Học viện Báo chí và Tuyên truyền – nơi tôi trưởng thành
Tôi đến với Phát thanh như thế!
Ngày 6 tháng 9 cách đây 3 năm, tôi - một cô gái 18 tuổi chính thức là một tân sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đó là ngày nhập học của tôi và cũng chính là lần đầu tiên tôi đặt chân bước qua cánh cổng Học viện. Lần đầu tiên. Đúng. Đây là lần đầu tiên. Tôi dự thi Đại học khối D nên không được thi tại Học viện mà được sắp xếp thi tại trường THCS Lê Quý Đôn. Từ tỉnh lẻ lên Thủ đô thi, không rành đường xá nên tôi cứ đi thi rồi về phòng trọ chứ cũng không biết đường đi thế nào để đến thăm ngôi trường mình mơ ước. Cho đến khi học gần hết kì học đầu tiên, tôi mới biết rằng quãng đường tôi không biết đó thực sự rất ngắn.
Trở lại một chút với tôi một vài tháng trước khi thi Đại học. Khi làm hồ sơ đăng kí thi đại học, tôi như con nai vàng ngơ ngác, đạp trên những giấc mơ. Tôi 18 tuổi. Tôi không có ai định hướng nghề nghiệp. Tôi cũng không biết mình thực sự muốn trở thành ai. Tôi cũng không có những người thân cho tôi sự đảm bảo rằng cứ học ngành này, trường kia là chắc chắn sẽ có việc làm. Tôi đã thực sự chơi vơi giữa biết bao ngành nghề, biết bao tên trường trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học 2014”. Có những ngành lần đầu tôi nghe tên, có những trường lần đầu tôi biết đến. Lật đi lật lại, xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần, tôi vẫn rất chơi vơi. Rồi tôi đặt bút chọn “Phát thanh”, đơn giản vì hồi đó tôi rất thích nghe radio. Tôi nộp đơn đăng ký mà không hề hỏi ý kiến gia đình vì với hoàn cảnh gia đình tôi thì sẽ chẳng có cái định hướng nào cụ thể cả. Đến khi tôi nói với bố mẹ tôi rằng tôi đăng ký thi “Phát thanh”, bố tôi chỉ im lặng không nói gì còn mẹ thì ngày nào cũng hỏi: học cái đó về sau làm gì, học nó về sau có chắc chắn có việc không? Chuỗi ngày tiếp theo của tôi là những câu chuyện về biết bao “tấm gương” học đại học xong ra trường thất nghiệp. Những câu chuyện được kể từ ông, từ bà, từ mẹ, từ chú, từ thím… Chỉ có bố tôi là vẫn im lặng. Một cô bé 18 đã bắt đầu nỗi ám ảnh mang tên “thất nghiệp” từ đây. Tôi đã có suy nghĩ sẽ đi làm một thời gian rồi sẽ thi Đại học sau. Và gần ngày thi, tôi quyết định bỏ thi. Tôi bỏ học tại lớp ôn thi Đại học. Tôi có đăng kí thi thêm cả khối A1. Đến ngày thi, tôi đã không đi. Gần đến ngày thi khối D, tôi đã quyết định đi thì vì bố tôi. Bố - người im lặng suốt thời gian qua chính là người đã động viên tôi hãy đi thi. Có lẽ bố hiểu những khó khăn tôi sẽ sớm phải đối mặt và bố cũng hiểu “tôi là con gái của bố”. Tôi đi thi với một tâm thế khá thoải mái chứ không hề áp lực gì nhiều. Và tôi đỗ với số điểm vừa đủ để trúng tuyển vào ngành tôi đăng ký – PHÁT THANH.
Đi tiếp hay dừng lại?
Sau khi nghe tôi thông báo kết quả thi, tôi cũng không thấy ai trong nhà nhắc đến “bài ca thất nghiệp” nữa. Mọi người chuẩn bị mọi thứ cho ngày nhập học của tôi. Bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra. Và tôi cũng nhập học bình thường như bao nhiêu người khác. À không, tôi giống một số người. Một số người giống tôi, đi nhập học một mình. Một số người khác được người thân đưa đi nhập học. Nhìn những bạn có bố mẹ đi cùng, lo lắng từ đồ ăn, nước uống đến giấy này, tờ nọ, cũng không rõ vì sao lúc đó tôi không hề thấy buồn. Hào hứng có lẽ là từ diễn tả đúng nhất cảm xúc của tôi ngày đầu tiên ở Học viện. Nhưng sự hào hứng ấy không kéo dài được bao lâu. Chỉ sau một tuần học đầu, tôi bỗng mờ ảo cảm thấy những gì gia đình tôi nói là đúng. Cái thế giới này quá khác với thế giới tôi từng sống suốt 18 năm qua. Một thế giới với quá nhiều điều mới mẻ, quá nhiều thách thức, quá nhiều chông gai. Nhưng rồi tôi nhận ra đã đến lúc tôi trưởng thành.
Thích nghe radio. Đăng ký thi Phát thanh. Nhưng tôi không hề có chút mường tượng nào trong đầu: Phát thanh là làm những gì, phát thanh cần gì, học phát thanh là học những gì? Tôi bắt đầu từ con số 0. Môn học đầu tiên liên quan đến chuyên ngành mà tôi được học là Nhập môn phát thanh. Từ đây, tôi đã chính thức bước vào thế giới của phát thanh. Những buổi học đầu tiên với tôi chính là những buổi “truyền cảm hứng”. Tôi hào hứng đón nhận những thứ thật mới mẻ với mình. Lần đầu, tôi biết thế nào là một kịch bản phát thanh và tự tay viết nó. Lần đầu, tôi thấy mình thực sự yêu và tự hào với nó. Nhưng rồi sự hào hứng dần dần thay bằng sự lo lắng. Tôi có quá nhiều thứ không biết, thiếu quá nhiều những thứ mà một người làm phát thanh cần có. Tôi – một đứa chuyên Hóa - Toán, nhảy cóc từ khối A sang khối D khi thời gian ôn thi Đại học không còn bao lâu. Nhảy cóc nhưng tôi vẫn đỗ Đại học, nhưng có điều nơi tôi lại đỗ cánh tại chính là Học viện thân yêu. Với cái ngành tôi đang học, khả năng viết là vô cùng quan trọng mà điều này với một đứa 11 năm chuyên khối Tự nhiên như tôi không dễ dàng gì. Không chỉ gặp vấn đề về viết, kiến thức về Xã hội mà điều luôn khiến tôi thiếu tự tin đến tân bây giờ là giọng nói. Chưa nhắc đến việc giọng có hay hay không mà để nói chuẩn đã là một khó khăn với tôi. Tôi vẫn nghĩ giọng mình ổn cho đến khi học phát thanh tôi mới biết rằng mình phát âm không chuẩn. Rồi còn cả những lo toan với cuộc sống tự lập khi xa nhà, biết bao thứ phải lo âu. Tôi nên dừng lại hay đi tiếp đây?
Tôi bước tiếp
Cứ ngỡ trước những khó khăn đó tôi sẽ dừng lại việc khám phá thế giới của phát thanh. Nhưng không, tôi vẫn cứ biết tiếp. Bước tiếp với một suy nghĩ đơn giản thôi: “Tôi đến với phát thanh là một cái duyên”. Và rồi tôi chỉ biết cố gắng, cố gắng và cố gắng mà thôi. Động lực lớn nhất để tôi cố gắng nhiều khi không phải chính tôi mà chính là gia đình. Tôi cũng không chắc do đâu, những người trong gia đình từng không ủng hộ lắm việc tôi thi Đại học lại thay đổi như vậy. Có lẽ vì đó chính là gia đình của tôi. Mọi người không nhắc gì về chuyện cũ cũng không tạo áp lực gì quá lớn cho tôi. Nói đúng hơn, chính tôi đang tự tạo áp lực cho mình. Mỗi lần về nhà hay qua những cuộc điện thoại luôn chỉ có những lời động viên cố gắng học tập, giữ gìn sức khỏe. Cũng không ít lần tôi dấu những giọt nước mắt khi nhìn mẹ chạy vạy vay người này người kia, nhìn bố bán cái này cái nọ để lấy tiền cho tôi mang đi. Bố lúc nào cũng chỉ nói rằng hãy cố gắng học, bố mẹ có thể lo được. Mẹ thì cứ học đi đã, học xong rồi tính tiếp. Tôi chỉ muốn nói tôi yêu gia đình tôi.
Để bản thân không rơi vào trạng thái chán nản, tôi cố gắng nhìn “dọc” và hạn chế việc nhìn “sang ngang”. Nếu nhìn ngang sang những người bạn bên cạnh quá nhiều thì tôi chỉ muốn bỏ cuộc thôi. Những người bạn ấy thật giỏi. Tôi chạy các bạn ấy cũng chạy, làm sao để tôi bắt kịp? Nhưng thực ra tôi đang đuổi theo cái gì? Và thế là tôi nhìn chính bản thân tôi. Tôi đã thay đổi, đã tốt lên như thế nào so với tôi trước đây. Với tôi, bản thân mình tiến bộ hơn chính mình đó chính là thành công. Học viện Báo chí và Tuyên truyền chính là nơi đã giúp tôi làm điều đó.
