Khi phụ nữ làm tình báo

(Sóng trẻ) - Một người phụ nữ đến với ngành điện ảnh từ rất sớm, là nữ chủ nhiệm phim đầu tiên của Việt Nam. Một nữ chiến sĩ tình báo trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Cống hiến hết mình cho cách mạng, bị bắt, bị đày đi tù khổ sai. Nhưng người phụ nữ ấy vẫn hiên ngang, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả hạnh phúc của bản thân để một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng.

Khí phách của một nữ Việt Cộng

Hoàng Thúy Lan  sinh năm 1925, nguyên là Việt kiều. Bà sinh ra trong một gia đình trí thức ở Phrôm Pênh, Campuchia. Quê gốc ở Vĩnh Long. Khi hoạt động tình báo, bà phải mang nhiều tên khác nhau, phải phân thân nhập vào vỏ bọc chính xác từng ly. Bà sử dụng nhiều biệt danh như Huỳnh Thúy Minh, Tuyết... Nhưng tên thật của bà ít ai biết tới là Nguyễn Thị Panlette Quới. 

b8db3bf48_tl.jpg

Chân dung bà Hoàng Thúy Lan ngày trẻ

Từ ngày 23/09/1945, bà đã tham gia hội Phụ nữ Tiền phong tỉnh Vĩnh Long, công tác ở thị xã Vĩnh Long, tại khu 7 và Sài Gòn. Để đi hoạt động, vợ chồng bà đã phải gửi đứa con gái duy nhất sang Phnôm Pênh cho vợ chồng người em gái nuôi dạy. Mãi đến năm 1954, bà mới đón con gái về miền Nam để gia đình cùng đi tập kết ra Bắc. Tháng 10/1949, bà chính thức được kết nạp vào Đảng. Tháng 2/1955, trong đoàn quân tập kết tới cảng Hải Phòng, có gia đình bà Hoàng Thúy Lan.

Đến năm 1965, bà được chuyển sang cơ quan khác và ít thấy bà xuất hiện tại Hà Nội. Đây cũng chính là mốc thời gian đánh dấu bà bước vào con đường tình báo. Cuộc sống tù đày nơi biên ải của bà cũng chính thức bắt đầu từ đây...

Tết Mậu Thân năm 68, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân, toàn dân ta mở chiến dịch Xuân 68 – đồng loạt tiến công nổi dậy khắp miền Nam Việt Nam. Chiến dịch diễn ra khốc liệt. Ta và địch giành nhau từng tấc đất, mảnh vườn, cọng cỏ. Giữa làn bom đạn ấy, các chiến sĩ tình báo của ta đã nhạy bén khai thác, nắm bắt tình hình. Trong đó có bà Hoàng Thúy Lan đã được khen thưởng nhờ có nhiều đóng góp quan trọng. 

Nhưng cực chẳng may, cơ sở bị lộ, bà bị bắt vì có kẻ phản bội chỉ điểm. Tuy nhiên trước khi bị bắt, bằng linh cảm và trực giác nhạy bén của một người làm tình báo, bà đã kịp tiêu hủy hết tài liệu. Theo lời ông Nguyễn Đình Hiệp – người em ruột thân thiết của bà kể lại: “Chúng bắt bà lúc 5 giờ sáng, với lý do mời bà lên đồn vì có người khiếu kiện bà giật hụi”.

Tòa án chính quyền Sài Gòn kết tội bà phản nghịch với bản án 20 năm khổ sai cộng với 20 năm biệt xứ. Chúng đưa bà đi khắp các nhà tù. Trong đó có “chuồng cọp Côn Đảo” –  địa ngục trần gian, nơi mà mỗi khi nhắc đến cả dân tộc đều thấy khiếp sợ và đau đớn vô cùng.

Nơi lao ải ấy, bà bị thẩm vấn, tra tấn, đánh đập dã man. Bao nhiêu người đã nằm xuống nơi đây vì sự “khát máu” của kẻ thù. Trong lần trở lại thăm nhà tù Côn Đảo năm 2009, dáng người gầy gò, nhỏ bé của bà đã đi lại những con đường mà kẻ địch đã từng kéo lê bà đi. Tay bà mân mê lại từng phiến đá, nhớ về những ngày tháng cùng đồng đội như bà Nguyễn Thị Đỏ, Võ Thị Thắng, Đỗ Thị Lợi... đồng cam cộng khổ, san sẻ nhau từng miếng thịt chuột sống rồi ăn với cháo.

b8db3bf48_tl2.jpg

Bà Hoàng Thúy Lan trong chuyến thăm lại nhà tù Côn Đảo – nơi bà từng bị giam giữ

Chịu mọi ngón đòn hành hạ, tra tấn đến phát điên, sinh bệnh và có thể chết dần chết mòn trong “chuồng cọp” là thế, nhưng khi nhắc đến Đảng, nhắc đến cách mạng, đôi mắt bà lại mở tròn to, gương mặt cương quyết mà khẳng định: “Tôi là Đảng viên! Mà cho dù không phải là Đảng viên, tôi vẫn tin và làm theo lời Bác Hồ. Đã tin là tin đến cùng! Chỉ chọn một con đường là trung với nước. Vậy thôi!”

Bà Hoàng Thúy Lan cũng là tiêu biểu cho phong trào chống chào cờ trong tù.

