Hữu hình hóa văn chương – đánh thức niềm đam mê
(Sóng trẻ) – Ngày nay, học sinh đang ngày càng quay lưng với môn Ngữ Văn khi mà ai cũng có tư tưởng coi trọng các môn tự nhiên và nại ngữ. Vậy làm thế nào để đưa học sinh hứng thú trở về “cuộc chơi” bộ môn Văn một cách hăng say hơn?
Ngữ Văn là một bộ môn quan trọng trong đạo học. Văn chương giúp đời sống tinh thần của con người thêm phong phú, giúp ta ứng xử lịch sự, văn minh hơn. Việc học Văn luôn có ý nghĩa quan trọng. Nhất là trong trường học, nó giúp con người nhận thức được cái hay, cái đẹp chuẩn mực trong cuộc sống. Vì văn học là những tinh hoa văn hoá nhân loại, lưu truyền những gì tốt đẹp của con người qua các thời đại. Văn chương dẫn chúng ta vào một thế giới mà sự cho đi không đòi hỏi sự đáp lại. Văn chương chân chính dù ở bất kì thời đại nào cũng đều đề cao tình yêu thương, lòng nhân ái, sự văn minh. Giúp hướng con người đến những nhận thức, cư xử, hành động đẹp, chuẩn mực. Không những thế văn chương còn giúp trau dồi vốn từ, giữ gìn và sáng tạo Tiếng Việt thêm ngày một phong phú và phá cách.
Thế nhưng ngày nay, khi bước vào thế kỉ XXI - thế kỉ của khoa học, công nghệ, thời kì 4.0 hiện đại vị trí của môn Văn trong các trường học đang bị suy giảm. Nhiều phụ huynh học sinh thích chạy theo những môn học thời thượng như các môn tự nhiên: Toán, Lí, Hóa và môn xã hội Anh, Tin học mà không thích con mình học môn Văn. Vì theo tư tưởng của nhiều người cho rằng trong thời đại công nghệ số, các quốc gia, dân tộc đang cố gắng phát triển để hội nhập với toàn thế giới thì việc học văn không còn cần thiết nữa. Trước những tư tưởng, định hướng đấy, khiến rất nhiều học sinh đang có xu hướng học lệch khối, thậm chí là bỏ luôn môn Ngữ văn.
Đây là một thực trạng đáng buồn và cần khắc phục. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất thế của môn Ngữ văn là do phương pháp giải dạy của nhiều giáo viên. Trước thực trạng đó, việc sáng tạo ra những phương pháp truyền đạt mới thú vị, hấp dẫn là điều rất cần thiết.
Học sinh say sưa vẽ tranh trong tiết học văn
Cô Phạm Thị Hằng – Giáo viên bộ môn Ngữ Văn trường THPT Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An)là một trong những giáo viên đã và đang tìm ra những phương pháp dạy học mới và hiệu quả. Trong các tiết văn của cô, bên cạnh giảng dạy cho học sinh theo cách truyền thống mà nhiều nhà giáo khác thường dạy thì cô còn tìm ra những phương pháp mới nhằm thu hút, khơi gợi niềm đam mê văn chương trong học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Không đơn thuần là cô dạy, trò học mà trong các tiết văn, cô luôn cho học sinh mình chủ động trong chính những tiết học. Bằng phương pháp vẽ tranh về bài thơ, đóng kịch với các tác phẩm truyện, hay đánh đàn các bài thơ được phổ nhạc đã tạo nên một hiệu ứng rất tốt trong đông đảo học sinh.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến cô áp dụng những cách dạy mới lạ này, cô Hằng cho biết: “Có nhiều lí do khiến tôi, thay đổi phương pháp dạy. Trước hết là theo chủ trương đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ Văn từ trên Sở giáo dục và đào tạo nhằm phát huy tính tích cực của học sinh trong việc tiếp nhận kiến thức. Vì vậy giáo viên không thể truyền thụ kiến thức một chiều với cách dạy, đọc và chép. Hơn nữa môn ngữ văn có tính đặc thù riêng, vừa dạy các tác phẩm nghệ thuật nhưng vừa phải giúp học sinh đồng sáng tác với tác giả bằng sự liên tưởng, tưởng tượng của mình, bằng cách cảm nhận riêng của các em. Mục đích dạy học bộ môn này không phải là dạy kĩ thuật sáng tác thơ ca mà dạy cách cảm, cách nhìn nhận cuộc sống, cách ứng xử chuẩn mực trong xã hội, tình yêu thiên nhiên, con người, quê hương,...nên không cần phân tích quá nhiều đến các yếu tố nghệ thuật hay kĩ năng sáng tác thơ văn. Mặt khác học sinh bây giờ không còn hứng thú nhiều với môn ngữ văn nên đòi hỏi giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy mới nhằm khơi gợi hứng thú, tính tò mò và ham học của học sinh.”
Chính nhờ bằng phương pháp tưởng như rất đơn giản ấy mà cô Hằng đã đưa được các học sinh vào “cuộc chơi” một cách đích thực. Các học sinh thay vì nhàm chán hay áp lực mỗi khi đến tiết Văn thì giờ lại rất thoải mái, hứng thú và chủ động học.
Môn Ngữ Văn chưa bao giờ là hết quan trọng trong giảng đường. Vì vậy việc thay đổi phương pháp dạy để thu hút, tạo sự hứng thú ở học sinh với bộ môn là điều rất quan trọng.
Những bức tranh cảm nhận tác phẩm đáng yêu của học sinh
“Bình thường có một số học sinh không đọc văn bản, không soạn bài trước khi lên lớp nên khi giáo viên giảng các học sinh đều không hiểu, không nhớ hay không có ấn tượng gì sâu sắc. Nhưng khi yêu cầu các em đóng kịch, cảm thụ tác phẩm rồi vẽ tranh hay chuyển thành bài hát thì giờ học thay đổi rất nhiều. Các em buộc phải đọc văn bản, liên tưởng, tưởng tượng, phải đặt mình vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm mới có thể vẽ được những bức tranh đẹp, hoàn thành được vở kịch hay còn gọi là đồng sáng tác với tác giả. Hơn nữa học sinh ngày nay rất năng động, có năng khiếu âm nhạc, hội họa...vì thế các em rất hứng thú học theo phương pháp này. Tuy nhiên cái đạt được ở những giờ học này là các em đã đọc và cảm nhận văn bản, có những trải nghiệm mới mẻ. Đó chính là thành công của những người làm nhà giáo như tôi” – cô Hằng chia sẻ thêm.
Thương Nguyễn
Cùng chuyên mục
Bình luận