Học thuê, thi hộ - một trào lưu mới nở rộ
(Sóng trẻ) - Thị trường học hộ, thi thuê ngày càng nảy nở, phát triển rộng rãi ở khắp các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là các lớp tại chức, liên thông. Tuy nhiên, do việc tìm người thay mình vào lớp, thay mình làm bài kiểm tra quá dễ dàng thế nên cũng để lại những hệ lụy đáng tiếc đối với người “nhờ” và người “giúp”.
Học hộ, thi thuê dễ dàng chưa từng thấy
Đánh vào tâm lí của sinh viên là luôn muốn kiếm tiền, tăng thu nhập để trang trải cuộc sống thiếu thốn, khó khăn của mình. Vì vậy dịch vụ “học thuê”, “thi hộ” đã lan truyền ra rộng rãi đặc biệt là trên các trang mạng xã hội để đáp ứng được nhu cầu đó. Chỉ cần gõ cụm từ “học hộ” thì ngay lập tức những kết quả tìm kiếm sẽ hiện ra, với một số trang tiêu biểu như : “Dịch vụ học hộ”, “ Hà Nội: học hộ"....
Rất dễ dàng tìm những trang web cung cấp nhu cầu này của sinh viên
Thông thường, chỉ khi có việc bận đột xuất trùng với lịch học thì mới thuê người đi học hộ một, hai buổi nhưng cũng có trường hợp một buổi đi làm của họ có trị giá cao hơn gấp vài lần so với việc trả một buổi nhờ người đi học nên có người thuê luôn cả kì thậm chí cả khóa học để có thời gian cuối tuần bên gia đình, có nhiều thời gian tụ tập với bạn bè.
Thu Thủy, sinh viên Đại học Công đoàn, cho biết: “Mình được bạn cùng phòng rủ đi “học giúp” các chị lớn hơn mình dăm ba tuổi từ khi là sinh viên năm 2. Thường thì chỉ phải học từ 2 - 4 tiếng mà được trả từ 60.000 - 80.000 đồng, nhiều hôm phải làm bài kiểm tra trình nữa. Nhưng đi học mà chỉ cần ngồi nan, điểm danh lại có thêm thu nhập nên mình cũng đi. Tính ra đến bây giờ là cũng đi được hơn 1 năm rồi”.
Lan, sinh viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương chia sẻ: “Vào thời buổi kinh tế eo hẹp như hiện nay nhất là đối với sinh viên thì việc đi học hộ cũng đem lại nguồn thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống”.
Những chuyện “dở khóc, dở cười”
Mỗi công việc đều có những mặt trái của nó. Nếu bạn đi bán hàng hay đi phục vụ ở quán cafe, tính theo ca khoảng 6 - 8h thì mức lương mà bạn nhận được chỉ nằm trong khoảng từ 50.000 - 60.000/buổi. Trong khi đó đi học hộ, chỉ cần 2h đồng hồ bạn cũng có thể kiếm ra số tiền bằng đó thậm chí nhiều hơn nếu buổi học hôm đó có bài kiểm tra trình.
Tuy nhiên, việc chỉ biết nhau qua Facebook và số điện thoại dẫn tới tình trạng nhiều bạn sinh viên bị “lừa” mà nhiều người nhờ đi học cũng cay đắng không kém phần.
Vì trong một lớp học tại chức thường thì rất đông, sĩ số có thể lên tới 130 - 150 sinh viên cho nên việc thầy cô quản lí sinh viên chưa được chặt chẽ. Thầy cô thường chỉ nhớ mặt lớp trưởng, lớp phó vì hầu hết mỗi môn học chỉ học vào ngày 2 ngày thứ bảy, chủ nhật nên việc nhớ mặt sinh viên là vô cùng khó khăn. Ấy vậy mà nhiều người đi học hộ cũng gặp những trường hợp “dở khóc, dở cười”.
Dung, sinh viên Đại học Thương mại, bực bội phàn nàn: “Mình nhận đi học hộ cho một chị thông qua Facebook, học hết tháng gọi điện bảo chị ấy trả tiền thì không thấy trả lời, nhắn tin không trả lời rồi chặn luôn cả Facebook của mình nữa. Mất công, mất việc”.
Thu Trang, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng có một bài học “xương máu” khi nhờ người đi thi hộ. Bị thầy giáo phát hiện, cô bạn ngậm ngùi nhận giấy đình chỉ học trong nước mắt.
Học hộ, thi hộ đã trở thành một công việc làm thêm “phổ biến” đối với các bạn sinh viên hiện nay. Nó có thể mang tới những khoản thu nhập kha khá nhưng cũng mang tới những tình huống bi hài, những “tai nạn” không đáng có.
Thùy Linh
Báo mạng điện tử K31
Cùng chuyên mục
- Tư vấn tuyển sinh: Giới thiệu khoa Xã hội học
- Lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chúc mừng Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
- Hội thảo khoa học sinh viên “Vai trò sinh viên khoa Nhà nước và Pháp luật trong đấu tranh bảo vệ quyền con người ở Việt Nam”
Bình luận