Hồn Việt trong những chiếc mặt nạ giấy bồi

(Sóng trẻ) - Giữa nhịp sống náo nhiệt và xô bồ chốn Hà thành, vẫn có những người như vợ chồng bà Đặng Hương Lan và ông Nguyễn Văn Hoà bền bỉ và thầm lặng gìn giữ những giá trị cổ xưa qua nghề truyền thống, trở thành niềm tự hào của thành phố ngàn năm văn hiến.

Cái duyên, cái nghiệp với nghề 

Căn gác nhỏ nằm sâu trong ngõ trên phố Hàng Than (Hoàn Kiếm, Hà Nội) của vợ chồng nghệ nhân Đặng Hương Lan và Nguyễn Văn Hòa dường như lúc nào cũng nhộn nhịp và tất bật. Ngôi nhà vẻn vẹn 30m2 thành nơi chứa đầy những chiếc mặt nạ đặc biệt với những màu sắc sặc sỡ, lớn nhỏ gần 30 chiếc khuôn khác nhau.

Dù đã ở độ tuổi 70 nhưng đều đặn mỗi sáng, hai vợ chồng nghệ nhân lại tranh thủ dậy từ sớm để hoàn thiện các mặt nạ giấy bồi, rồi chiều đến lại kéo chiếc xe nhỏ chở đầy ắp những sản phẩm thủ công độc đáo ra bày bán trên con phố Hàng Lược quen thuộc. 

Qua sự tỉ mỉ và đôi bàn tay khéo léo, những chiếc mặt nạ giấy bồi với nhiều hình dáng khác nhau được hoàn thiện, mang đầy tâm huyết và tình cảm đặc biệt mà vợ chồng nghệ nhân gửi gắm.

1-1.png
Những chiếc mặt nạ với nhiều kiểu dáng khác nhau dưới đôi tay tài hoa của vợ chồng nghệ nhân. (Ảnh: Phương Chi)

 

Về cơ duyên với nghề làm mặt nạ giấy bồi, bà Đặng Hương Lan chia sẻ đây là nghề gia truyền của gia đình. Từ khi còn nhỏ bà đã được bố mẹ hướng dẫn cách làm một chiếc mặt nạ. Tiếp xúc suốt thời thơ ấu, ngọn lửa đam mê với nghề truyền thống cứ lớn dần trong lòng bà Lan. 

Đến khi bà Lan lấy chồng, thấy ông Hòa là người khéo léo lại cẩn thận, cha bà đã truyền lại nghề cho vợ chồng bà Lan. Sau này ngoài công việc chính, hai vợ chồng làm thêm mặt nạ giấy bồi không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn với mong muốn bảo tồn và phát huy nghề làm mặt nạ mà ông cha để lại. Suốt hơn 44 năm kiên trì với nghề giữa nhịp sống thay đổi không ngừng của Thủ đô và bao biến động của thời cuộc, gia đình bà là những nghệ nhân phố cổ cuối cùng gìn giữ và duy trì nghề làm mặt nạ cổ truyền của dân tộc.

Theo nghệ nhân chia sẻ, để tạo ra một chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ và nhiều chi tiết. Về phần nguyên liệu, ông bà sử dụng giấy a4, bìa carton và giấy học sinh tái lại - những chất liệu thân thiện với môi trường. Bột hồ để làm mặt nạ được làm từ bột sắn củ pha với nước lã, tạo nên lớp hồ hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất. Nhiều du khách nước ngoài khi đến xem và trải nghiệm còn tò mò nếm thử bột hồ khi nấu, khen vị nhạt và có mùi thơm. 

Quy trình làm mặt nạ bắt đầu với lớp giấy a4 được quét hồ, tiếp đó bồi lên khuôn. Lớp thứ hai là bìa carton, lớp cuối cùng là giấy học sinh tái chế. Khi đã hoàn tất công đoạn bồi giấy thô, phần viền được gấp lại rồi gỡ ra khỏi khuôn để đem phơi khô ngoài trời. Mặt nạ phải được phơi khô tự nhiên chứ không dùng phương pháp sấy để tránh biến dạng. Trong một năm, gia đình nghệ nhân dành khoảng 8 tháng để làm phần cốt trắng, và 3 tháng còn lại để vẽ và sơn hoàn thiện.

Công đoạn cuối cùng là tô màu cho mặt nạ. Từng lớp sơn được cẩn thận phủ lên bề mặt, chờ khô rồi mới tiếp tục lớp sơn tiếp theo. Để mặt nạ trở nên mềm mại, sinh động và có hồn, ông bà phải chau chuốt trong từng đường nét.

2-1.png
Nghệ nhân cho biết để hoàn thành một chiếc mặt nạ đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. (Ảnh: Phương Chi)

 

Bà Lan chia sẻ, thời gian hoàn thành một chiếc mặt nạ tùy thuộc vào độ phức tạp của từng khuôn. Những khuôn có nhiều chi tiết lồi lõm, ngõ ngách sẽ khó làm hơn. Chẳng hạn như mặt nạ hình con trâu, con hổ hay chú Tễu sẽ cần khoảng 30 phút để hoàn thiện, các hình dáng khác như mặt Thị nở sẽ mất khoảng 20 đến 25 phút. 

Khi được hỏi về chiếc mặt nạ bà Lan luôn dành một cảm xúc đặc biệt nhất, bà chia sẻ: “Tôi rất thích mặt nạ hình con trâu bởi nó mang nhiều ý nghĩa. Con trâu là đầu cơ nghiệp của người nông dân mình xưa kia, trong thời kỳ máy móc và công nghệ chưa phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Tự cổ chí kim, con trâu đi trước cái cày đi sau, đó là trợ thủ đắc lực giúp nông dân cấy cày, sản xuất ra thóc gạo”. 

Cái tâm tạo nên cái “hồn” cho tác phẩm

Theo nghệ nhân, tất cả những chiếc mặt nạ đều hoàn toàn làm thủ công bằng tay từ khâu nặn và tạo khuôn, bồi giấy, tô vẽ tạo hình dáng cho mặt nạ. “Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu. Phải thật sự yêu nghề và kiên trì thì mới làm được”, bà Lan nhấn mạnh. Chính vì vậy, nghề làm mặt nạ như một phần không thể tách rời trong cuộc sống của vợ chồng bà, một cái duyên, một cái nghiệp đã gắn bó suốt 44 năm.

Không giống với những sản phẩm trôi nổi trên thị trường, Mặt nạ do gia đình bà Lan sản xuất luôn có độ nhẵn, mịn và phẳng của giấy hay rõ hình lồi lõm, góc cạnh, đường nét vẽ cũng rõ ràng chi tiết. Chẳng hạn sống mũi phải cao, phối màu và pha màu phải tươi tắn, nhìn thấy có hồn”, bà Lan bật mí.

Cũng theo bà, để tạo ra chiếc mặt nạ thì ai cũng làm được, nhưng để mặt nạ dân gian mang cái “hồn” riêng và trở thành một tác phẩm nghệ thuật thật sự thì phải có bí kíp gia truyền được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

3-1.png
Bí kíp gia truyền chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho những chiếc mặt nạ của bà Lan so với các sản phẩm khác trên thị trường. (Ảnh: Phương Chi)

 

Nhà bà lớn nhỏ gần 30 chiếc khuôn khác nhau như mặt nạ hình trâu, ngựa, sư tử hay Thị nở, chú Tễu, Thỏ ngọc - những nhân vật mang đậm hồn Việt, văn hoá Việt. “Mặt nạ của nhà tôi được Unesco nhận xét là “mặt nạ xưa”, không giống của một ai, rất hoang sơ và hoang xưa”, bà cho hay.