Khi gặp lại bà Thúy Lan trong khoảng sân trước Dinh Độc lập, cùng ôn lại kỷ niệm một thời gian khó ấy, bà Võ Thị Thắng vẫn nhớ như in tinh thần chống chào cờ của các chị em phụ nữ: “Tôi rất là tự hào vì tập thể phụ nữ chúng tôi. Những người phụ nữ Việt Nam chiến đấu rất kiên cường, dũng cảm. Trước mặt kẻ thù, chúng tôi vẫn rất hiên ngang, vẫn nhìn thẳng vào mặt kẻ thù mà nói chứ không bao giờ cúi mặt. Chúng bắt chào cờ chúng tôi không chào. Vì chúng tôi đã nói cái lá cờ của các ông là cái miếng rẻ rách, chúng tôi không chào miếng rẻ rách. Cái miếng rẻ rách đó nó đại diện cho chế độ của các ông, mà chúng tôi lại đang chống chế độ của các ông”. Bà Hoàng Thúy Lan từng bị cai ngục gọi ra và nói: “Nếu chịu ra chào cờ sẽ cho nhận thư của gia đình”. Và tất nhiên, bà kiên quyết từ chối. Cho đến sau này bà mới hay, bức thư đó là báo tin mẹ mình mất. 

Ít ai ngờ rằng, những người phụ nữ bé nhỏ, trước đòn vọt của kẻ thù vẫn luôn giữ vững khí phách và một niềm tin mãnh liệt “Về tương lai, ngày quê hương màu xanh áo mới/ Chứa chan niềm tin, đường ta đi xanh thắm mộng đời”. Chính đức tin ấy đã giúp bà trở thành người chiến thắng trong cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch.

Ngày bà trở về theo Hiệp định Paris về trao trả tù binh bên sông Thạch Hãn, các bạn bè, đồng chí, người thân của bà không kìm nổi nước mắt. Đó là những giọt nước mắt của sự mừng vui vì bà đã thoát khỏi “chuồng cọp Côn Đảo”. Nhưng đó cũng là giọt nước mắt của sự đau sót khi nhìn thấy người phụ nữ từng là “tuyệt thế giai nhân”, nay phải nằm trên chiếc băng ca, thân hình gầy gò, chỉ còn da bọc xương, đôi chân bị liệt”.

Người phụ nữ ấy – bà Hoàng Thúy Lan chính là nạn nhân của chiến tranh. Người phụ nữ ấy chính là đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam với 12 chữ vàng: “Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như Bác Hồ đã từng nói.

“Chuyện lạ” trong lá thư gửi chồng

Cuộc đời bà Hoàng Thúy Lan – nữ chiến sĩ tình báo được đưa từ Hà Nội vào hoạt động trong nội đô Sài Gòn đã gây xúc động đối với nhiều người, nhất là đối với những nhà làm phim. 

Khi làm bộ phim “Người phụ nữ Việt Nam ấy, bà là ai?”, đạo diễn Phạm Việt Tùng cùng cả ekip đã phải rất vất vả. Bà Thúy Lan cực kỳ ngại tiếp xúc với báo chí, truyền thông. Vì theo bà “tôi đã chịu đau rồi thì còn để người khác chịu đau làm gì nữa”. Những nỗi đau đớn nơi ngục tù bà đã từng trải, bà không muốn khơi dậy để những người khác cũng phải đau đớn, xót thương. Bà luôn coi mình chỉ là một hạt cát bé nhỏ bên bờ biển.

af8112199_tl3.png

Đạo diễn Phạm Việt Tùng kể lại những kỷ niệm khi làm bộ phim tài liệu về bà Hoàng Thúy Lan

Bộ phim được hoàn thành, nhớ lại câu chuyện cách đây đã ngót chục năm, đạo diễn Phạm Việt Tùng vẫn luôn bày tỏ sự quý trọng, khâm phục đối với người phụ nữ có thân hình bé nhỏ nhưng mang tinh thần lớn ấy. 

Khi được hỏi về điều nào làm ông ấn tượng nhất trong suốt thời gian làm bộ phim, NSUT Phạm Việt Tùng thẳng thắn: “Bà Hoàng Thúy Lan làm tình báo. Công việc tình báo đã khó khăn, nguy hiểm, mà nay còn là một người phụ nữ làm. Những người làm tình báo thường phải rất bí mật về sơ yếu lý lịch, không được để lộ thân phận. Vì thế khi muốn tìm các tư liệu về cuộc đời hoạt động của bà, chúng tôi phải vào Tổng cục 2, Quân đội Nhân dân Việt Nam – cơ quan trước đây quản lý bà. Chúng tôi chỉ được đọc tài liệu, không được chụp, không được sao chép. Và khi đọc được một mẩu giấy, tôi rất cảm động, mến phục phẩm chất của một người phụ nữ Việt Nam điển hình. Đó là bức thư bà Thúy Lan viết cho ông Chánh – chồng bà với nội dung là đồng ý cho ông Chánh đi lấy vợ khác. Bức thư viết tay trước lúc bà đi B. Vì bà biết rõ: ra đi không biết có ngày về!”.

Nội dung bức thư trong chiến tranh của người phụ nữ viết cho chồng, không phải hỏi thăm sức khỏe chồng hay gửi niềm nhớ thương nơi chiến tuyến, mà là sự hy sinh cao cả của một người phụ nữ, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc bản thân mình để theo cách mạng. Thử hỏi, trong cuộc sống hiện tại, có người phụ nữ nào làm được điều đó chăng?

Hôm nay, bà đã về với cõi hư vô cực lạc khi vừa kịp đón nhận huân chương 65 năm tuổi Đảng. Câu chuyện bí ẩn về cuộc đời bà giờ chỉ còn lại qua những thước phim như “Người phụ nữ Việt Nam ấy, bà là ai?” hay “Mối tình đầu” do cố NSND Hải Ninh làm đạo diễn. Nhưng những cống hiến và một phần cuộc đời thầm lặng, đầy sóng gió và hy sinh mất mát của những người làm tình báo như bà mãi được các thế hệ sau như chúng tôi ghi nhớ và biết ơn.

Thùy Trang


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN