Hội thảo khoa học Quốc gia 2024: Chú trọng đào tạo nghiệp vụ báo chí số
(Sóng trẻ) - Chiều ngày 5/6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp cùng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Hội Nhà Báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” nhằm nâng cao công tác đào tạo báo chí - truyền thông trong tình hình mới.
Với chủ đề “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”, Hội thảo khoa học Quốc gia 2024 tổng kết, đánh giá thực trạng hoạt động báo chí - truyền thông trong thời gian qua. Đồng thời, hội thảo xác định mục tiêu phát triển và những yêu cầu đặt ra cho các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông trong thời gian tới.
Hội thảo do nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì. Sự kiện có sự tham của các đại biểu: bà Đoàn Thị Tuyết Nhung - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; ông Tống Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam và PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hội thảo còn có sự tham dự của các đại diện là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, phóng viên, nhà báo tới từ các cơ quan báo chí - truyền thông, các cơ sở giáo dục đào tạo lĩnh vực báo chí - truyền thông.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà còn là yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan báo chí - truyền thông”. Đồng thời, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà báo, phóng viên trong bối cảnh chuyển đổi số giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Thực hiện tốt hoạt động đào tạo báo chí - truyền thông sẽ cung cấp nguồn nhân lực am hiểu kiến thức kỹ năng số cho các cơ quan báo chí - truyền thông, từ đó đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.
Trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông tại Việt Nam hiện nay. “Các cơ sở đào tạo báo chí chủ lực cũng như các cơ sở đào tạo truyền thông dân lập, liên kết đào tạo quốc tế cần có sự đổi mới về tư duy dạy và học trong đào tạo đội ngũ báo chí - truyền thông thế hệ mới. Trong đó, cần chú trọng lồng ghép kỹ năng chuyển đổi số trong giảng dạy; xây dựng khung chương trình hợp lý, bài bản, thường xuyên được bổ sung theo hướng hiện đại”.
Sau thời gian tích cực chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 62 tham luận từ các đại biểu là lãnh đạo các cơ quan và cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cùng các nhà khoa học trên cả nước, với những góc nhìn phong phú, đa dạng. Các tham luận tại hội thảo tập trung vào những vấn đề then chốt trong việc đào tạo nghiệp vụ báo chí trong thời đại số hóa.
Các diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật chương trình giảng dạy để bắt kịp với những xu hướng công nghệ mới nhất, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, báo chí đa phương tiện và giải pháp xây dựng toà soạn hội tụ. Một số tham luận đề xuất việc tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo báo chí và các cơ quan truyền thông để sinh viên có cơ hội thực tập và tiếp cận với công nghệ thực tế. Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về những thách thức mà báo chí số đang đối mặt. Những giải pháp và kinh nghiệm từ các mô hình thành công trên thế giới đã được chia sẻ để tham khảo và áp dụng tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị khẳng định báo chí cần phải thay đổi để không tụt hậu trước xu thế hiện nay trong tham luận “Chuyển đổi số báo chí và vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí số”. “Chuyển đổi số báo chí nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng là hoạt động mới và khó, nhất là trong bối cảnh lĩnh vực báo chí - truyền thông luôn biến động không ngừng, đặt ra yêu cầu đào tạo nhà báo số không chỉ mạnh về kiến thức lý luận mà còn về kiến thức thực tế”, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi cho biết.
Bên cạnh đó, Hội thảo khoa học Quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” có sự tham gia phát biểu, đóng góp ý kiến từ đại biểu thuộc các cơ quan khác, mang đến nhiều giải pháp ấn tượng cho sự phát triển của báo chí - truyền thông trong thời gian tới.
Tại phần thảo luận của hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ quan điểm về cách tiếp cận công nghệ số của các cơ quan báo chí trong thời đại mới. Nhà báo Nguyễn Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam thể hiện quan điểm rằng báo chí không chỉ nên tham gia vào công nghệ số để đáp ứng nhu cầu xu thế đặt ra mà cần thật sự dấn thân để đi đường dài cùng công nghệ số, sử dụng công nghệ số như một công cụ hữu ích để thực hiện cách mạng báo chí trong tương lai.
Kết thúc hội thảo, PGS, TS Phạm Minh Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định tầm quan trọng của yếu tố con người trong tình hình mới: “Điều này đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để thích ứng với thời đại chuyển đổi số hiện nay, đặc biệt về tư duy, tầm nhìn, kiến thức, kỹ năng, thái độ của đội ngũ nhân lực”.
Hội thảo khoa học Quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” diễn ra thành công tốt đẹp, mang lại nhiều kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc cho công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí - truyền thông tại Việt Nam, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền báo chí cách mạng nước nhà.