.
Cùng chung mục tiêu tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn tập, Nguyễn Hồng Ân (học sinh lớp 12 chuyên Văn, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cũng quyết định “gác” lại kế hoạch đi chơi cùng gia đình để tập trung cho kỳ thi trước mắt. Hồng Ân cho biết: “Sau kỳ nghỉ, em sẽ bước vào kỳ thi khảo sát tại trường vào ngày 12 và 13/5. Vì vậy, em muốn dành nhiều thời gian hơn để ôn luyện nghiêm túc cho cột mốc quan trọng này”.

Trước thềm kỳ thi quan trọng, Hồng Ân cho biết bản thân đã xác định cần dành nhiều thời gian hơn cho việc ôn tập với hy vọng đạt được kết quả tương xứng với nỗ lực đã bỏ ra. “Tuy nhiên, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, em và gia đình dự định sẽ thực hiện một chuyến đi du lịch ‘xả hơi’ để bù đắp khoảng thời gian ôn thi căng thẳng”, Hồng Ân tâm sự.
Cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi
Không chọn cách ôn luyện quá sức, Phạm Thu Huyền (học sinh lớp 12A2, Trường THPT Hồng Thái, Hà Nội) cho rằng kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 là cơ hội quý giá để tái tạo năng lượng sau chuỗi ngày ôn tập căng thẳng. Thu Huyền đã xây dựng một thời gian biểu cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi, nhằm đảm bảo hiệu suất ôn luyện mà không bị quá tải tinh thần.

“Em thường kết thúc việc học trước 11 giờ hoặc 11 giờ 30 để ngủ đủ 6 - 7 tiếng mỗi đêm” Huyền chia sẻ. Bên cạnh đó, trong quá trình giải đề, nữ sinh cũng tận dụng những khoảng nghỉ ngắn trong ngày để thư giãn, giúp đầu óc tỉnh táo và duy trì sự tập trung.
Nhờ việc ôn luyện đều đặn từ trước, Huyền tự tin duy trì phong độ học tập ổn định và vẫn có thể dành thời gian ý nghĩa bên gia đình vào dịp lễ. Huyền cho biết: “Em nhận ra rằng việc ở bên người thân không chỉ giúp em thư giãn, mà còn tiếp thêm năng lượng để quay lại ôn thi hiệu quả hơn sau kỳ nghỉ”.
Theo cô Nguyễn Thùy Nên - giáo viên Hóa học tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ), không ít học sinh lớp 12 hiện đang rơi vào tình trạng “ôn thi độc hại” khi kỳ thi tốt nghiệp THPT cận kề. “Nhiều em đến lớp trong trạng thái mệt mỏi, thiếu tỉnh táo vì thức khuya tới 3 - 4 giờ sáng để học bài”, cô Thùy Nên cho biết.
Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, cô nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất trong giai đoạn nước rút không phải là học đến kiệt sức, mà là duy trì phong độ ổn định. Theo cô, việc lập kế hoạch ôn tập khoa học và phân bổ thời gian hợp lý sẽ giúp học sinh bảo đảm “sức bền” để về đích thành công trong kỳ thi sắp tới.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra trong hai ngày 26 - 27/6. Nhóm thí sinh tốt nghiệp lần đầu phải làm bốn bài thi, bắt buộc có Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, học sinh phải chọn thêm hai môn đã học ở trường (Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ) để làm bài thi tốt nghiệp. |