Tôi đang trưởng thành
Học tập trong một môi trường chủ yếu là những con chữ và viết là việc thường xuyên hàng ngày, chính tôi cũng không nhận ra khả năng viết của tôi đã tốt lên rất nhiều. Bạn bè trong lớp nhiều người nói tôi có thể hành văn không mượt mà nhưng có sự logic (cái này chắc là do ảnh hưởng từ tư duy học khối A lâu nay). Cô bạn thân cũng chính là cô bạn ngồi cạnh ba năm cấp 3 của tôi đã ngạc nhiên khi đọc bài viết của tôi. Cô nói rằng cô thực sự bất ngờ, tôi viết tốt lên rất nhiều và cô ấy nghĩ rằng tôi viết tốt lên là nhờ học tại trường Báo. Tôi thực sự vui khi nghe những điều này. Tôi vẫn nhớ câu nói của một chị khóa trên nói với tôi khi nghe tôi tâm sự: Đại học có thể không giúp em có một cái nghề nhưng ít ra em cũng học được cách làm người. Tôi nghĩ là tôi đã cảm nhận được điều chị nói qua những bài giảng của các thầy cô. Tôi đã trưởng thành từ những bài giảng đó.
Nhắc đến ngôi trường mình đang theo học, tôi luôn tự hào rằng trường tuy không rộng lắm nhưng khuôn viên vô cùng đẹp. Gặp bạn bè cũ là tôi sẽ luôn miệng: “Trường mình đẹp lắm”. Năm nhất với tôi trường đẹp đơn giản vì khuôn viên đẹp, cảnh vật đẹp. Còn khi đã trở thành cô sinh viên năm 3, với tôi, trường đẹp còn bởi “cái hồn” của nó, trường đẹp vì nơi đây có những thầy cô tôi vô cùng yêu mến và ngưỡng mộ, trường đẹp vì nơi đây có những người bạn tôi luôn trân trọng.
Địa điểm mà không thể không nhắc tới khi nói đến Học viện với tôi đó chính là Thư viện. Thư viện chính là nơi gắn bó với tôi suốt những năm tháng đầu tiên của quãng đời sinh viên. Đó là những ngày quen mặt trên thư viện để tìm tài liệu, để sử dụng máy tính làm tiểu luận. Năm nhất, thời gian ở thư viện của tôi còn nhiều hơn thời gian ở phòng trọ. Thư viện thân yêu chính là nơi giúp tôi vượt qua phần nào những khó khăn, chật vật mà một cô tân sinh viên phải đối mặt. Thư viện là nơi tôi cũng chả hiểu vô tình hay hữu ý tìm được những cuốn sách đầy tâm đắc, những câu chuyện tiếp thêm động lực cho bản thân. Tôi yêu cái thư viện nhỏ bé, xinh xắn kia lắm lắm.
Tôi là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Thời gian và cảm xúc là hai điều có sức mạnh thật kinh khủng. Chớp mắt vài cái thôi mà giờ tôi cũng đã là cô sinh viên năm 3. Quên là một việc đáng buồn. Tôi cũng quên mất nhiều chuyện rồi. Nếu nhớ được ta sẽ sống lại khoảnh khắc xưa kia thêm một lần nữa. Sống lại trong đầu mình ấy. Mà thật may là những khoảnh khắc tại Học viện vẫn luôn sống trong đầu tôi. Nhiều khi tôi vẫn vẩn vơ nghĩ: Tại sao một đứa nhút nhát, trầm tính như mình lại chọn phát thanh?; sao mà thời gian trôi qua nhanh quá vậy?; nếu được chọn lại, mình có còn chọn thi phát thanh?; liệu sau này mình có làm phát thanh, có làm báo không?.. Tôi cũng chẳng thể trả lời hết được những thắc mắc của chính mình. Nhưng tôi chắc chắn một điều tôi thích phát thanh, tôi yêu khoa Phát thanh –Truyền hình và tôi tự hào là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Phát thanh - niềm đam mê bất diệt (ảnh minh họa)
Nguyễn Thùy Linh
SĐT: 0975779169
Cùng chuyên mục
Bình luận