Miệt mài gìn giữ hồn cốt dân tộc

Suốt 44 năm với một tâm niệm luôn thường trực: “Còn khỏe là còn làm”. Theo nghệ nhân, những nét đẹp, những nghề thủ công mà ông cha để lại, những gì thuộc về bản sắc văn hóa của dân tộc ta phải có trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn và phát huy, không để chúng bị lãng quên theo năm tháng.

Ở thời buổi hiện nay, khi hàng loạt đồ chơi mới, mặt nạ hiện đại mới xuất hiện nhưng với tâm thế lạc quan, bà tin rằng mặt nạ truyền thống của dân tộc vẫn có một chỗ đứng, một vị trí nhất định. Bởi đây không chỉ là những món đồ chơi “vô tri vô giác”, mà là những sản phẩm mang thông điệp văn hóa cũng như trách nhiệm và lương tâm của người nghệ nhân, không hề cẩu thả hay nhoè nhoẹt, không chạy theo số lượng hay thị trường. 

Nay dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng nghệ nhân vẫn luôn cháy bỏng ngọn lửa đam mê như những ngày đầu. “Cứ mỗi khi dịp Trung thu đến tôi lại cảm thấy rất tự hào và phấn khởi, vì mình như có cơ hội được ôn lại tuổi thơ qua những chiếc mặt nạ. Dù tay chân làm liên tục để kịp mang ra phố bày bán nhưng tôi chưa bao giờ thấy mệt”, bà Lan chia sẻ.

Nghệ nhân cho hay, vài năm trở lại đây, nhà trường cũng chú trọng hơn trong việc cho con trẻ tiếp cận với văn hóa truyền thống. Chẳng hạn như mặt quốc trắng được đưa vào môn Mỹ thuật để các cháu có cơ hội tiếp xúc với văn hóa dân tộc. Các bậc phụ huynh cũng muốn mua cho con trẻ những món đồ chơi truyền thống, để các con biết sản phẩm dân gian được làm như thế nào, và để biết được bàn tay nghệ nhân làm kỳ công ra sao.

Bà nói thêm, không chỉ các thế hệ con cháu Việt Nam mình biết tới, mà những khách quốc tế cũng tìm đến để xem và trải nghiệm, họ rất thích và am hiểu làng nghề thủ công của nước mình: “Nhiều du khách nước ngoài còn tự tra bản đồ tìm đến nhà tôi để mua mặt nạ về làm kỷ niệm. Nhiều người cũng bày tỏ rằng họ đi du lịch rất nhiều nơi nhưng thấy riêng Việt Nam là gìn giữ, làm sống lại những nghề thủ công cũ mà cha ông để lại nên họ thật sự thích thú”.

Đối với những người làm nghề truyền thống như bà Lan, mỗi khi có ai đó tìm về học nghề, bà lại thấy như lóe lên tia hy vọng, nhìn thấy tương lai của nghề sẽ không thể bị mai một. Bà Lan nói: “Có bạn hiện là giám đốc một làng nghề đã theo học ở đây gần 20 năm nay. Nếu sau này nếu vợ chồng tôi không còn khả năng tiếp tục công việc, tôi sẽ truyền lại nghề cho bạn đó, và bạn sẽ là người tiếp tục trao truyền cho các thế hệ thanh niên tiếp theo để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống này”.

5-1.png

Bà Lan cùng những “đứa con tinh thần” của mình. (Ảnh: Phương Chi)

Gần 45 năm gắn bó, cái nghề như trở thành “máu thịt” của vợ chồng bà Lan. Sau cùng, sự nhiệt thành và lòng yêu văn hóa dân gian từ khách trong nước và ngoài nước chính là nguồn động lực to lớn để những nghệ nhân như bà Lan, ông Hòa miệt mài trên hành trình giữ gìn và bảo tồn giá trị nghề cổ truyền của dân tộc.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN