Khát khao tài chính, giới trẻ ‘rót’ hết tiền vào chứng khoán
(Sóng trẻ) - Chứng khoán là một hình thức đầu tư phổ biến hiện nay nhưng không phải ai cũng phù hợp, nhất là với những người trẻ nóng vội, tham vọng nhưng lại không có kiến thức và chưa có sự tìm hiểu kỹ lưỡng. Nhiều người đã bị ảnh hưởng, hao hụt cả về tâm lý, tinh thần lẫn vật chất do sự lên xuống không thể kiểm soát của bảng giá chứng khoán - nơi thể hiện tất cả thông tin liên quan đến giá và các giao dịch cổ phiếu của thị trường chứng khoán.
Từ khi còn là sinh viên, rất nhiều bạn trẻ đã luôn có khát khao tự do tài chính. Công việc ổn định và mức lương trung bình của người mới ra trường không thỏa mãn được nhu cầu chi tiêu, nhiều bạn trẻ đã quyết định đầu tư chứng khoán mặc dù chưa có nhiều hiểu biết về lĩnh vực này.
Mua và bán theo lời “phím” của người khác
Với suy nghĩ “Để tự do tài chính, đồng tiền phải sinh lời”, Thanh Phương (tên nhân vật đã được thay đổi) – cựu sinh viên Học viện Ngân hàng đã “rót” hết tiền vào chứng khoán.
“Nói tới đầu tư, mọi người thường nhắc tới chứng khoán hay bất động sản. Nhưng tôi chưa có vốn để đầu tư bất động sản nên quyết định ‘rót’ tiền vào chứng khoán. Khi mới mở tài khoản, tôi chưa có kiến thức, chỉ hiểu mua giá thấp và bán giá cao. Những ngày đầu tôi thường nghe mọi người “phím”, bảo mua thì tôi mua, bảo bán thì tôi bán, cũng không hiểu tại sao cổ phiếu tăng giảm. Ngay lần đầu, tôi đã mua 400 cổ phiếu và ngay lập tức lãi gấp đôi. Thế mà chỉ sau vài ngày, giá đột ngột giảm làm tôi hoang mang muốn bán ngay, nhưng sau đó tôi mới biết không phải muốn mua là mua, bán là bán.” Thanh Phương chia sẻ.
Khi mới đầu tư, Thanh Phương cũng như đa số các bạn trẻ khác đều cảm thấy kiếm tiền thật dễ, rất nhiều người đã thành công khi giá trị cổ phiếu tăng gấp nhiều lần. Ước mơ “làm giàu không khó” ngày càng khiến Thanh Phương bị mê hoặc, cô dồn hết tiền tiết kiệm nhờ việc đi làm thêm suốt 4 năm đại học cộng với việc nhịn ăn, nhịn mặc đầu tư vào chứng khoán.
Sau vài lần thua lỗ vì "hăng máu xuống tiền tất tay” theo sự chỉ dẫn của người khác, Phương chủ động tìm hiểu kiến thức, nghe các bài chia sẻ, phân tích chứng khoán trên mạng để hiểu thêm. Nhưng vì quá bận rộn với công việc chính là làm Ngân hàng của mình, nên Phương vẫn “mắt nhắm mắt mở” chi tiền vào niềm tin của những người bạn cùng đầu tư chứng khoán.
Phương chia sẻ: “Dù biết rằng, để đầu tư thành công thì phải có kiến thức thì mới hạn chế được rủi ro, đồng thời gia tăng lợi nhuận, tuyệt đối không được hùa theo đám đông.” Nhưng vốn ít, kiến thức lại không có, Thanh Phương đã chuyển sang đầu tư chứng khoán theo dạng mua chung. Những người chơi khi ấy sẽ sẽ mua cùng một mã, chấp nhận ‘lãi to’ hoặc ‘mất chung’.
Đã có rất nhiều người trẻ đầu tư chứng khoán nhưng không tìm hiểu thị trường, giá cổ phiếu tăng thì không muốn bán ngay, còn khi giá giảm lại không dám chịu thua lỗ. Kiến thức hạn hẹp cộng với lòng tham đã dẫn tới việc “mất càng thêm mất”. Nhóm của Thanh Phương cũng vậy, dù đã đề ra nguyên tắc, giá cổ phiếu cứ tăng 15-20% là "chốt lời". Nhưng khi giá giảm, Phương và những người bạn của mình lại không dám "cắt lỗ", lòng tham chi phối sự sợ hãi đã khiến vốn ban đầu hao hụt rất nhiều.
Vay mượn thế chấp để “gỡ gạc” lại vốn đã mất
Đối với giới trẻ, đặc biệt là sinh viên - những người chưa có nhiều kiến thức về chứng khoán thì chỉ nên đầu tư với mục đích lấy kinh nghiệm, tìm hiểu thị trường và học hỏi thêm những điều mới mẻ. Nhiều người trẻ xác định lời lãi hay thua lỗ không quan trọng, họ coi đầu tư chứng khoán chỉ giống như việc bỏ ra một số tiền nhỏ làm học phí cho những khoản đầu tư lớn hơn trong tương lai. Bởi vậy, họ luôn có tâm lý vững vàng và quyết định đúng đắn hơn. Tuy vậy, cũng có rất nhiều người hoang mang, mất phong độ khi mã cổ phiếu có dấu hiệu giảm, thua lỗ thì mong muốn gỡ lại được vốn nên đã vướng phải nợ nần vì vay mượn, cầm cố, thế chấp tài sản.
Nhớ lại khoảng thời gian trước, Mai Ngọc (tên nhân vật đã được thay đổi) 25 tuổi đến từ Yên Bái chia sẻ đầy tiếc nuối: “Người ta có câu “thua keo này ta bày keo khác” chính vì thế càng mất tôi lại càng muốn gỡ. Ban đầu tôi đầu tư ít, sau dần nhiều hơn cho tới khi hết sạch tiền thì tôi bắt đầu vay mượn để "gỡ gạc". Khi thị trường có 100 mã nhưng chỉ có 1 mã lãi, tôi lại nhìn 1 mã đó với sự nuối tiếc, thay vì nhìn vào tỷ lệ 1% lãi. Tôi luôn tin rằng, chỉ cần vài lần lãi 90% thôi là có thể thu hồi được vốn. Chính vì thế tôi dần sa đà vào vay mượn, thế chấp tài sản.
Mãi tới giờ, khi đã mất hơn 100 triệu đồng cùng chiếc xe SH mới mua, tôi mới nhận ra một điều rằng, khi vay mượn để đầu tư, mình sẽ kỳ vọng mức sinh lời cao hơn so với việc tự bỏ tiền. Tiếp theo, vì không phải tiền của mình nên khi giá cổ phiếu sụt giảm thì tâm lý sẽ bị lung lay, dẫn tới việc vội vàng bán tháo, dần dần sẽ hao vốn. Vì thế, theo tôi, các bạn nên dành dụm và dùng chính đồng tiền của mình để đầu tư, chứ đừng vay mượn.”
Nói về việc giới trẻ đầu tư chứng khoán không nghiên cứu, tìm hiểu, anh Mai Đức Tâm, chuyên viên tư vấn đầu tư chứng khoán tại Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt chia sẻ: “Thời điểm đầu tham gia thị trường chứng khoán, tôi nghĩ các bạn nên bỏ vào một số vốn nhỏ, nhỏ hơn 10 triệu là ổn. Mục đích là để học hỏi, cảm nhận và nắm được cách thị trường vận hành. Song song với đó, các bạn nên tìm hiểu và học hỏi thêm về phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật, vì kiến thức sẽ theo các bạn cả một chặng đường dài chứ không phải chộp giật.”
Anh Tâm chia sẻ thêm: “Sau khoảng 2 năm làm quen thì các bạn trẻ sẽ hiểu biết và vững vàng hơn với việc đầu tư chứng khoán, lúc đó mới nên gia tăng dần số vốn đầu tư theo khối lượng kiến thức đã tích lũy được. Tránh tư duy theo hướng được ăn cả ngã về không.”
Cuộc sống có giới hạn về thời gian, vì thế các bạn trẻ không nên để nỗi lo về tiền bạc ám ảnh, đặc biệt càng không được để các màu tím, xanh, đỏ trên bảng giá chứng khoán làm gia tăng thêm áp lực. Tuổi trẻ luôn phải tham vọng, nhưng hãy tỉnh táo và đừng để lòng tham của mình chi phối mọi thứ. Yêu việc kiếm tiền là đúng nhưng phải có phương pháp đầu tư phù hợp.